Chuyên mục lưu trữ: Tin Tức

Làng 400 năm nói trạng, bắt “hổ đi cày thay trâu”

Ở miền quê lụt bão liên miên, trưa hè nắng rát, những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng (Quảng Trị) mang đến tiếng cười khỏe khoắn, giúp nông dân thêm yêu cuộc sống. Theo các bô lão, làng Vĩnh Hoàng được thành lập khoảng thế kỷ 17-18, nay là thôn Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Từ ngày lập làng, những câu chuyện trạng bắt đầu được sáng tác và lưu truyền, tiếp nối cho đến nay khoảng 400 năm. Vĩnh Hoàng xưa có nghề trồng dưa đỏ nổi tiếng khắp vùng. Để nói về kích cỡ của quả dưa, người dân sáng tạo ra câu chuyện “bắt – bọp mỏi tay”. Chuyện kể rằng, một hôm nông dân ra đồng thăm ruộng dưa thì thấy yên ắng. Bỗng thấy quả dưa có lỗ đỏ, lại gần có nhúm lông chim thò ra. Người nông dân bịt lỗ lại, chậm rãi thò tay vào bắt ra không biết bao nhiêu là quạ, bọp (bóp) chết chim đến mỏi tay. Chỉ thoáng thả tay ra là quả dưa như như muốn bay lên trời. “Quả dưa đỏ to đến độ chứa được cả bầy quạ”, ông Trần Đức Trí, 77 tuổi, kể chuyện giọng luyến láy, đôi mắt bí hiểm gợi trí tò mò cho người nghe.

lang-noi-trang-vinh-hoangÔng Trí kể lại câu chuyện phóng đại về độ lớn của quả dưa làng Vĩnh Hoàng. Ảnh: Hoàng Táo

Ông Trí là số ít người có năng khiếu kể chuyện còn sót lại của làng trạng Vĩnh Hoàng. Khoảng 10 năm trước, khi đôi tai chưa nghễnh ngãng, ông chuyên đi kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng khắp tỉnh Quảng Trị. “Cuộc sống vất vả, những câu chuyện trạng tiếu lâm giúp người dân quên đi cực nhọc, giải tỏa tâm lý để hăng hái lao động”, ông Trí nói.

Lão nông này kể, một bữa ông dắt bò ra đồng sớm, cày nhanh cho thoát cái nắng oi bức mùa hè. Chỉ trong chốc lát đã cày xong một luống khiến ông ngỡ ngàng. Đến khi trời tảng sáng, nhìn lại thì phát hiện một con hổ đang kéo cày. “Sẵn cây rựa trong tay, tui chặt phát đứt cày, hắn chạy mất. Thế là mất buổi cày”, ông Trí kể chuyện mất buổi cày.

“Cọp hung dữ ai cũng sợ, riêng quê tôi thì nó đi cày thay trâu”, ông Trí hóm hỉnh nói.

Cho đến thời kháng chiến và cuộc sống hiện đại sau này, chuyện trạng được sáng tạo thêm, biến thiên theo năm tháng. Ông Trần Hữu Chư kể câu chuyện trạng hơi hướng hiện đại: “Thức giấc trong hầm thì sờ thấy có thêm đứa con mô ra nóng hổi. Tỉnh giấc mới biết là quả bom giặc ném rơi trúng hầm. Trong kháng chiến gian khổ, người dân không còn sợ bom đạn nữa, sống chung với đạn bom mà sáng tác ra chuyện trạng”.

Kể chuyện trạng ở địa phương hiện nay chỉ còn trên mười người, trong đó có ông Chư. Nhằm phổ biến đến thế hệ sau, ông thường xuyên đi kể chuyện trạng ở các trường học trong xã, huyện. Lão nông 76 tuổi này đã dành gần 10 năm sưu tầm được khoảng 70 chuyện của cha ông. Những lúc rảnh rỗi, ông lại chuyển thể câu chuyện trạng thành những bức tranh để thêm phần sinh động.

lang-noi-trang-vinh-hoang-2Ông Trần Hữu Chư (bên trái) 10 năm sưu tầm chuyện trạng để lưu giữ văn hóa cha ông. Ảnh: Hoàng Táo

Những năm gần đây, trường cấp 1, 2 xã Vĩnh Hoàng thường đưa những câu chuyện trạng vào các tiết học ngoại khóa, những buổi văn nghệ. Nhờ đó, 3 em nhỏ của làng Vĩnh Hoàng được bồi đắp, nay có năng khiếu kể chuyện không kém ông cha.

