Lưu trữ cho từ khóa: gio linh

Gio Linh ơi!

Nếu đi dọc chiều dài đất nước
Qua cầu Hiền Lương bạn nhé dừng chân
Mây bồng bềnh dưới làn nước trong xanh
Cờ Tổ Quốc tung bay trong nắng

Đêm trăng nghe câu hò sâu lắng…
Mà một thời cay đắng nổi cắt chia
Dốc Miếu, Cồn Tiên…
… nay xanh mướt vườn chè
Cao su bạt ngàn Gio An, Hải Thái
“Tiếng trống trận” ngày xưa vang vọng mãi
Xoá đói nghèo con cháu tiếp cha anh

Qua Trung Sơn, non nước xanh xanh
Xanh đồng lúa xanh dòng kênh nhỏ
Xanh lũy tre xanh, xanh xanh đồng cỏ
Xanh khói lam chiều…
… thơm cơm tám nhà ai ..

Cửa Tùng… bờ cát trắng trải dài
Vi vu hàng dương hát mãi câu tình tứ
Sóng bạc đầu mà ngàn năm bất tử
Vẫn trẻ trung của tuổi hai mươi

Chiều Cửa Việt, lưu luyến mãi nụ cười
Em gái nhỏ tươi như hoa mời đón
Mực, tôm, cua, vẫn còn tươi rói
Mà ngà say trong gió biển chiều nay

Bỗng bồi hồi khoé mắt cay cay
Đứng lặng bên bao người đồng chí
Trường Sơn, nơi các anh yên nghỉ
Nặng tình Gio Linh nên chẳng muốn về

Tác Giả: Trần Bình

Dốc Miếu – Quảng Trị, căn cứ điểm quan trọng

Di tích lịch sử Dốc Miếu. Nằm phía Đông Quốc lộ 1A, căn cứ quân sự Dốc Miếu thuộc xã Gio Phong- Gio Linh, cách Cầu Hiền Lương chừng 7 km về phía nam. Dốc Miếu là đồi đất bazan nằm trong vùng địa hình 3 con dốc chạy ngoằn ngoèo. Ngay từ năm 1947, để án ngữ Quốc lộ 1A, thực dân Pháp đã lập đồn đóng chốt quân sự ở đây gọi là đồn Ba Dốc. Địa lợi đến vậy, đến lượt người Mỹ, khi lập căn cứ quân sự chiếm đỉnh cao ở đây từng ”ngạo nghễ” tuyên bố: “Đây là pháo đài bất khả xâm phạm”.

doc-mieu-01Tượng đài tại cao điểm Dốc Miếu- những người con của đất mẹ đã chiến thắng “Hàng rào Điện tử McNaMaRa”

Để ngăn chặn mọi sự chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam, địch bố trí trên phòng tuyến nhiều căn cứ quân sự mạnh nối từ bờ biển xã Gio Hải lên đến Bến Ngự, Dốc Sỏi, Dốc Miếu, Cồn Tiên, kéo qua căn cứ Bải Sơn, Động Tròn đến Tân Lâm, Đầu Mầu cùng phòng tuyến bảo vệ Đường 9 lên tận biên giới Việt- Lào.

Trên phòng tuyến đó, Mỹ ngụy xây dựng hệ thống hàng rào điện tử Mc Namara (mang tên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ), gồm 12 lớp kẽm gai chồng nhau cao 3 m, trên mặt hàng rào có cài mìn tự động, phía dưới hàng rào là bãi mìn dày đặc rộng hàng trăm mét. Ngoài ra, địch còn rải hệ thống “ cây nhiệt đới” là loại phương tiện thông tin nhạy bén nhằm phát hiện mọi xâm phạm trong phạm vi phòng tuyến. Ở các cứ điểm có hệ thống đèn pha cực mạnh để kiểm soát chống mọi sự xâm nhập vào ban đêm. Cùng với hệ thống “ mắt thần điện tử”, kiểm soát mọi chuyển động là đội ngũ binh lính “hồn ma biên giới”, bọn biệt kích được huấn luyện công phu, thiện nghệ thường xuyên len lỏi vào hành lang của ta để chống phá mọi hoạt động của du kích.

Dốc Miếu được coi là cứ điểm quan trọng nhất của phòng tuyến Mc Namara. Ở đây địch xây dựng hệ thống hầm nhà vòm, hệ thống lô cốt di động bằng bê tông và trận địa pháo mặt đất hướng bắn ra bờ Bắc sông Bến Hải, có trận địa phòng không 37, trung tâm điều khiển bảo vệ hàng rào, chi đội thiết giáp tuần tra cùng nhiều đại đội hổn hợp Mỹ – ngụy. Xung quanh căn cứ ngoài các hàng rào kẽm gai dày bom mìn là hệ thống máy móc báo động chống xâm nhập.
doc-mieu-02

Tuy là một căn cứ hiện đại, nhưng hàng rào điện tử đã dần dần bị vô hiệu hóa trước những mưu trí chiến lược của ta. Quân ta đã tấn công và lần lượt phá hủy từng đoạn, đưa lực lượng và vũ khí vào chiến trường. Lực lượng du kích ngày đêm khống chế không cho địch tự do hoạt động bằng cách vây ép bắn tỉa…Trong những ngày đầu năm 1972, quân và dân ta đồng loạt nổi dậy nổ súng vây chặt, bắn hàng trăm quả đạn DKD, A12 và bom phóng vào căn cứ. Sau ba ngày tấn công, đêm 31/3/1972, lực lượng địch buộc phải tháo chạy, bỏ lại đồn bốt, công sự cùng với hệ thống hàng rào điện tử hiện đại.

