Tất cả bài viết của Mr Bom

Đang chăn trâu, chặt chuối , cắt cỏ tại làng

Âm vang nghĩa trang Trường Sơn

Khi tôi vừa bước đến chân đồi nghĩa trang, tiếng chuông đã thỉnh lên như lời đánh thức hương hồn các liệt sĩ chào đón những người thân lên thăm. Đó là cuộc gặp gỡ của những người thân trở về thường ngày. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Giáo sư Vũ Khiêu được khắc lên thành chuông: “Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sỹ. Dạt dào Đông Hải khí anh linh. Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí. Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình”. Đúng là tiếng chuông ngân bát ngát Trường Sơn.

Những kí ức rừng xanh nghĩa trang tuổi trẻ

Hàng chục ngàn liệt sĩ ở lứa tuổi đôi mươi đã nằm lại nơi đây trên những quả đồi thôn Bến Tắt. Họ ở mọi miền quê và hội tụ tại dãy núi Trường Sơn, thuộc Gio Linh. Quảng Trị với những khát vọng vẫn còn ấp ủ cùng với những khúc ca bi tráng, khi đã hy sinh anh dũng cho Tổ quốc.

Người quản lý nghĩa trang Trường Sơn, ông Hồ Tất Ái kể về người đã tìm ra mảnh đất này là ai. Khi ấy Tướng Đồng Sỹ Nguyên đã lệnh cho đơn vị phải thiết kế và xây dựng một nghĩa trang cho hơn chục ngàn liệt sĩ phải trở thành một công viên tâm linh. Nghĩa trang Trường Sơn phải vừa đẹp, vừa có quy mô xứng tầm với sự hy sinh to lớn của các Anh hùng, Liệt sĩ Trường Sơn. Đúng là một công viên tâm linh cho những trái tim mãi mãi tuổi hai mươi, đầy khát vọng và dâng hiến cho Tổ quốc độc lập tự do. Phần lớn liệt sĩ hy sinh trên Trường Sơn đều nằm trên đất bạn Lào-phía Tây Trường Sơn.

nghia-trang-01

Tượng đài và cây đề thiêng.

Người được giao nhiệm vụ đi tìm địa điểm để tạo nên một công viên tâm linh ấy là ông Nguyễn Lương Cảnh, người ở Nam Lý, Đồng Hới, Quảng Bình. Ông Cảnh chính là người đã từng vẽ bản đồ đường 559 để báo cáo với Bác Hồ, nên rất thuộc núi rừng Trường Sơn ở Gio Linh, Quảng Trị. Đã từng khảo sát nhiều địa chỉ núi rừng, cuối cùng ông Cảnh bất ngờ từ đồi cao ở khu vực Bến Tắt, trên đường 15, phát hiện ra xung quanh có 7 quả đồi tạo nên những dáng hình các chiến sĩ gác súng ngồi nghỉ, giữa núi non trùng điệp, với cánh rừng xanh êm đềm thơ mộng.

Thêm nữa từ ngọn đồi trông xuống là những vạt thông reo xanh ngút ngàn, trên mấy nhánh sông uốn lượn, cùng những mặt hồ lung linh, đậm ánh sắc trầm tư. Thế là ông Cảnh quyết định chọn nơi này để dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.

Hơn nữa nơi đây đã từng là căn cứ của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Nên thế vững trụ, non xanh nước biếc, phong thủy tâm linh thanh thản. Những vần thơ của người chiến sĩ sau này như nói hộ cho những người xây dựng nghĩa trang. Một lời nhắn gửi nặng trĩu tâm tư: “Mãi mãi vẫn còn đây. Nơi yên nghỉ của các anh giờ quây quần nắng gió. Có núi, có sông, có hoa rừng thắm đỏ. Và vang vọng phía cuối trời có tiếng mẹ ru…”.

Tổng diện tích toàn khu nghĩa trang rộng 14ha được xây dựng đúng với một công viên tâm linh tuổi trẻ, quy tụ mộ chí của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên đường mang tên Bác. Công viên này được phân bổ chi tiết với khu trồng cây xanh rộng 6ha, còn khu hồ là 2,3ha, khu tượng đài rộng 0,7ha. Đặc biệt khu đất mộ được dành phần khá rộng rãi 2,3ha và được phân thành 10 khu vực chính, theo quy hoạch từng mọi miền quê khác nhau để dễ thăm viếng… Như vậy là 10.327 ngôi mộ liệt sĩ nằm trải dài trên 5 quả đồi, uốn lượn theo hình vòng cung hướng về phía Tây.