Theo ông Chư, vùng quê Vĩnh Hoàng không được thiên nhiên ưu đãi, lụt bão liên miên, trưa hè nắng rát. Những câu chuyện trạng tiếu lâm Vĩnh Hoàng mang đến tiếng cười khỏe khoắn, hồn nhiên của người lao động.

“Những câu chuyện trạng đều có ít nhiều yếu tố thực tế cuộc sống, người dân nói phóng đại lên để mua vui. Người kể hư cấu, cường điệu một cách hợp lý để mang lại sự bất ngờ, khiến người nghe tưởng tượng mà cười. Cái cười ở đây ngạo nghễ, nêu bật điểm mạnh của mình để thắng mọi gian nguy từ thiên nhiên đến con người”, ông Chư nói về sự khác biệt của chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

Khẳng định chuyện trạng Vĩnh Hoàng là nét đẹp văn hóa cần bảo tồn và phát triển. Ông Hoàng Kim Khanh, Phó chánh văn phòng huyện Vĩnh Linh cho hay, hàng năm huyện đều tổ chức ngày hội văn hoá, trong đó trạng Vĩnh Hoàng luôn được chú trọng. “Những năm gần đây, huyện đã quan tâm bồi dưỡng, phát triển trạng Vĩnh Hoàng trong giới trẻ, những câu chuyện mới gắn với cuộc sống hiện đại”, ông Khanh thông tin.

Hoàng Táo

Vĩnh Tú trên con đường xây dựng nông thôn mới

Nằm ở phía Bắc huyện Vĩnh Linh, Vĩnh Tú quanh năm được bao bọc bởi màu xanh của những rặng trâm bầu và rừng sản xuất. Trong tổng diện tích tự nhiên gần 3.500 ha ấy chỉ có chưa đầy 800 ha đất đỏ ba zan thuộc trung tâm địa giới hành chính của xã còn lại  bốn bề là cát. Đất đai rộng, dân số hơn 3.000 người nhưng bao đời nay Vĩnh Tú phải cam chịu cảnh nghèo khó do sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

12047739_851170454978816_1068902949_nCơ sở khang trang của UBND xã Vĩnh Tú. Ảnh: Văn Thịnh.

Trong cơ chế hội nhập, ngoài cây lạc, một loại cây trồng truyền thống đã được sản xuất từ lâu đời trên vùng đất này thì nông dân Vĩnh Tú không có loại nông sản nào có diện tích lớn được xem là bền vững và có tính cạnh tranh với thị trường. 49 ha hồ tiêu, 45 ha cao su năng suất cũng thấp hơn các xã khác trong huyện. Trong số gần 2.700 ha, ngoài rừng tự nhiên và rừng sản xuất nông dân Vĩnh Tú chỉ biết trồng các loại cây ngắn ngày. Bởi vậy, các giống lạc, dưa, ngô, bầu bí, mướp đắng, sắn khoai của Vĩnh Tú trở thành hàng hóa nông sản thân quen với các chợ trong vùng. Gặp thời tiết thuận thì giá các loại rau quả này phải nói “rẻ như cho”. Đầu tháng 4 năm nay, giá mỗi kg mướp đắng loại ngon chỉ có 5-6 ngàn đồng. Mỗi gánh mướp về chợ thu được 30 đến 35 ngàn đồng. Chuyện làm giàu ở Vĩnh Tú quả thật không đơn giản.

Khó khăn là vậy, nhưng khi nói đến xây dựng nông thôn mới (NTM) ai cũng hồ hởi phấn khởi. Các cuộc họp thôn, xã để triển khai xây dựng NTM được nhân dân bàn bạc sôi nổi. Nhà nhà tự nguyện hiến đất, đốn cây, dở bỏ tường rào, dịch chuyển các công trình vệ sinh, chuồng trại để xây dựng NTM. Khí thế, tinh thần cách mạng của người dân xứ sở chuyện Trạng này trong công cuộc đổi mới quê hương chẳng khác gì so với thời bom đạn đì đoằng.

