Chuyên mục lưu trữ: Tin Tức

Người giữ “hồn trạng”…

Dù đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng trong trái tim ông vẫn cháy mãi tình yêu với chuyện Trạng Vĩnh Hoàng. Hơn 13 năm qua, ông đã không quản ngại khó khăn, vất vả để sưu tầm hàng trăm câu chuyện trạng, sáng tạo nhiều chuyện trạng mới và vẽ những câu chuyện ấy thành những bức tranh sinh động. Ông là Trần Hữu Chư, thôn Tây II, Vĩnh Tú, Vĩnh Linh (Quảng Trị), người giữ “hồn trạng” Vĩnh Hoàng…

Trường tồn với thời gian

Mỗi lần đặt chân đến Vĩnh Tú, tôi được người dân kể cho nghe những câu chuyện trạng, trong lòng cảm thấy lạc quan, yêu đời, xua tan mọi mệt mỏi, lo toan trong đời sống thường ngày. Nhiều người bảo với tôi, chính chất men trong những câu chuyện trạng đã ngấm vào máu, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây.

Rót chén nước trà mới chúng tôi, ông Trần Hữu Chư kể rất nhiều câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng mà chỉ nghe qua một lần là nhớ mãi như chuyện: Bắt hổ đi cày, Quả dưa đỏ đánh tây thua chạy, Lấy cào cỏ cào cánh máy bay…Thông qua những câu chuyện trạng được kể bằng giọng nói nặng trịch, lúc trầm, lúc bổng, lúc nhanh, lúc chậm, tập trung, xoáy sâu vào chi tiết, ông đã đưa chúng tôi đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, đọng lại là tiếng cười vui tươi, sảng khoái. Ông bảo, ở quê ông, không có sản vật gì đặc biệt để tặng cho khách, nên người dân làng trạng thường lấy những câu chuyện trạng làm quà.

tran-huu-chu-2015

Theo tài liệu ông sưu tầm được, chuyện trạng Vĩnh Hoàng ra đời hơn 700 năm về trước. Sau những giờ lao động nặng nhọc, mọi người cùng quây quần bên ấm nước chè xanh, kể cho nhau những câu chuyện vui để xua tan đi những vất vả, lo toan trong cuộc sống hàng ngày, quên đi mệt nhọc sau một ngày lao động miệt mài, thể hiện ước mơ, khát vọng vào cuộc sống tốt đẹp.

Cứ thế, hết câu chuyện vui này đến câu chuyện vui khác lần lượt được người này kể cho người khác nghe, rồi được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có thêm nhiều chi tiết hóm hỉnh mới trong nội dung truyện với “độ” trạng cũng tăng dần. Theo thời gian, những câu chuyện hóm hỉnh, vui tươi được kể bằng thổ ngữ địa phương tạo nên những tiếng cười sảng khoái. Không hiểu tự lúc nào, chuyện trạng trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân Vĩnh Tú.

Trong dòng chảy thời gian, chuyện trạng gắn chặt với mảnh đất và con người Vĩnh Tú, lúc thăng, lúc trầm nhưng vẫn tồn tại trong mọi điều kiện khắc nghiệt nhất. Thời kháng chiến, Vĩnh Tú là trận địa bắn phá ác liệt của giặc Pháp, Mỹ, dù chịu nhiều mất mát, đau thương nhưng người dân địa phương vẫn vững chắc tay súng đấu tranh giữ làng, giải phóng quê hương. Trong giai đoạn ác liệt của chiến tranh, chuyện trạng vẫn gắn chặt với người dân như hình với bóng, mọi người kể cho nhau nghe để tăng thêm tinh thần lạc quan, yêu đời, niềm tin tất thắng, xua tan đi không khí tang thương, chết chóc của chiến tranh với các chuyện như: Vít cổ tàu bay, Quả bí có hai cuống, Đầu tét bom bi, Thừa một đứa con… Hòa bình lập lại, chuyện trạng góp phần đem lại tiếng cười sảng khoái cho người dân trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương tươi đẹp từ hoang tàn, đổ nát với các chuyện đặc sắc như: Cây khoai bò qua hai tỉnh, Ớt mà tưởng ngà voi…