Cùng với công viên cây xanh và hoa nở quanh năm, theo bốn mùa, còn có khu vườn tượng được thiết kế và dựng khá công phu. Nhất là tượng đài chính nằm ở độ cao hơn 30m. Đây là tượng đài bằng đá trắng có hình một ngọn lửa đang cháy, cao vút uy nghiêm. Mọi người đến đây đều thắp hương ở tượng đài này trước khi đi thăm mộ người thân.

Đáng chú ý là phía sau tượng đài lớn là một cây đề đã được trồng từ năm 1976, vào thời kỳ mới hoàn thành công viên nghĩa trang. Đến nay cây đề đã lớn tỏa bóng mát một vùng rộng lớn quanh tượng đài, tạo nên một không gian tâm linh thanh thản bình yên cho những hương hồn liệt sĩ mỗi lần khi có người thân lên thăm nom và chăm sóc mộ phần.

Cùng với bố cục khá hoàn chỉnh với mỗi khu đều có nhà tưởng niệm còn có những tác phẩm điêu khắc của nhiều tác giả sắp đặt tạo nên một vẻ đẹp hết sức gợi cảm và chia sẻ với những thân chủ đúng với nghĩa của một công viên tâm linh cho các liệt sĩ. Vậy nên mọi người lên đây có cảm giác như được về nhà với con cháu và trò chuyện với những người thân đã khuất.

Ký ức và tâm linh

Việc nói chuyện với những hương hồn quanh quất đâu đây tưởng như những giả định tâm linh thầm kín, nhưng theo như ông Ái kể có đoàn chiến sĩ thương binh Hà Nội, năm nào cũng lên đây, ngủ đêm với những nấm mộ liệt sĩ. Mới đây thôi, sau lễ cầu siêu cách đây hai tháng, một số thương bệnh binh Thủ đô đã có mặt để trò chuyện với đồng đội, những liệt sĩ Hà Nội nằm yên nghỉ nơi đây. Có anh mù hai mắt, hoặc có người cụt hai chân… họ đã về đây thăm lại chiến trường xưa, thăm lại đồng đội cũ. Các anh thường ngủ lại giữa nghĩa trang. Đốt lửa. Đàn và hát cùng với đồng đội như ngày nào còn bên nhau. Dường như đó là lời gọi và cùng sống lại những năm tháng hào hùng và đầy cam go ngày nào. Đó là những bài ca không bao giờ quên.

tuong-chien-sy-truong-son

Tượng chiến sĩ Trường Sơn.

Thấy chúng tôi hết sức ngạc nhiên về những câu chuyện lạc quan và đầy bí ẩn này, ông Ái còn kể chính những người trông coi nghĩa trang đều gặp gỡ những cảnh tâm linh huyền bí, trong đêm tối. Ban quản lý nghĩa trang chỉ có hơn hai mươi người. Ngoài chuyện chăm sóc công viên nghĩa trang hàng ngày, họ còn thường xuyên thắp hương cho mỗi ngôi mộ vào những ngày rằm và mùng một hàng tháng. Nghĩa là mỗi người phụ trách cả khu mộ có khi phải huy động cả người nhà đi thắp hương suốt ngày mới hoàn thành.

Điều ngạc nhiên hơn nữa là, những người quản trang ở đây có thể nhớ hết tên và vị trí của tất cả các ngôi mộ liệt sĩ trong khu vực có hàng ngàn địa chỉ khác nhau, tùy theo từng địa phương. Chính vì thế khi người nhà lên thăm mộ con cháu thường được các anh chị chỉ dẫn đến nơi đến chốn.

Còn chuyện hồn chiến sĩ thường hiện về trò chuyện hay báo mộng, thì không ít người đã gặp phải nhưng đều là điều lành và thân thiện. Tuy đôi khi có e ngại nhưng ai cũng đều thấy ấm áp tình người.