Ông Trần Hữu Chư, một người có uy tín trong làng Huỳnh Công Tây chậm rãi nói: “Mình nghèo cũng phải làm, cốt là ở chổ trên dưới đồng lòng để xây dựng NTM”. Không riêng gì ông Trần Hữu Chư mà làng trên, xóm dưới đến đâu cũng nghe bàn chuyện xây dựng NTM, mọi người đang tích cóp tiền của sẳn sàng đóng góp cho mở rộng đường bê tông, xây dựng lưới điện để “Thắp sáng đường quê”. Trong chương trình thắp sáng đường quê này Vĩnh Tú có 2 thôn đã đưa điện chiếu sáng vào tận ngõ từng gia đình.

Để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Vĩnh Tú đã có nhiều quyết sách mới, sáng tạo, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế từ đất đai, lao động. Ông Trần Hữu Hùng, Bí thư đảng bộ xã Vĩnh Tú cho biết: “Trước khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM xuất phát điểm của Vĩnh Tú rất thấp, mới có 5/19 tiêu chí đạt chuẩn”. Cơ sở vật chất trường học, giao thông, thủy lợi, các công trình văn hóa phúc lợi thiếu đồng bộ, việc thiết kế xây dựng trước đây không đạt chuẩn so với kết cấu hạ tầng của mục tiêu quốc gia. Điều quan trọng nhất đem đến sự thành công trong quá trình thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đó là hệ thống chính trị của xã vững mạnh, có tinh thần đoàn kết cao nên tạo được sự đồng thuận khi triển khai chương trình xây dựng NTM. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Vĩnh Tú chưa đầy triệu đồng, hộ nghèo và cận nghèo có 185/918 hộ, chiếm trên 20% theo tiêu chí mới, trong đó hộ nghèo trên 12,7%. Đây cũng là vấn đề mà cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của Vĩnh Tú trăn trở đưa vào nhóm ưu tiên tìm giải pháp tháo gỡ.

Ông Trần Hữu Hùng cho biết thêm: “Chúng tôi đã gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cấp ủy viên, các thành viên của Ban quản lý, Ban phát triển xây dựng NTM, cũng như các tổ chức đoàn thể trong xã để mọi người tự giác, tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Đây cũng là một trong những tiêu chí cứng để bình xét thi đua hàng năm của từng cá nhân”. Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng, chính quyền xã đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm khuyến khích động viên nông dân đầu tư phát triển kinh tế. Ưu tiên đầu tư các công trình dân sinh kinh tế như đập Cửa Khâu, công trình Máng Nác để lấy nước tưới cho hàng chục ha ruộng của 3 thôn Thủy Tú 1, Thủy Tú 2, Thủy Tú Phường và thôn Mỹ Duyệt, làm đường nội đồng Tứ Chính, hoàn thiện cơ sở vật các trường học, trạm y tế, giao thông nông thôn, nhà văn hóa… với tổng vốn lên đến hàng tỷ đồng. Vận động nông dân khai thác diện tích cát bạc màu để trồng cây lâm nghiệp; tăng cường công tác đào tạo nghề cho nông dân; phối hợp với Trung khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi đồng thời tăng cường các biện pháp tiếp tục thực hiện đề án sản xuất nông nghiệp cho thu nhập 50 triệu đồng trở lên trên mỗi ha một năm.

