Lưu trữ cho từ khóa: tran huu chu

Người vẽ trạng cuối cùng làng Huỳnh Công

Ở làng trạng Huỳnh Công, xã Vĩnh Tú hiện nay chỉ còn lại duy nhất ông Trần Hữu Chư biết vẽ tranh trạng dựa theo những câu chuyện tiếu lâm hằng ngày…

tran-huu-chu-ve-chuyen-trang

Vẽ tranh bằng bút tre.

Có lẽ câu chuyện của chúng tôi với những người quản lý văn hóa địa phương sẽ không dài thêm nếu chỉ nói về việc không có người kế tục việc vẽ trạng, mà còn tiếc nuối đến rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh nghệ nhân cuối cùng phải dùng cả que tre để vẽ, tấm lịch làm tranh…

Dùng tre làm… bút vẽ

Sau những câu chuyện cười rôm rả ở làng Huỳnh Công, chị Hoàng Dạ Hương, Trưởng ban Văn hóa xã Vĩnh Tú nét mặt bỗng nhiên nặng trĩu khi kể đến nghệ nhân cuối cùng của làng còn vẽ được tranh trạng. Đó là ông Trần Hữu Chư, năm nay đã bước qua tuổi lục tuần, trong khi người kế tục thì không có, tranh không bán mà chỉ vẽ cho vui vậy, ngộ nhỡ không may ông Chư mất đi thì không có ai truyền dạy lại cái tinh túy của văn hóa làng Huỳnh Công thì thật đáng buồn.

Nhắc đến ông Chư, chị Hương không giấu nổi xúc động bảo: “Chị chỉ tiếc là không thể giúp cho ông Chư nhiều hơn, ngoài việc mua mấy lọ mực của học sinh hay vẽ đến biếu, cũng không mua được cho ông một giá vẽ cho đàng hoàng. Ông ấy thường vẽ tranh trạng bằng niềm say mê hiếm có. Vì không có tiền mua giá vẽ nên ông thường vẽ vào mặt sau của những tờ lịch khổ lớn. Vẽ xong, cái thì ép dưới mặt bàn, cái thì treo lên tường, cái thì treo đầu giường. Treo chật chỗ rồi ông lại dồn thành tệp đem vào buồng cất, mỗi khi có đám trẻ trong làng đến chơi ông lại lấy đưa cho mỗi đứa một tờ chơi”.

Nghe kể là vậy, nhưng khi gặp ông Chư chúng tôi mới cảm phục lòng đam mê của người họa sĩ nông dân. Không có bút “xịn” như những họa sĩ thực thụ, ông dùng dao chặt một cành tre cạnh nhà, vót nhọn một đầu sau đó dùng sống dao đập toét đầu nhọn ra làm “bút lông” để vẽ. Ông lôi trong nhà ra hộp mực được chị Hương tặng từ lâu ra vẽ. Ông dè sẻn từng giọt mực đến mức không để một giọt mực nào rơi ra ngoài, khi nhấc đầu bút tre lên khỏi lọ mực thì gõ nhẹ để đảm bảo mực không bị rơi thành giọt xuống đất, không phung phí mực vào những bức vẽ thường tình…

Ông Chư cho biết: “Tui thích vẽ từ nhỏ, nhưng mà hồi đó gia đình không có tiền cho đi học vẽ. Khi vào chiến trường, hễ lúc nào rảnh tay tui lại vẽ trạng để tự thưởng lãm. Những bức vẽ đó rồi cũng theo bom đạn mà rách nát hết, mà mình cũng chỉ ngắm thỏa thuê lúc đó được chứ không thể mang theo. Bây giờ hòa bình rồi, hễ có thời gian là tui lại hòa mình vào những bức tranh trạng, đó là niềm đam mê luôn thường trực trong người, rất khó bỏ”.

