Lưu trữ cho từ khóa: vinh linh quang tri

Người giữ “hồn trạng”…

Dù đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng trong trái tim ông vẫn cháy mãi tình yêu với chuyện Trạng Vĩnh Hoàng. Hơn 13 năm qua, ông đã không quản ngại khó khăn, vất vả để sưu tầm hàng trăm câu chuyện trạng, sáng tạo nhiều chuyện trạng mới và vẽ những câu chuyện ấy thành những bức tranh sinh động. Ông là Trần Hữu Chư, thôn Tây II, Vĩnh Tú, Vĩnh Linh (Quảng Trị), người giữ “hồn trạng” Vĩnh Hoàng…

Trường tồn với thời gian

Mỗi lần đặt chân đến Vĩnh Tú, tôi được người dân kể cho nghe những câu chuyện trạng, trong lòng cảm thấy lạc quan, yêu đời, xua tan mọi mệt mỏi, lo toan trong đời sống thường ngày. Nhiều người bảo với tôi, chính chất men trong những câu chuyện trạng đã ngấm vào máu, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây.

Rót chén nước trà mới chúng tôi, ông Trần Hữu Chư kể rất nhiều câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng mà chỉ nghe qua một lần là nhớ mãi như chuyện: Bắt hổ đi cày, Quả dưa đỏ đánh tây thua chạy, Lấy cào cỏ cào cánh máy bay…Thông qua những câu chuyện trạng được kể bằng giọng nói nặng trịch, lúc trầm, lúc bổng, lúc nhanh, lúc chậm, tập trung, xoáy sâu vào chi tiết, ông đã đưa chúng tôi đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, đọng lại là tiếng cười vui tươi, sảng khoái. Ông bảo, ở quê ông, không có sản vật gì đặc biệt để tặng cho khách, nên người dân làng trạng thường lấy những câu chuyện trạng làm quà.

tran-huu-chu-2015

Theo tài liệu ông sưu tầm được, chuyện trạng Vĩnh Hoàng ra đời hơn 700 năm về trước. Sau những giờ lao động nặng nhọc, mọi người cùng quây quần bên ấm nước chè xanh, kể cho nhau những câu chuyện vui để xua tan đi những vất vả, lo toan trong cuộc sống hàng ngày, quên đi mệt nhọc sau một ngày lao động miệt mài, thể hiện ước mơ, khát vọng vào cuộc sống tốt đẹp.

Cứ thế, hết câu chuyện vui này đến câu chuyện vui khác lần lượt được người này kể cho người khác nghe, rồi được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có thêm nhiều chi tiết hóm hỉnh mới trong nội dung truyện với “độ” trạng cũng tăng dần. Theo thời gian, những câu chuyện hóm hỉnh, vui tươi được kể bằng thổ ngữ địa phương tạo nên những tiếng cười sảng khoái. Không hiểu tự lúc nào, chuyện trạng trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân Vĩnh Tú.

Trong dòng chảy thời gian, chuyện trạng gắn chặt với mảnh đất và con người Vĩnh Tú, lúc thăng, lúc trầm nhưng vẫn tồn tại trong mọi điều kiện khắc nghiệt nhất. Thời kháng chiến, Vĩnh Tú là trận địa bắn phá ác liệt của giặc Pháp, Mỹ, dù chịu nhiều mất mát, đau thương nhưng người dân địa phương vẫn vững chắc tay súng đấu tranh giữ làng, giải phóng quê hương. Trong giai đoạn ác liệt của chiến tranh, chuyện trạng vẫn gắn chặt với người dân như hình với bóng, mọi người kể cho nhau nghe để tăng thêm tinh thần lạc quan, yêu đời, niềm tin tất thắng, xua tan đi không khí tang thương, chết chóc của chiến tranh với các chuyện như: Vít cổ tàu bay, Quả bí có hai cuống, Đầu tét bom bi, Thừa một đứa con… Hòa bình lập lại, chuyện trạng góp phần đem lại tiếng cười sảng khoái cho người dân trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương tươi đẹp từ hoang tàn, đổ nát với các chuyện đặc sắc như: Cây khoai bò qua hai tỉnh, Ớt mà tưởng ngà voi…

