MÙA GẶT

Hai chục năm trước làng mình cũng làm ruộng, mình yêu làng y như ông Hai yêu cái làng chợ Dầu của ông, dù đã xa cách mười mấy năm rồi. Cánh đồng chạy dài trước mặt làng, xung quanh là hai con mương nước trong xanh bốn mùa uốn lượn. Năm làm hai vụ lúa nhưng cứ nhớ nhất là mùa gặt vào khoảng thời gian này, trời vào hè, oi ả, giông tố bất ngờ rung cả lũy tre.

mua-gat

Ảnh minh họa.

Hồi còn nhỏ, nhà không làm ruộng, ba đi bộ đội mẹ đi dạy chỉ nhận thóc từ hợp tác xã, sau giờ dạy về nhà mẹ cởi cái áo sơ mi là khoác lên mình chiếc áo bộ đội của ba để lại gánh đôi triêng giống thoăn thoắt qua ràn (đồng) trồng khoai trồng sắn. Thỉnh thoảng mới thấy mẹ đi mượn chày cối về đâm thóc, ba đứa mắt cứ tròn xoe quanh cái cối gỗ, rồi mẹ giần sàng hạt gạo hồng hào dần dần lộ ra, được mẹ cất cẩn thận để hàng ngày chỉ nấu tầm lon sữa bò độn sắn độn khoai cho ăn. Chao ui, hồi ấy chỉ ước được bữa đau để mẹ cho ăn cơm không với quả trứng gà.

Cánh đồng trước làng cứ hai mùa xanh tốt, người ta trồng thứ lúa gì mình chẳng nhớ tên chỉ biết là cao gấp hai lần lũ trẻ tụi mình khi đó. Lúa tốt bời bời mà chẳng được bao nhiêu thóc, có điều nhìn cánh đồng mơn mởn sức xuân, ngã vàng lượn sóng trước làng thật đẹp. Lũ trẻ con thích thú biết bao trước cảnh tượng nhà nhà đi gặt lúa, già trẻ gái trai ra đồng. Tiếng liềm, tiếng hái loạc xoạc ngọt lịm cứa vào thân lúa. Người gặt lúa đi trước người gặt rạ đi sau, tiếng cười nói vang cả cánh đồng làng, thỉnh thoảng lại có tiếng hò hét vui vẻ vì đuổi theo chú cá tràu (cá lóc) hay cùng nhau bắt con rắn nước.

Lũ bọ muỗm cũng được mẹ vặt gãy cánh đem về nướng cho ăn. Chẳng biết cái nhọc nhằn của những người nông dân vất vả một nắng hai sương là gì, trong mắt bọn trẻ như mình hồi ấy chỉ thấy những ngày mùa sao mà vui đến thế. Thích nhất là đến công đoạn đạp lúa, từng bó lúa được mang vào nhà, rồi mấy o mấy chú, cả ông nội thi nhau ôm lấy cột nhà và lấy chân đạp, đạp rồi cào lên xới xuống cho đến khi chỉ còn rơm mới thôi. Bà nội thì rũ rơm và thu gọn chỗ lúa đã đạp. Mấy chị em léo lẻn đứng nhìn rồi chẳng xin xỏ chi cũng ôm cột nhà và đạp, ông nội nhìn cười sóm sém, chú Bảy cũng cười, thế là mấy đứa không bị nạt nộ chi tha hồ chơi trò đạp lúa. Chẳng biết rằng bàn chân nhỏ xíu trầy trụa và người hăm lên vì bụi lúa. Tối đó về mẹ vừa múc nước giếng tắm vừa quất cho mấy roi mót vào mông, vì rứa nên nhớ đến chừ.

Xem thêm:  Béng sắn Quảng Trị

mua-gat

Hết cái thời đạp lúa bằng chân, nhớ nhất cái cảnh sang nhà bác giáo Cần, bác đạp lúa bằng cái ròng rọc đúc bằng bê tông, trãi lúa ra đầy sân rồi kéo cái ròng rọc ấy chà đi chà lại trên ngọn lúa cho đến khi hết hạt mới thôi. Cả bọn trẻ xúm xít quanh sân nhìn ngắm. Trăng sáng tỏa đầy sân, từng hạt thóc vàng lấp lánh và những giọt mồ hôi cũng ướt đầm vai áo bác giáo già.

Những mùa gặt cứ thế đi vào kí ức của tuổi thơ vô cùng dữ dội. Ba về, chiều loang lỗ nghiêng bóng hàng tre, 9 giờ đêm ba còn giăng đèn măng song khai hoang đất đai. Những ngày nhọc nhằn vất vả để kiến tạo lại cuộc sống, năm ấy mình lên mười. Ba về, lúa chiêm, lúa bát ba không trồng nữa. Ba chọn giống lúa mới cây thấp là IER 38 đưa vào gieo cấy, ba mẹ làm gần mẫu ruộng, một trang sách mới mở ra. Chính thức kể từ ấy, ba đứa mỗi lần leo lên cành khế lại véo von câu hát: “Tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa, tía em là một người nông dân, tía em cũng là người nông dân”!