13 năm ấy, biết bao nhiêu tình 

“Kể chuyện trạng thì bất cứ người nào ở Vĩnh Tú cũng có thể kể được. Nhưng để tìm được người kể đúng “thương hiệu” trạng Vĩnh Hoàng thì rất khó. Ông Trần Hữu Chư là một trong số những người kể hay và đúng với hồn trạng nhất. Với lối kể hóm hỉnh, vui tươi, những câu chuyện ông kể có ý nghĩa giáo dục, răn dạy rất lớn đối với mọi người chứ không đơn thuần là câu chuyện chọc cười vô nghĩa”, ông Trần Duy Anh, người cao tuổi ở thôn Tây II cho biết.

Vì thế, những lúc rảnh rỗi, ông Anh và nhiều người dân trong thôn thường tìm đến với ông Chư để nghe kể chuyện, được cười sảng khoái, tìm niềm vui trong cuộc sống và sâu xa hơn là nhớ về công ơn thế hệ đi trước đã để lại những nét đẹp văn hóa cho thế hệ hôm nay…
Ông Chư cho biết: “Ngay từ nhỏ, tôi may mắn được nghe nhiều người cao tuổi trong làng kể chuyện trạng và không hiểu tự lúc nào, tôi đam mê đến nỗi một ngày không nghe là thấy thiếu thốn thứ gì đó. Với vốn hiểu biết của mình, tôi mang những câu chuyện trạng kể cho mọi người nghe, đem lại những tiếng cười vui vẻ, gắn kết tình cảm mọi người lại với nhau”. Nhưng những người còn kể truyện trạng đúng “thương hiệu” ngày càng ít dần, thêm vào đó là những câu chuyện trạng cũng dần bị mai một, mỗi người kể một phách khác nhau, không ai còn nhớ rõ bản chính.

Năm 2000, ông Chư bắt đầu hành trình giữ “hồn trạng” với điểm đến là tìm gặp những người cao tuổi trong làng để sưu tầm, lưu giữ cốt chuyện và lối kể…Ông tâm sự: “Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng bắt tay vào mới thấy khó khăn. Các cụ tuổi đã cao, sức khỏe yếu nên không nhớ được nhiều, cùng một câu chuyện nhưng nhiều người kể khác nhau…Để có được những câu chuyện hay, đúng với bản gốc, tôi dành nhiều thời gian và tâm huyết để tìm hiểu, sưu tầm nhằm đúc kết những câu chuyện trạng đúng nhất mà cha ông để lại”. Qua nhiều năm đi tìm và lưu giữ hồn trạng, ông đã sưu tầm được hàng trăm câu chuyện và thơ trạng người xưa để lại.

Không bằng lòng với những gì có được, ông còn làm mới chuyện trạng bằng cách vẽ những câu chuyện ấy thành những bức tranh để người xem dễ hiểu, cảm nhận được cái hay, cái đặc biệt của chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Ông tâm sự: “Tôi thường tranh thủ lúc nông nhàn, dùng bút chì và sáp màu vẽ lại hình ảnh chuyện trạng thật sinh động, đưa ra những lời chú thích ngắn gọn nhưng toát lên nội dung cốt chuyện để mọi người nhìn vào là có thể hiểu ngay”.