Không những vẽ trạng giỏi, ông Chư còn kể chuyện trạng cũng thuộc hàng đỉnh cao, ông có thể thuộc hàng trăm chuyện kể dân gian truyền miệng từ cổ chí kim của làng Huỳnh Công. Mỗi khi có người bảo ông kể chuyện bất kỳ thời kỳ nào thì ngay lập tức ông có thể kể xuyên ngày đêm không mệt mỏi.

Rồi những chuyện trạng, chuyện nói phét đó được ông Chư trực quan hóa bằng cách vẽ tranh dựa theo chuyện. Cứ như thế, mỗi bức tranh là một câu chuyện, mỗi bức tranh là một niềm day dứt với tranh trạng, với truyền thống trăm năm nói phét trăm năm của làng Huỳnh Công.

buc-tranh-bat-ho-di-cay-tran-huu-chu

Bức tranh “bắt hổ đi cày” mà ông Chư vừa hoàn thành.

Xem trạng Bắt hổ đi cày

Tranh lạ

Sở dĩ chúng tôi dùng từ “tranh lạ” là vì từ trước tới nay chưa thấy nơi nào có truyền thống vẽ trạng như làng Huỳnh Công. Tranh phản ánh thế giới tinh thần lạc quan đầy ắp tiếng cười của người dân vùng duyên hải Vĩnh Tú. “Nếu như người làng Đông Hồ, Bắc Ninh tự hào có dòng tranh Đông Hồ lừng danh thì cớ sao làng Huỳnh Công lại không thể tự hào về làng tranh trạng không nơi nào có được”, chị Dạ Hương chia sẻ.

Dẫn chúng tôi vào “phòng tranh” bất đắc dĩ, ông Chư lôi là một tệp tranh dày bằng cả gang tay tập hợp những bức họa đặc biệt rồi “kể chuyện theo tranh”. Bức tranh đầu tiên mà ông giới thiệu có tên “bắt hổ đi cày”.

“Nội dung chuyện này lể về một anh chàng ngốc nghếch người làng Huỳnh Công, anh ta thường dậy từ lúc mặt trời chưa ló rạng để đi cày, mà trước đây xung quanh làng Huỳnh Công là rừng cây rậm rạp, hùm, beo ẩn nấp rất nhiều. Một hôm chàng ngốc dậy sớm dắt hai con bò ra đồng, anh cột bò bên bìa rừng rồi ngồi nghỉ chân hút điếu thuốc lào, khi quay lại thì một con bò đã bị cọp ăn thịt nhưng chàng ngốc không biết, chàng dò dẫm dắt bò và xách tai luôn con hổ đang ngồm ngoàm thịt bò ra ruộng buộc ách vào cổ bắt đi cày. Khi mặt trời ló rạng, con hổ mệt ngoảnh mặt quay lại thấy chàng ngốc đang quất roi sau mông liền lồng lộn phá gông chạy vào rừng, từ đó người ta không thấy hổ quay lại bắt trâu, bò của dân làng nữa. Vậy là từ đó chàng ngốc trở nên nổi tiếng khắp làng”.

bi-trau-dam-loi-ruot

Bức tranh ông lão bị trâu đâm lòi ruột vẫn chiến đấu giết chết trâu rừng.

Dựa theo chuyện này, ông Chư vẽ được bức tranh một con hổ kéo cày cạnh con bò, phía sau là người thanh niên lực lưỡng đang quất roi vào mông hổ. Một bức khác ông lại vẽ hình một chàng trai đang ghì đầu hổ xuống để buộc ách cày. Những bức họa phản ánh chuyện khó tin này mục đích gây tiếng cười như những câu chuyện tiếu lâm lưu truyền trong làng.

