Lưu trữ cho từ khóa: thương hiệu

Nước mắm Huỳnh Kế Cửa Tùng Quảng Trị

Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) không chỉ nổi tiếng với bãi biển đẹp mà du khách đến đây còn bị quyến rũ bởi hương vị thơm ngon, đậm đà của nước mắm Huỳnh Kế

Bây giờ nước mắm Huỳnh Kế đã nổi tiếng từ Nam ra Bắc, xuất cả ra nước ngoài. Thế nhưng ít người biết được rằng, để có được thương hiệu nước mắm nổi tiếng như ngày hôm nay, vợ chồng nông dân Lê Thị Huỳnh đã mất 20 năm kiên trì xây dựng.

Lấy chất lượng làm thước đo

Chị Huỳnh bảo, làm nước mắm không khó, nhưng để người tiêu dùng chấp nhận, cạnh tranh được với những thương hiệu nổi tiếng khác thì không dễ chút nào. Nhận thức được điều này nên hơn 20 năm qua, từ khi bắt đầu với nghề chế biến nước mắm, chị Huỳnh đã kiên quyết thực hiện một nguyên tắc bất di bất dịch: “Lấy chất lượng làm thước đo sản phẩm”. Theo chị Huỳnh, muốn nước mắm ngon, chất lượng thì nguyên liệu nhập vào phải tươi, ngon; quy trình chế biến nghiêm ngặt và phải tuân thủ tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm.

co-so-san-xuat-nuoc-mam-huynh-ke

Cơ sở sản xuất nước mắm Huỳnh Kế.

Chị Huỳnh sinh ra và lớn lên ở Cửa Tùng – vùng biển có nguồn lợi thủy sản dồi dào, nhất là các loại cá tươi như cơm, nục, duội, trích, khuyếc… Trước đây, những loại cá này bán rất chậm, vì ít người ăn. Nhìn công sức của bà con mình bị bỏ phí, trong khi gia đình lại không có công ăn việc làm, chị Huỳnh đã nảy ra ý tưởng mở cơ sở làm nước mắm. Vậy là năm 1989, vợ chồng chị Huỳnh chính thức bắt tay vào mở cơ sở chế biến nước mắm Huỳnh Kế.

Những ngày đầu xây dựng cơ sở, chị Huỳnh gặp vô vàn khó khăn, đầu tiên là vốn, mặt bằng, nhưng khó khăn lớn nhất chính là làm sao để cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại đã quá nổi tiếng trên thị trường. “Để có tiền mở cơ sở, tôi phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Bên cạnh đó, kinh nghiệm lại chưa có nên sản phẩm nước mắm tạo hương vị không như ý muốn…” – chị Huỳnh chia sẻ.

Nhưng sau mỗi lần thất bại, chị Huỳnh lại rút ra cho mình một kinh nghiệm nhỏ. Chị đi khắp nơi, mua về những chai nước mắm có thương hiệu để nếm, thử. Dần dần, chị đã sáng tạo ra quy trình chế biến riêng để cho ra dòng sản phẩm mang hương vị đặc trưng Huỳnh Kế.

Chỉ tay vào chiếc thùng muối mắm to có sức chứa 15 tấn, chị Huỳnh cho biết: “Muốn mắm ngon phải có cách muối riêng. Đó là bí quyết của mỗi cơ sở. Khi cá chở về kho sản xuất sẽ được cho vào bể chứa, mỗi lớp cá lại rải một lớp muối dày, sau đó tiến hành gài nén, chèn vật nặng lên làm cho khối cá chìm xuống.

Muối cá chờ ngày cá chín (từ 6 tháng đến 1 năm) là khâu quan trọng nhất trong quá trình chế biến nước mắm, quyết định trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Do đó, khi muối cá phải chín đều mới đảm bảo được vị ngọt, mùi thơm và màu đặc trưng của nước mắm Huỳnh Kế. Công việc này phải làm thủ công và đòi hỏi người làm có tay nghề và kinh nghiệm cao trong việc chọn cá, muối cá”.

Lấy chén nước mắm màu đỏ đậm vừa chiết xuất từ thùng ra, chị bảo tôi nếm thử. Vừa đưa lên ngửi, hương thơm ngào ngạt đã xộc vào mũi tôi. Mắm có vị thật mặn, thấm vào đầu lưỡi, sau đó ngọt dịu nơi cổ họng… “Nước mắm Huỳnh Kế là thế, ngoài màu đỏ đặc trưng, hương vị thơm nồng, mắm phải thật mặn, có hậu ngọt và béo” – chị Huỳnh hồ hởi nói.

Đưa thương hiệu Huỳnh Kế bay xa

Gần 20 năm theo nghề sản xuất nước mắm, dù khi mới thành lập hay bây giờ đã thành danh, chị Huỳnh luôn tâm niệm một điều: Chỉ có thể lấy được lòng tin của khách hàng bằng chính chất lượng thơm ngon đặc trưng của sản phẩm. Đó cũng là cách duy nhất để Huỳnh Kế có thể cạnh tranh được với những dòng sản phẩm cùng loại đã có thương hiệu từ lâu. Nhờ bí quyết đó mà sản phẩm nước mắm Huỳnh Kế không chỉ lấy được lòng tin của người tiêu dùng địa phương mà còn thu hút khách du lịch gần xa đến tìm mua.

“Chị Lê Thị Huỳnh là một nông dân dám nghĩ, dám làm. Sản phẩm nước mắm Huỳnh Kế nhiều năm qua luôn được người tiêu dùng ưa chuộng; cơ sở chế biến của chị cũng là nơi tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm cho bà con nông dân”.

Ông Lê Phúc Thiện – Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Trị

Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, cơ sở chế biến nước mắm Huỳnh Kế không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời kết hợp sản xuất thêm các sản phẩm khác như ruốc, mắm nêm, muối, cá khô, mực… Bình quân mỗi năm, cơ sở Huỳnh Kế thu mua của bà con ngư dân hơn 120 tấn cá. Hiện, mỗi ngày cơ sở của chị Huỳnh bán ra gần 200 lít nước mắm và các mặt hàng khác, thu về gần 4 triệu đồng.

Nhằm cải thiện môi trường sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm về màu sắc, hương vị, giảm bớt tạp chất và kéo dài thời gian bảo quản, cơ sở Huỳnh Kế đã ứng dụng công nghệ lọc nước mắm bằng hệ thống lọc tinh của Mỹ (thiết bị Sagana+50 ROV), nhờ đó đã tạo ra sản phẩm nước mắm có màu đỏ tinh khiết mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng.

Với việc lắp đặt hệ thống ống dẫn lọc kín đi từ thùng nguyên liệu đến tận nơi đóng chai, cơ cở Huỳnh Kế vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa tăng hiệu quả sản xuất. Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, chị Huỳnh còn đặc biệt quan tâm tới việc cải tiến mẫu mã, nhãn mác để sản phẩm thu hút, bắt mắt hơn với người tiêu dùng cũng như tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhờ vậy, mỗi tháng, cơ sở Huỳnh Kế nhận được hàng trăm đơn đặt hàng từ khắp nơi, thậm chí đã có nhiều đơn đặt hàng của Lào, Thái Lan.

“Niềm tự hào của tôi chính là đưa được thương hiệu nước mắm Huỳnh Kế vượt ra khỏi làng biển này, không chỉ vươn ra cả nước mà còn có mặt ở nước ngoài, biến nó trở thành một đặc sản của vùng đất thép Cửa Tùng”– chị Huỳnh tự hào nói.

[nguon]Nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc/nuoc-mam-lang-xuat-ngoai-441368.html[/nguon]