Chuyên mục lưu trữ: Featured

Featured posts

Động Prai, thác nước Tà Puồng, tiềm năng hứa hẹn

Sau chuyến khảo sát hang động Prai tại bản A Xóc, xã biên giới Hướng Lập, Hướng Hóa (Quảng Trị) vào tháng 9/2015 của đoàn công tác UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, đầu tháng 1/2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức chuyến khảo sát động Prai và khu vực liền kề với sự tham gia của các chuyên gia hang động Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, Công ty Oxalis.

Từ những kết quả đánh giá ban đầu cho thấy khu vực khảo sát có tiềm năng phát triển du lịch hấp dẫn, thích hợp với các loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm, kết hợp đi bộ băng rừng, lội suối, khám phá hang động.

dong-prai-quang-tri

Đoàn chuyên gia hang động tiến hành khảo sát hang động Prai – Ảnh: HỒ VĂN HOAN

Từ cầu Sê-bang-hiêng đi bộ dọc theo bờ sông, mất khoảng 20 phút lên đến cửa động Prai (động khô), đoàn khảo sát vừa vào sâu bên trong, vừa tiến hành đo chiều dài của động, ước khoảng 900 – 1.000 m. Theo quan sát của các chuyên gia, đoạn từ 500 m trở vào trong, nhiều chỗ lòng hang hẹp, trần hang rất thấp, phải bò, trườn mới qua được, sau đó nhiều đoạn mở rộng ra vừa phải, thạch nhũ ít, nhìn thấy dấu ngấn nước ngập trần hang. Cửa động có dạng hình tam giác, bên trong là những khối thạch nhũ đồ sộ với nhiều màu sắc như vàng, trắng, cam…khắc họa những hình thù độc đáo, hấp dẫn. Với điều kiện địa hình và vẻ đẹp hấp dẫn như vậy, động Prai thích hợp cho việc tổ chức các đoàn tham quan nhỏ, du lịch đi bộ mạo hiểm, khám phá trong khoảng thời gian từ 2-3 giờ đồng hồ. Du khách cũng có thể tham quan các thác nước, khu vực rừng lân cận.

Xuất phát từ đồn Cù Bai, đoàn theo đường Hồ Chí Minh đi khoảng 3 km đến thôn Tà Puồng, xã Hướng Việt, dọc theo đường mòn và suối khoảng 20 phút tới động ướt (động Tà Puồng). Động ướt có trần cao, lòng rộng, một bên là dòng sông ngầm chảy ra, một bên cát bồi thành bãi rộng. Đi bộ được chừng 200 m, các thành viên trong đoàn khảo sát phải bơi dọc theo sông để vào sâu. Càng vào sâu bên trong, lòng hang hẹp lại, đến đoạn cuối gặp một khe nhỏ, trần hang hạ xuống không thể vượt qua.

Tính từ điểm cuối này đo được tổng chiều dài động ướt khoảng 300-400 m với đặc điểm ngập nước vào mùa mưa lớn. Ở động ướt khối lượng thạch nhũ ít hơn nhưng thiên nhiên ưu ái kiến tạo nên nhiều hình thù rất đặc sắc, độc đáo. Với động ướt, đoàn chuyên gia đánh giá rằng có thể phục vụ khách tham quan ưa loại hình du lịch mạo hiểm, khám phá và bắt buộc phải có thiết bị an toàn như dây, áo phao và chỉ thích hợp để đến vào mùa khô, ít nước.

