Lưu trữ cho từ khóa: bat bop bat bop

Cây ớt cổ truyền

Không biết từ đời nào để lại cho nhà tôi cây ớt. Năm mô mùa nấy cây vẫn ra hoa kết quả trĩu cành. Cả làng ăn không hết, hái quả phải bắc thang 12 nấc mới hái được.

Chim chốc trên rừng kéo nhau về từng đàn, từng lũ. Chúng ăn no rồi ngủ lại trên cây. Phân chim thải ra từng đống nên khi làm dưa đỏ tôi chỉ việc lấy phân chim để làm, cho nên dưa đỏ của tôi rất đặc biệt. Lũ quạ thích lắm hay đến ăn trộm chui vào quả dưa làm tôi bắt bọp mỏi cả tay.

cay-ot-co-truyen-trang-vinh-hoangMột hôm, có mấy ông thầy từ bên Tàu đi ngang qua nhà, mấy ông thấy cây ớt lạ của tôi, ngữa cổ lên nhìn đến sái cổ mà không biết. Các ông vào nhà rồi cứ ậm ự, đe đe, trỏ trỏ, không biết chuyện gì xảy ra. Tôi nhìn mấy ông thấy ông mô ông nấy cổ cứ nghênh ra, tôi chắc là mấy ông bị sái cổ rồi. Tôi mới gọi vợ tôi làm cơm đãi khách và dặn món nước chấm phải cho nhiều ớt tươi.

Vợ tôi lĩnh ý, liền bỏ ớt vào cối giã, mới giã được mấy chày lốc cốc thì ở trong này mấy ông đã ho hen sặc sụa, nước mắt mước mũi chảy ra túa lúa, rồi một trận hắt xì túi bụi không sao ngừng được. Một lúc sau tôi mới nói với vợ: “Thôi, thôi, mụ đừng có đâm xót nữa, mấy chú mấy bác đây chịu không nổi cả rồi”. Vợ tôi ngừng hẵn, một lúc lâu sau mấy ông khách mặt mày mới tươi tỉnh lại. Tỏ vẻ vui mừng, họ bảo “hết sái cổ rồi, tài thiệt, tài thiệt”, rồi chuyện trò rối rít không thôi.

Thế rồi trời cũng luồng gió bẻ măng, trận bão năm đó cây ớt trĩu quả đổ kềnh ra, tôi kêu thợ Nam Hà về cưa xẻ cả tháng liền mà chưa xong.

Đoạn gốc cưa được hai cặp săng ấm, còn lại làm được 3 xác nhà Rường. Cành ngọn đổ xuống la liệt nhiều vô kể. Bên kiểm lâm không rõ tình hình kéo đến đòi lập biên bản, nói cha con tôi vi phạm Lâm luật khai thác gỗ trái phép.

Tôi nói “Nhà tôi chẳng vi phạm Lâm luật gì cả, mấy chú nhòm cho rõ, đây là cây ớt của nhà tôi thì chúng tôi có quyền cưa xẻ, không tin mấy chú cứ kiểm tra”. Rứa là họ xông vô kiểm tra, mới ngồi xuống để xem xét thì nước mắt, nước mũi trào ra, ho hen rồi hắt xì túi bụi, không sao ngừng lại được. Khi đó họ mới chịu dang ra rồi xin lỗi cả nhà tôi, đi về không tính đến chuyện lập biên bản nữa chớ.

Trần Hữu Chư

Bắt bọp, bắt bọp

Bữa ấy trời đổ cơn giông, khí trời mát mẻ ngoài đôộng dưa lại vắng người, lúc này lũ quạ chắc là nhiều lắm, để rủ nhau vào ăn dưa đỏ. Tôi ở nhà nóng ruột quá liền vác cuốc ra đôộng dưa coi thử. Ra đến nơi tôi thấy bốn bề đều vắng lặng, chẳng thấy bóng dáng một con quạ nào. Tôi đang mừng trong bụng là lũ quạ chẳng có phá phách gì.

bat-bop-bat-bop

Tôi đi quanh trạng để xem thì thấy hơi lạ: có một quả dưa mà lá ủ bay đi đâu hết mà nằm chềnh ềnh như con trâu giữa trạng thế này? lại có một lỗ đỏ toéc hoéc ra nữa, rồi lại có cái gì như đuôi con quạ thập thò trong đó? Tôi bò lại gần, quả nhiên có con quạ đã chui vào trong quả dưa.

Tôi lấy tay bít lấy lỗ thủng, bỗng nghe thấy trong quả dưa có tiếng đập loạn xạ. Quả dưa phập phồng như muốn bay lên, tôi kịp đè lại nhưng đã để hở lỗ thủng trên quả dưa ra. Con quạ từ trong quả dưa thấy sơ hở nên định đường chui ra, tôi nhanh tay bắt được và bọp chết rồi quăng ra đó. Tiếp theo là một con nữa rồi hai con, ba con…và cứ tiếp tục. Tôi cứ bắt bọp, bắt bọp đến mỏi cả hai tay.

Tôi tưởng rứa đã hết nên thả tay ra, định thở lấy hơi thì bất thình lình quạ từ trong quả dưa bay ra, làm cho tôi trốc ngã. Mệt quá tôi không buồn đứng dậy mà bắt bọp nữa, ngồi bài xoai dưới đất ngửa mặt lên trời, trong quả dưa quạ bay ra túi, trời, túi đất không biết mấy con mà kể. Ngồi lại sức, tôi mới ngồi đếm quạ chết, được chi cả là: chớn…chớn… con. Số bay ra không biết bao nhiêu mà kể.

Hữu Chư.