Lưu trữ cho từ khóa: vinh moc

Hương vị quê nhà: Đậm đà ốc biển

Bắt đầu từ tháng 5 cho đến tháng 8 hàng năm, khi nước ở rạn đá vùng biển thôn Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh, Quảng Trị) trở nên xanh trong hơn, cũng là lúc nhiều ngư dân trong thôn bắt đầu vào mùa lặn ốc biển. Những ai có dịp đến thôn Vịnh Mốc vào mùa này sẽ được người dân nơi đây hào phóng đãi khách món ốc thơm nồng hương vị biển khơi.

oc-qtri-9-12

Hơn 6 giờ sáng một ngày cuối tuần, ngư dân Nguyễn Phơi (thôn Vịnh Mốc) cùng tôi có mặt tại bãi biển. Với đồ nghề đơn giản gồm kính lặn, thanh sắt ngắn, túi lưới nhỏ, tôi cùng anh Phơi chờ thủy triều xuống thấp. Khi thủy triều xuống, anh Phơi bảo tôi ngồi trên bờ còn anh nhanh chóng bơi ra rạn đá để lặn ốc.

oc-qtri4-9-12

Theo anh Phơi, muốn bắt được ốc to và ngon thì phải chọn những rạn đá sâu khoảng 2m để lặn. Với ốc nón (loại ốc to hơn nắm tay), khi lặn xuống rạn đá, anh Phơi phải dùng thanh sắt để bẫy ốc từ khe đá ra. Còn các loại ốc khác như ốc bàn tay, ốc đá, ốc gai, ốc đắng, sò lông… thì chỉ cần lặn xuống lần tìm ở rạn đá sau đó nhặt cho vào túi lưới. Sau mấy tiếng đồng hồ lặn ngụp, anh Phơi mang túi lưới đựng ốc đã đầy lên bờ và cùng tôi về nhà anh.

oc-qtri3-9-12

Nhận túi lưới đựng ốc từ tay chồng, chị Thi (vợ anh Phơi) cho vào chậu nước ngọt để rửa sạch sau đó chị nhặt riêng ốc đá, ốc gai, ốc bàn tay. Số ốc còn lại, chị Thi cho vào nồi đã được lót một lớp lá sả, chanh rồi cho nước vào luộc. Chị Thi cho biết, để giữ được vị ngọt, giòn của ốc biển thì khi luộc phải cho ít nước và cho thêm chút muối. Khi nước đã sôi thì nhanh tay đảo đều ốc rồi chờ thêm khoảng 3 phút là nhấc nồi xuống cho ốc ra rổ. Ốc luộc thường ăn kèm với nước mắm gừng.

oc-qtri2-9-12

Với số ốc nhặt riêng, chị Thi làm món ốc nướng. Để làm món ốc nướng, chị Thi phải dùng dao đập một lổ vừa trên lưng con ốc, sau đó chị cho gia vị gồm hạt tiêu xanh, lá sả, hành, chanh băm nhỏ vào ruột ốc qua lổ vừa đập. Còn anh Phơi đều tay quạt bếp than hồng. Ốc được chị Thi cho lên bếp chỉ một lúc sau đã tỏa mùi thơm nồng của ruột ốc xen lẫn với mùi thơm của gia vị. Ăn món ốc nướng, người ăn không thể quên được vị ngọt, giòn của thịt ốc cùng với vị mặn, cay nồng của muối tiêu hòa nước cốt chanh cho thêm vài lát ớt của chén nước chấm.

oc-qtri1-9-12

Ngoài món ốc luộc, ốc nướng, chị em phụ nữ thôn Vịnh Mốc còn chế biến thêm nhiều món ăn hấp dẫn khác từ ốc biển như món gỏi ốc rau sống, ốc tái chanh, ốc hấp sả, ốc nướng mọi hoặc nướng mỡ hành…

Chỉ cần thưởng thức một lần là khó mà quên được khi có dịp đến thôn Vịnh Mốc.

Địa đạo Vịnh Mốc, điểm đến hấp dẫn Việt Nam chưa được khám phá

Địa đạo Vịnh Mốc, một trong những điểm du lịch lịch sử cách mạng nằm ở Quảng Trị, Việt Nam vừa được Thrillist chọn là điểm đến hấp dẫn châu Á nhưng chưa được khám phá.

Cũng như địa đạo Củ Chi, Vịnh Mốc là công trình ngầm và mang tính lịch sử độc đáo của Việt Nam.  

vinh_moc_vinh-linh-quang-tri

Vịnh Mốc nằm ở Quảng Trị, Việt Nam

Vịnh Mốc tọa lạc trong một quả đồi sát biển ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị. Địa đạo được xem là công trình tiêu biểu và quy mô nhất trong số hơn 100 địa đạo lớn nhỏ được đào trên toàn huyện Vĩnh Linh.

