Lưu trữ cho từ khóa: mien trung
10 lý do để Miền Trung níu lòng du khách khi đặt chân đến
Khúc ruột miền Trung làm say lòng bao lữ khách không chỉ bởi đặc sản ngon rẻ, hệ thống đền chùa linh thiêng, mà còn bởi tình người chân phương, mộc mạc, hồn hậu.
Người miền Trung hài hước, chất phác, nghĩa tình
Miền Trung là khúc ruột nối liền hai đầu đất nước, là nơi hằng năm phải gánh chịu bao cơn bão lũ, tai ương và hạn hán. Có lẽ vì vậy nên người miền Trung mới trở nên hài hước, lạc quan để quên đi vất vả đắng cay.
Người miền Trung hài hước, chất phác, nghĩa tình.
Đám tang, đám cưới, đám hỏi của người miền Trung cũng chẳng tốn mấy tiền. Vì anh em, hàng xóm kế bên mỗi người một tay phụ dọn dẹp, căng bạt, dựng trại. Ngôi nhà xây ở thành phố tận mấy tỉ chứ người miền Trung thì chỉ vài trăm, thậm chí vài chục vì được nhiều người giúp bốc ngói, xây tường…
Đặc sản ẩm thực có 1-0-2
Nói đến ẩm thực miền Trung là nói đến cái bình dị, dân dã nhưng mang hương vị riêng không lẫn vào đâu được. Ẩm thực miền Trung được sáng tạo và góp nhặt từ sự gian khổ, khó nghèo của từng vùng đất khô cằn, nhưng vẫn mang hơi thở Việt và lưu truyền ra cả mọi miền đất nước.
Ai đã ăn bánh nậm, bánh lọc, bánh mèo, bún bò Huế? Ai từng ăn mì Quảng, bún chả cá Quy Nhơn, nem Ninh Hòa, nem Chợ Huyện Bình Định, bánh ít, bánh hồng, bánh tráng nước dừa? Ai từng thưởng thức bánh canh cá dầm Nha Trang, cơm gà Hội An, bì tré chua chua ngọt ngọt… Nói về ẩm thực thì miền Trung là một kho báu nhiều sắc màu mà không phải ai cũng có dịp trải nghiệm hết.
Mỗi vùng sẽ có nét đặc trưng riêng. Chẳng hạn nhắc đến Quảng Nam, người ta không thể không nhắc đến món gà vườn Thơm Thảo đất Tam Kỳ hay món cao lầu đặc trưng phố Hội, món mì Quảng đậm đà phong vị hay tô cơm hến cay xé lòng.
Ẩm thực miền Trung đặc trưng bởi hai vị: chua và cay. Dường như những cay đắng, chua chát mà người miền Trung ngàn đời phải gánh đã lắng hết trong từng món ăn. Ban đầu thì nhiều người lạ lẫm, nhưng ăn rồi lại nghiện, lại suốt đời chẳng thể nào quên.
Sở hữu đường bờ biển dài, miền Trung được thiên nhiên ưu ái ban tặng rất nhiều bãi biển đẹp mê hồn với cát trắng mịn, nước xanh trong vắt và phong cảnh vô cùng hữu tình. Nếu Nghệ An có bãi biển Cửa Lò, cố đô Huế có bãi biển Thuận An, Lăng Cô, tỉnh Hà Tĩnh có Thiên Cầm, thì Đà Nẵng có Mỹ Khê, Hội An có Cửa Đại… Những bãi biển ở miền Trung trong vắt và rất sạch, hằng năm thu hút hàng vạn du khách về đây.
Miền Trung có thành phố đáng sống nhất Việt Nam
Đà Nẵng – thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
Đà Nẵng – một thành phố nổi tiếng ở miền Trung được đánh giá là một trong 20 thành phố trên thế giới có hàm lượng cacbon trong khí thải ra môi trường thấp nhất. Thành phố này cũng ngày càng trở nên văn minh và thân thiện với môi trường hơn.
Không những vậy, Đà Nẵng còn có khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới, điểm du lịch mới hấp dẫn nhất hành tinh… Website uy tín về du lịch TripAdivisor đã công bố danh sách top 10 địa điểm mới thu hút nhất thế giới, trong đó địa điểm nhận được nhiều sự yêu mến và bình chọn nhất của du khách là thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.
Dịch vụ rẻ, tiện
Bạn đừng ngạc nhiên nếu một ngày lỡ gặp hoạn nạn tại đâu đó ở miền Trung, người dân sẵn sàng mời bạn vào nhà uống nước, dọn thêm đôi đũa, chén cơm, thậm chí cho bạn ngủ nhờ qua đêm mà chẳng hề đòi hỏi.
Người miền Trung là vậy đó!