Để có được kết quả như hôm nay, ông phải nỗ lực rất nhiều để vẽ đẹp, bố cục bức tranh hợp lý, toát lên điều mình muốn chuyển tải đến người xem, bởi từ trước đến nay, ông chưa hề vẽ bao giờ. Có lẽ động lực chính để ông hoàn thành những tác phẩm ấy là vì muốn giữ gìn và chuyển tải hồn trạng đến cho mọi người. Những bức tranh ông vẽ vừa treo trong nhà, vừa đem tặng các trường học để các em học sinh tiếp cận được nét đẹp văn hóa quê hương. Tôi ấn tượng nhất là tác phẩm “Bắt cọp đi cày” của ông được mọi người dựa theo để tạc hình lên vị trí trang trọng nhất ở Hợp tác xã Huỳnh Công Tây. Ông còn tích cực truyền dạy cho mọi người hiểu và yêu thích chuyện trạng bằng cách cho xem tranh và trực tiếp kể chuyện. Bên cạnh đó, ông còn đưa ra ý tưởng lồng ghép kể chuyện trạng vào các buổi sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể, các cuộc thi, buổi giao lưu văn hóa văn nghệ ở địa phương, được các cấp ghi nhận, biểu dương.

Chúng tôi rời xã Vĩnh Tú khi hoàng hôn buông xuống. Tôi nhớ mãi đến người giữ “hồn trạng” Vĩnh Hoàng Trần Hữu Chư với việc giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa quê hương và câu thơ “Dù ai đi ngược đi xuôi/Tiếng trạng đã ngấm vẫn về đây nghe…”. Mong một ngày không xa, chúng tôi sẽ trở lại để nghe ông kể chuyện và những việc làm ý nghĩa của mình trong việc lưu giữ kho tàng chuyện trạng Vĩnh Hoàng…

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH ĐỨC

Theo baoquangtri.vn

Làng Trạng nói chi lạ…

“Ga ni ga mô/ ga mô ri eng/ ga ni ga chi/ O ni đi mô/ o mô đi ra, o mô đi vô/ đi vô ga mô ri…”. Mới thoạt nghe một loạt câu nói trên dễ nhầm tưởng là người… Nhật đang nói chuyện, nhưng thật ra đó là một nhóm dân Vĩnh Hoàng đang đi trên tàu chợ!
tran-huu-chu-trang-vinh-hoang

Ông Trần Hữu Chư đã lưu lại những câu chuyện trạng của làng bằng những bức tranh vẽ – Ảnh: H.QUÂN

Thật tiếc là chỉ có thể ghi lại chữ chứ không thể đưa cái phần ngữ âm lên báo. Bởi với chất giọng đặc sắc ấy, cộng với phương ngữ của vùng đất này, chỉ cần nghe giọng Vĩnh Hoàng cất lên đã thấy vui, chưa nói đến một khả năng ứng tác chuyện trạng dân gian như một di sản văn hóa riêng có.

Thật ra cái câu nghe như tiếng Nhật nói trên chỉ đơn giản là các cách nói của câu hỏi “Ga (xe lửa) này là ga nào đây… Cô này định đi đâu… Cô nào đi chuyến tàu vào… cô nào theo chuyến tàu ra… Tàu sẽ vào ga nào đây…”.

Tiếng Pháp cộng tiếng Nhật (!?)

Dân Quảng Trị thấy ai nói khoác (tất nhiên pha chút hài hước) thể nào cũng bảo: “Tay này chắc quê gốc Vĩnh Hoàng”. Cái vùng đất phía đông huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian lưu tâm nghiên cứu.

Ngôi làng này là chiếc nôi của những câu chuyện trạng nổi tiếng từng được ví như làng Gabrovo trứ danh của nước Bulgaria. Tính nết khôi hài cùng với thổ ngữ là lạ đã sinh ra biết bao câu chuyện trạng cười “bể bụng”.

Ví như câu nói “ga mô ri eng?” hay “ga mô ri o?”, là cư dân khu 4 (vùng Thanh Nghệ Tĩnh – Bình Trị Thiên) ai cũng hiểu được nội dung, nhưng đưa nó thành chuyện trạng thì chỉ có thể là…Vĩnh Hoàng!

