Lưu trữ cho từ khóa: dia dao vinh moc

Người canh giữ địa đạo Vịnh Mốc

Không riêng ngày lễ hội mà cả ngày thường, trước cửa phòng lưu niệm khu di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị người ta luôn luôn bắt gặp người đàn ông gầy, dáng nhỏ nhắn và dùng những cử chỉ bằng tay để giúp đỡ khách du lịch tới tham quan.

dia-dao-vinh-moc-1

Đó chính là bác Trần Nghỉ ( 61 tuổi, Xã Vĩnh Thạch – Vĩnh Linh – Quảng Trị), nhiều người vẫn gọi người đàn ông nặng lòng với địa đạo này là “Người canh giữ địa đạo Vịnh Mốc”.

61 năm ra vào địa đạo

Sinh ra trên mãnh đất “ lũy thép” Vĩnh Linh, từ nhỏ bác Trần Nghỉ đã theo cha mẹ ra vào địa đạo để sinh sống và cùng bà con Vịnh Mốc đánh địch, tổ chức hàng trăm chuyến thuyền tiếp vận cho đảo Cồn Cỏ. Trong một lần đế quốc Mỹ rải bom sập hầm, bác Nghỉ bị thương và từ đó không nói được (tìm hiểu của PV).

Qua lời “dịch” của người dân địa phương khi bác dùng những ngón tay để nói chuyện, chúng tôi được biết thêm “Với bác, địa đạo là ngôi nhà thứ 2, là những niệm về tuổi thơ, bạn bè, là nơi cất giữ tình cảm gia đình…”.

Ở đó, những bữa cơm lờ mờ trong ánh đèn dầu đến những câu hát ru ngủ là những hình ảnh được bác “kể” lại khi đưa chúng tôi vào hầm địa đạo. Khi đất nước thống nhất, bác chọn cuộc sống độc thân và vẫn ra vào, gắn bó với địa đạo mỗi ngày. Có lẽ, nơi đây đã trở thành một phần máu thịt của bác và không thể tách rời nó.

Chị Lê Tố Hằng (Trưởng ban Quản lí khu di tích LS địa đạo Vịnh Mốc) chia sẻ: “ Bác Nghỉ tuổi đã cao, vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nên chúng tôi đã nhiều lần khuyên bác hạn chế ra vào địa đạo nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Nhất là vào mùa mưa, đường địa đạo ẩm ướt, mọi người ai cũng sợ bác bị ngã và nói hết cách nhưng bác vẫn không chịu… ”

Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm với ngần ấy thời gian nhưng những mất mát đau thương vẫn còn đó. Nó như những vết cắt sâu cho những nhân chứng lịch sử.

Hướng dẫn viên giỏi…

Địa đạo Vịnh Mốc được biết đến là một công trình quân – dân sự độc đáo trong thời kỳ chiến tranh . Hiện nay, đã trở thành một khu du lịch thu hút khách tham quan khi đến với Quảng Trị.

Dù không phải là người của khu di tích hay đơn vị nào nhưng hằng ngày bác Nghỉ luôn có mặt ở địa đạo Vịnh Mốc từ sáng sớm cho đến cuối ngày để giúp các nhân viên trong BQL di tích quét dọn vệ sinh, mở, đóng cửa và bật, tắt đèn, quạt ở nhà trưng bày.

dia-dao-vinh-moc-quang-tri

Bạn Lê Thanh ( đoàn khách thăm quan Quảng Bình) cho biết: “ Khi vào hầm địa đạo, cũng nhờ cái đèn pin và chỉ dẫn bằng tay nhiệt tình của bác câm mà bọn mình thấy rõ đường đi và không sợ lạc. Mình khâm phục bác và con người xây dựng nên địa đạo này hơn …

Theo tìm hiểu từ người dân địa phương cho biết thêm, khi bắt đầu mở cửa đón khách du lịch thì chính bác Nghỉ là người tình nguyện hướng dẫn viên của khu di tích. Tất cả mọi ngõ ngách, lối đi, trạm gác và nhà hộ sinh… bác đều nằm rõ trong lòng bàn tay. Có lần du khách để quên đồ đạc ở dưới địa đạo nhưng không nhớ đường đi, bác Nghỉ vội vàng chạy xuống tìm rồi mang lên đưa lại cho chủ nhân. Có lẽ, ít ai thông thạo và hiểu biết về địa đạo như bác.

Dù không thể nói được nhưng với nụ cười rạng rở và tình cảm đặc biệt dành cho địa đạo. Với chiếc đèn pin cũ, bác Nghị đã dẫn đường cho hàng trăm lượt khách ra vào khu di tích để rồi khi ra về họ viết nên nhiều dòng cảm xúc về làng hầm này, tất cả đều công nhận “làng địa đạo Vịnh Mốc giống như một toà lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, giấu kín biết bao điều kỳ lạ về những con người đã làm ra nó và thời đại nó đã sinh ra”.