Miền Trung có “đặc sản giọng nói”
Bạn đã từng nghe người Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị nói? Ở miền Trung, mỗi tỉnh là một “đặc sản giọng nói” khác nhau. Nếu không quen với chất giọng nằng nặng: chi, mô, răng, rứa…, khi về miền Trung, có thể bạn sẽ cần thêm người “phiên dịch”.
Người Bình Định và Quảng Ngãi không quen thì nói với nhau tựa như cãi lộn. Người Quảng Nam nói với người Quảng Trị nghe cũng “khó đỡ”. Dân Quảng Ngãi có thể đổ lỗi cho dân Bình Định nói “khó nghe quá”, còn người Bình Định thì cười phá lên: “Cái thằng quỷ này nói có ai nghe được chữ nào đâu mà chê mình”.
Con gái miền Trung lạ lắm
Con gái miền Trung vừa có sự dịu dàng của gái Bắc, vừa mang nét ngọt ngào của gái miền Nam. Nhưng con gái miền Trung cũng có gì đó lạ lắm: dịu dàng và thùy mị vừa đủ để không trở nên ủy mị, ngọt ngào khéo léo vừa đủ để không lẳng lơ, cá tính sắc sảo vừa đủ để biết chiều chồng thương con nhưng không phụ thuộc. Con gái miền Trung chung tình, đã thương là “mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”.
Có lẽ, chính mảnh đất miền Trung nắng gió khắc nghiệt đã rèn cho những người con gái bản lĩnh kiên cường đến vậy!
Những sự kiện ngoài trời hoành tráng
Miền Trung tất nhiên chẳng có Hà Nội, TP HCM…nhưng những sự kiện ngoài trời hoành tráng thì lại không hề thua kém. Được tổ chức hai năm một lần, lễ hội pháo hoa Đà Nẵng luôn là điểm hẹn lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Không giống như các màn bắn pháo hoa thông thường, trình diễn pháo hoa Quốc tế được ví như một “tác phẩm nghệ thuật” do các nghệ nhân tài ba vẽ lên nền trời đêm.
Khách du lịch thoải mái mua sắm mà không sợ bị chặt chém
Khách du lịch thoải mái mua sắm mà không sợ bị chặt chém.
Thành phố Đà Nẵng hay Hội An… có bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, có núi, có đèo, có những khu nghỉ dưỡng xa hoa nhất thế giới, nhưng du khách sẽ không có cảm giác đang ở một khu du lịch nổi tiếng và lúc nào cũng nơm nớp sợ bị “chặt chém” mọi lúc, mọi nơi.
Mảnh đất hiếu học, nghĩa tình
Người miền Trung rất coi trọng việc học hành, rất hiếu học và “thèm” được học. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại miền Trung từ nhỏ đã thấm nhuần tư tưởng phải dùng tri thức để thoát khỏi cái nghèo, cái khổ. Bởi vậy, có khổ cỡ nào, khó cỡ nào, các gia đình miền Trung cũng cố gắng cho con cái ăn học đầy đủ. Thủ khoa của các trường đại học tên tuổi trên cả nước hầu như năm nào chẳng “xướng tên” hàng chục người miền Trung?
Theo Timeout VietNam
Món ớt ướp độc đáo của người Miền Trung
Không biết do thói quen của cha ông từ thủa nào, hay do khí hậu thời tiết thất thường nơi đây mà người Miền Trung có sở thích là… ăn ớt. Tất cả món mặn đều phảii có tý … cay. Cũng chính vì thế, món ớt ướp trở thành món ăn chính không thể thiếu trong mỗi gia đình người Miền Trung.
Thông thường với trái ớt, người Miền Trung có thể chế biến thành nhiều món khác nhau. Ớt ăn tuơi với canh rau muống, rau khoai; ớt làm nuớc mắm chanh tỏi chua ngọt để ăn với bún, bánh thịt nướng. Ớt cũng được chế biến thành tương, hay phơi khô xay mịn làm ớt bột, để giành kho cá thịt… Nhưng độc đáo nhất trong các món ớt của người Miền Trung mà “không nơi mô” có được là món ớt ướp.
Bình ớt ướp bày bán nơi chợ.
Ớt ướp là ớt được chế biến theo hình thức muối, tương tự như muối cà, muối dưa nhưng với một kỹ thuật khá …tinh tế, bởi nó không những cần làm đủ các công đoạn của việc muối thực phẩm như chuẩn bị nguyên liệu, các thao tác muối, mà còn đòi hỏi khâu vệ sinh hết sức sạch sẽ của người chế biến.
