Lưu trữ cho từ khóa: dia dao vinh moc

Hơn 1,6 triệu lượt khách đến tham quan “miền đất lửa” Quảng Trị

Được biết đến là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, Quảng Trị đã và đang phát huy các thế mạnh để phát triển du lịch và tập trung khai thác các tour du lịch hoài niệm, tâm linh.

Theo thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm đến nay tại các điểm trên địa bàn tỉnh đã đón hơn 1,6 triệu lượt khách từ trong và ngoài nước đến tham quan và du lịch. Trong đó, lượng khách nội địa chiếm số lượng khá lớn với hơn 1,4 triệu lượt, khách nước ngoài chiếm gần 200.000 lượt.

du-lich-dia-dao-vinh-moc-quang-tri

Du khách quốc tế đến tham quan và tìm hiểu quá khứ tại Di tích quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc

Nhắc đến Quảng Trị, chắc hẳn du khách sẽ nhớ đến những công trình, địa danh gắn liền với quá trình đấu tranh giữ nước như: Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Sân bay Tà Cơn, trụ sở Ủy ban cách mạng lâm thời. Cùng với 3 điểm tâm linh quan trọng, gồm: Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị,…

Vào các dịp lễ, tết du khách các nơi lại có cơ hội trở về “miền đất lửa”. Đến với Quảng Trị, mọi người có dịp đến các điểm tâm linh để viếng và tri ân các vị anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngoài ra, mọi người có thể đến thăm các điểm du lịch hoài niệm, mang đậm dấu ấn về một thời kỳ chiến tranh gian khổ của quân và dân ta.

tham-quan-cau-hien-luong-quang-tri

Du khách tham quan Khu di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải

Những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh Quảng Trị đã khai thác và phát huy những thế mạnh đặc trưng của địa phương. Trong đó, tập trung khai thác các tour du lịch hoài niệm, tâm linh. Qua đó, góp phần mang đến tổng doanh thu kinh doanh du lịch xã hội đạt trên 1.400 tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2014).

Năm 2015 cũng là năm diễn ra nhiều ngày lễ lớn quan trọng của địa phương cũng như cả nước, hòa chung không khí này ngành du lịch tỉnh Quảng Trị đã triển khai tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

can-ho-trong-long-dia-dao-vinh-moc

Mô hình căn hộ gia đình trong lòng địa đạo Vịnh Mốc

Để khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch, công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư, hợp tác, quảng bá du lịch với tỉnh Savannakhet (Lào) – Mukdahan (Thái Lan) được chú trọng thực hiện. Việc khai thác Trung tâm Thông tin du lịch Lao Bảo gắn với Cụm thông tin tuyên truyền đối ngoại của tỉnh tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo được thực hiện có hiệu quả đã góp phần thu hút một lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với vùng đất này.

Dựa trên những kết quả đã đạt được, ngành du lịch tỉnh Quảng Trị phấn đấu trong năm 2016 sẽ thu hút thêm tổng lượng khách tăng 3,4% so với năm 2015, tổng doanh thu kinh doanh du lịch xã hội 1.425 tỷ đồng.

[nguon]nguồn: http://dulich.dantri.com.vn/du-lich/quang-tri-hon-1-6-trieu-luot-khach-den-tham-quan-mien-dat-lua-20151217230931984.htm[/nguon]

Địa đạo Vịnh Mốc, điểm đến hấp dẫn Việt Nam chưa được khám phá

Địa đạo Vịnh Mốc, một trong những điểm du lịch lịch sử cách mạng nằm ở Quảng Trị, Việt Nam vừa được Thrillist chọn là điểm đến hấp dẫn châu Á nhưng chưa được khám phá.