Chị Trần Thị Thê, nhân viên ở đây đã hơn hai mươi năm tâm sự, hồi đầu chị em thường đêm đêm, nằm nghe tiếng các anh liệt sĩ hiện lên, cười đùa và hát ca giữa nghĩa trang cũng hoảng lắm. Sau dần quen và thậm chí có những sáng chị còn nghe thấy tiếng các anh gọi nhau tập thể dục thể thao, hoặc chào cờ. Đầu tiên là ngạc nhiên, không tin, ngỡ như ngủ mơ giữa ban ngày vậy. Nhưng dù là sự ám ảnh với ảo giác, hay mộng du trong tâm tưởng mỗi người, ai nấy đều coi mỗi nấm mộ đều là người thân và thường xuyên thắp hương và cầu khấn cho mọi sự bình an. Nên mỗi người đều như có thể lắng nghe các liệt sĩ tâm tình chính từ lòng mình. Tâm linh và lắng nghe trong cõi thinh không là thế.

Do sự linh thiêng của những hương hồn liệt sĩ đã phù hộ cho mọi người đều khỏe mạnh và may mắn nên nhiều người quản trang mỗi khi có việc gì đều đến lễ và xin các anh phù hộ thành đạt. Từ việc làm nhà đến cưới xin và chọn đất làm mộ cho người thân. Ai cũng gặp may mắn và đạt ý nguyện.

Ông Hồ Tất Ái còn nói cho chúng tôi biết, những năm gần đây có nhiều đôi uyên ương đã đến lễ và cầu xin các liệt sĩ phù hộ cho duyên đẹp tình son. Sau đó họ mới làm hôn lễ. Hoặc ông còn nói nhân viên ông còn được nghe các liệt sĩ về báo mộng trước rằng, hôm sau có người nhà tìm đến. Quả nhiên không ít trường hợp báo mộng đều đúng.

Chính vì thế các quản trang viên ở đây khá tin vào những chuyện tâm linh. Họ đã sống hàng chục năm với hương hồn của hàng ngàn liệt sĩ nên có sự thấu hiểu về một cõi thiêng và chuyện nghe được người chết nói chuyện đối với họ không còn là chuyện kỳ lạ hoặc hoang đường như nhiều người thường nghĩ.

Được chia sẻ về cõi tâm linh nơi hàng chục ngàn liệt sĩ nơi đây, nhà thơ Đặng Quang Vượng, từ Hà Giang về viếng đã làm một bài thơ về cây đề trong nghĩa trang. Ông viết: “Cây bồ đề có từ khi những linh hồn liệt sĩ về đây yên nghỉ. Cây cứ lớn xanh-xanh màu áo lính. Tán lá tỏa rộng-vòng tay mẹ chở che con khuya sớm. Trong gió rì rào-tiếng mẹ ru…”

Lễ cầu siêu

Ý tưởng hình thành công viên tâm linh đã trải qua 40 năm. Nơi đây gắn bó với Lễ hội Trường Sơn huyền thoại trong hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ hàng năm (27/7) thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và tình cảm của mọi người đối với sự hy sinh của hàng vạn chiến sĩ đã nằm lại trên dãy núi Trường Sơn. Mới đây trong lễ cầu siêu, hồi tháng 5/2015, các nhà sư đã làm lễ cầu mong cho hương hồn các liệt sĩ được siêu thoát và sống mãi trong lòng mọi người. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã đem lại sự bình yên cho đất nước.

Vừa qua các văn nghệ sĩ Thành phố Hồ Chí Minh đã bày tỏ lòng biết ơn đối với các liệt sĩ qua những tác phẩm nghệ thuật với chủ đề: “Khi được sống hòa bình, hãy nhớ tới anh…”. Họ đã hát lên những bài ca không bao giờ quên. Nghe như “Bài ca Trường Sơn” bỗng vang lên trong lòng tôi. Khi đứng bên tượng các bà mẹ anh hùng, tôi bất ngờ ngỡ như các liệt sĩ vụt đứng dậy. Người cầm đàn, người vỗ trống và ai cũng hát lên những lời, như ngày nào họ còn đang bay bổng ở tuổi hai mươi trong sáng: “Trường Sơn ơi, ơi Trường Sơn ơi đèo vút cao vượt qua mây gió, đạp đá tai mèo bằng sức gió ngàn cân. Đi ta đi những trai làng Phù Đổng, còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân…”

Theo Công an nhân dân

Những phong tục đem lại may mắn đầu năm mà bạn nên biết

Tết Nguyên đán là sự kiện trọng đại với người Việt. Các phong tục truyền thống trong dịp này đều có ý nghĩa sâu sắc, với mong muốn đem lại may mắn, phúc lộc cho một năm mới an khang, thịnh vượng.