Khu vực thôn Tà Puồng có ba thác nước nằm liền kề nhau, cách động Tà Puồng khoảng 1km. Đoàn đã tiến hành khảo sát thác 2 (thác nước thứ 2 tính từ hạ nguồn). Các chuyên gia nhận định đây là thác nước lớn nhất ở Việt Nam mà họ từng thấy, chiều cao đo được ước khoảng 30 – 35 m. Trong số những địa điểm khảo sát, các chuyên gia nước ngoài đặc biệt ấn tượng và đánh giá cao vẻ đẹp cũng như sự hấp dẫn của thác nước này, cho rằng đây là địa điểm rất thích hợp để triển khai loại hình du lịch thám hiểm, để du khách trải nghiệm cảm giác được tắm, nhảy từ độ cao 5 m. Thác nước 1 đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Danh thắng khảo sát trước đó, thác có chiều cao thấp hơn, khoảng 10 m, có nhiều chỗ nước sâu tạo thành chỗ tắm cho du khách.

Ông Howard Limbert, Trưởng đoàn Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh nhận xét: “Đây là khu vực có nhiều hang động và thác nước hấp dẫn, độc đáo, có khả năng đầu tư phát triển du lịch. Trước mắt tỉnh Quảng Trị cần có phương án bảo vệ, bảo tồn các hang động, thác nước quý giá này. Tỉnh Quảng Trị cũng nên có quy hoạch cụ thể về chiến lược phát triển du lịch tại khu vực này, lấy Khe Sanh làm trung tâm, hoặc lấy xã Hướng Lập làm trung tâm”. Sau đợt khảo sát, các chuyên gia tiếp tục hoàn thiện kết quả cụ thể chi tiết, xây dựng mô hình hang động, các hình ảnh để hoàn thành báo cáo.

Ngoài đánh giá sơ bộ tiềm năng du lịch của động Prai, động Tà Puồng và thác nước Tà Puồng, có một số gợi ý về tour du lịch có thể được tổ chức như tour Đông Hà – Khe Sanh -Prai với thời gian 2 ngày 1 đêm, hoặc nối tour từ Phong Nha vào Prai – Khe Sanh (cắm trại, mắc võng ngủ lại khu vực gần suối 1,2 hoặc tạo điểm cắm trại). Nếu được đưa vào khai thác, chắc chắn điểm du lịch hang động Prai, thác nước Tà Puồng thuộc địa phận huyện Hướng Hóa sẽ là những điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.

[nguon]Nguồn: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=99&modid=488&ItemID=106281[/nguon]

Béng sắn Quảng Trị

banh-san-dac-san-quang-tri

( Các bạn không phải người Quảng Trị cần tra từ điển nha…chúc các bạn vui..khi hiểu biết thêm về đặc sản và ngôn ngữ địa phương Quảng Trị)

Dù đã đi khắp mọi miền đất nước
Nỏ nơi mô dư ở quê mềng
Lời mạ dặn vẫn dớ dư in
Sèm béng sắn …dớ về quê con hí

Quê mềng…nghèo… nên cấy chi cũng quý
Béng sắn quê mềng cả đẻo cả cay
Dớ ngày xưa canh buổi giêng hai
Mần chi có… chỉ ăn toàn “lộ đấy”*

Bựa ni sướng nên mài bằng máy
Chớ ngày xưa …mài mỏi cả tay
Rồi lọc rồi ngâm…nác mấy lần thay
Bột mới trắng ăn mới ngon mới khoái

Ba bây đặt tên béng ni : “Phiền toái”
Mạ nghĩ hoài cũng đúng bây ơi
Bỏ lên soong lọoc bột cho sôi
Vớt ra trẹt dồi…chết cha cố nội

Nói hộn hào …ông bà đừng bắt tội
Trốc cúi, tay chưn như đứa đi cày
Tôm thịt tiêu hành thêm ớt thiệt cay
Rắc ngò ném phi hành thơm phức

Nỏ biết khi mần sướng hay là cực
Rau sống, nác lèo con chắm cha chan
Nhìn bây ăn lòng mạ hân hoan
Lại tủi tủi …thương bay trong nớ…

Bựa ni sướng chổ mô cũng có
Nhưng nỏ nơi mô như Quảng trị con ơi
Béng quê mềng đậm vị mặn mồ hôi
Nên cay đắng ngọt bùi…chung thủy…

 

TG: Bình Trần