Lưu trữ cho từ khóa: dac san

Béng sắn Quảng Trị

banh-san-dac-san-quang-tri

( Các bạn không phải người Quảng Trị cần tra từ điển nha…chúc các bạn vui..khi hiểu biết thêm về đặc sản và ngôn ngữ địa phương Quảng Trị)

Dù đã đi khắp mọi miền đất nước
Nỏ nơi mô dư ở quê mềng
Lời mạ dặn vẫn dớ dư in
Sèm béng sắn …dớ về quê con hí

Quê mềng…nghèo… nên cấy chi cũng quý
Béng sắn quê mềng cả đẻo cả cay
Dớ ngày xưa canh buổi giêng hai
Mần chi có… chỉ ăn toàn “lộ đấy”*

Bựa ni sướng nên mài bằng máy
Chớ ngày xưa …mài mỏi cả tay
Rồi lọc rồi ngâm…nác mấy lần thay
Bột mới trắng ăn mới ngon mới khoái

Ba bây đặt tên béng ni : “Phiền toái”
Mạ nghĩ hoài cũng đúng bây ơi
Bỏ lên soong lọoc bột cho sôi
Vớt ra trẹt dồi…chết cha cố nội

Nói hộn hào …ông bà đừng bắt tội
Trốc cúi, tay chưn như đứa đi cày
Tôm thịt tiêu hành thêm ớt thiệt cay
Rắc ngò ném phi hành thơm phức

Nỏ biết khi mần sướng hay là cực
Rau sống, nác lèo con chắm cha chan
Nhìn bây ăn lòng mạ hân hoan
Lại tủi tủi …thương bay trong nớ…

Bựa ni sướng chổ mô cũng có
Nhưng nỏ nơi mô như Quảng trị con ơi
Béng quê mềng đậm vị mặn mồ hôi
Nên cay đắng ngọt bùi…chung thủy…

 

TG: Bình Trần

Những sản vật đem lại bạc tỷ ở vùng Cùa

Vùng Cùa còn gọi khu vực Tân Sở, gồm 2 xã Cam Chính, Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Cách đây gần 130 năm, vùng Cùa được vua Hàm Nghi chọn xây dựng thành Tân Sở làm nơi kháng chiến chống giặc Pháp đô hộ. Ngày nay, vùng Cùa nổi tiếng trong và ngoài nước, bởi những sản vật thơm ngon đặc biệt của nó…

Vùng Cùa nằm trên một vùng gò đồi lẫn bình nguyên rộng lớn về phía Tây Nam huyện Cam Lộ, với khoảng hơn 3.000 ha đất tự nhiên. Từ xa xưa, người dân đã biết tận dụng lợi thế nguồn đất đỏ bazan màu mỡ, trồng các loại cây gắn bó hằng ngày với đời sống con người và có giá trị kinh tế cao, như tiêu, nghệ, mít, chè xanh. Trải qua bao biến cố của lịch sử, người dân vùng Cùa vẫn giữ gìn, phát triển chúng. Ngày nay, những sản vật này ở Cùa đã có mặt khắp nơi trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Hùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Chính, cho hay: “Nhiều năm nay, Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị đã tập trung thu mua hạt tiêu ở Cùa, phối hợp với bà con nông dân xây dựng thương hiệu cho hạt tiêu này. Năm 2013, hạt tiêu Cùa đã chính thức được công nhận đạt chuẩn quốc tế. Bây giờ, hạt tiêu Cùa đã vào các siêu thị trên cả nước”.

tinh-bot-nghe-vung-cua

Anh Đức đang làm giàu từ việc chế biến tinh bột nghệ Cùa.

Trong câu chuyện về đặc sản của một vùng quê miền trung du đất đỏ bazan, ông Đặng Đỗ Đạt, một nông dân ở xã Cam Nghĩa bấm đốt ngón tay, thong thả bảo: “Với người dân xứ Cùa, bát nước chè xanh không thể vắng mặt trong câu chuyện giao hảo mỗi sớm mai, trong mâm cỗ dâng cúng tổ tiên hay kể cả những tiệc tùng cưới hỏi”.

Đó cũng là minh chứng sinh động cho hình ảnh khắp thôn xóm ở Cùa, ai ai cũng trồng chè. Nhà trồng nhiều thì dăm bảy chục gốc, nhà ít thì chục gốc, có nhà còn dùng chè trồng thành tường rào xanh ngút…

Chia tay ông Đạt, tôi đến gặp anh Trần Minh Đức, ở thôn Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa. Anh Đức từng là giáo viên có thu nhập ổn định, nhưng rồi bỏ phố về quê để gắn bó với cây nghệ quê nhà. Hỏi duyên cớ, anh cười hiền, thổ lộ: “Tôi không thích hợp mấy với nghề dạy học, hơn nữa nhiều năm liền sống ở chốn thị thành, song trong tâm thức tôi không lúc nào rời xa được vùng đất rơm rạ ở quê. Vậy nên tôi quyết định trở về đây để lập nghiệp theo cách riêng của mình”.

