Chuyên mục lưu trữ: Địa Danh

Các địa danh lịch sử, du lịch nổi tiếng ở Quảng Trị

Địa đạo Vịnh Mốc – Di tích làng hầm

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, sông Bến Hải là ranh giới quân sự tạm thời. Vĩnh Linh, một huyện của tỉnh Quảng Trị trở thành địa đầu của miền Bắc. Lịch sử đã chọn nơi đây thành điểm đối đầu quyết liệt nhất giữa hai thế lực chính nghĩa và phi nghĩa, giữa khát vọng thống nhất và dã tâm chia cắt.

dia-dao-xuyen-luc-diaĐường hầm địa đạo Vịnh Mốc

Từ năm 1965, đế quốc Mỹ với mưu đồ xâm lược, bắt đầu mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc, trong đó Vĩnh Linh là mục tiêu hàng đầu, bởi đây không những là tiền đồn mà còn là địa bàn trực tiếp chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Một mảnh đất nhỏ bé chưa đầy 820km2 như Vĩnh Linh lại phải chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ của đế quốc Mỹ từ nhiều hướng dội vào. Từ năm 1965-1972, kẻ thù đã ném xuống nơi đây hơn nửa triệu tấn bom đạn các loại, tính bình quân mỗi người dân Vĩnh Linh phải gánh chịu 7 tấn bom đạn Mỹ. Nhưng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”, nhân dân Vĩnh Linh đã kiên cường bất khuất, đã sáng tạo ra một công trình phòng tránh bom đạn tuyệt vời và độc đáo và có thể nói là vĩ đại mà bây giờ nó đã trở thành “huyền thoại” của thế kỷ XX.

Huyện Vĩnh Linh có 20 xã, trong đó có 3 xã miền núi, 3 xã đồng bằng không đào được địa đạo. Còn lại 14 xã và 1 thị trấn đã có 114 làng hầm địa đạo với độ nối dài là 40km. Trong đó có làng địa đạo Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch là công trình được bảo tồn nguyên vẹn, là công trình tiêu biểu cho hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh.

vinhmocMột gia đình ở địa đạo Vịnh Mốc

Vịnh Mốc là một làng quê nằm trên khu đồi đất đỏ bazan, sát bờ biển, cách cửa Tùng (sông Bến Hải) 6km về phía bắc. Làng Vĩnh Mốc có 3 địa đạo chính được nối thông nhau thành một hệ thống liên hoàn, khép kín với quy mô lớn. Hệ thống đường hầm có tổng chiều dài 1.701m với 13 cửa ra vào (7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi). Ở hai bên đường hầm được khoét sâu và tạo ra những căn hộ đủ cho 2 đến 4 người sinh hoạt. Mặt bằng đường hầm được đào nghiêng từ 2 – 3o để dễ dàng thoát nước. Toàn bộ đường hầm được chia thành 3 tầng (tầng 1 cách mặt đất 8m, tầng 2 cách mặt đất 15m, tầng 3 cách mặt đất 23 đến 25m). Trong hệ thống đường hầm có hội trường (chứa được khoảng 60 người, dùng làm nơi hội họp, xem phim), bảng tin, nhà hộ sinh, 3 giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại… Đặc biệt, trong gần 10 năm ở dưới địa đạo, các làng hầm địa đạo Vĩnh Linh đã có 60 em bé được sinh ra. Riêng làng hầm địa đạo Vịnh Mốc có 17 cháu bé cất tiếng khóc chào đời từ trong lòng đất.

Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại dưới lòng đất đã nói lên sự kỳ diệu của con người ở nơi đây. Hơn thế, họ không chỉ thụ động tránh bom đạn, bảo toàn mạng sống mà còn tổ chức đánh địch ngay trên quê hương, tập kết vận chuyển vũ khí, cấp cứu thương binh và vận chuyển hàng trăm chuyến hàng cảm tử cho đảo Cồn Cỏ (cách bờ 28km). Làng địa đạo Vịnh Mốc đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương 2 lần anh hùng LLVTND và năm 1976, Bộ Văn hóa-Thông tin đã công nhận Làng địa đạo Vĩnh Mốc là di tích Quốc gia và đưa vào danh mục các di tích đặc biệt quan trọng. Từ đấy cơ quan chức năng vào cuộc trùng tu, tôn tạo để bảo tồn và phát huy tác dụng. Du khách trong và ngoài nước đến đây ngày càng đông để chiêm ngưỡng kỳ tích độc đáo này, để cảm nhận, thán phục trước tài trí, ý chí của con người Vĩnh Linh, của Việt Nam.