Các tổ chức đoàn thể trong xã tín chấp qua các kênh để vay vốn cho hội viên có điều kiện phát triển kinh tế. Nhờ vậy, nông dân phấn khởi mở mang trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề, kinh doanh – dịch vụ. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên vùng cát đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vùng cát vàng, nghèo dinh dưỡng lại hay khô hạn đã được luồn lách thời tiết để xen canh, luân canh, gối vụ các loại cây trồng như: Ngô, lạc, dưa hấu, sắn đạt thu nhập từ 50 đến 70 triệu/ha/năm. Nhiều mô hình trang trại, gia trại tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Như mô hình kinh tế tổng hợp của ông Lê Văn Sơn ở thôn Thủy Tú 2 cho thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Hiện nay toàn xã có gần 60 ha đất sản xuất nông nghiệp có thu nhập từ 50 đến 300 triệu đồng/ha/năm. Hàng trăm hộ đã mở mang các ngành nghề kinh doanh – dịch vụ thương mại, tạo nên sự phong phú, đa dạng của cuộc sống vùng nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đã đạt trên 19 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với năm 2010.

Hộ nghèo hiện còn lại 7%. Trong tổng số hơn 2000 ha rừng của toàn xã đã có trên 1600 ha rừng sản xuất, độ che phủ của rừng đã đạt 59%, cao nhất huyện. Nhờ biết đầu tư khai thác diện tích đất cát bạc màu để trồng cây lâm nghiệp nên Vĩnh Tú không chỉ bảo vệ môi trường sinh thái mà nguồn lợi từ trồng rừng đem lại thu nhập lớn cho nông dân.

Người dân Vĩnh Tú vốn nổi tiếng thông minh, hài hước lại cần cù, chịu khó trong làm ăn, luôn đề cao tinh thần yêu nước nên việc triển khai xây dựng NTM gặp rất nhiều thuận lợi. Nhờ vậy, đến nay Vĩnh Tú đã hoàn thành 12/19 tiêu chí quan trọng như: tiêu chí về quy hoạch, hình thức tổ chức sản xuất,  lưới điện, trạm y tế, đời sống văn hóa, chợ nông thôn, nhà ở, điểm Bưu điện văn hóa, mức thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hệ thống các tổ chức chính trị – xã hội, an ninh trật tự. Vĩnh Tú đang phấn đấu để hoàn thành 7 tiêu chí còn lại theo đúng lộ trình đề ra, đó là: Giao thông, tỷ lệ hộ nghèo, trường học, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, Giáo dục, môi trường.

12041819_851171271645401_1227668044_nCon đường rộng mở trước UBND xã.

Qua hơn 3 năm (2011-2013) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM Vĩnh Tú đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Nền kinh tế phát triển đa dạng, đem lại nguồn thu nhập cao; cảnh quan, môi trường nông thôn từng bước đổi mới, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc; cơ sở hạ tầng được kết cấu bền vững, từng bước hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Từ một xã nghèo, điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, phong trào xây dựng NTM đã thúc đẩy Vĩnh Tú phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Tú đang nỗ lực phấn đấu để sớm về đích, trở thành xã NTM.

Phương Mai

Vị lương y cứu sống hàng trăm người bị chó dại cắn

Trung bình mỗi năm có từ 800-1.000 bệnh nhân đã sử dụng bài thuốc trị độc khi bị chó dại cắn của lương y Lê Văn Sơn, hầu hết họ đều được cứu sống. Trong số đó, nhiều người bị bệnh viện “chê” trả về, nhiều người nguy kịch, sùi bọt mép, phát điên, gầm rú… nhưng chỉ sau một vài ngày, thậm chí vài giờ đã được anh chữa khỏi.

Lương y tiêu biểu của Việt NamLương y Lê Văn Sơn nhận giải “Lương y tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng” (ảnh do nhân vật cung cấp).

Mục sở thị lương y trị độc dại

Chúng tôi tìm về nhà anh Sơn (thôn Thủy Tú 2, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), thầy lang có biệt tài chữa bệnh chó dại cắn. Vì không hẹn trước nên đến tận trưa chúng tôi mới có dịp ngồi trò chuyện cùng anh. Anh tâm sự: “Tôi là thế hệ thứ năm trong một gia đình có nghề thuốc gia truyền. Từ nhỏ đã được theo cha chữa bệnh và học nghề, lớn lên dù công việc bộn bề nhưng tôi vẫn dành thời gian chữa bệnh cứu người”.