Cũng như địa đạo Củ Chi, Vịnh Mốc là công trình ngầm và mang tính lịch sử độc đáo của Việt Nam.  

vinh_moc_vinh-linh-quang-tri

Vịnh Mốc nằm ở Quảng Trị, Việt Nam

Vịnh Mốc tọa lạc trong một quả đồi sát biển ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị. Địa đạo được xem là công trình tiêu biểu và quy mô nhất trong số hơn 100 địa đạo lớn nhỏ được đào trên toàn huyện Vĩnh Linh.

vinh_moc_vinh-linh-quang-tri-1

Vịnh Mốc nằm sát biển và cách cầu Hiền Lương vài cây số

Vịnh Mốc gồm 3 tầng hầm liên thông dưới lòng đất, tầng một cách mặt đất từ 12 đến 15m, tầng 3 cách mặt đất 22m. Toàn bộ chiều dài của địa đạo gần 2km và có 13 cửa. Địa đạo là một thế giới ngầm được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ác liệt, từ 1965 – 1972, cho đến nay dường như vẫn còn giữ được nguyên vẹn. Trong những năm chiến tranh ác liệt nhất, người dân không thể sống trên mặt đất nên đã di chuyển xuống dưới lòng đất và Vịnh Mốc là “công trình” được kiến tạo để tránh bom đạn, duy trì cuộc sống và là căn cứ quân sự của quân – dân huyện Vĩnh Linh. Chỉ với đôi bàn tay thô sơ, người dân Quảng Trị đã xây dựng một địa đạo mà cho đến giờ, rất nhiều du khách nước ngoài khi được tận mắt chứng kiến cũng phải xuýt xoa và ca ngợi về sự thông minh cũng như sáng tạo, kiên cường của những con người Việt Nam nhỏ bé.

Có rất nhiều dòng cảm xúc về nơi này: “Địa đạo Vịnh Mốc giống như một toà lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, giấu kín biết bao điều kỳ lạ về những con người đã làm ra nó và thời đại nó đã sinh ra”.

Địa đạo được xây dựng thông minh nên dù nằm sâu dưới lòng đất vẫn có hệ thống thông gió tự nhiên và ánh sáng đầy đủ. Các khu vực để nhân dân ở, vào thời điểm đông nhất có thể chứa được hơn cả ngàn người, các khu vực sinh hoạt như trên mặt đất như nhà bếp để nấu ăn, phòng sinh hoạt, phòng họp, nhà hộ sinh, y tế, giếng nước,… đều đủ cả. Người ta gọi địa đạo Vịnh Mốc là “làng hầm” cũng vì vậy.

vinh_moc_vinh-linh-quang-tri-2

Địa đạo Vịnh Mốc mang đầy dấu ấn và sự sáng tạo của quân dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh gian khổ, từ 1965 – 1972.

vinh_moc_vinh-linh-quang-tri-3

Ngoài địa đạo Vịnh Mốc của Việt Nam, tờ Thrillist còn nhắc đến nhiều điểm du lịch khác như Tu viện Tatev – Armenia, Tu viện Taktsang Palphug của Bhutan, Nhà thờ Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddien của Brunei, Sông Irrawaddy ở Myanmar, Cung điện Mulee Aage – Maldives, Cánh đồng muối Taepyeong – Hàn Quốc, ruộng bậc thang Banaue ở Philippines, Annapurna Circuit ở Nepal và vách đá Flaming ở Mông Cổ.

[nguon]Nguồn: http://motthegioi.vn/luxury-living/du-lich/vinh-moc-diem-den-hap-dan-viet-nam-chua-duoc-kham-pha-257626.html[/nguon]

 

Địa đạo Vịnh Mốc – kỳ tích sống trong lòng đất Quảng Trị

Từ thành phố Đông Hà – trung tâm hành chính, thương mại tỉnh Quảng Trị, mất khoảng hơn 1 giờ chạy xe máy theo Quốc lộ 1A hướng ra phía Bắc rồi rẽ vào nhánh đường nhỏ xuống biển sẽ đến được địa đạo Vịnh Mốc.

Trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại, địa đạo Vịnh Mốc (nay thuộc thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) được mệnh danh là vùng đất lửa vì từng là  “tọa độ chết”, là mục tiêu hủy diệt của địch, máy bay rải bom trên không, pháo bắn từ hạm đội ngoài biển vào. Thế nhưng, chính từ nơi chiến trường ác liệt ấy, bằng sức người và ý chí “nhà nhà đào địa đạo”, “Địch càn, dừng đào; địch rút, tiếp tục đào”, nhân dân Vịnh Mốc đã làm nên một kỳ tích sống trong lòng đất.  Địa đạo Vịnh Mốc đã chở che, bảo toàn mạng sống cho bao người dân.