Làng địa đạo Vịnh Mốc, một huyền thoại của thời chống Mỹ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước sinh động cho các thế hệ trẻ, là điểm du lịch kỳ thú, hấp dẫn, độc đáo cho khách tham quan, như một du khách người Úc đã ghi: “Địa đạo Vịnh Mốc như một tòa lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, giấu kín bao điều kỳ lạ của những người làm ra nó và thời đại mà nó được sinh ra”.

PHẠM HUY TƯỞNG

Đôi bờ Hiền Lương và nỗi đau chia cắt

Vốn cũng bình thường như bao mảnh đất khác ở miền Trung và mọi miền đất nước Việt Nam, song đến khi đế quốc Mỹ biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng thì dòng sông Bến Hải – Hiền Lương đã trở nên nổi tiếng, được cả thế giới biết đến.

cauhienluongCầu Hiền Lương. Ảnh tư liệu

Bất cứ ai trong hành trình xuôi Nam, ngược Bắc đều muốn thấy tận mắt “nhân chứng lịch sử” hơn hai mươi năm mang trong mình nỗi đau chia cắt của đất nước, từng chứng kiến một quá khứ bi thương mà hào hùng, oanh liệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Ngược trở về quá khứ, Hiệp định Geneva năm 1954 đã chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền Nam – Bắc, lấy Vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải thơ mộng ở tỉnh Quảng Trị chảy qua làm ranh giới. Cuộc phân ly tạm thời tưởng rằng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử thống nhất, nhưng thực tế đã kéo dài tới 21 năm.

Ghi dấu quá khứ hào hùng

Trong hơn 20 năm chia cắt, không mảnh đất nào chịu đựng nhiều đau thương như ở Bến Hải, Hiền Lương. Hiền Lương đã trở thành biểu tượng của sự cách trở, chờ đợi, ngóng trông, sự chia ly và nỗi đau mất mát…

“Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ,
Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa…”

Đôi bờ Hiền Lương đã trở thành “nhân chứng lịch sử”, mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước, nơi đã chứng kiến nhiều vô cùng cảnh tang tóc, đau thương. Thế nhưng, trước cảnh gông cùm xiềng xích và máu đổ thịt rơi, lòng người không hề nao núng. Đồn bốt được kẻ thù dựng lên bằng sắt thép, lưỡi lê, bằng xe tăng đại bác, nhưng không có sức mạnh nào khuất phục được lòng quả cảm, trí thông minh và niềm tin son sắt vào chân lý nhất định sẽ chiến thắng của nhân dân đôi bờ. Nhà điện ảnh Thụy Điển Giôrít Iven khi được chứng kiến đã phải thốt lên: “Vĩ tuyến 17 – nơi “trưng bày” sự man rợ đến tột cùng của đế quốc Mỹ và lòng dũng cảm đến mức thần thánh của nhân dân Việt Nam”.

Hơn 20 năm sau ngày chia cắt, đại thắng mùa xuân năm 1975 đã nối hai bờ sông Bến Hải. Và đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải đã trở thành cụm di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.Ngày 17/9/2003, khu di tích được chính thức khởi công phục hồi, tôn tạo, để cho đến hôm nay, khi đến với mảnh đất này, ta vẫn như còn thấy hiện ra trước mắt một quá khứ hào hùng và vô cùng sống động.

cauĐó là cây cầu Hiền Lương, nơi đã diễn ra nhiều cuộc tập kết lực lượng của ta và địch và cũng chính là nơi diễn ra nhiều câu chuyện cảm động giữa hai miền Nam-Bắc.

Là Cột cờ Hiền Lương,biểu tượng của niềm tin, ý chí thống nhất của đồng bào miền Nam ruột thịt đang ngày đêm hướng về miền Bắc, hướng về Đảng và Bác Hồ kính yêu. Để lá cờ tung bay trên đỉnh cột, giữ vững biểu tượng sức mạnh chiến thắng của dân tộc, các chiến sĩ đồn Công an Hiền Lương đã chiến đấu anh dũng hơn 300 trận lớn nhỏ dưới mưa gió, bão đạn để bảo vệ lá cờ. Đã có nhiều tấm gương giữ cờ vô cùng cảm động, như tấm gương của mẹ Nguyễn Thị Diệm, mặc dù đã già yếu nhưng không đi sơ tán, kiên quyết ở lại vá cờ.

Là đồn công an Hiền Lương, nơi không chỉ để tố cáo sự vi phạm Hiệp định của Mỹ – ngụy với tổ chức quốc tế mà còn là nơi diễn ra các cuộc đấu tranh gay gắt giữa ta và địch để bảo vệ quy chế khu phi quân sự.

