Đakrông mùa xuân về

Khu di tích – danh thắng Đakrông là tên gọi chung để chỉ cụm di tích – danh thắng nằm ngay hai bên quốc lộ 9 ở Km50, tại điểm khởi đầu của quốc lộ 14A, thuộc địa phận xã Đakrông – huyện Đakrông – tỉnh Quảng Trị.

Thành phần cấu thành khu di tích – danh thắng gồm có: Mỗi thành phần đều có một vẻ đẹp riêng và bố trí rất hài hoà, hội tụ gần nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, trữ tình lại có giá trị lịch sử, văn hoá, khảo cổ, sinh thái …
Dakrong01

Sông Đakrông

Sông Đakrông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, gần biên giới Việt – Lào hợp với sông Rào Quán, chảy dọc theo Đường 9, xuôi về Ba Lòng rồi đổ ra Cửa Việt theo sông Thạch Hãn. Vì vậy sông Đakrông còn được gọi là thượng lưu sông Thạch Hãn.

danh-thang-dakrong-1

Sông Đakrông có truyền thuyết về nguồn gốc đượm chất sử thi và nhân văn. Du khách vừa chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ, vừa được lắng nghe câu chuyện về cô gái Đakrông. Đoạn tại cầu treo được xem là đoạn sông đẹp nhất. Tuy không rộng nhưng đoạn này sông uốn lượn quanh co, men theo chân những dãy núi cao dựng đứng hai bên. Có nơi nước sông phẳng lặng, lững lờ trôi, lại có nơi nước cuộn ào ào như thác, vượt qua những dãy đá nhấp nhô giữa sông.

song-dakrong

Những năm 1959 – 1964, đoạn sông này là điểm vượt bí mật của tuyến đường dây 559 – tuyến đường mòn Trường Sơn – Hồ Chí Minh đầu tiên. Ba điểm đầu Khe Xom, cầu Cu Tiền và Xom Rò (cách trung tâm khu danh thắng 3 – 7km về phía Đông) đã được đưa vào danh mục những di tích quốc gia năm 1986.

Xem thêm:  100 bức ảnh “Quảng Trị- Những dòng sông huyền thoại”

Cầu treo Đakrông.

Cầu treo Đakrông được xem là điểm trung tâm của khu di tích – danh thắng. Giai đoạn năm 1972-1975, bắc qua sông Đakrông tại địa điểm này là một chiếc cầu sắt và trở thành tuyến vận tải quan trọng cho chiến trường miền Nam. Sau ngày Tổ quốc thống nhất, được sự giúp đỡ của nước bạn CuBa, một chiếc cầu treo duyên dáng dài 100m, rộng 6m thay thế cho cầu sắt. Năm 1999, do thời gian bảo quản quá hạn, cầu đã sập. Một lần nữa được sự quan tâm của Trung ương và nước bạn CuBa, cầu treo Đakrông đã được xây dựng lại khá qui mô tráng lệ.

cau-treo-dakrong-tren-tuyen-duong-hcm

Cầu treo Đakrông không chỉ là điểm đầu của tuyến giao thông chiến lược quan trọng mà còn tạo cảnh đẹp cho khu di tích – danh thắng bởi được đặt vào giữa một khung cảnh núi rừng trùng điệp, như là nét chấm phá nổi bật của bức tranh toàn bích.

Dãy núi Ta Lung, núi Klu.

Những dãy núi Ta Lung, Klu…đứng sừng sững hai bên sông Đakrông, hai bên Đường 9, Đường 14, tạo nên một quần thể núi non ẩn hiện với mây, in hình xuống dòng sông. Núi ở đây vừa có những vách đá dựng đứng cao chót vót vừa là một trong những nơi rất hiếm ở miền Trung còn bảo quản được thảm rừng già. Cây rừng đủ chủng loại, loại cây có đường kính 0,5 – 0,7m chiếm số lượng lớn. Khách đến không chỉ để du lịch sinh thái, đắm chìm trong cõi rừng già mà còn tham quan những con đường mòn huyền thoại do cha ông đã tạo nên để vào Nam đánh quân xâm lược Mỹ.

Xem thêm:  Địa đạo Vịnh Mốc, điểm đến hấp dẫn Việt Nam chưa được khám phá

song-dakrong-2

Suối nước nóng Klu (nơi có di chỉ khảo cổ).

Cách cầu treo Đakrông về phía Đông Bắc không xa là nơi khởi nguồn của dòng suối Klu. Theo các nhà nghiên cứu, mỏ nước khoáng này có hàm lượng bi carbonate và calci từ 300 – 400mg/lít, các chất này có tác dụng giúp tiêu hoá tốt, chống ợ chua. Đặc biệt có chất metasilich với hàm lượng trên 50mg/lít, tác dụng tăng khả năng chống viêm nhiễm.

danh-thang-dakrong-2

Đây cũng chính là di chỉ khảo cổ quan trọng. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, người đã từng đến đây nghiên cứu thì di chỉ này thuộc thời đại đồ đá cũ. Trong hội nghị Khoa học quốc tế về khảo cổ tại Chiềng Mai (Thái Lan), giáo sư đã báo cáo và được đánh dấu trên bản đồ khảo cổ học thế giới.
Bản dân tộc Vân Kiều (bản Xa Lăng và bản Klu)

Khu di tích – danh thắng Đakrông còn là điểm du lịch phong phú loại hình bởi du khách sẽ được tiếp xúc, thăm viếng dân tộc Vân Kiều, Pa Cô – những dân tộc kiên cường trong đấu tranh chống ngoại xâm. Hiện có hai bản dân tộc: Xa Lăng và Klu cư trú tại khu vực này (cách cầu treo không quá 1km). Du khách được làm quen với dân tộc Pa Cô, Vân Kiều thông qua cuộc sống đời thường và những sinh hoạt văn hoá cộng đồng của họ.

Điểm khởi đầu 14A – đường Trường Sơn, quốc lộ 9 đoạn Km50

Xem thêm:  Đôi bờ Hiền Lương và nỗi đau chia cắt

Điểm đầu của quốc lộ 14A nằm ngay trung tâm khu di tích – danh thắng, cùng với Đường 9, các đường mòn qua các dãy núi là những tuyến vận tải quan trọng của ta trong chiến tranh. Ngày nay quốc lộ 14A nằm trong lộ trình đường Hồ Chí Minh hiện đại. Nơi đây sẽ là giao điểm của đường Hồ Chí Minh và đường Xuyên Á Đông – Tây. Vì vậy khu di tích danh thắng còn có lợi thế về giao thông và tiếp thị du lịch, nơi hội tụ của du khách từ bốn chiều Bắc, Nam, Đông, Tây theo các con đường hiện đại.

danh-thang-dakrong-3

Đến với Quảng Trị, bên cạnh việc tham quan những di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến mang tầm vóc quốc gia, du khách còn được tận mắt thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên trữ tình, mang dấu ấn lịch sử, văn hoá sâu sắc của Đakrông. Sự phong phú về đối tượng tham quan trên mảnh đất lửa Quảng Trị chắc chắn sẽ thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước (hiện nay dù chưa đưa vào khai thác nhưng hàng ngày đã có trên 50 lượt khách đến tham quan.

Ủng hộ Trạng Vĩnh Hoàng:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.