Hệ thống địa đạo gồm có 3 tầng: tầng thứ nhất sâu 12 m, dùng để sinh sống, tầng thứ hai cách mặt đất 15 m, được dùng làm nơi cất giữ lương thực và vũ khí hay hội họp và tầng cuối cùng sâu 23 m được dùng để tránh bom. Toàn bộ hệ thống địa đạo Vịnh Mốc có 13 cửa thông ra ngoài, trong đó có 7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi, mỗi cửa hầm được coi như một lỗ thông hơi.

Kể từ sau ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải và sạch bóng quân thù, địa đạo Vịnh Mốc đã trở thành huyền thoại không chỉ về sức sống kỳ diệu và ý chí quả cảm của con người trong chiến tranh, mà còn là một công trình kiến trúc độc đáo, một danh thắng du lịch nổi tiếng.

Dù đã nghe nhiều về kỳ tích của địa đạo này, nhưng chỉ khi đến tận nơi, mắt thấy, tai nghe du khách sẽ không thể không thán phục. Địa đạo như hình ảnh thu nhỏ của một làng quê được xây dựng và kiến tạo dưới lòng đất ở độ sâu từ 10 – 23m có chiều dài hơn 1,7 km; hệ thống giao thông hào chằng chịt được hình thành trong lòng đất đỏ bazan. Càng vào sâu trong địa đạo, không khí càng thêm mát lạnh trái hẳn với không gian chật hẹp bởi lối đi nhỏ.

Thật ngưỡng mộ khi nhìn thấy những hầm tư lệnh, phòng nghỉ, giếng nước, trạm gác, nhà bếp, nhà vệ sinh và nhiều lỗ thông hơi được bố trí một cách hợp lý, khoa học… vẫn vẹn nguyên, lưu dấu xưa nằm sâu dưới lòng đất. Ngạc nhiên hơn cả khi được chứng kiến cảnh tái hiện  sinh hoạt đời thường của người dân và thật sự xúc động khi bước vào ngăn hầm dùng làm bệnh xá, nhà hộ sinh – nơi 17 đứa trẻ đã cất tiếng khóc chào đời trong lửa đạn…

Có đến tận nơi tham quan, khám phá địa đạo mới hiểu được cuộc sống gian lao và lòng sắt đá trung kiên của quân và dân ta trong những năm tháng kháng chiến chống quân xâm lược, giành độc lập tự do cho non sông đất nước.

Địa đạo vịnh mốc cũng cho ta thấy rằng, không điều gì của quá khứ trong những năm tháng chiến đấu, hy sinh và gian khổ lại có thể dễ dàng bị lãng quên. Trong hành trình về với Vịnh Mốc hôm nay, du khách như có thể cảm nhận được hơi thở nóng của cuộc chiến năm xưa, qua đó thêm yêu mến quê hương kiên cường của dân tộc, Tổ quốc mình.

dia-dao-vinh-moc-2016

Lối vào Địa đạo Vịnh  Mốc ngày nay đã xanh rợp bóng mát của các hàng trúc.

hinh-anh-dia-dao-vinh-moc-moi-nhat

Hệ thống giao thông hào phía trên địa đạo.

dia-dao-vinh-moc-3 quang-tri-dia-dao-vinh-moc4

Cửa hầm vào Vịnh Mốc được gia cố rất chặt chẽ.

quan-tri-dia-dao-vinh-moc5 trang-vinh-hoang-dia-dao-vinh-moc6

Tái hiện cảnh sinh hoạt đời thường khi xưa của người dân tại địa đạo Vịnh Mốc.

dia-dao-vinh-moc-quang-tri-7 dia-dao-vinh-moc-quang-tri8

Các lối thông ra Cửa Tùng được ngụy  trang bởi lớp cây rừng che phủ nên nhìn từ xa rất khó phát hiện.

dia-dao-vinh-moc-quang-tri-9

Dọc lối đi du khách dễ dàng thấy những hố bom còn sót lại.

dia-dao-vinh-moc-quang-tri-10

[nguon]Nguồn danviet.vn[/nguon]