13 năm ấy, biết bao nhiêu tình 

“Kể chuyện trạng thì bất cứ người nào ở Vĩnh Tú cũng có thể kể được. Nhưng để tìm được người kể đúng “thương hiệu” trạng Vĩnh Hoàng thì rất khó. Ông Trần Hữu Chư là một trong số những người kể hay và đúng với hồn trạng nhất. Với lối kể hóm hỉnh, vui tươi, những câu chuyện ông kể có ý nghĩa giáo dục, răn dạy rất lớn đối với mọi người chứ không đơn thuần là câu chuyện chọc cười vô nghĩa”, ông Trần Duy Anh, người cao tuổi ở thôn Tây II cho biết.

Vì thế, những lúc rảnh rỗi, ông Anh và nhiều người dân trong thôn thường tìm đến với ông Chư để nghe kể chuyện, được cười sảng khoái, tìm niềm vui trong cuộc sống và sâu xa hơn là nhớ về công ơn thế hệ đi trước đã để lại những nét đẹp văn hóa cho thế hệ hôm nay…
Ông Chư cho biết: “Ngay từ nhỏ, tôi may mắn được nghe nhiều người cao tuổi trong làng kể chuyện trạng và không hiểu tự lúc nào, tôi đam mê đến nỗi một ngày không nghe là thấy thiếu thốn thứ gì đó. Với vốn hiểu biết của mình, tôi mang những câu chuyện trạng kể cho mọi người nghe, đem lại những tiếng cười vui vẻ, gắn kết tình cảm mọi người lại với nhau”. Nhưng những người còn kể truyện trạng đúng “thương hiệu” ngày càng ít dần, thêm vào đó là những câu chuyện trạng cũng dần bị mai một, mỗi người kể một phách khác nhau, không ai còn nhớ rõ bản chính.

Năm 2000, ông Chư bắt đầu hành trình giữ “hồn trạng” với điểm đến là tìm gặp những người cao tuổi trong làng để sưu tầm, lưu giữ cốt chuyện và lối kể…Ông tâm sự: “Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng bắt tay vào mới thấy khó khăn. Các cụ tuổi đã cao, sức khỏe yếu nên không nhớ được nhiều, cùng một câu chuyện nhưng nhiều người kể khác nhau…Để có được những câu chuyện hay, đúng với bản gốc, tôi dành nhiều thời gian và tâm huyết để tìm hiểu, sưu tầm nhằm đúc kết những câu chuyện trạng đúng nhất mà cha ông để lại”. Qua nhiều năm đi tìm và lưu giữ hồn trạng, ông đã sưu tầm được hàng trăm câu chuyện và thơ trạng người xưa để lại.

Không bằng lòng với những gì có được, ông còn làm mới chuyện trạng bằng cách vẽ những câu chuyện ấy thành những bức tranh để người xem dễ hiểu, cảm nhận được cái hay, cái đặc biệt của chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Ông tâm sự: “Tôi thường tranh thủ lúc nông nhàn, dùng bút chì và sáp màu vẽ lại hình ảnh chuyện trạng thật sinh động, đưa ra những lời chú thích ngắn gọn nhưng toát lên nội dung cốt chuyện để mọi người nhìn vào là có thể hiểu ngay”.

Để có được kết quả như hôm nay, ông phải nỗ lực rất nhiều để vẽ đẹp, bố cục bức tranh hợp lý, toát lên điều mình muốn chuyển tải đến người xem, bởi từ trước đến nay, ông chưa hề vẽ bao giờ. Có lẽ động lực chính để ông hoàn thành những tác phẩm ấy là vì muốn giữ gìn và chuyển tải hồn trạng đến cho mọi người. Những bức tranh ông vẽ vừa treo trong nhà, vừa đem tặng các trường học để các em học sinh tiếp cận được nét đẹp văn hóa quê hương. Tôi ấn tượng nhất là tác phẩm “Bắt cọp đi cày” của ông được mọi người dựa theo để tạc hình lên vị trí trang trọng nhất ở Hợp tác xã Huỳnh Công Tây. Ông còn tích cực truyền dạy cho mọi người hiểu và yêu thích chuyện trạng bằng cách cho xem tranh và trực tiếp kể chuyện. Bên cạnh đó, ông còn đưa ra ý tưởng lồng ghép kể chuyện trạng vào các buổi sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể, các cuộc thi, buổi giao lưu văn hóa văn nghệ ở địa phương, được các cấp ghi nhận, biểu dương.