Ngày nay, địa danh dốc Miếu – Cồn Tiên lại trở thành tài sản quý, một di tích hấp dẫn du khách trong hành trình tour du lịch DMZ của Quảng Trị. Nơi đây, sừng sững trên đỉnh đồi cao là một tượng đài chiến thắng ghi công các chiến sĩ giao liên đã góp phần đập tan hệ thống pháo đài Dốc Miếu – Cồn Tiên. Dưới chân tượng đài chiến thắng là các đồi cây cao su nối dài tít tắp, minh chứng cho cuộc sống đang hồi sinh mạnh mẽ trên mảnh đất một thời bom lửa. Nhìn từ tượng đài chừng 7 km về phía Bắc là di tích đôi bờ Hiền Lương, một biểu tượng của khát vọng thống nhất non sông, khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

Ngắm chiều tà trên Động Cát Vàng

Không chỉ là bức tường thành ngăn nạn cát bay, Động Cát Vàng ở Gio Linh, Quảng Trị còn là điểm đến của những ai yêu cảnh thiên nhiên hoang sơ

Cách Quốc lộ 1A khoảng 10 km về phía Đông trên đoạn đường 75B xuôi về Cửa Việt, Động Cát Vàng hay còn mệnh danh là “Tiểu sa mạc” giữa xứ đồng bằng nằm ở Thôn Nhĩ Hạ, xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là một trong những địa điểm dừng chân đẹp mắt cho những ai mê thiên nhiên hoang sơ.

ngam-chieu-ta-tren-dong-cat-vang-gio-linh

Chiều xuống mênh mang ở Động Cát Vàng

Sau hơn nửa giờ đồng hồ từ thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đi qua nhiều con đường từ rải nhựa, đến bê tông, rồi đất đỏ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được đường bê tông nhỏ dẫn vào chốn bồng lai tiên cảnh của Quảng Trị. Những rặng phi lao tỏa bóng trải dài bên lề, xung quanh là màu xanh của đồng lúa đang độ trổ bông đã phần nào xoa dịu cái nắng chói chang như rót mật của chiều cuối thu.

Buổi chiều tà vàng óng làm bức tường thành cát cao sừng sững như nổi bật hơn giữa rừng tràm xanh bát ngát. Trước đây, Động Cát Vàng cao phải trên 30 m nhưng qua thời gian, độ cao bị bào mòn đáng kể, giờ chỉ còn khoảng 20 m và chia thành nhiều ngọn đồi xếp cạnh nhau.

Một cuộc chạy đua xem ai là nhà chinh phục độ cao đầu tiên được diễn ra sôi nổi. Sau tiếng hô “chạy”, cả lũ chúng tôi lập tức xách dép lên tay, ba chân bốn cẳng nhắm ngọn đồi cao nhất rồi cắm đầu rướn từng bước dài. Cát nóng, dốc cao không là gì cả khi được sự mịn màng của cát như một tấm thảm êm ái như nâng bước.

ngam-chieu-ta-tren-dong-cat-vang-quang-tri

Cát ở đây mịn và rất sạch

ngam-chieu-ta-tren-dong-cat-vang-o-gio-linh

Tận hưởng khí trời trong trẻo ở Động Cát Vàng

Mặc dù được ví là “tiểu sa mạc” thế nhưng sa mạc này lại không hề khô cằn như cách gọi mà vẫn giữ được một độ ẩm nhất định. Cây cối ở đây vẫn thuộc vào dạng xanh tươi trù phú. Dưới chân những đồi cát nhiều loại cây được người dân đưa về trồng nhằm mục đích chống nạn cát bay khi trời trở gió.

Nếu trèo lên đỉnh đồi cát ta có thể thấy được ngọn hải đăng và bóng dáng của biển Cửa Việt bao la thấp thoáng ở xa xa. Vào những đêm trăng thanh, mọi người thường lên đây ngắm trăng trò chuyện, gió từ biển thổi vào mát rượi. Cũng chính những yếu tố này mà những khi trời dịu, nơi đây lại trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức cắm trại hay ngủ qua đêm.

So với những đồi cát khác mà chúng tôi từng đặt chân thì cát ở đây khá mịn, lại sạch sẽ. Ngoài ra, khu vực này còn có những bãi đá quặng với đủ hình dáng trải dài tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp với những gam màu nóng lạnh hài hòa.

ngam-chieu-ta-tren-dong-cat-vang

[nguon]Nguồn: http://phunu.nld.com.vn/choi/ngam-chieu-ta-tren-dong-cat-vang-20151108115400529.htm[/nguon]