Một người kể: “Bựa nớ đi tàu bay ra nác ngoài, chộ cái dà ga đại chang bang, bơ hỏi một đực: “Ga mô ri eng?”. Đực ta nọ ư hự răng, trặc sang cái mụ tê hỏi “Ga mô ri o?” cụng nọ ư hự, sau cả mấy đực chụm trốc hội ý rồi hỏi lại dà choa là câu trước nghe dư tiếng Pháp, câu sau nghe dư tiếng Nhật mà nỏ phải tiếng Nhật hay tiếng Pháp, cả tàu bay nỏ ai biết miềng nói cấy chi!”. Hóa ra đơn giản chỉ đi máy bay ra nước ngoài, thấy cái nhà ga quá to, mới hỏi: Ga này là ga nào hả anh? Nhưng người ta không trả lời được, quay sang hỏi một chị: Ga này là ga nào chị? chị ấy cũng không trả lời được, sau đó tất cả bọn họ chụm đầu hội ý để đoán xem hai câu hỏi là ngôn ngữ nước nào, nghe như tiếng Pháp và tiếng Nhật nhưng không phải vậy!

Về Vĩnh Hoàng, có thể nghe hàng trăm câu chuyện liên quan đến phương ngữ của dân làng như chuyện “Kí lộ chao cặng mô ri o?” (cái chỗ rửa chân ở đâu vậy hả cô?). Chuyện hỏi cung tù binh Mỹ bằng giọng Vĩnh Hoàng hồi chiến tranh, chuyện “Bọ mạ mi mô”…Trong số những người làng có năng khiếu kể chuyện trạng phải kể tới hai ông Trần Đức Trí và Trần Hữu Chư.

“Rứa chú mi đã nghe chuyện Lợ một buội cày”(Lỡ một buổi cày) chưa?”, ông Trần Đức Trí – một nghệ nhân chuyện trạng Vĩnh Hoàng ở làng Huỳnh Công Tây thuộc xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), mở đầu câu chuyện với một cái giọng rất… trạng. “Bựa nớ, dà có mấy méng rọong, tui ưng đi cày sớm nên dặn vợ chủn bị cơm nác.Trời đạ sáng chi mô,vợ tui đạ mần sặn một bù nác chè đặc với một mo xôi xáo vợi khoai, bay mùi ra chi thơm.Tui nghe đạ khoái, liền lùa bò một mạch tận rú. Chộ trời chưa rạng, tui cho bò ăn một chặp. (dịch: Bữa đó, nhà có mấy mảnh ruộng, tui thích đi cày sớm nên dặn vợ chuẩn bị cơm nước. Trời đã sáng gì đâu, vợ tôi đã làm sẵn một bầu nước chè đặc với mo cơm nếp xáo với khoai, bay mùi ra thơm lắm. Tôi nghe đã thích liền lùa bò một mạch tận rừng. Thấy trời chưa sáng, tôi cho bò ăn một lúc).

Cứ thế, ông vừa kể bằng giọng Vĩnh Hoàng, còn chúng tôi ghi lại qua người phiên dịch. Câu chuyện tiếp tục rằng sau đó, ông chọn một con trong đàn bò rồi buộc vào cày và bắt đầu cày ruộng. Cày một hồi đến khi mặt trời lên mới biết cái con đang kéo cày không phải là bò mà là… cọp. “Sặn rạ trung tay, tui phắt một lát thiệt năng, niệt cày đứt mần đôi. Lạo cọp khiếp, chạy một mạch vô rú khôông dòm lại. Rứa là tui lợ một buội cày!” (sẵn cái rựa trong tay, tôi chặt một nhát thật mạnh, cày đứt đôi. Lão cọp khiếp, chạy một mạch vô rừng, không nhìn lại. Vậy là tôi lỡ mất một buổi đi cày).

