Lưu trữ cho từ khóa: Thánh địa

Góc phượt: Ba Lọ – ông bụt giữa đường

Trong hành trình thăm miền Trung, vào một buổi chiều nọ, tôi thuê xe chạy tà tà với dự định ghé thăm làng cổ Phước Tích.

goc-phuot-quang-tri

Khi tấm bảng Thánh địa La Vang đập vào mắt, tôi mới biết mình đã lạc địa điểm cần tìm đến vài chục ki lô mét.

Quay trở lại cũng lỡ làng, còn đến La Vang mà không vào thánh địa xem ra không ổn. Chặc lưỡi, tôi ghé vào thăm khu thánh tích này thật nhanh vì hoàng hôn đang dần xuống, sợ khi chạy xe về Huế sẽ khó khăn vì đi trong đêm ở nơi không rành đường, nếu có chuyện gì thì mệt.

Quả như tôi lo, chạy xe được khoảng 20 km thì bị cà giật liên hồi, ngó xuống bánh xe trước, tôi phát hiện nó mềm mụp, đành phải xuống xe đẩy bộ. Cố căng mắt tìm đến rát con ngươi mà chẳng thấy cái bảng sửa xe nào trên đường, lòng tôi nóng như lửa đốt.

Chợt một ánh đèn pha chiếu vào mắt tôi, sau đó là một câu hỏi đặc sệt giọng Quảng Trị: Đi mô mà xe hư như vầy?

Tôi chưa kịp trả lời, anh ta nói tiếp:

– Nhà tui có vá xe. Tui chở cô tới nhà vá cho. Nhìn tướng cô là biết không phải người vùng này rồi.

Thú thực, lúc này tôi vừa mừng vừa sợ, chẳng biết mình gặp người tốt hay kẻ xấu nữa. Nhưng thôi…

– Nhà anh có xa đây không? Tôi không có tiền nhiều. Xin anh nói giá trước, nếu được thì tôi sẽ vá, còn không đủ xin thôi – tôi rào trước đón sau.
– Trời ơi, tui vá là 10 ngàn một lỗ cô ơi. Ai tui cũng tính đúng như vậy, cô đừng sợ. Thôi leo lên xe đi!

Vậy là tôi được đưa đến một quán bán cháo cá nhỏ. Người đàn ông dắt xe vào nhà, nói: Cô đợi tui đi lấy đồ nghề nghen!

– Quán này bán cháo cá và sửa xe chung hả anh?
– Dạ tui bán cháo là chính nhưng nơi đây ít có tiệm sửa xe, đi lấy cá hàng ngày, tui bị mấy vụ bể bánh xe giống như cô, cực khổ quá nên tôi mua đồ về học vá và sửa xe, sẵn dịp giúp người lỡ đường luôn.
– Té ra là vậy. Xin cho biết tên anh ạ?
– Tui tên Ba, nhưng bà con hay gọi tui là Ba Lọ vì da tui đen thui nè cô!
– Anh ơi, sau khi vá xe xong, anh làm cho tôi tô cháo luôn nhé!

Chừng mươi phút sau, chiếc xe đã vững vàng đậu trước mặt, tô cháo cũng được đặt nóng hổi trên bàn. Khi tính tiền, tôi giật mình nghe anh bảo:

– Thưa cô, hai lỗ vá là 20 ngàn, còn tô cháo là 15 ngàn, cả thảy 35 ngàn tất cả.

Đưa người đàn ông 50 ngàn, tôi nói: “Xin gửi anh luôn, cảm ơn anh nhiều!”. Nhưng anh Ba nói: “Cô ơi, tui làm và nhận công chỉ đúng sức của mình bỏ ra. Tui không nhận tiền thừa đâu. Cô giúp mấy người tật nguyền đặng tích phước. Nhờ ơn trời, tui sống như vầy là đủ rồi. Cảm ơn cô đã có lòng nhé”. Vừa nói, anh vừa đưa trả lại 15 ngàn.