vinh_moc_vinh-linh-quang-tri-1

Vịnh Mốc nằm sát biển và cách cầu Hiền Lương vài cây số

Vịnh Mốc gồm 3 tầng hầm liên thông dưới lòng đất, tầng một cách mặt đất từ 12 đến 15m, tầng 3 cách mặt đất 22m. Toàn bộ chiều dài của địa đạo gần 2km và có 13 cửa. Địa đạo là một thế giới ngầm được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ác liệt, từ 1965 – 1972, cho đến nay dường như vẫn còn giữ được nguyên vẹn. Trong những năm chiến tranh ác liệt nhất, người dân không thể sống trên mặt đất nên đã di chuyển xuống dưới lòng đất và Vịnh Mốc là “công trình” được kiến tạo để tránh bom đạn, duy trì cuộc sống và là căn cứ quân sự của quân – dân huyện Vĩnh Linh. Chỉ với đôi bàn tay thô sơ, người dân Quảng Trị đã xây dựng một địa đạo mà cho đến giờ, rất nhiều du khách nước ngoài khi được tận mắt chứng kiến cũng phải xuýt xoa và ca ngợi về sự thông minh cũng như sáng tạo, kiên cường của những con người Việt Nam nhỏ bé.

Có rất nhiều dòng cảm xúc về nơi này: “Địa đạo Vịnh Mốc giống như một toà lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, giấu kín biết bao điều kỳ lạ về những con người đã làm ra nó và thời đại nó đã sinh ra”.

Địa đạo được xây dựng thông minh nên dù nằm sâu dưới lòng đất vẫn có hệ thống thông gió tự nhiên và ánh sáng đầy đủ. Các khu vực để nhân dân ở, vào thời điểm đông nhất có thể chứa được hơn cả ngàn người, các khu vực sinh hoạt như trên mặt đất như nhà bếp để nấu ăn, phòng sinh hoạt, phòng họp, nhà hộ sinh, y tế, giếng nước,… đều đủ cả. Người ta gọi địa đạo Vịnh Mốc là “làng hầm” cũng vì vậy.

vinh_moc_vinh-linh-quang-tri-2

Địa đạo Vịnh Mốc mang đầy dấu ấn và sự sáng tạo của quân dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh gian khổ, từ 1965 – 1972.

vinh_moc_vinh-linh-quang-tri-3

Ngoài địa đạo Vịnh Mốc của Việt Nam, tờ Thrillist còn nhắc đến nhiều điểm du lịch khác như Tu viện Tatev – Armenia, Tu viện Taktsang Palphug của Bhutan, Nhà thờ Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddien của Brunei, Sông Irrawaddy ở Myanmar, Cung điện Mulee Aage – Maldives, Cánh đồng muối Taepyeong – Hàn Quốc, ruộng bậc thang Banaue ở Philippines, Annapurna Circuit ở Nepal và vách đá Flaming ở Mông Cổ.

[nguon]Nguồn: http://motthegioi.vn/luxury-living/du-lich/vinh-moc-diem-den-hap-dan-viet-nam-chua-duoc-kham-pha-257626.html[/nguon]

 

Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh – Di tích quốc gia đặc biệt

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Vinh-Moc

 Trong những năm 1965-1968, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, nhất là vùng đất địa đầu giới tuyến như Vĩnh Linh, người dân nơi đây đã sáng tạo hệ thống 114 địa đạo, làng hầm khắp 15 xã, thị trấn vùng biển để tránh bom đạn quân thù. Trong đó, địa đạo Vịnh Mốc nằm trong quả đồi đất đỏ bazan chạy sát mép biển, cao 28 mét so với mặt nước biển, thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh. Đây là một kỳ tích của nhân dân Vĩnh Thạch và lực lượng vũ trang đã nỗ lực đào và vận chuyển hơn 6.000 m³ đất đá trong 18.000 ngày công gian khổ dưới mưa bom, bão đạn.

Địa đạo là hình ảnh thu nhỏ của một làng quê đựợc xây dựng và kiến tạo dưới lòng đất ở độ sâu từ 10 mét đến 23 mét. Tổng chiều dài hệ thống đường hầm hơn 2.000 mét. Địa đạo có trục đường chính dài 768 mét, cao từ 1,5 mét đến 1,8 mét, rộng từ 1 mét đến 1,2 mét. Từ trục chính tỏa ra nhiều nhánh, mỗi nhánh thông với một cửa ra vào. Địa đạo có 13 cửa gồm 7 cửa mở ra phía biển và 6 cửa trên đồi đi xuống. Hai bên trục đường, cứ khoảng cách từ 3 mét-5 mét thì khoét lõm sâu vào thành từng ô nhỏ, mỗi ô là một hộ gia đình ăn ở và sinh hoạt. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt với âm mưu tàn phá xóa trắng một vùng đất của đế quốc Mỹ, tính bình quân, mỗi người dân ở đây phải gánh chịu hơn 7 tấn bom đạn. Nhưng sự sống vẫn nảy sinh từ bom đạn, 17 đứa trẻ đã được chào đời ngay trong lòng địa đạo Vịnh Mốc.

trang-vinh-hoang-dia-dao-vinh-moc6

Nhà hộ sinh trong lòng địa đạo Vịnh Mốc

Việc công nhận và xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh hôm nay cùng với việc công nhận hai di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 trước đó là sự kiện quan trọng, thể hiện sự biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với sự cống hiến, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ… đã không tiếc máu xương anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đồng thời ghi nhận nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử-văn hóa truyền thống của các thế hệ trước.

[nguon]http://disanxanh.vn[/nguon]