Người Miền Trung quan niệm, người chế biến nếu có mùi mồ hôi “nặng”, không sạch, không thơm thì sẽ không muối thành công món ớt uớp. Một điều nữa mà đòi hỏi sự “tinh tế” của món ớt ướp là không phải bất cứ loại ớt nào cũng có thể dùng để chế biến thành thức ăn này.
Ớt ướp với người Miền Trung là món ăn ngon bởi nó có vị mặn, vị chua ngọt, cảm giác dai giòn khi ăn và đặc biệt là mùi thơm rất đặc trưng của thứ trái cây lên men tự nhiên. Hơn nữa sau khi được ướp, vị cay của trái ớt sẽ dịu nồng không còn cảm giác “cay xé lưỡi”, dù người ít ăn được vị cay cũng sẽ rất thích món ăn này khi được thưởng thức. Còn với dân Miền Trung “gốc” thì có thể nói là “nghiền” . Chính vì thế, vào mùa thu hoach ớt, gia đình người Miền Trung nào cũng lựa chọn ớt , chọn người “thơm tay” để làm một “vịm” ớt ướp (Vịm là dụng cụ bằng đất nung hoá sành có miệng rộng dung để muối cà, muối dưa và ướp ớt).
Trái ớt ướp kho cùng cá đồng.
Ớt ướp có thể để dành ăn suốt cả năm mà chất lượng sản phẩm vẫn không giảm. Đầu tiên là khâu chọn ớt. Giống ớt thường chọn để ướp là giống “ớt chìa vôi” có trái to, nhiều thịt hay giống “ớt bom” đặc ruột cơm dày.
Hơn thế, Ớt dung để ướp phải là ớt cuối vụ, bởi lúc này trái ớt sẽ có cùi dày, nhiều “thịt”, khi ướp trái ớt sẽ giòn ngon hơn. Không dùng ớt quá chín, chỉ dùng những trái ớt đã già nhưng da vẫn còn xanh hoặc hường (hồng). Nếu dùng ớt chín quá để ướp thì trái ớt sau khi ướp sẽ mềm không có “độ giòn dai”, mất ngon.
Sau khi đã lựa chọn ớt, người nội trợ sẽ dùng kéo cắt bớt cuống trái ớt nhưng vẫn giữ nguyên cuống bởi nếu mất cuống, trái ớt sẽ bị hư khi ướp. Sau đó, rải ớt trong chỗ sạch và râm mát khoàng vài ngày để ớt được héo tự nhiên, tuyệt đối không phơi nắng, nếu phơi nắng trái ớt sẽ mau héo nhưng ớt ướp sẽ bị bầm và mau hư, không thơm ngon. Khi trái ớt đã héo, sẽ được rửa sạch bỏ vào rổ cho ráo nước rồi tiến hành ướp.
Nguyên liệu để ướp là muối hạt và ớt. Để trái ớt ướp không quá mặn, có độ chua thanh và thơm ngon, người ướp phải biết sử dụng một lượng muối vừa đủ, Nếu nhiều muối sản phẩm sẽ bị mặn, mất ngon, Nếu ít muối sản phẩm sẽ mau hư không sử dụng lâu dài được. Vịm làm ớt ướp phải được rửa sạch, phơi nắng nhiều ngày để tiêu diệt nấm mốc và các vi khuẩn có hại làm hư trái ớt khi ướp.
Sau đó cứ một lớp ớt rải một lớp muối cho đến khi nào gần đầy vịm thì người ướp sẽ dùng một cái mo cau đựơc cắt gọn, rộng hơn miệng vịm đậy kín lại và dùng hòn đá cuội to, nặng đè lện . Ớt càng được nén chặt càng ngon. Cuối cùng, người ướp sẽ nấu nước muối để nguội đổ lên trên vịm ớt ướp nhằm bảo quản không cho vi khuẩn có hại xâm nhập làm hư ớt ướp.
Ớt được ướp khoảng nửa tháng thì “chín”, có thể sử dụng. Một trái ớt sau khi ướp đạt yêu cầu phải có màu vàng bông lý, mình trái ớt dẹt, cứng chắc, khi cắn có cảm giác giòn dai, vị mặn ngọt chua thanh, mùi thơm đặc trưng của ớt tươi lên men và vị cay nồng dịu…
Nhìn những trái ớt ướp đạt yêu cầu rất bắt mắt và hấp dẫn. Ai đã một lần thưởng thức món ớt ướp thì sẽ không quên, đặc biệt là trong những ngày đông lạnh ở Miền Trung. Cũng bởi sự hấp dẫn của nó mà ngày nay, cùng với các loại mắm Miền Trung, ớt ướp trở thành món ngon mà người Miền Trung tha hương mỗi lần nhớ quê đều cảm thấy rất thèm.
Có dĩa ớt ướp hiện diện trong mâm cơm, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc như đang được sống trên mảnh đất quê hương.