Và rồi, ngày mùa lại đến, lúa càng ngày càng nhiều hơn trước. Trong gian nhà tranh thấp lè tè, ba căng bạt ngoài sân, thắp cái đèn dầu tù mù, vác cái bàn ra bên cạnh cái máy tuốt. Mẹ chia lúa cho ba đạp, tiếng rù rù, phành phạch suốt đêm. Những ngày này đang là mùa thi, ba đứa con gái ngồi dưới ngọn đèn dầu, tiếng muỗi, tiếng máy quay lúa, bụi bặm nóng nực, nỏ học được chữ mô cả. Ơn trời, nhờ phước ai mà năm nào cũng được học sinh giỏi…!

Xem thêm:  RỈ RỎ

Khi lớn hơn một chút cả mấy chị em đều phải ra đồng, đứa mô cũng gặt lúa nhanh thoăn thoắt, đưa tay liềm ngọt lịm! Mặt trời lên hết đầu ngọn tre, đổ cái nóng xuống lưng mấy cô thiếu nữ, mặt đứa nào cũng đỏ lên, mồ hôi nhễ nhại tóc ướt quạnh. Ba bắt đầu thu dọn và bó lúa vác lên xe bò, mấy mẹ con gặt tiếp đám ruộng còn dang dỡ, lúa nặng tay, nhọc nhằn nhưng niềm vui tỏa rạng, bãi ruộng gặt xong chỉ còn trơ lại gốc rạ ngắn cũn, võ dưa đỏ vứt ngổn ngang hai bên bờ. Trông chừng công việc đã vơi, mẹ khi nào cũng ưu tiên cho mình về trước lo cơm nước, bữa cơm ngày mùa có bát canh khế nấu cá tràu ăn thanh mát nhớ mãi đến bây giờ.

mua-gat02Mùa Gặt

Những mùa vàng cứ thế theo về, từ nhà tranh nhà mình lên nhà ngói, nhà xây kiên cố có mái bằng và bia-tăng-đa để phơi thóc. Những ngày này, thóc được phơi đầy sân, đầy mái bằng, đầy bia-tăng-đa. Làng đã có máy tuốt, vèo một cái tuốt luôn cả mẫu ruộng, lúa ra lúa, rơm ra rơm không còn phải thức cả đêm để đạp cái máy quay cũ. Mẹ dặn: “Mây lên rừng thì dợ, mây xuống chợ thì mưa”. Nói thiệt, khi mô cũng trông mây lên rừng, chứ không một mình vật vã với mấy tạ thóc chỉ có mà kêu trời.

Xem thêm:  Thơ của Mạ

Có hôm mây sầm, bất ngờ vừa hốt vừa la làng, nước mắt hòa nước mũi khóc không lên tiếng. Thế rồi cũng qua, những buổi chiều đứng cào lúa trên bia-tăng-đa, phóng tầm mắt ra xa mà ngó bốn phương mười hướng, mà ngắm làng quê mình xanh một màu xanh bình yên, ngắm những ngôi nhà ngói đỏ, nhớ ngọn khói lam chiều trên mái bếp, vương vấn đến tận tương lai.

Rồi, đùng một cái, làng bỏ ruộng, mình trở về khi đã ra trường và đi làm. Cánh đồng làng trước mặt không còn nữa thay vào đó là những hồ cá lớn. Những ruộng lúa bây giờ trồng cỏ nuôi bò. Mấy trăm năm trồng lúa không làm cho người dân giàu lên được, người làng bây giờ thoát ly hết, lao động ít, ruộng đất nhiều, chuột bọ phá lắm, tính về lợi nhuận làm ruộng chẳng được là bao. Biết thế nhưng vẫn xót xa nhớ cánh đồng xưa biết bao!.

Mỗi mùa đông đến lại nhớ mùi cốm thơm mà trong cặp đứa nào cũng mang theo một túi bóng. Nếp được trồng ở ruộng nẩy gần Khe Đỏ. Mùa về, lũ học trò lại chạy băng xuống khe, xuống đám ruộng nhà ông Hải “ăn trộm” nếp. Những hạt nếp tròn mẫy đang chuyển sang màu vàng được tuốt lấy tuốt để rồi ngả nắp soong bắc lên bếp. Những hạt thóc nếp nở bung trắng như những bông hoa nhỏ, thơm lừng góc bếp, thơm cả kí ức tuổi học trò.

Hôm nay đi làm về, chạy qua đường Hai Mươi thấy cơ man là thóc rạ trên đường. Người dân cào quét lúa, mùi lúa thơm cả con đường, mùi rơm rạ theo chân người qua đường đi khắp. Bỗng thấy nhớ làng, nhớ mùa gặt, nhớ cả cánh đồng bất tận của một thời đã qua.

Nhung Nguyễn

Ủng hộ Trạng Vĩnh Hoàng:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.