Một bức họa khác vẽ một cụ già đi săn trâu rừng, mặc dù bị trâu húc lòi ruột nhưng vẫn một tay dùng giáo đâm chết trâu dữ, ý nói rằng người dân Huỳnh Công Có lòng dũng cảm khó ai địch lại. Hay một chuyện khác nói về một người thanh niên sức khoẻ phi thường, khi thấy hai con trâu đực mộng húc nhau mãi không thôi, người thanh niên liền đến bên dùng hai tay túm đuôi hai con trâu nhấc bổng lên quẳng xuống sông. Dựa theo chuyện này ông Chư lại có tranh “chàng trai túm đuôi trâu”. Một bức tranh khác vẽ một ông lão bế con trâu đực mộng xuống sông đi tắm thể hiện sức khoẻ phi thường…

Theo ông Chư thì từ trước đến nay ông đã vẽ bao nhiêu bức tranh trạng giờ không nhớ rõ, cách đây mấy tháng, chính quyền địa phương đến nhà ông xin lại mấy bức tranh rồi đem treo ở nhà văn hóa thôn để khách thập phương có dịp ghé qua thì thưởng lãm. Từ đó đến nay, không thấy có người nào đến xin tranh nữa.

“Tui vẽ tranh xong để ngắm, ai thích thì cho họ chơi. Tui định đem tranh đi ép plastic nhưng mà chưa có tiền. Bọn trẻ bây giờ không thấy có đứa nào muốn học vẽ tranh như tôi, bởi chúng không đam mê, hơn thế nữa là không kiếm ra tiền nhờ vẽ trạng nên không theo”.

Ông Trần Hữu Chư

[nguonNguồn: xaluan.com[/nguon]

Người giữ “hồn trạng”…

Dù đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng trong trái tim ông vẫn cháy mãi tình yêu với chuyện Trạng Vĩnh Hoàng. Hơn 13 năm qua, ông đã không quản ngại khó khăn, vất vả để sưu tầm hàng trăm câu chuyện trạng, sáng tạo nhiều chuyện trạng mới và vẽ những câu chuyện ấy thành những bức tranh sinh động. Ông là Trần Hữu Chư, thôn Tây II, Vĩnh Tú, Vĩnh Linh (Quảng Trị), người giữ “hồn trạng” Vĩnh Hoàng…

Trường tồn với thời gian

Mỗi lần đặt chân đến Vĩnh Tú, tôi được người dân kể cho nghe những câu chuyện trạng, trong lòng cảm thấy lạc quan, yêu đời, xua tan mọi mệt mỏi, lo toan trong đời sống thường ngày. Nhiều người bảo với tôi, chính chất men trong những câu chuyện trạng đã ngấm vào máu, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây.

Rót chén nước trà mới chúng tôi, ông Trần Hữu Chư kể rất nhiều câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng mà chỉ nghe qua một lần là nhớ mãi như chuyện: Bắt hổ đi cày, Quả dưa đỏ đánh tây thua chạy, Lấy cào cỏ cào cánh máy bay…Thông qua những câu chuyện trạng được kể bằng giọng nói nặng trịch, lúc trầm, lúc bổng, lúc nhanh, lúc chậm, tập trung, xoáy sâu vào chi tiết, ông đã đưa chúng tôi đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, đọng lại là tiếng cười vui tươi, sảng khoái. Ông bảo, ở quê ông, không có sản vật gì đặc biệt để tặng cho khách, nên người dân làng trạng thường lấy những câu chuyện trạng làm quà.

tran-huu-chu-2015

Theo tài liệu ông sưu tầm được, chuyện trạng Vĩnh Hoàng ra đời hơn 700 năm về trước. Sau những giờ lao động nặng nhọc, mọi người cùng quây quần bên ấm nước chè xanh, kể cho nhau những câu chuyện vui để xua tan đi những vất vả, lo toan trong cuộc sống hàng ngày, quên đi mệt nhọc sau một ngày lao động miệt mài, thể hiện ước mơ, khát vọng vào cuộc sống tốt đẹp.

Cứ thế, hết câu chuyện vui này đến câu chuyện vui khác lần lượt được người này kể cho người khác nghe, rồi được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có thêm nhiều chi tiết hóm hỉnh mới trong nội dung truyện với “độ” trạng cũng tăng dần. Theo thời gian, những câu chuyện hóm hỉnh, vui tươi được kể bằng thổ ngữ địa phương tạo nên những tiếng cười sảng khoái. Không hiểu tự lúc nào, chuyện trạng trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân Vĩnh Tú.