Sinh năm 1966, là con thứ tám trong một gia đình có chín người con, năm 1987, sau khi xuất ngũ anh được cha truyền nghề. Sau bốn năm học lý thuyết, bước sang năm thứ năm anh mới được thực hành và đến năm 2001 anh chính thức trở thành một thầy thuốc chữa bệnh cho bà con trong chòm xóm. Những bệnh nhân ở địa phương khác nghe tiếng anh chữa bệnh giỏi cũng đã tìm đến.

Anh Sơn tâm sự: “Cha tôi trước đây cũng là một thầy thuốc Nam giỏi có tiếng, tôi được cha dạy cho rất nhiều bài thuốc và phương pháp trị bệnh hay. Tuy nhiên, tôi thấy thích thú và ham tìm hiểu về cách cứu chữa cho người bị chó dại cắn nhất, vì đây là bệnh thuộc nhóm nguy hiểm và cũng là bệnh mà tôi mất nhiều thời gian học tập, nghiên cứu nhất. Hơn nữa, do người bị chó dại cắn rất nguy hiểm tới tính mạng, nếu không được cứu kịp thời. Hiện tại, tôi vẫn tham gia công tác ở xã và làm nương rẫy nên khá bận, không thể đi lấy nhiều loại thuốc để chữa các bệnh khác được. Dự định sau khi nghỉ hưu, tôi sẽ có thêm thời gian tìm thuốc chữa tất cả những bệnh mà cha tôi từng dạy để chữa cho bà con”.

Không chỉ là một thầy thuốc, anh còn là một nông dân sản xuất giỏi, là Chủ tịch hội Nông dân của xã Vĩnh Tú. Công việc bận rộn, tất bật của một cán bộ, một nông dân với 6 sào tiêu, 2 ha cao su, 17 ha rừng tràm và một trang trại chăn nuôi lợn, gà, cá nhưng mỗi năm, vào mùa xuân anh đều dành thời gian cho việc đi hái lá thuốc phục vụ cho việc chữa bệnh của mình.

luong-y-2Lương y Lê Văn Sơn.

Bài thuốc kỳ diệu

Không có nhiều thời gian, không thể chữa hết tất cả những bệnh mà mình đã được học, anh chỉ chọn một vài bệnh như bệnh chó dại cắn và rắn cắn để nghiên cứu chữa chạy cho bệnh nhân.

Chó dại cắn là một trong những bệnh nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong cao cho con người nếu không được cứu chữa kịp thời. Vì vậy, việc chữa trị một cách nhanh chóng ngay sau khi bị chó dại cắn là việc cấp bách. Người bị chó dại cắn có biểu hiện qua từng ngày như sau: Ngày thứ nhất bệnh nhân bị đau đầu, sốt nhẹ; ngày thứ hai bệnh nhân có cảm giác tức ngực, nóng ở cổ, phát ho và biểu hiện hen. Đến ngày thứ ba, họ có cảm giác ngợp nước, sợ ánh sáng, sợ gió. Sang ngày thứ tư họ tru tréo, sùi bọt mép…

Người bị chó dại cắn, nếu kịp thời được đưa đến nhà anh Sơn trong ba ngày đầu thì tỉ lệ sống là 100%, qua đến ngày thứ tư thì tỉ lệ đó giảm xuống chỉ còn 50%, vì lúc này độc tố đã phát tán khắp cơ thể, các chất đề kháng trong người bị tổn hại nhiều, vi rút độc dại thắng thế. Tuy nhiên, diễn biến bệnh còn phụ thuộc nhiều vào sức đề kháng của nạn nhân. Anh Sơn chia sẻ: “Tùy sức đề kháng của từng người bị chó dại cắn mà sức sống và khả năng cứu chữa cao hay thấp. Những người sức khỏe tốt, sức đề kháng cao thì có thể chịu được bảy ngày, nhưng cũng có người chỉ sau một ngày bị chó dại cắn đã tử vong vì độc tố lan nhanh, tim mạch bị vỡ, tim gan nhũn…”. Đặc biệt, khi bị chó dại cắn nếu để bệnh nhân nằm yên không vận động nhiều và đến lấy thuốc kịp thời thì sớm được chữa lành.

