Tất cả bài viết của Phi Hổ

Đang mò cua, bắt ốc tại làng

Về Làng

Anh ơi hãy siêng về làng,
Thăm cha thăm mạ có hàng dưa ngon.
Sau này cha mạ không con,
Mấy khi có dịp cháu con về làng.

Ở làng từ thuở nằm nôi,
Nuôi ta khôn lớn mới rời làng đi.
Mần chi cũng nhớ đến làng,
Ăn dưa phải nhớ dưa làng miềng to.

Dưa làng Thủy Tú mấy o,
Trồng ngoài động cát quả to rứa tề.
Chưa ăn nhìn cũng đã mê,
Ăn rồi là cứ muốn về làng thôi.

Để ghé bàu trạng một hồi,
Nhòm dưa Vĩnh tú hai người đứng khiêng.
Lài Hai – Dãy rú nghiêng nghiêng,
Trăm bù trĩu trái, bạn miềng chổ mô?

Vô bàu Thủy Ứ ngày xưa,
Bên trưa còn đó hàng dừa có đâu?
Bởi vì năm tháng trôi mau,
Tre già măng mọc thay nhau cả rồi.
Bưng khuâng tui đứng một hồi,
Ngắm nhìn cảnh quê tuyệt vời bạn ơi!

Tuyet Le

Khoai môn (hay gọi là Môn nịt) – Đặc sản quê hương – Đặc sản của Làng

Chợ Hồ Xá trong tôi

Chợ Hồ Xá, cí (cái) chợ gắn bó từ thuở còn thơ đến chừ (giờ), lên 7 tuổi tò mò muốn biết cí chợ nó ra mần răng, năn nỉ mệ nội cho theo cùng.

Ba giờ sáng, gà gáy râm ran, cũng là lúc đoàn người đi chợ cất tiếng gọi nhau rộn đường làng. Người nào người nấy kĩu kịt chè, môn, khoai, dưa gánh ra chợ bán. Nhà cách chợ 8 cây số, đường đất đỏ tối om, gió lùa qua lũy tre hai bên đường vi vút. Đoàn người đi trong lặng lẽ ra chợ, thỉnh thoảng mới có tiếng líu ríu chuyện trò.

Khổ thân con bé, mắt nhắm mắt mở níu lấy áo mệ mò mẫm trên đường. Ra đến đường quan, tức quốc lộ 1a cũng là lúc tờ mờ sáng. Thỉnh thoảng vài chiếc xe tải, xe khách chạy qua, con bé lấy làm sung sướng và tự hào vì nó hơn hẳn bọn trẻ trong xóm. Hôm nay, nó được đi chợ huyện! Cuối cùng cũng đến chợ, ngồi chờ mệ bán hết mấy mớ rau, đùm tiêu khô,… cũng là lúc mặt trời lên. Mệ dắt nó lại hàng ăn uống và mua cho đôi bánh gạo nhưng mệ dặn ” Ăn một cái còn nhớ trừa phần cho em’. Bàn chân bé xíu của con bé gầy nhom ấy theo mệ đi khắp chợ. Cái gì cũng lạ, cũng hấp dẫn… Rồi mệ lúi húi kéo lớp áo ngoài lên, cẩn thận mở khóa kim băng rút ra bọc ni lon tiền được gói cẩn thận, mệ rút mấy tờ hai trăm đồng màu đỏ đưa cho nó cầm, rồi dắt tay nó đến bên lò quay kem. Chao ôi, đó là cái que kem ngon nhất trong đời mà nó từng được ăn, ngọt lịm, thơm phức mùi vani, bùi bùi vị lạc rang đâm mịn, mát lành đến tận xương tủy… nhiều người đứng chen chúc quanh cái lò kem ấy, mút lấy mút để que kem như sợ cái nóng mùa hè tan mất… Nó ước có nhiều tiền chắc phải ăn 10 que, ăn chán rồi phải đem phần về cho lũ em ở nhà nữa…

Nhưng đó chỉ là ước mơ! Ngoài kia mặt trời đã lên lưng chừng bóng, đoàn người đi chợ lại kéo nhau thông thả ra về. Nó về lòng vui vẻ hân hoan vì được ngửi không khí phố xá, có bao nhiêu chuyện để khoe với lũ nhóc ở nhà.

Bây giờ, nhà ở gần chợ chỉ mất mấy phút chạy xe nhưng nỏ mấy khi ra chợ. Sáng nay, tất bật ra chợ sớm, thấy cái tảo tần vất vả, thấy cái nhộn nhịp cảnh bán buôn và nghe vọng về cả thời tuổi nhỏ.

Nhung Nguyễn

Độc đáo dưa hấu Vĩnh Tú

Dưa hấu hữu cơ của xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị thơm ngon nổi tiếng hơn tất cả các loại dưa hấu của nhiều địa phương khác nên người dân trồng ra không đủ bán. Ruột dưa đỏ như son, ăn có vị giòn, ngọt mát, vị đường rít bàn tay khi ta cầm lên ăn.