 

 

Địa đạo Vịnh Mốc – Di tích làng hầm

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, sông Bến Hải là ranh giới quân sự tạm thời. Vĩnh Linh, một huyện của tỉnh Quảng Trị trở thành địa đầu của miền Bắc. Lịch sử đã chọn nơi đây thành điểm đối đầu quyết liệt nhất giữa hai thế lực chính nghĩa và phi nghĩa, giữa khát vọng thống nhất và dã tâm chia cắt.

dia-dao-xuyen-luc-diaĐường hầm địa đạo Vịnh Mốc

Từ năm 1965, đế quốc Mỹ với mưu đồ xâm lược, bắt đầu mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc, trong đó Vĩnh Linh là mục tiêu hàng đầu, bởi đây không những là tiền đồn mà còn là địa bàn trực tiếp chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Một mảnh đất nhỏ bé chưa đầy 820km2 như Vĩnh Linh lại phải chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ của đế quốc Mỹ từ nhiều hướng dội vào. Từ năm 1965-1972, kẻ thù đã ném xuống nơi đây hơn nửa triệu tấn bom đạn các loại, tính bình quân mỗi người dân Vĩnh Linh phải gánh chịu 7 tấn bom đạn Mỹ. Nhưng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”, nhân dân Vĩnh Linh đã kiên cường bất khuất, đã sáng tạo ra một công trình phòng tránh bom đạn tuyệt vời và độc đáo và có thể nói là vĩ đại mà bây giờ nó đã trở thành “huyền thoại” của thế kỷ XX.

Huyện Vĩnh Linh có 20 xã, trong đó có 3 xã miền núi, 3 xã đồng bằng không đào được địa đạo. Còn lại 14 xã và 1 thị trấn đã có 114 làng hầm địa đạo với độ nối dài là 40km. Trong đó có làng địa đạo Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch là công trình được bảo tồn nguyên vẹn, là công trình tiêu biểu cho hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh.

vinhmocMột gia đình ở địa đạo Vịnh Mốc

Vịnh Mốc là một làng quê nằm trên khu đồi đất đỏ bazan, sát bờ biển, cách cửa Tùng (sông Bến Hải) 6km về phía bắc. Làng Vĩnh Mốc có 3 địa đạo chính được nối thông nhau thành một hệ thống liên hoàn, khép kín với quy mô lớn. Hệ thống đường hầm có tổng chiều dài 1.701m với 13 cửa ra vào (7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi). Ở hai bên đường hầm được khoét sâu và tạo ra những căn hộ đủ cho 2 đến 4 người sinh hoạt. Mặt bằng đường hầm được đào nghiêng từ 2 – 3o để dễ dàng thoát nước. Toàn bộ đường hầm được chia thành 3 tầng (tầng 1 cách mặt đất 8m, tầng 2 cách mặt đất 15m, tầng 3 cách mặt đất 23 đến 25m). Trong hệ thống đường hầm có hội trường (chứa được khoảng 60 người, dùng làm nơi hội họp, xem phim), bảng tin, nhà hộ sinh, 3 giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại… Đặc biệt, trong gần 10 năm ở dưới địa đạo, các làng hầm địa đạo Vĩnh Linh đã có 60 em bé được sinh ra. Riêng làng hầm địa đạo Vịnh Mốc có 17 cháu bé cất tiếng khóc chào đời từ trong lòng đất.

Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại dưới lòng đất đã nói lên sự kỳ diệu của con người ở nơi đây. Hơn thế, họ không chỉ thụ động tránh bom đạn, bảo toàn mạng sống mà còn tổ chức đánh địch ngay trên quê hương, tập kết vận chuyển vũ khí, cấp cứu thương binh và vận chuyển hàng trăm chuyến hàng cảm tử cho đảo Cồn Cỏ (cách bờ 28km). Làng địa đạo Vịnh Mốc đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương 2 lần anh hùng LLVTND và năm 1976, Bộ Văn hóa-Thông tin đã công nhận Làng địa đạo Vĩnh Mốc là di tích Quốc gia và đưa vào danh mục các di tích đặc biệt quan trọng. Từ đấy cơ quan chức năng vào cuộc trùng tu, tôn tạo để bảo tồn và phát huy tác dụng. Du khách trong và ngoài nước đến đây ngày càng đông để chiêm ngưỡng kỳ tích độc đáo này, để cảm nhận, thán phục trước tài trí, ý chí của con người Vĩnh Linh, của Việt Nam.

Làng địa đạo Vịnh Mốc, một huyền thoại của thời chống Mỹ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước sinh động cho các thế hệ trẻ, là điểm du lịch kỳ thú, hấp dẫn, độc đáo cho khách tham quan, như một du khách người Úc đã ghi: “Địa đạo Vịnh Mốc như một tòa lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, giấu kín bao điều kỳ lạ của những người làm ra nó và thời đại mà nó được sinh ra”.

PHẠM HUY TƯỞNG