Là hệ thống loa phát thanh tuyên truyền. Một vũ khí tâm lý hữu hiệu của quân đội nhân dân Việt Nam nhằm vạch trần âm mưu xâm lược đất nước ta của chính quyền Mỹ – ngụy và động viên, tiếp sức cho nhân dân miền Nam vững bước đấu tranh. Và đó còn là công trình mang tên “Cụm tượng đài khát vọng thống nhất” đặt ở bờ Nam sông Bến Hải.

Trên mạch nối giao thông giữa hai miền Nam – Bắc, cụm di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Di tích đặc biệt cấp quốc gia, vẫn luôn là điểm sáng trong hành trình của du khách tìm về nơi đây để hoài niệm một thời đất nước chịu cảnh chia cắt. Để từ đó hiểu được sức mạnh của một dân tộc thiết tha yêu hòa bình, một ý chí và khát vọng giành độc lập, tự do, để có một đất nước Việt Nam tươi đẹp như hôm nay.

Đổi thay trên “vùng đất lửa”

Nằm bên con sông lịch sử, toàn thể chính quyền cùng nhân dân hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh đang nỗ lực phát triển mọi mặt kinh tế-xã hội nhằm bù đắp những mất mát mà chiến tranh đã gây ra.

[30/04/2010 4:07:16 PM] N?m trong ho?t d?ng L? h?i Th?ng nh?t non sông, sáng 30/4/2010, t?i khu v?c phía b?c c?u Hi?n Luong trên sông B?n H?i,huy?n Vinh Linh ,t?nh Qu?ng Tr? dã di?n ra l? Thu?ng c? T? qu?c và l? nh?n nu?c t? su?i Lê Nin(Cao B?ng)và sông H?u (H?u Giang) , chào m?ng 35 nam Gi?i phóng hoàn toàn mi?n Nam, th?ng nh?t d?t nu?c và hu?ng t?i k? ni?m 1000 nam Thang Long – Hà N?i . Trong ?nh: Ðua thuy?n trên sông B?n H?i trong ngày h?i.?nh: Van Son-TTXVNĐua thuyền trên sông Bến Hải trong ngày hội Thống nhất non sông. Ảnh: Văn Sơn-TTXVN

Vùng đất chết năm xưa loang lổ dấu vết bom cày đạn xới thì nay đã nhường chỗ cho những đồng lúa, rừng cao su, hồ tiêu… xanh ngút ngàn, những vùng nuôi tôm trù phú. Đi dọc bờ sông Bến Hải, qua các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thành, Vĩnh Giang của huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) là vùng nuôi tôm trù phú. Ngược lên vùng gò đồi phía thượng nguồn Bến Hải là những nông trường cao su, hồ tiêu xanh mướt. Chỉ riêng cây cao su đóng góp một nửa tổng thu ngân sách toàn huyện Vĩnh Linh, góp phần quan trọng cho huyện nhà trở thành Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Còn ở bờ Nam sông Bến Hải giờ là vựa lúa của huyện Gio Linh. Với lợi thế có 2 cửa lạch quan trọng là Cửa Việt và Cửa Tùng, Gio Linh còn là trọng điểm về nghề khai thác đánh bắt thủy sản, chiếm 2/3 sản lượng khai thác của tỉnh Quảng Trị, góp phần không nhỏ vào việc ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

39 năm sau ngày đất nước thống nhất, đôi bờ Hiền Lương nay đã thay da đổi thịt, đi đến đâu cũng thấy khí thế hăng say sản xuất. Người dân nơi đây đang đồng lòng chung tay xây dựng quê hương đổi thay từng ngày.

Video Cầu Hiền Lương  – Vĩ tuyến 17 được quay bằng  Flycam :

Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

Đôi bờ Hiền Lương

Sông Hiền Lương dài gần 100km, nơi rộng nhất 200m, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, chạy dọc vĩ tuyến 17 từ tây-đông (ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, đổ ra biển Đông tại Cửa Tùng.

tuongdaihienluongTượng đài “Khát vọng thống nhất” – bờ nam cầu Hiền Lương

Cũng bình thường như bao mảnh đất khác ở khắp miền đất nước, song đến khi đế quốc Mỹ biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng (1954 – 1975) thì dòng sông Bến Hải và mảnh đất đôi bờ trở nên nổi tiếng, được cả nước và thế giới biết đến. Đôi bờ Hiền Lương đã trở thành “nhân chứng lịch sử” trên 20 năm mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước, nơi đã chứng kiến cảnh tang tóc, đau thương nhưng vô cùng anh dũng kiên trung của nhân dân đôi bờ Nam Bắc vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Tại đôi bờ Hiền Lương, cụm di tích gồm: cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cột cờ ở bờ Bắc, nhà Liên hợp, Đồn công an giới tuyến, giàn loa phóng thanh, cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ Nam, Nhà Bảo tàng…