Giọng ông nặng trịch, người Quảng Trị gọi là nặng cạy cạy. Thanh hỏi, thanh ngã đều biến thành thanh nặng, thanh ngang và huyền khi mờ khi tỏ. Lại thêm phương ngữ Vĩnh Hoàng, từ cổ và từ đệm thoắt ẩn thoắt hiện trong câu chuyện. Cùng với cái giọng nhấn nhá lên xuống, lúc nhanh lúc chậm của một cao thủ kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Dù đã nghe đến cả ngàn lần vậy mà dân làng vẫn thích ngồi nghe ông kể và cười ngả nghiêng như mới nghe lần đầu. Tôi hỏi một đồng nghiệp ở cách đó mấy cây số: “Ông hiểu gì không?”. “Vừa nghe vừa đoán nhưng cũng như vịt nghe sấm”.

nguon-goc-trang-vinh-hoang-quang-tri

Gìn giữ di sản cho làng…

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng từng được cố tiến sĩ văn học Võ Xuân Trang dày công sưu tầm,biên soạn và in thành sách. Sở Văn hóa thông tin tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) đã từng tổ chức hội thảo về chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Những câu chuyện trạng đậm đặc tính cách Quảng Trị “cười quên khổ” và thứ thổ ngữ “nặng hơn cả Quảng Trị”, dẫu chỉ nghe một lần cũng thật khó quên.

Đã có một giai đoạn Phòng Văn hóa thông tin huyện Vĩnh Linh tổ chức hội thi kể chuyện trạng nhằm phát huy sự sáng tạo của người dân với những câu chuyện đặc thù Vĩnh Hoàng, nhiều nghệ nhân dân gian đã nổi lên từ những hội thi như thế, tuy nhiên chỉ được một thời gian phong trào lại lắng xuống. Những câu chuyện của người làng Vĩnh Hoàng vốn được sinh ra để mang lại tiếng cười lạc quan cho nhau bên ấm chè xanh, bên nồi khoai lang bở chứ không phải để hội hè thi thố, và dường như khi cuộc sống càng sung túc, bớt phần cơ cực, những câu chuyện trạng đầy ắp lạc quan càng vắng dần. Duy có ông Trần Hữu Chư sợ rằng những câu chuyện một thời mất đi, ông đã giữ lại bằng cách vẽ những câu chuyện ấy thành những bức tranh, mỗi bức tranh là một câu chuyện ấm áp hồn hậu và lạc quan của đời dân, đời làng qua bao dâu bể thời gian…

Vùng đất này xưa có thành ngữ “ăn cơm bữa diếp” – nghĩa là hai ngày mới được ăn một bữa cơm, hỏi ăn cơm chưa nghe trả lời ăn từ “bữa diếp” nghĩa là ăn cơm từ… ngày kia. Cuộc sống cơ cực ngày xưa như vậy đã khiến người dân lạc quan như một tính cách được hình thành từ chính hoàn cảnh sống. Những năm chiến tranh, đây cũng là vùng đạn bom khốc liệt, truyền thống “trạng” càng được nối tiếp, thành một thứ năng lượng tinh thần động viên dân làng vượt lên thử thách mà sống, mà chiến đấu.Và đấy là thứ hương hỏa tinh thần vô giá, đã lặn vào máu thịt đời dân nơi đây, và họ mang theo, dù đến chân trời góc bể nào đi nữa!

Nguồn: Tuổi trẻ online

Bom bi ổi

Tui nhớ một lần đi Bàu Sậm chặt củi, nhặt được quả bom bi ổi. Tui thì mừng như tìm được vàng. Mạ tui với mấy ông cậu thì lo sợ chết khiếp.

bom-bi-oi1Rứa là bựa nớ, lâu lắm rồi từ khi e tui mới 5 hay 6 tuổi chi đó. Tui mới được nhà cho đi theo lên côi Cồn chặt củi. Hồi nớ nhà ông ngoại tui có nuôi một bầy trâu e gần chục con. Rứa là buổi sáng nớ nhà tui dậy thiệt sớm, cơm đùm gạo bới, nước non đầy đủ. Hai con trâu kéo thì đã cho ăn no từ lúc hai ba giờ sáng chi đó rồi. Chỉ có người nậy mới thức dậy đem cỏ cho trâu ăn được chớ nhỏ như tui đây ngủ như chết tê có biết chi mô. Mà cho trâu ăn cũng phải biết cách chứ không là hư hết việc. Con mô kéo xe là phải cho ăn riêng, để phần cỏ ngon bồi dưỡng. Còn mấy eng mà không kéo cò chi là cho ăn riêng, thậm chí là không cho ăn nữa.