Ông Trần Mai Hưng, Giám đốc HTX Huỳnh Công Tây dán tem truy xuất nguồn gốc dưa hấu Vĩnh Tú tại đồng.

Anh Nguyễn Đình Khanh, cán bộ Nông nghiệp xã Vĩnh Tú cho biết trồng dưa hấu là nghề truyền thống. Nhân dân xã Vĩnh Tú quan tâm chất lượng sản phẩm là hàng đầu nên trồng dưa theo phương pháp hữu cơ, năng suất đạt 1,2 tấn/sào. Vụ Đông Xuân này xã Vĩnh Tú trồng khoảng hơn 100 ha dưa hấu, diện tích tăng gần gấp đôi năm trước, với giống chủ yếu là Tiểu yến, Mặt trời có chất lượng tốt, thời gian thu hoạch ngắn, mang lại giá trị kinh tế cao. Giá bán tại vườn mỗi ki-lô-gam dưa hấu là 12 nghìn đồng. Theo tính toán mỗi ha dưa sẽ cho thu nhập từ 180 đến 200 triệu đồng, nhiều hơn trồng các loại hoa màu khác trên cùng một diện tích.

Anh Khanh cũng cho biết, để có quả dưa ngon người dân Vĩnh Tú phải dầm nắng, dãi sương với từng gốc dưa. Thời gian trồng dưa hấu bắt đầu từ cuối tháng Chạp đến đầu tháng Giêng âm lịch năm sau. Khoảng chín mươi ngày thì cây dưa cho thu hoạch. Khi hạt dưa nảy mầm lên cây và bắt đầu bò sát mặt đất, bước đầu tiên bà con phải tỉa hết chỉ để lại mỗi gốc dưa có hai thân. Đến những ngày trái gió, trở trời, người dân phải dùng từng que tre gấp thành hình dấu mũ chữ ô để cài cố định thân dưa sát mặt đất, tránh bị gió cuốn làm trốc gốc.

Đến giai đoạn dưa ra hoa thụ phấn phải làm những chiếc mũ bằng lá cây đủ lớn đội lên những bông hoa cái để tránh mưa gió làm hỏng, ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn đậu quả. Đến khi hai dây của một gốc dưa cùng đậu quả thì bà con phải hái bớt một quả để cây tập trung nuôi quả còn lại được tốt hơn. Cũng từ đây chủ vườn dưa phải làm từng thanh tre mỏng ghi ngày, tháng dưa bắt đầu cho quả gắm vào gốc dưa để theo dõi ngày dưa chín mà thu hoạch cho đúng thời điểm để có được quả dưa ngon.

Theo kinh nghiệm của bà con, mỗi gốc dưa chỉ để lại hai thân dưa nuôi một quả duy nhất thì cho chất lượng sản phẩm rất tốt. Thế mới biết cây dưa hấu ở Vĩnh Tú được nông dân dày công nâng niu, chăm sóc như thế nào để mang đến cho mọi người một sản phẩm trái cây chất lượng.

Để bảo đảm chất lượng của dưa hấu Vĩnh Tú không lẫn lộn dưa hấu của các địa phương khác, mới đây Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho “Dưa hấu Vĩnh Tú” thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Chủ giấy chứng nhận nhãn hiệu “Dưa hấu Vĩnh Tú” là Hợp tác xã Nông nghiệp Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú.

Vụ dưa hấu này, UBND xã Vĩnh Tú phối hợp một số đơn vị cung cấp dịch vụ giải pháp truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả để mua gần 30 nghìn tem truy xuất nguồn gốc phục vụ việc dán tem cho gần 30 nghìn quả dưa hấu được nông dân trồng tại các HTX trồng trên đất Vĩnh Tú.

Khi người dân chuẩn bị thu hoạch dưa, họ sẽ báo số lượng lên đơn vị quản lý là HTX để HTX cho người đến tận vườn dán tem truy xuất lên từng quả dưa, khi đó chủ vườn mới thu hoạch cung cấp cho thị trường nhằm giúp người tiêu dùng dễ truy xuất nguồn gốc, chọn mua đúng sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

dưa hấu

Yếu tố đặc biệt làm dưa hấu Vĩnh Tú ngon hơn là do thời tiết, khí hậu ở Vĩnh Tú luôn khắc nghiệt, nắng nhiều, ít mưa. Người nông dân trồng dưa chỉ bón phân hữu cơ, không phun thuốc kích thích, trừ sâu nên sản phẩm sạch sẽ. Một yếu tố quan trọng nữa là cây dưa được trồng trên đất cát vàngđất đỏ pha cát tỷ lệ mười phần trăm nên ẩm vừa đủ cho cây dưa tạo đường, tích tụ hương đất làm cho vị dưa thơm ngậy, mọng ngọt.

 

Theo LÂM QUANG HUY, báo Nhân Dân điện tử.