Trong dòng chảy thời gian, chuyện trạng gắn chặt với mảnh đất và con người Vĩnh Tú, lúc thăng, lúc trầm nhưng vẫn tồn tại trong mọi điều kiện khắc nghiệt nhất. Thời kháng chiến, Vĩnh Tú là trận địa bắn phá ác liệt của giặc Pháp, Mỹ, dù chịu nhiều mất mát, đau thương nhưng người dân địa phương vẫn vững chắc tay súng đấu tranh giữ làng, giải phóng quê hương. Trong giai đoạn ác liệt của chiến tranh, chuyện trạng vẫn gắn chặt với người dân như hình với bóng, mọi người kể cho nhau nghe để tăng thêm tinh thần lạc quan, yêu đời, niềm tin tất thắng, xua tan đi không khí tang thương, chết chóc của chiến tranh với các chuyện như: Vít cổ tàu bay, Quả bí có hai cuống, Đầu tét bom bi, Thừa một đứa con… Hòa bình lập lại, chuyện trạng góp phần đem lại tiếng cười sảng khoái cho người dân trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương tươi đẹp từ hoang tàn, đổ nát với các chuyện đặc sắc như: Cây khoai bò qua hai tỉnh, Ớt mà tưởng ngà voi…

13 năm ấy, biết bao nhiêu tình 

“Kể chuyện trạng thì bất cứ người nào ở Vĩnh Tú cũng có thể kể được. Nhưng để tìm được người kể đúng “thương hiệu” trạng Vĩnh Hoàng thì rất khó. Ông Trần Hữu Chư là một trong số những người kể hay và đúng với hồn trạng nhất. Với lối kể hóm hỉnh, vui tươi, những câu chuyện ông kể có ý nghĩa giáo dục, răn dạy rất lớn đối với mọi người chứ không đơn thuần là câu chuyện chọc cười vô nghĩa”, ông Trần Duy Anh, người cao tuổi ở thôn Tây II cho biết.

Vì thế, những lúc rảnh rỗi, ông Anh và nhiều người dân trong thôn thường tìm đến với ông Chư để nghe kể chuyện, được cười sảng khoái, tìm niềm vui trong cuộc sống và sâu xa hơn là nhớ về công ơn thế hệ đi trước đã để lại những nét đẹp văn hóa cho thế hệ hôm nay…
Ông Chư cho biết: “Ngay từ nhỏ, tôi may mắn được nghe nhiều người cao tuổi trong làng kể chuyện trạng và không hiểu tự lúc nào, tôi đam mê đến nỗi một ngày không nghe là thấy thiếu thốn thứ gì đó. Với vốn hiểu biết của mình, tôi mang những câu chuyện trạng kể cho mọi người nghe, đem lại những tiếng cười vui vẻ, gắn kết tình cảm mọi người lại với nhau”. Nhưng những người còn kể truyện trạng đúng “thương hiệu” ngày càng ít dần, thêm vào đó là những câu chuyện trạng cũng dần bị mai một, mỗi người kể một phách khác nhau, không ai còn nhớ rõ bản chính.

Năm 2000, ông Chư bắt đầu hành trình giữ “hồn trạng” với điểm đến là tìm gặp những người cao tuổi trong làng để sưu tầm, lưu giữ cốt chuyện và lối kể…Ông tâm sự: “Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng bắt tay vào mới thấy khó khăn. Các cụ tuổi đã cao, sức khỏe yếu nên không nhớ được nhiều, cùng một câu chuyện nhưng nhiều người kể khác nhau…Để có được những câu chuyện hay, đúng với bản gốc, tôi dành nhiều thời gian và tâm huyết để tìm hiểu, sưu tầm nhằm đúc kết những câu chuyện trạng đúng nhất mà cha ông để lại”. Qua nhiều năm đi tìm và lưu giữ hồn trạng, ông đã sưu tầm được hàng trăm câu chuyện và thơ trạng người xưa để lại.