Tết đến, trẻ con được mặc quần áo mới, được nhận lì xì rủng rỉnh đầy túi trong khi người lớn phải lo toan vất vả để đựng đầy những bao lì xì ấy. Vì lẽ đó mà nói người lớn thường không thích Tết như con trẻ cũng đúng. Tuy vậy, cứ hễ nhắc đến Tết cùng những phong tục cổ truyền là không thể ngăn được lòng nôn nao thổn thức.

1. Tục chưng hoa Tết

hoa-tet-2016

Các gia đình miền Bắc thường không thể thiếu cành đào trong nhà mỗi dịp Tết. Màu hồng đỏ rực rỡ của hoa đào vừa tạo không khí mùa xuân tươi vui, vừa có ý nghĩa xua đuổi tà ma, đem lại may mắn vào năm mới. Loại đào phổ biến nhất là đào bích với bông to, nhiều cánh, màu đậm.

Ở miền Nam, do đặc trưng khí hậu, người dân thường chơi mai thay cho đào. Màu vàng tươi sáng của hoa mai là biểu tượng của sự vinh hiển, thành đạt, sinh sôi nảy nở. Người dân thường chọn cây có nhiều nụ và lộc trước Tết, do quan niệm hoa nở đúng lúc giao thừa hay sớm mùng một sẽ mang lại nhiều may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc cho gia đình trong năm đó. Hoa mai thông thường có 5 cánh, nhưng có những bông 6 – 7, thậm chí là 10 cánh. Cây càng nhiều bông, nhiều cánh thì gia chủ càng gặp nhiều may mắn trong năm mới.

2. Tục bày mâm ngũ quả

mam-ngu-qua-ngay-tet

Mâm ngũ quả là phong tục không thể thiếu của người dân Việt Nam trong dịp đón Năm mới. “Ngũ” là số 5, con số biểu trưng của sự sống như ngũ hành, ngũ vị, ngũ sắc, ngũ tạng… Quả (trái cây) thể hiện sự sung túc, dồi dào, ra hoa kết trái. Mỗi miền, mỗi vùng có một cách bày

ngũ quả khác nhau, nhưng đều chọn các loại quả có ý nghĩa đặc biệt.
Người miền Nam thường bày các loại quả chính là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, đọc chệch thành “cầu vừa đủ xài” với mong muốn có một Năm mới nhiều tài lộc, thêm quả sung tượng trưng cho sự sung mãn về sức khỏe, tiền bạc. Ngoài ra, trên mâm còn có thêm các loại quả đẹp mắt như dưa hấu, táo, đào tiên…

Mâm ngũ quả của miền Bắc không thể thiếu nải chuối xanh, tượng trưng cho mùa xuân, hành mộc, và có ý nghĩa như bàn tay che chở, bao bọc, hứng lấy may mắn. Quả phật thủ hay quả bưởi là hành thổ, cầu mong phúc lộc đầy nhà. Các loại quả đỏ như cam, quýt, hồng thể hiện hành hỏa, quả trắng như roi, đào là hành kim và quả đen như mận, hồng xiêm, nho tượng trưng cho hành thủy. Mâm ngũ quả viên mãn, tròn đầy, đủ ngũ hành cho mọi sự thuận lợi, may mắn.

3. Tục xông đất

tuc-xong-dat-ngay-tet-viet-nam

Tục lệ xông đất đã có từ lâu đời ở nước ta. Người dân Việt Nam quan niệm ngày mồng 1 là ngày mở đầu của một năm, và nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn trong ngày này thì cả năm cũng sẽ được tốt lành thuận lợi. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên cứ cuối một năm, mọi người có ý tìm xem những người nào vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công trong bà con hay láng giềng để nhờ sang thăm. Người khách đến xông đất phải đến thăm sáng sớm ngày mùng Một (vì muốn là người khách đầu tiên), mang theo quà biếu như trái cây, bánh mứt và tiền lì xì cho trẻ con trong nhà. Chủ nhà, do đã sắp đặt trước, sẽ tiếp đón niềm nở và nhận những lời chúc tốt lành.

Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc Tết chừng năm mười phút chứ không ở lại lâu, hầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt. Người đi xông đất xong có niềm vui vì đã làm được việc phước. Người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới.

4. Tục xuất hành đầu năm

thu-tuc-xuat-hanh

Đầu năm mới, người Việt có tục xuất hành. Xuất hành là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần.