Chúng tôi rời xã Vĩnh Tú khi hoàng hôn buông xuống. Tôi nhớ mãi đến người giữ “hồn trạng” Vĩnh Hoàng Trần Hữu Chư với việc giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa quê hương và câu thơ “Dù ai đi ngược đi xuôi/Tiếng trạng đã ngấm vẫn về đây nghe…”. Mong một ngày không xa, chúng tôi sẽ trở lại để nghe ông kể chuyện và những việc làm ý nghĩa của mình trong việc lưu giữ kho tàng chuyện trạng Vĩnh Hoàng…

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH ĐỨC

Theo baoquangtri.vn

Làng 400 năm nói trạng, bắt “hổ đi cày thay trâu”

Ở miền quê lụt bão liên miên, trưa hè nắng rát, những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng (Quảng Trị) mang đến tiếng cười khỏe khoắn, giúp nông dân thêm yêu cuộc sống. Theo các bô lão, làng Vĩnh Hoàng được thành lập khoảng thế kỷ 17-18, nay là thôn Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Từ ngày lập làng, những câu chuyện trạng bắt đầu được sáng tác và lưu truyền, tiếp nối cho đến nay khoảng 400 năm. Vĩnh Hoàng xưa có nghề trồng dưa đỏ nổi tiếng khắp vùng. Để nói về kích cỡ của quả dưa, người dân sáng tạo ra câu chuyện “bắt – bọp mỏi tay”. Chuyện kể rằng, một hôm nông dân ra đồng thăm ruộng dưa thì thấy yên ắng. Bỗng thấy quả dưa có lỗ đỏ, lại gần có nhúm lông chim thò ra. Người nông dân bịt lỗ lại, chậm rãi thò tay vào bắt ra không biết bao nhiêu là quạ, bọp (bóp) chết chim đến mỏi tay. Chỉ thoáng thả tay ra là quả dưa như như muốn bay lên trời. “Quả dưa đỏ to đến độ chứa được cả bầy quạ”, ông Trần Đức Trí, 77 tuổi, kể chuyện giọng luyến láy, đôi mắt bí hiểm gợi trí tò mò cho người nghe.

lang-noi-trang-vinh-hoangÔng Trí kể lại câu chuyện phóng đại về độ lớn của quả dưa làng Vĩnh Hoàng. Ảnh: Hoàng Táo

Ông Trí là số ít người có năng khiếu kể chuyện còn sót lại của làng trạng Vĩnh Hoàng. Khoảng 10 năm trước, khi đôi tai chưa nghễnh ngãng, ông chuyên đi kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng khắp tỉnh Quảng Trị. “Cuộc sống vất vả, những câu chuyện trạng tiếu lâm giúp người dân quên đi cực nhọc, giải tỏa tâm lý để hăng hái lao động”, ông Trí nói.

Lão nông này kể, một bữa ông dắt bò ra đồng sớm, cày nhanh cho thoát cái nắng oi bức mùa hè. Chỉ trong chốc lát đã cày xong một luống khiến ông ngỡ ngàng. Đến khi trời tảng sáng, nhìn lại thì phát hiện một con hổ đang kéo cày. “Sẵn cây rựa trong tay, tui chặt phát đứt cày, hắn chạy mất. Thế là mất buổi cày”, ông Trí kể chuyện mất buổi cày.

“Cọp hung dữ ai cũng sợ, riêng quê tôi thì nó đi cày thay trâu”, ông Trí hóm hỉnh nói.

Cho đến thời kháng chiến và cuộc sống hiện đại sau này, chuyện trạng được sáng tạo thêm, biến thiên theo năm tháng. Ông Trần Hữu Chư kể câu chuyện trạng hơi hướng hiện đại: “Thức giấc trong hầm thì sờ thấy có thêm đứa con mô ra nóng hổi. Tỉnh giấc mới biết là quả bom giặc ném rơi trúng hầm. Trong kháng chiến gian khổ, người dân không còn sợ bom đạn nữa, sống chung với đạn bom mà sáng tác ra chuyện trạng”.