Không bằng lòng với những gì có được, ông còn làm mới chuyện trạng bằng cách vẽ những câu chuyện ấy thành những bức tranh để người xem dễ hiểu, cảm nhận được cái hay, cái đặc biệt của chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Ông tâm sự: “Tôi thường tranh thủ lúc nông nhàn, dùng bút chì và sáp màu vẽ lại hình ảnh chuyện trạng thật sinh động, đưa ra những lời chú thích ngắn gọn nhưng toát lên nội dung cốt chuyện để mọi người nhìn vào là có thể hiểu ngay”.

Để có được kết quả như hôm nay, ông phải nỗ lực rất nhiều để vẽ đẹp, bố cục bức tranh hợp lý, toát lên điều mình muốn chuyển tải đến người xem, bởi từ trước đến nay, ông chưa hề vẽ bao giờ. Có lẽ động lực chính để ông hoàn thành những tác phẩm ấy là vì muốn giữ gìn và chuyển tải hồn trạng đến cho mọi người. Những bức tranh ông vẽ vừa treo trong nhà, vừa đem tặng các trường học để các em học sinh tiếp cận được nét đẹp văn hóa quê hương. Tôi ấn tượng nhất là tác phẩm “Bắt cọp đi cày” của ông được mọi người dựa theo để tạc hình lên vị trí trang trọng nhất ở Hợp tác xã Huỳnh Công Tây. Ông còn tích cực truyền dạy cho mọi người hiểu và yêu thích chuyện trạng bằng cách cho xem tranh và trực tiếp kể chuyện. Bên cạnh đó, ông còn đưa ra ý tưởng lồng ghép kể chuyện trạng vào các buổi sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể, các cuộc thi, buổi giao lưu văn hóa văn nghệ ở địa phương, được các cấp ghi nhận, biểu dương.

Chúng tôi rời xã Vĩnh Tú khi hoàng hôn buông xuống. Tôi nhớ mãi đến người giữ “hồn trạng” Vĩnh Hoàng Trần Hữu Chư với việc giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa quê hương và câu thơ “Dù ai đi ngược đi xuôi/Tiếng trạng đã ngấm vẫn về đây nghe…”. Mong một ngày không xa, chúng tôi sẽ trở lại để nghe ông kể chuyện và những việc làm ý nghĩa của mình trong việc lưu giữ kho tàng chuyện trạng Vĩnh Hoàng…

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH ĐỨC

Theo baoquangtri.vn

Làng Trạng nói chi lạ…

“Ga ni ga mô/ ga mô ri eng/ ga ni ga chi/ O ni đi mô/ o mô đi ra, o mô đi vô/ đi vô ga mô ri…”. Mới thoạt nghe một loạt câu nói trên dễ nhầm tưởng là người… Nhật đang nói chuyện, nhưng thật ra đó là một nhóm dân Vĩnh Hoàng đang đi trên tàu chợ!
tran-huu-chu-trang-vinh-hoang

Ông Trần Hữu Chư đã lưu lại những câu chuyện trạng của làng bằng những bức tranh vẽ – Ảnh: H.QUÂN

Thật tiếc là chỉ có thể ghi lại chữ chứ không thể đưa cái phần ngữ âm lên báo. Bởi với chất giọng đặc sắc ấy, cộng với phương ngữ của vùng đất này, chỉ cần nghe giọng Vĩnh Hoàng cất lên đã thấy vui, chưa nói đến một khả năng ứng tác chuyện trạng dân gian như một di sản văn hóa riêng có.

Thật ra cái câu nghe như tiếng Nhật nói trên chỉ đơn giản là các cách nói của câu hỏi “Ga (xe lửa) này là ga nào đây… Cô này định đi đâu… Cô nào đi chuyến tàu vào… cô nào theo chuyến tàu ra… Tàu sẽ vào ga nào đây…”.

Tiếng Pháp cộng tiếng Nhật (!?)

