Xã Vĩnh Tú, nơi có làng trạng Vĩnh Hoàng (thuộc thôn Huỳnh Công Tây ở tỉnh Quảng Trị) đã khai sinh ra khu du lịch có tên bàu Thủy Ứ. Sản phẩm du lịch ở đây là nghe người làng nói trạng.
Khu du lịch Thủy Ứ của làng trạng cách thành phố Đông Hà (Quảng Trị) chừng 35km về phía bắc. Cách đây một năm, khu du lịch Thủy Ứ được khai trương. Việc ra đời khu du lịch này là ý tưởng của Ủy ban Y tế Hà Lan tại Quảng Trị. Tâm điểm của khu du lịch là bàu Thủy Ứ nước xanh trong ngăn ngắt. Gọi là khu du lịch cho oai chứ thật ra chỉ là hồ nước hữu tình, mấy ngôi nhà lá dựng lên để khách nghỉ ngơi, một bến thuyền du lịch, mấy cái chòi cho du khách ngồi câu cá… Còn đặc sản, tất nhiên vẫn là sản phẩm nói trạng.
Cơ ngơi của khu du lịch này được giao cho Hội Người khuyết tật xã Vĩnh Tú quản lý. Bốn lao động làm việc ở đây đều là người khuyết tật, mỗi tháng mỗi người được lĩnh 300.000 đồng. Phần tiền làm du lịch còn lại sẽ sung vào quĩ hội. Khi tôi hỏi vì sao không kêu gọi người ngoài vào đầu tư du lịch cho khu này sầm uất lên, ông Khoảnh, chủ tịch xã Vĩnh Tú, lắc đầu: “Rất nhiều người muốn làm du lịch to, có nhà hàng, khách sạn nhưng chúng tôi nhất quyết không cho, chỉ để dân mình vừa làm vừa kể chuyện trạng cho khách nghe thôi. Đặc sản là đó mà!”.
Chị Hoàng Dạ Hương, cán bộ văn hóa xã Vĩnh Tú, mời chúng tôi món tép rang bắt từ bàu Thủy Ứ rồi cao hứng nói… trạng: tép rang ngon nhưng chưa ăn thua, ở đây còn có món “cá đô (lóc) bảy món”. Khiếp, cá lóc cũng làm bảy món. Chuyện của chị Hương thế này: có một người đi câu cá, bắt một con cóc làm mồi. Đến hồ, ông lấy đà vút dây câu một cái thì không ngờ dây câu văng sang bờ hồ phía bên kia. Trong lúc không biết làm cách nào để gỡ lưỡi câu đang mắc vào bụi thì một con chim cuốc nhảy ra ăn con cóc. Khi đang kéo cuốc thì con chồn từ trong bụi rậm lao ra ngoạm con cuốc vào miệng, mắc phải lưỡi câu. Mừng quá ông kéo dây câu thì… “bụp”, một con cá đô (lóc) từ hồ lao lên đớp trọn con chồn. Con cá to quá, bà con xúm lại cùng nhau kéo con cá lên rồi dùng cuốc to để đánh vảy. Sau đó mỗi người được tặng một chiếc vảy mang về làm quạt. Mổ bụng con cá ra có cả chồn, mổ bụng chồn có cả chim cuốc, mổ cuốc ra có hơn chén tép, đủ làm bảy món liên hoan cả làng thật là vui…Và đó là sản phẩm du lịch của làng Vĩnh Hoàng!
Theo nhà nghiên cứu văn học dân gian – thạc sĩ Trần Công Lanh, một người con của làng trạng, chuyện trạng ở làng Huỳnh Công Tây ra đời cách đây hơn 300 năm. Làng này chính là cái gốc của những chuyện trạng mà một thời người ta gọi là “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng”. Chuyện trạng ở Huỳnh Công Tây được xem là một kho tàng văn học dân gian có một không hai của Việt Nam, như là di sản văn hóa phi vật thể. Người dân làng trạng này được trời phú cho tư chất ứng khẩu nhanh và ứng tác giỏi.
Theo HỒNG PHÚC