Ngày ngày, trên khắp vùng Cùa đều thấy chàng trai trẻ – thạc sĩ ngành kinh tế Trần Minh Đức vào tận các hộ dân để thu mua củ nghệ tươi. Sản phẩm làm ra, anh đưa lên mạng, tìm nơi tiêu thụ. Đến bây giờ, khách hàng của anh đã có khắp trong nước, từ TP Hồ Chí Minh ra đến Hà Nội. Bình quân mỗi năm anh chế biến khoảng 40 tấn nghệ tươi, cứ mỗi tấn cho ra 70kg tinh bột nghệ. Với giá hiện tại dao động từ 500-700 ngàn/kg, trừ tiền nhân công, chi phí, mỗi tháng, anh thu lãi 30-40 triệu đồng…

[nguon]http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/San-vat-vung-Cua-379961/[/nguon]

Hương vị quê nhà: Đậm đà ốc biển

Bắt đầu từ tháng 5 cho đến tháng 8 hàng năm, khi nước ở rạn đá vùng biển thôn Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh, Quảng Trị) trở nên xanh trong hơn, cũng là lúc nhiều ngư dân trong thôn bắt đầu vào mùa lặn ốc biển. Những ai có dịp đến thôn Vịnh Mốc vào mùa này sẽ được người dân nơi đây hào phóng đãi khách món ốc thơm nồng hương vị biển khơi.

oc-qtri-9-12

Hơn 6 giờ sáng một ngày cuối tuần, ngư dân Nguyễn Phơi (thôn Vịnh Mốc) cùng tôi có mặt tại bãi biển. Với đồ nghề đơn giản gồm kính lặn, thanh sắt ngắn, túi lưới nhỏ, tôi cùng anh Phơi chờ thủy triều xuống thấp. Khi thủy triều xuống, anh Phơi bảo tôi ngồi trên bờ còn anh nhanh chóng bơi ra rạn đá để lặn ốc.

oc-qtri4-9-12

Theo anh Phơi, muốn bắt được ốc to và ngon thì phải chọn những rạn đá sâu khoảng 2m để lặn. Với ốc nón (loại ốc to hơn nắm tay), khi lặn xuống rạn đá, anh Phơi phải dùng thanh sắt để bẫy ốc từ khe đá ra. Còn các loại ốc khác như ốc bàn tay, ốc đá, ốc gai, ốc đắng, sò lông… thì chỉ cần lặn xuống lần tìm ở rạn đá sau đó nhặt cho vào túi lưới. Sau mấy tiếng đồng hồ lặn ngụp, anh Phơi mang túi lưới đựng ốc đã đầy lên bờ và cùng tôi về nhà anh.

oc-qtri3-9-12

Nhận túi lưới đựng ốc từ tay chồng, chị Thi (vợ anh Phơi) cho vào chậu nước ngọt để rửa sạch sau đó chị nhặt riêng ốc đá, ốc gai, ốc bàn tay. Số ốc còn lại, chị Thi cho vào nồi đã được lót một lớp lá sả, chanh rồi cho nước vào luộc. Chị Thi cho biết, để giữ được vị ngọt, giòn của ốc biển thì khi luộc phải cho ít nước và cho thêm chút muối. Khi nước đã sôi thì nhanh tay đảo đều ốc rồi chờ thêm khoảng 3 phút là nhấc nồi xuống cho ốc ra rổ. Ốc luộc thường ăn kèm với nước mắm gừng.

oc-qtri2-9-12

Với số ốc nhặt riêng, chị Thi làm món ốc nướng. Để làm món ốc nướng, chị Thi phải dùng dao đập một lổ vừa trên lưng con ốc, sau đó chị cho gia vị gồm hạt tiêu xanh, lá sả, hành, chanh băm nhỏ vào ruột ốc qua lổ vừa đập. Còn anh Phơi đều tay quạt bếp than hồng. Ốc được chị Thi cho lên bếp chỉ một lúc sau đã tỏa mùi thơm nồng của ruột ốc xen lẫn với mùi thơm của gia vị. Ăn món ốc nướng, người ăn không thể quên được vị ngọt, giòn của thịt ốc cùng với vị mặn, cay nồng của muối tiêu hòa nước cốt chanh cho thêm vài lát ớt của chén nước chấm.

oc-qtri1-9-12

Ngoài món ốc luộc, ốc nướng, chị em phụ nữ thôn Vịnh Mốc còn chế biến thêm nhiều món ăn hấp dẫn khác từ ốc biển như món gỏi ốc rau sống, ốc tái chanh, ốc hấp sả, ốc nướng mọi hoặc nướng mỡ hành…

Chỉ cần thưởng thức một lần là khó mà quên được khi có dịp đến thôn Vịnh Mốc.