Dân Quảng Trị thấy ai nói khoác (tất nhiên pha chút hài hước) thể nào cũng bảo: “Tay này chắc quê gốc Vĩnh Hoàng”. Cái vùng đất phía đông huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian lưu tâm nghiên cứu.

Ngôi làng này là chiếc nôi của những câu chuyện trạng nổi tiếng từng được ví như làng Gabrovo trứ danh của nước Bulgaria. Tính nết khôi hài cùng với thổ ngữ là lạ đã sinh ra biết bao câu chuyện trạng cười “bể bụng”.

Ví như câu nói “ga mô ri eng?” hay “ga mô ri o?”, là cư dân khu 4 (vùng Thanh Nghệ Tĩnh – Bình Trị Thiên) ai cũng hiểu được nội dung, nhưng đưa nó thành chuyện trạng thì chỉ có thể là…Vĩnh Hoàng!

Một người kể: “Bựa nớ đi tàu bay ra nác ngoài, chộ cái dà ga đại chang bang, bơ hỏi một đực: “Ga mô ri eng?”. Đực ta nọ ư hự răng, trặc sang cái mụ tê hỏi “Ga mô ri o?” cụng nọ ư hự, sau cả mấy đực chụm trốc hội ý rồi hỏi lại dà choa là câu trước nghe dư tiếng Pháp, câu sau nghe dư tiếng Nhật mà nỏ phải tiếng Nhật hay tiếng Pháp, cả tàu bay nỏ ai biết miềng nói cấy chi!”. Hóa ra đơn giản chỉ đi máy bay ra nước ngoài, thấy cái nhà ga quá to, mới hỏi: Ga này là ga nào hả anh? Nhưng người ta không trả lời được, quay sang hỏi một chị: Ga này là ga nào chị? chị ấy cũng không trả lời được, sau đó tất cả bọn họ chụm đầu hội ý để đoán xem hai câu hỏi là ngôn ngữ nước nào, nghe như tiếng Pháp và tiếng Nhật nhưng không phải vậy!

Về Vĩnh Hoàng, có thể nghe hàng trăm câu chuyện liên quan đến phương ngữ của dân làng như chuyện “Kí lộ chao cặng mô ri o?” (cái chỗ rửa chân ở đâu vậy hả cô?). Chuyện hỏi cung tù binh Mỹ bằng giọng Vĩnh Hoàng hồi chiến tranh, chuyện “Bọ mạ mi mô”…Trong số những người làng có năng khiếu kể chuyện trạng phải kể tới hai ông Trần Đức Trí và Trần Hữu Chư.

“Rứa chú mi đã nghe chuyện Lợ một buội cày”(Lỡ một buổi cày) chưa?”, ông Trần Đức Trí – một nghệ nhân chuyện trạng Vĩnh Hoàng ở làng Huỳnh Công Tây thuộc xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), mở đầu câu chuyện với một cái giọng rất… trạng. “Bựa nớ, dà có mấy méng rọong, tui ưng đi cày sớm nên dặn vợ chủn bị cơm nác.Trời đạ sáng chi mô,vợ tui đạ mần sặn một bù nác chè đặc với một mo xôi xáo vợi khoai, bay mùi ra chi thơm.Tui nghe đạ khoái, liền lùa bò một mạch tận rú. Chộ trời chưa rạng, tui cho bò ăn một chặp. (dịch: Bữa đó, nhà có mấy mảnh ruộng, tui thích đi cày sớm nên dặn vợ chuẩn bị cơm nước. Trời đã sáng gì đâu, vợ tôi đã làm sẵn một bầu nước chè đặc với mo cơm nếp xáo với khoai, bay mùi ra thơm lắm. Tôi nghe đã thích liền lùa bò một mạch tận rừng. Thấy trời chưa sáng, tôi cho bò ăn một lúc).

