Từ thành phố Đông Hà – trung tâm hành chính, thương mại tỉnh Quảng Trị, mất khoảng hơn 1 giờ chạy xe máy theo Quốc lộ 1A hướng ra phía Bắc rồi rẽ vào nhánh đường nhỏ xuống biển sẽ đến được địa đạo Vịnh Mốc.
Trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại, địa đạo Vịnh Mốc (nay thuộc thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) được mệnh danh là vùng đất lửa vì từng là “tọa độ chết”, là mục tiêu hủy diệt của địch, máy bay rải bom trên không, pháo bắn từ hạm đội ngoài biển vào. Thế nhưng, chính từ nơi chiến trường ác liệt ấy, bằng sức người và ý chí “nhà nhà đào địa đạo”, “Địch càn, dừng đào; địch rút, tiếp tục đào”, nhân dân Vịnh Mốc đã làm nên một kỳ tích sống trong lòng đất. Địa đạo Vịnh Mốc đã chở che, bảo toàn mạng sống cho bao người dân.
Hệ thống địa đạo gồm có 3 tầng: tầng thứ nhất sâu 12 m, dùng để sinh sống, tầng thứ hai cách mặt đất 15 m, được dùng làm nơi cất giữ lương thực và vũ khí hay hội họp và tầng cuối cùng sâu 23 m được dùng để tránh bom. Toàn bộ hệ thống địa đạo Vịnh Mốc có 13 cửa thông ra ngoài, trong đó có 7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi, mỗi cửa hầm được coi như một lỗ thông hơi.
Kể từ sau ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải và sạch bóng quân thù, địa đạo Vịnh Mốc đã trở thành huyền thoại không chỉ về sức sống kỳ diệu và ý chí quả cảm của con người trong chiến tranh, mà còn là một công trình kiến trúc độc đáo, một danh thắng du lịch nổi tiếng.
Dù đã nghe nhiều về kỳ tích của địa đạo này, nhưng chỉ khi đến tận nơi, mắt thấy, tai nghe du khách sẽ không thể không thán phục. Địa đạo như hình ảnh thu nhỏ của một làng quê được xây dựng và kiến tạo dưới lòng đất ở độ sâu từ 10 – 23m có chiều dài hơn 1,7 km; hệ thống giao thông hào chằng chịt được hình thành trong lòng đất đỏ bazan. Càng vào sâu trong địa đạo, không khí càng thêm mát lạnh trái hẳn với không gian chật hẹp bởi lối đi nhỏ.
Thật ngưỡng mộ khi nhìn thấy những hầm tư lệnh, phòng nghỉ, giếng nước, trạm gác, nhà bếp, nhà vệ sinh và nhiều lỗ thông hơi được bố trí một cách hợp lý, khoa học… vẫn vẹn nguyên, lưu dấu xưa nằm sâu dưới lòng đất. Ngạc nhiên hơn cả khi được chứng kiến cảnh tái hiện sinh hoạt đời thường của người dân và thật sự xúc động khi bước vào ngăn hầm dùng làm bệnh xá, nhà hộ sinh – nơi 17 đứa trẻ đã cất tiếng khóc chào đời trong lửa đạn…
Có đến tận nơi tham quan, khám phá địa đạo mới hiểu được cuộc sống gian lao và lòng sắt đá trung kiên của quân và dân ta trong những năm tháng kháng chiến chống quân xâm lược, giành độc lập tự do cho non sông đất nước.
Địa đạo vịnh mốc cũng cho ta thấy rằng, không điều gì của quá khứ trong những năm tháng chiến đấu, hy sinh và gian khổ lại có thể dễ dàng bị lãng quên. Trong hành trình về với Vịnh Mốc hôm nay, du khách như có thể cảm nhận được hơi thở nóng của cuộc chiến năm xưa, qua đó thêm yêu mến quê hương kiên cường của dân tộc, Tổ quốc mình.
Lối vào Địa đạo Vịnh Mốc ngày nay đã xanh rợp bóng mát của các hàng trúc.
Hệ thống giao thông hào phía trên địa đạo.
Cửa hầm vào Vịnh Mốc được gia cố rất chặt chẽ.
Tái hiện cảnh sinh hoạt đời thường khi xưa của người dân tại địa đạo Vịnh Mốc.
Các lối thông ra Cửa Tùng được ngụy trang bởi lớp cây rừng che phủ nên nhìn từ xa rất khó phát hiện.
Dọc lối đi du khách dễ dàng thấy những hố bom còn sót lại.
[nguon]Nguồn danviet.vn[/nguon]