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải tại ki-lô-met 735 trên quốc lộ 1A. Xưa kia, đoạn sông rộng 100m này chỉ có bến phà. Năm 1928, chính quyền phủ Vĩnh Linh huy động dân làm cầu bằng gỗ, cọc sắt rộng 2m dùng cho khách bộ hành. Năm 1950, do nhu cầu quân sự, Pháp cho xây dựng lại cầu bê tông cốt thép dài 162m, rộng 3,6m, tải trọng10 tấn. Năm 1952 Pháp cho xây nâng cấp lần nữa có tải trọng 18 tấn. Cầu này tồn tại 15 năm (1952 – 1967) thì bị bom Mỹ đánh sập.

Từ năm 1972 đến 1974, để phục vụ chiến trường miền Nam, công trình đã bắc cầu phao dã chiến gần cầu cũ. Đến năm 1979 ta cho xây dựng lại bằng bê tông cốt thép dài 186m, rộng 9m, có hành lang cho ngưòi đi bộ rộng 1,2m, cầu này vẫn còn, mang trong mình ý nghĩa là chiếc cầu thống nhất đất nước. Năm 1996, Bộ Giao thông – Vận tải đã cho xây cầu mới dài 230m, rộng 11,5m nằm về phía tây cầu cũ. Cầu mới được thi công bằng công nghệ đúc đẩy, là cây cầu hiện đại nhất Việt Nam. Hiện nay sông Bến Hải có 2 cầu nối đôi bờ Hiền Lương.

cauhienluongCầu Hiền Lương

Tại khu di tích đã phục chế, trưng bày dàn loa phóng thanh của địch đã từng chịu thua dàn loa phóng thanh của ta, gồm 1 chiếc loa cơ động có công suất 500W (đường kính vành loa rộng đến 1,7m) cùng cộng hưởng với một dàn loa khác gồm 20 chiếc, với tổng công suất 7.000W. Mỗi khi dàn loa của ta phát thanh thì đồng bào ở cách bờ Nam 10km vẫn nghe được chủ trương chính sách của Đảng, Bác Hồ, tính ưu việt của chế độ ta. Nhân dân bờ Nam và anh em binh lính Sài Gòn còn được thưởng thức những chương trình văn nghệ đặc sắc như bài: “Câu hò trên bến Hiền Lương” của Hoàng Hiệp, nghe giọng ca đầy truyền cảm của nghệ sĩ Châu Loan:

“Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội
Thiếp xa chàng ngày đợi đêm trông.
Trong đồn anh có nhớ em không
Ngoài này em vẫn chờ mong anh về”

   Cũng tại nơi đây, không những đã từng diễn ra “chọi loa” mà còn diễn ra những ngày tháng “chọi cờ”. Tính từ năm 1956 đến năm 1967, các chiến sĩ công an giới tuyến đã treo hết 267 lá cờ các cỡ. Lá cờ to áp đảo, cao lớn nhất vĩ tuyến 17 của ta rộng 134m2, nặng 15kg, cao 38,6m. Những năm tháng ấy, cột cờ và lá cờ là biểu tượng của dân tộc đã đứng vững dưới mưa bom bão đạn, nhằm động viên, cổ vũ nhân dân ta trong cuộc đấu tranh sinh tử với Mỹ – Ngụy. Chỉ việc bảo vệ cờ, các chiến sĩ công an đã chiến đấu trên 300 trận, ba lần bắt sống và truy đuổi bọn biệt kích thám báo vượt sông đặt mìn định phá hoại cột cờ.

Với lòng dũng cảm, với ý chí son sắt của quân và dân ta đã minh chứng trọn vẹn chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Nhà điện ảnh Thụy Điển Giơ-rit I-ven khi được chứng kiến cũng đã thốt lên : “Vĩ tuyến 17, nơi trưng bày sự man rợ đến tột cùng của đế quốc Mỹ và lòng dũng cảm đến mức thần thánh của nhân dân Việt Nam”.
Ngày nay, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, song quá khứ hào hùng của quân và dân ta ở đôi bờ Hiền Lương sẽ mãi mãi đi vào tiềm thức của dân tộc và bè bạn năm châu. Di tích đôi bờ Hiền Lương mãi mãi đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc.

PHẠM HUY TƯỞNG