Chẳng hạn như trường hợp của anh N.M.H. (ở cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị) bị chó dại cắn, bệnh viện Trung ương Huế trả về sau ba ngày nằm điều trị, người nhà anh H. tìm đến anh Sơn cầu cứu. Chỉ sau ba giờ chữa trị, anh Sơn khẳng định bệnh nhân đã được cứu sống trước sự vui mừng tột cùng của gia đình. Anh Sơn cho biết, dù độc tố đã phát tán nhưng do anh H. có sức đề kháng khá tốt nên mới được cứu chữa khỏi. Có nhiều trường hợp đến tìm anh khi bệnh nhân đã sùi bọt mép, người phát điên dại, co giật, rên rỉ, cào cấu nhưng đều được cứu sống bằng bài thuốc gia truyền mà cha ông để lại. Trường hợp nhẹ thì sau một vài giờ là hết, nặng thì vài ngày đến một tuần sẽ khỏi hẳn.

Bài thuốc mà anh dùng chữa trị cho mọi người là bài thuốc Nam, chủ yếu là từ các loại lá rừng. Các loại cây lá này đều dễ kiếm ở khu vực rừng núi trên địa bàn huyện Vĩnh Linh. Được biết, một liều thuốc đẩy độc toàn bộ trị chó dại cắn trọn gói là 500 nghìn đồng, một liều thuốc phòng bệnh dại có giá 200 nghìn đồng. So với điều trị bằng thuốc Tây, thì giá thuốc trị bệnh dại này hiệu quả và rẻ hơn rất nhiều.

Anh Sơn cho biết, hàng năm, mỗi khi Tết đến, xuân về, anh lại bắt đầu vào rừng lấy thuốc, sau đó về phơi khô dự trữ dùng cả năm cho khoảng 800 đến 1.000 ca bệnh. Người đến cầu cứu anh không chỉ từ các tỉnh vùng lân cận mà cả những người từ Kon Tum, Vũng Tàu, Bình Định, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ninh Bình… cũng nghe tiếng anh mà tìm về. “Đặc biệt, khó quên nhất là trong trận bão Hải Yến hồi tháng 10 năm ngoái, cả nhà tôi đang loay hoay lo chống bão thì có người tất tả đội mưa, đội gió từ Thanh Hóa vào xin thuốc cho người nhà. Tôi chỉ kịp hỏi tình hình người bị chó cắn qua lời kể của người đàn ông này rồi vội vã lấy thuốc, dặn dò cách uống. Người này cũng vội vã ra xe về nhà. Sau này người đàn ông đó có gọi điện thoại vào báo tin người nhà được cứu sống và cảm ơn nhưng tôi cũng quên hỏi tên”, anh Sơn kể lại.

Anh Sơn cho biết thêm, một số bà con kiều bào và người nước ngoài cũng lặn lội về đây tìm anh mong được cứu chữa. Riêng năm 2013, có sáu người Mỹ, một người ở Cộng hòa Séc, năm người ở Lào về đây xin thuốc. Một số người sinh sống ở Mỹ còn gửi cả thư và địa chỉ về nhờ ông gửi thuốc qua Mỹ. Gần đây nhất, có trường hợp một ca bệnh ở thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) bị chó dại cắn mà để quá lâu, được bệnh viện Trung ương Huế xác định phải thay máu mới cứu sống. Người nhà tìm ra nhà anh Sơn với chút hy vọng cuối cùng, kể lại tất cả biểu hiện và kết luận của bệnh viện. Anh Sơn lấy thuốc và dặn dò cách uống, đến nay bệnh nhân đã hồi phục mà không cần thay máu khiến người nhà rất vui mừng.

Lương y tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng.

Tháng 6/2014, lương y Lê Văn Sơn được hội Y học Cổ truyền Việt Nam trao tặng danh hiệu Lương y tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng lần thứ nhất. Trung bình mỗi năm, anh cung cấp cho bà con từ 800 – 1.000 liều thuốc trị và phòng bệnh dại khi bị chó cắn, cứu sống hàng trăm người từ lưỡi hái tử thần.

[nguon]Theo Lê Giang – Hằng Mai (ĐSPL).[/nguon]