Kể chuyện trạng ở địa phương hiện nay chỉ còn trên mười người, trong đó có ông Chư. Nhằm phổ biến đến thế hệ sau, ông thường xuyên đi kể chuyện trạng ở các trường học trong xã, huyện. Lão nông 76 tuổi này đã dành gần 10 năm sưu tầm được khoảng 70 chuyện của cha ông. Những lúc rảnh rỗi, ông lại chuyển thể câu chuyện trạng thành những bức tranh để thêm phần sinh động.

lang-noi-trang-vinh-hoang-2Ông Trần Hữu Chư (bên trái) 10 năm sưu tầm chuyện trạng để lưu giữ văn hóa cha ông. Ảnh: Hoàng Táo

Những năm gần đây, trường cấp 1, 2 xã Vĩnh Hoàng thường đưa những câu chuyện trạng vào các tiết học ngoại khóa, những buổi văn nghệ. Nhờ đó, 3 em nhỏ của làng Vĩnh Hoàng được bồi đắp, nay có năng khiếu kể chuyện không kém ông cha.

Theo ông Chư, vùng quê Vĩnh Hoàng không được thiên nhiên ưu đãi, lụt bão liên miên, trưa hè nắng rát. Những câu chuyện trạng tiếu lâm Vĩnh Hoàng mang đến tiếng cười khỏe khoắn, hồn nhiên của người lao động.

“Những câu chuyện trạng đều có ít nhiều yếu tố thực tế cuộc sống, người dân nói phóng đại lên để mua vui. Người kể hư cấu, cường điệu một cách hợp lý để mang lại sự bất ngờ, khiến người nghe tưởng tượng mà cười. Cái cười ở đây ngạo nghễ, nêu bật điểm mạnh của mình để thắng mọi gian nguy từ thiên nhiên đến con người”, ông Chư nói về sự khác biệt của chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

Khẳng định chuyện trạng Vĩnh Hoàng là nét đẹp văn hóa cần bảo tồn và phát triển. Ông Hoàng Kim Khanh, Phó chánh văn phòng huyện Vĩnh Linh cho hay, hàng năm huyện đều tổ chức ngày hội văn hoá, trong đó trạng Vĩnh Hoàng luôn được chú trọng. “Những năm gần đây, huyện đã quan tâm bồi dưỡng, phát triển trạng Vĩnh Hoàng trong giới trẻ, những câu chuyện mới gắn với cuộc sống hiện đại”, ông Khanh thông tin.

Hoàng Táo

Về quê mẹ Vĩnh Linh

Anh đưa em về quê mẹ Vĩnh Linh
Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải
Làng anh kia Cổ Trai, Tân Trại…
Đất ba zan roi rói một màu.

cauhienluong2

Đã qua rồi những năm tháng thương đau
Vết thương liền da, hố bom liền sẹo
Đường nhựa dọc ngang tỏa đi muôn nẻo
Những vườn tiêu râm mát cả bốn mùa.

Đã bao giờ em đến Cửa Tùng chưa
Bãi biển này xưa kia một thời vang bóng
Những con thuyền ra khơi vào lộng
Ta bên nhau trong sóng sánh trăng vàng.

Anh đưa em về thăm lại những mảnh làng
Từ Vĩnh Giang ngược lên Vĩnh Thủy…
Đâu đâu cũng rạng danh thời đánh Mỹ
Trang sử hào hùng một thuở vẫn còn đây.

Đất Vĩnh Linh nghĩa nặng tình dày
Bóng người thân – nhớ nghe em tìm lại
Dẫu thời gian đã vô cùng xa ngái
Có còn không chỉ một dấu chân người?

Có còn không chỉ một giọt máu rơi
Một kỷ vật xưa, một người đồng đội
Em hãy sống lại một thời sôi nổi
Với người yêu thương –  em nhé đất này!

Đêm làng Tùng ăn bánh sắn em cay
Uống nước chè xanh chát em…quẹo miệng
Nghe giọng hò khoan một miền quê kiểng
Để Vĩnh Linh này em nhớ mãi không quên!

Nguyễn Ngọc Chiến