5. Tục lì xì, chúc thọ đầu năm

ly-xi-dau-nam-tet-co-truyen

Sáng mùng một Tết thường là thời điểm con cháu quây quần chúc thọ ông bà, bố mẹ, bày tỏ lòng hiếu thảo và kính trọng người lớn tuổi trong gia đình. Trẻ em sẽ nhận được những phong bao đỏ lì xì đựng những đồng tiền mới gọi là “tiền mở hàng” để hay ăn chóng lớn, có nhiều niềm vui, may mắn trong năm mới.

6. Tục tống cựu nghinh tân

mua-lan-ngay-tet-co-truyen

Những ngày cuối năm, người Việt có phong tục quét dọn nhà cửa sạch sẽ, mua sắm đồ dùng, quần áo mới. Người lớn cũng dặn dò con cháu, trong giây phút chuyển giao sẽ không cãi cọ, không trách phạt hay mắc lỗi. Những người có hiềm khích với nhau cũng xí xóa hết, giây phút năm mới chỉ chúc tụng nhau những gì tốt lành và may mắn.

7. Tục khai bút đầu năm

khai-but-dau-nam-moi

Tục “Khai bút đầu xuân” không phải là một nghi lễ bắt buộc trong ngày Tết. Nhưng từ lâu, nó đã được duy trì như một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Trước đây thường chỉ có những ông đồ, thầy đồ, học sĩ… mới thực hiện nghi thức khai bút. Sau lễ cúng giao thừa, họ sẽ đốt lư trầm bên bàn viết và cầm cây bút thảo những câu đối hay, những chữ có ý nghĩa lên giấy đỏ hoặc giấy hoa tiên.

Ngày nay, tục “khai bút đầu xuân” đã có nhiều thay đổi. Nó không còn phổ biến mà mang đậm ý nghĩa như xưa nữa. Tuy nhiên, với nhiều gia đình, đặc biệt là các học sinh, giới văn sĩ, thi sĩ, người làm nghề viết lách… phong tục này vẫn rất được coi trọng. Bởi ngoài những giá trị chân thiện mỹ, việc “khai bút đầu xuân” còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nó không chỉ tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp, sự học mà còn gửi gắm rất nhiều tâm tư, nguyện vọng về một năm mới suôn sẻ, hạnh phúc và thành công.

8. Tục hái lộc đầu năm

hai-loc-dau-nam-moi

Theo quan niệm cổ truyền, vào thời khắc giao thừa hoặc sớm mồng một Tết, xin một cành lộc nhỏ nơi đền, chùa, miếu… sẽ được Thần, Phật ban cho tài lộc, may mắn suốt năm. Cành lộc ấy chỉ cần rất nhỏ của các loại cây có sức sống mạnh mẽ như xanh, si, sung, đa với ý nghĩa tượng trưng là mang lộc chồi, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà.

Nỗi lòng xa xứ

trangvinhhoang-com-noi-long-xa-xu

Quảng Trị đông về chắc trời trở lạnh
Tin hôm qua gió đông bắc lại về
Chẳng biết chừ Mạ ở ngoài quê
Áo len năm ngoái có còn đủ ấm

Ba mùa ni chắc chân bùn tay lấm
Lo cày bừa chuẩn bị vụ đông xuân
Mạ yếu rồi nên Ba chỉ một thân
Công việc bộn bề mình Ba bươn chải

Con thì còn ở nơi miền xa ngái
Gắng bôn ba quyết chí lập thân
Nên việc ruộng nương không thể đỡ đần
Để Ba già phải một mình gánh vác

Ngày ra đi tóc Ba già đã bạc
Mạ ốm đau nên quanh quẩn vườn nhà
Sớm hôm chăm lo đàn vịt bầy gà
Rồi ra vô trồng hàng cà luống cải

Vì sự nghiệp nên con đành gác lại
Chuyện cữa nhà để Ba Mạ trông coi
Quyết ganh đua cùng lăn lộn với đời
Lòng dạ chẳng thể nào quên nguồn cội

Con cúi đầu xin Mạ Ba tha lỗi
Gắng làm thêm kiếm vốn liếng thành nghề
Rồi một ngày con sẽ trở về quê
Phụng dưỡng MạBa làm tròn hiếu đạo

Rồi cuộc đời sẽ tan đi giông bão
Nắng lại lên trời hạnh phúc trong xanh
Gia đình ta sẽ êm ấm an lành
Ba Mạ vui khi tuổi già bóng xế

Thơ: Trương Thúc Điển