Lưu trữ cho từ khóa: Một thời Quảng Trị

“Một thời Quảng Trị” phiên bản tiếng Anh

Cuốn hồi ký “Một thời Quảng Trị” của Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng LLVT nhân dân, do Đại tá Lê Hải Triều thể hiện, xuất bản cách đây đã gần 8 năm, số lượng lên tới 13 nghìn bản.

Với 540 trang, cuốn sách đã làm sống lại một thời Quảng Trị với muôn vàn chiến công và ngàn vạn nỗi đau trong những năm tháng không thể nào quên, trên mảnh đất hào hùng mà ông và đồng đội cùng chiến đấu.

Thời gian càng lùi xa, giá trị nhân văn của cuốn sách càng tăng lên. Người đọc như được đi cùng người kể tới những nẻo đường Quảng Trị đau thương mà can trường. Nơi ấy là Cồn Tiên, Dốc Miếu, điểm cao 544 – những địa danh mà quân Mỹ đã coi là “con mắt thần” ngăn chặn quân ta từ miền Bắc vào. Quảng Trị có Thành cổ – một chứng tích lịch sử. Ở đây còn có Đường Hồ Chí Minh – con đường huyền thoại. Quảng Trị có Đường 9 – một con đường đã trở thành “nỗi kinh hoàng” cho kẻ thù. Quảng Trị còn có Đồi Tròn, Quán Ngang, Gio Linh, Làng Vây, dòng sông Thạch Hãn, sông Ba Lòng, con suối La La… Những địa danh ấy mãi mãi vang ngân bởi đã thấm máu bao nhiêu đồng đội của ông.

mot-thoi-quang-tri-phien-ban-tieng-anh

Bìa cuốn sách

Quảng Trị với diện tích 4.746km2 mà có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ và hai nghĩa trang “không mộ” – là Thành cổ và đáy sông Thạch Hãn, làm người đọc rưng rưng. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu từng nói: “Máu xương chiến sĩ ta là một phần trầm tích sau này của Quảng Trị”, quả đúng là như thế!

Với cách kể điềm tĩnh, chậm rãi, “Một thời Quảng Trị” đã có những trang viết nhân ái và giàu chất bi tráng khi người đọc thấy hiện về những gương mặt chiến sĩ quả cảm kiên trung như: Cao Như Thiêm, Phan Hữu Mỹ, Nguyễn Văn Đồng, Nguyễn Hữu Biều, Phùng Văn Khoét… Về những tấm gương hy sinh đó, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tâm sự: “Đến bây giờ, mỗi khi nghĩ đến, lòng tôi vẫn đau thắt”. Thái độ ấy, ông dành cho người đã hy sinh, nhưng cũng là nhắn gửi những người đang sống! Bởi có biết đau thương, trân trọng người đã khuất thì mới biết gắn bó với những người đang sống bên mình.

Trên mặt trận mới, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn nặng lòng với Quảng Trị. Ông đã dành nhiều tâm huyết cho miền đất mà ông từng chiến đấu và gắn bó trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Dường như không phải đến tận bây giờ, mà bao giờ cũng thế, Quảng Trị vẫn là cõi đi về của người chỉ huy Trung đoàn 27 năm xưa và Quảng Trị vẫn là nơi đau đáu trong ông sự lo toan chăm chút thường ngày. Ông từng viết bản tham luận “Quảng Trị với du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”, trong đó có nhiều ý tưởng giàu chất nhân văn. Tâm nguyện của ông là “Tạo dựng lại màu xanh của sự sống cho mảnh đất đã chịu quá nhiều nỗi thương đau khi mà còn đó những cánh rừng trơ trụi lá do chất độc hóa học làm cho cây không nảy được chồi”.

Giáo sư Lê Quang Long – người đã đọc “Một thời Quảng Trị” của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. Giáo sư Long chưa hề gặp tướng Hiệu, nhưng qua cuốn sách, Giáo sư cảm mến con người Nguyễn Huy Hiệu, ông âm thầm dịch nó ra tiếng Anh. Khi dịch xong, Giáo sư Long tìm gặp Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, ông nói: “Tôi đã đọc “Một thời Quảng Trị” của Thượng tướng, nó cuốn hút tôi và tôi nảy ra ý định phải dịch cuốn sách ra tiếng Anh, cho bạn đọc trên thế giới, để họ đọc và hiểu về cuộc chiến đấu của nhân dân ta, thêm yêu mảnh đất và con người Việt Nam. Tôi đã dịch hơn một năm, nay tôi gửi tặng Thượng tướng bản dịch”.

Món quà đến với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu quá bất ngờ, ông xiết chặt tay vị Giáo sư đáng kính. Cuối tháng 12 năm 2015, cuốn sách “Một thời Quảng Trị” phiên bản tiếng Anh được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản và phát hành. Một thời gian không lâu nữa, cuốn sách “Một thời Quảng Trị” sẽ đến tay bạn bè các nước khắp năm châu.

[nguon]Nguồn: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/van-hoa-the-thao-giai-tri/mot-thoi-quang-tri-phien-ban-tieng-anh/396725.html[/nguon]