Cứ thế, ông vừa kể bằng giọng Vĩnh Hoàng, còn chúng tôi ghi lại qua người phiên dịch. Câu chuyện tiếp tục rằng sau đó, ông chọn một con trong đàn bò rồi buộc vào cày và bắt đầu cày ruộng. Cày một hồi đến khi mặt trời lên mới biết cái con đang kéo cày không phải là bò mà là… cọp. “Sặn rạ trung tay, tui phắt một lát thiệt năng, niệt cày đứt mần đôi. Lạo cọp khiếp, chạy một mạch vô rú khôông dòm lại. Rứa là tui lợ một buội cày!” (sẵn cái rựa trong tay, tôi chặt một nhát thật mạnh, cày đứt đôi. Lão cọp khiếp, chạy một mạch vô rừng, không nhìn lại. Vậy là tôi lỡ mất một buổi đi cày).

Giọng ông nặng trịch, người Quảng Trị gọi là nặng cạy cạy. Thanh hỏi, thanh ngã đều biến thành thanh nặng, thanh ngang và huyền khi mờ khi tỏ. Lại thêm phương ngữ Vĩnh Hoàng, từ cổ và từ đệm thoắt ẩn thoắt hiện trong câu chuyện. Cùng với cái giọng nhấn nhá lên xuống, lúc nhanh lúc chậm của một cao thủ kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Dù đã nghe đến cả ngàn lần vậy mà dân làng vẫn thích ngồi nghe ông kể và cười ngả nghiêng như mới nghe lần đầu. Tôi hỏi một đồng nghiệp ở cách đó mấy cây số: “Ông hiểu gì không?”. “Vừa nghe vừa đoán nhưng cũng như vịt nghe sấm”.

nguon-goc-trang-vinh-hoang-quang-tri

Gìn giữ di sản cho làng…

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng từng được cố tiến sĩ văn học Võ Xuân Trang dày công sưu tầm,biên soạn và in thành sách. Sở Văn hóa thông tin tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) đã từng tổ chức hội thảo về chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Những câu chuyện trạng đậm đặc tính cách Quảng Trị “cười quên khổ” và thứ thổ ngữ “nặng hơn cả Quảng Trị”, dẫu chỉ nghe một lần cũng thật khó quên.

Đã có một giai đoạn Phòng Văn hóa thông tin huyện Vĩnh Linh tổ chức hội thi kể chuyện trạng nhằm phát huy sự sáng tạo của người dân với những câu chuyện đặc thù Vĩnh Hoàng, nhiều nghệ nhân dân gian đã nổi lên từ những hội thi như thế, tuy nhiên chỉ được một thời gian phong trào lại lắng xuống. Những câu chuyện của người làng Vĩnh Hoàng vốn được sinh ra để mang lại tiếng cười lạc quan cho nhau bên ấm chè xanh, bên nồi khoai lang bở chứ không phải để hội hè thi thố, và dường như khi cuộc sống càng sung túc, bớt phần cơ cực, những câu chuyện trạng đầy ắp lạc quan càng vắng dần. Duy có ông Trần Hữu Chư sợ rằng những câu chuyện một thời mất đi, ông đã giữ lại bằng cách vẽ những câu chuyện ấy thành những bức tranh, mỗi bức tranh là một câu chuyện ấm áp hồn hậu và lạc quan của đời dân, đời làng qua bao dâu bể thời gian…

Vùng đất này xưa có thành ngữ “ăn cơm bữa diếp” – nghĩa là hai ngày mới được ăn một bữa cơm, hỏi ăn cơm chưa nghe trả lời ăn từ “bữa diếp” nghĩa là ăn cơm từ… ngày kia. Cuộc sống cơ cực ngày xưa như vậy đã khiến người dân lạc quan như một tính cách được hình thành từ chính hoàn cảnh sống. Những năm chiến tranh, đây cũng là vùng đạn bom khốc liệt, truyền thống “trạng” càng được nối tiếp, thành một thứ năng lượng tinh thần động viên dân làng vượt lên thử thách mà sống, mà chiến đấu.Và đấy là thứ hương hỏa tinh thần vô giá, đã lặn vào máu thịt đời dân nơi đây, và họ mang theo, dù đến chân trời góc bể nào đi nữa!

Nguồn: Tuổi trẻ online