Khi mọi việc đã chuẩn bị đầy đủ. Liềm rạ, lạt lẹo, đòn xóc, găm, đồ ăn thức uống chi đã bỏ lên xe hết rồi là cải hai con trâu đực kéo vô hai chiếc xe đi thẳng một mạch từ sớm tinh mơ cho tới khi bóng người khoảng chục thước mới tới Cồn.

Tới nơi rồi chưa phải làm liền mô mà phải biết tìm “chọ”. Tìm chỗ mô có củi thiệt nhiều, tốt mà dễ chặt đã mới dừng lại. Đặt chọ xong là mỗi người một việc cứ rứa mà làm. Người thì chặt, người thì bó, người thì sương, người thì chự trâu,… Rứa là tui nhỏ nhất nên mọi người phân cho tui việc khỏe re đó là chự chục con trâu nớ. Mà trâu nhà ông tui được cấy là con mô con nấy đen thui thui, tròn trùng trục như cấy thuyền thúng của Kè Lái mà bỏ côi chàn bếp lâu ngày. Con mô con nấy láng lườm đi.

Công việc của tui cũng thiệt chi là nhẹ nhàng. Trâu thì thả ăn trửa động a, mình thì bắt cào cào, chấu chấu rứa chơi thôi. Rứa là đang đòi dọi con chấu chấu cồ thiệt to đến bụi cây xeng thì không chộ con chấu chấu mô nữa cả. Đang loay hoay tìm thì đột nhiên ngó chộ thấy một trấy chi tròn tròn bằng quả bưởi choai choai thiệt là đẹp nằm đới côộc cơn cây xeng. Ngó queng ngó quích không chộ ai hết để mà hỏi coi thử trấy chi đây. Rứa là ngắm nghía một chặp rồi đặt lên để xuống ngó ưng ý lắm rồi mới đem về chọ để.

bom-bi-oiĐem về chọ để được một chặp thì mạ tui với mấy cậu mới sương củi về ngó chộ rứa là hỏi: Mi lặt trấy ni ở mô ri Tèo? Tui mới nói “con lặt ở đới côộc cơn cây xeng á”. Ông cậu tui nóng tính mới hỏi tiếp “Rứa cháu có biết trấy chi đây không?” Tui nghĩ thầm trong bụng “trấy chi ai mà biết”. Tui chưa kịp trả lời thì mạ tui nói tiếp “Trấy bom bi đó, mi có ưng chết không?” Lúc nớ rứa là tui ngó chộ mặt mụi mạ tui với mấy cậu tái xeng đi mà tui thì có sợ chi mô, đã nổ mô mà chết, đang còn sống nhăn răng ra đây phải à.

Mà khen cho thằng Mỹ hắn làm quả bom bi ổi chi cũng đã đẹp. Quả tròn to như đực trôốc cúi, bên ngoài có một lớp vỏ bằng gang thép, xung quanh có mấy sợi dây đai nữa. Quả mà tui nhặt được đã bị bong mất lớp vỏ bên ngoài rồi nên để lộ ra e có hàng trăm viên bi nhỏ như viên bi trong may- ơ xe đạp. Ngó vô bắt mắt lắm, e mấy eng mấy ả chộ cũng ưng nữa đã.

May răng mà quả bom nớ bị xịt rồi, hắn không nổ, chứ e nổ thì chừ tiêu rồi có mô mà ngồi đây nữa. Rứa là mấy người trong nhà tui bựa nớ được một phen chết khiếp với quả bom bi ổi của tui.

Sưu tầm