Lúc đó, tôi chợt nhớ câu nói của ông bà: “Áo rách đựng tim vàng”. Vâng! Người tôi gặp trong chuyến đi Quảng Trị hôm ấy đã in sâu vào tâm trí của tôi như hình ảnh ông bụt rất đáng yêu, dù anh đen thui, xấu xí…

Khám phá thánh địa Công giáo nổi tiếng nhất Việt Nam

Ngày nay, La Vang là thánh địa hành hương quan trọng nhất của người Công giáo ở Việt Nam, với trên dưới nửa triệu người về hành hương mỗi năm.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-001

Nằm ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo phận Huế , Thánh địa La Vang là nơi hành hương quan trọng bậc nhất của người Công giáo Việt Nam. Các tín đồ Công giáo tin rằng, Đức Mẹ Maria đã hiển linh ở khu vực này vào năm 1798.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-02

Trung tâm của khu Thánh địa ngày nay còn lại di tích tháp chuông của Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang. Công trình này được xây dựng từ năm 1924 – 1929, đại trùng tu năm 1959. Vào mùa hè năm 1972, Vương Cung Thánh Đường đã bị hủy hoại do chiến tranh.

Thanh-dia-La-Vang-Quang-tri-03

Sự hình thành Thánh địa La Vang gắn một câu chuyện nhuốm màu huyền thoại . Các tín đồ ở gần đồi Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) từng đến vùng núi rừng La Vang, một nơi rừng thiêng nước độc trong hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu ăn, bệnh tật, sợ thú dữ.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-04

Các tín đồ chỉ còn biết phó thác số mệnh cho Thiên Chúa và Đức Mẹ. Họ thường tụ tập nhau dưới gốc cây đa cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-05

Một hôm, khi đang cầu nguyện, họ bỗng nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng Giêsu, có hai thiên thần chầu hai bên. Họ nhận ra đây là Đức Mẹ Maria. Đức Mẹ đã vỗ về, an ủi các tín đồ và dạy họ hái một loại lá cây có sẵn chung quanh đó, đem nấu nước uống để lành các chứng bệnh.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-06

Sau đó, Đức Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy để nâng đỡ và an ủi các tín đồ trong cơn hoạn nạn. Từ đó đến nay, sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại núi rừng La Vang, qua các thế hệ được loan truyền khắp nơi, và nhiều người chân thành tin tưởng, đến cầu khấn Đức Mẹ.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-07

Tại vị trí được cho là nơi Đức Mẹ hiện ra gần gốc cây đa cổ thụ, một tượng đài hoành tráng đã được xây dựng với hình tượng ba cây đa và Đức Mẹ La Vang ở chính giữa.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-08

Tượng Đức Mẹ La Vang cũng được đặt ở nhiều nơi trong Thánh địa. Đức Mẹ thường được thể hiện bằng hình ảnh một phụ nữ mặc áo dài Việt Nam bế đứa bé cũng mặc trang phục truyền thống Việt Nam.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-09

Phía trước di tích tháp chuông Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang là một quảng trường rộng. Hai bên quảng trường là Đàng Thánh Giá – một loạt gồm 14 tác phẩm điêu khắc, mô tả diễn tiến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, từ khi ông bị kết án đến khi bị đóng đinh trên thập giá và cuối cùng là an táng trong hầm mộ.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-10

Trong khuôn viên Thánh địa còn có giếng nước Đức Mẹ La Vang, nơi mỗi tín đồ khi tới đây đều uống một ngụm nước để tỏ lòng thành kính với Đức Mẹ. Nhiều tín đồ tin rằng nước giếng có khả năng chữa được bệnh tật trong cơ thể.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-11

Ngày nay, La Vang là thánh địa hành hương quan trọng nhất của người Công giáo ở Việt Nam, với trên dưới nửa triệu người về hành hương mỗi năm.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-12

Vào năm 2008, Thánh địa được chính quyền tỉnh Quảng Trị cấp thêm 21 ha đất để phục vụ hoạt động tín ngưỡng của giáo dân. Năm 2012, Vương cung Thánh đường mới đã được khởi công xây dựng. Đây là ngôi thánh đường được thiết kế theo phong cách kiến trúc Á Đông, có sức chứa tới 5.000 người.

[nguon]Nguồn: http://kienthuc.net.vn/di-san/kham-pha-thanh-dia-cong-giao-noi-tieng-nhat-viet-nam-383781.html[/nguon]