Lưu trữ cho từ khóa: vinh linh

Địa đạo Vịnh Mốc, điểm đến hấp dẫn Việt Nam chưa được khám phá

Địa đạo Vịnh Mốc, một trong những điểm du lịch lịch sử cách mạng nằm ở Quảng Trị, Việt Nam vừa được Thrillist chọn là điểm đến hấp dẫn châu Á nhưng chưa được khám phá.

Cũng như địa đạo Củ Chi, Vịnh Mốc là công trình ngầm và mang tính lịch sử độc đáo của Việt Nam.  

vinh_moc_vinh-linh-quang-tri

Vịnh Mốc nằm ở Quảng Trị, Việt Nam

Vịnh Mốc tọa lạc trong một quả đồi sát biển ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh của tỉnh Quảng Trị. Địa đạo được xem là công trình tiêu biểu và quy mô nhất trong số hơn 100 địa đạo lớn nhỏ được đào trên toàn huyện Vĩnh Linh.

vinh_moc_vinh-linh-quang-tri-1

Vịnh Mốc nằm sát biển và cách cầu Hiền Lương vài cây số

Vịnh Mốc gồm 3 tầng hầm liên thông dưới lòng đất, tầng một cách mặt đất từ 12 đến 15m, tầng 3 cách mặt đất 22m. Toàn bộ chiều dài của địa đạo gần 2km và có 13 cửa. Địa đạo là một thế giới ngầm được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ác liệt, từ 1965 – 1972, cho đến nay dường như vẫn còn giữ được nguyên vẹn. Trong những năm chiến tranh ác liệt nhất, người dân không thể sống trên mặt đất nên đã di chuyển xuống dưới lòng đất và Vịnh Mốc là “công trình” được kiến tạo để tránh bom đạn, duy trì cuộc sống và là căn cứ quân sự của quân – dân huyện Vĩnh Linh. Chỉ với đôi bàn tay thô sơ, người dân Quảng Trị đã xây dựng một địa đạo mà cho đến giờ, rất nhiều du khách nước ngoài khi được tận mắt chứng kiến cũng phải xuýt xoa và ca ngợi về sự thông minh cũng như sáng tạo, kiên cường của những con người Việt Nam nhỏ bé.

Có rất nhiều dòng cảm xúc về nơi này: “Địa đạo Vịnh Mốc giống như một toà lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, giấu kín biết bao điều kỳ lạ về những con người đã làm ra nó và thời đại nó đã sinh ra”.

Địa đạo được xây dựng thông minh nên dù nằm sâu dưới lòng đất vẫn có hệ thống thông gió tự nhiên và ánh sáng đầy đủ. Các khu vực để nhân dân ở, vào thời điểm đông nhất có thể chứa được hơn cả ngàn người, các khu vực sinh hoạt như trên mặt đất như nhà bếp để nấu ăn, phòng sinh hoạt, phòng họp, nhà hộ sinh, y tế, giếng nước,… đều đủ cả. Người ta gọi địa đạo Vịnh Mốc là “làng hầm” cũng vì vậy.

vinh_moc_vinh-linh-quang-tri-2

Địa đạo Vịnh Mốc mang đầy dấu ấn và sự sáng tạo của quân dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh gian khổ, từ 1965 – 1972.

vinh_moc_vinh-linh-quang-tri-3

Ngoài địa đạo Vịnh Mốc của Việt Nam, tờ Thrillist còn nhắc đến nhiều điểm du lịch khác như Tu viện Tatev – Armenia, Tu viện Taktsang Palphug của Bhutan, Nhà thờ Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddien của Brunei, Sông Irrawaddy ở Myanmar, Cung điện Mulee Aage – Maldives, Cánh đồng muối Taepyeong – Hàn Quốc, ruộng bậc thang Banaue ở Philippines, Annapurna Circuit ở Nepal và vách đá Flaming ở Mông Cổ.

[nguon]Nguồn: http://motthegioi.vn/luxury-living/du-lich/vinh-moc-diem-den-hap-dan-viet-nam-chua-duoc-kham-pha-257626.html[/nguon]

 

Gỏi Cá Trích – Đặc Sản Quảng Trị

Gỏi cá trích – Từ đầu tháng 9 hàng năm, ngư dân thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) lại bắt đầu bước vào mùa ra khơi câu cá trích. Với bà con ngư dân, cá trích vừa đem lại nguồn thu nhập cho gia đình, vừa là loại hải sản được chế biến thành nhiều món ăn ngon trong đó có món gỏi cá trích.

goi-ca-trich

Gỏi cá trích Quảng Trị

Sau chuyến biển trở về, dù tất bật với việc mang từng thùng xốp đựng cá trích đánh bắt được dưới thuyền lên bờ để bán cho tiểu thương, anh Lê Văn Thành (ngư dân ở thị trấn Cửa Tùng) vẫn không quên chọn ra những con cá trích to, tươi rói mang về nhà để chế biến món gỏi cá trích đãi khách. Trên đường về nhà, anh Thành cùng tôi ghé vào chợ cá Cửa Tùng chọn mua rau sống, đậu phụ, bánh đa cùng nhiều loại gia vị khác để chuẩn bị cho món gỏi cá trích. Anh Thành cho biết, cách chế biến món gỏi cá trích không quá cầu kỳ, phức tạp… nhưng nguyên liệu là cá trích thì nhất định phải tươi, to, vảy cá có màu trắng xanh mới đạt yêu cầu.

Về đến nhà, chị Hiền (vợ anh Thành) đảm nhận công đoạn nhặt, rửa rau sống, còn anh Thành mang cá trích đi đánh vảy. Vừa làm, anh vừa giảng giải cho tôi: “Để cá trích tươi ngon thì trong quá trình đánh vảy cá không nên ngâm cá vào nước. Sau khi đánh vảy xong thì đem cá rửa qua nước sạch một lần, sau đó dùng dao lóc thịt cá thành từng miếng mỏng. Khi lóc thịt cá phải chú ý không được cắt vào phần bụng cá. Bởi nếu cắt vào phần bụng thì ruột cá sẽ làm cho món gỏi có mùi tanh rất khó ăn”.

Sau công đoạn tỉ mỉ lóc thịt cá, anh cho từng miếng thịt cá đã lóc lên đĩa rồi dùng dao thái mỏng củ hành, ớt, rau thơm cùng lạc rang, gia vị rải đều lên cá. Mấy phút sau thì vắt nước cốt chanh lên rồi trộn đều món gỏi cá trích. Trong khi chờ cá ngấm gia vị, anh Thành chế biến món nước chấm gỏi cá trích. Nước chấm gói cá trích phải là loại nước mắm cá biển nguyên chất được cho thêm ớt, tỏi giã nhỏ hòa cùng nước cốt chanh, bột ngọt và đường.

Món gỏi cá trích bày lên mâm, anh Thành mời tôi nhâm nhi món gỏi cá được cuốn chung với rau sống và bánh đa. Vị ngọt, béo, dai của thịt cá trích cùng vị mằn mặn, ngòn ngọt của nước chấm cứ làm tôi không thể nào quên được món gỏi cá trích.

Thấy tôi ngon miệng với món gỏi cá trích, chị Hiền vui vẻ cho biết thêm: “Cá trích ngoài làm gỏi ra thì còn có thể chế biến thành nhiều món ngon khác như cá trích nướng mọi chấm muối tiêu xanh, cá trích chiên giòn, chả cá trích… Cứ thưởng thức một lần thì khó mà quên được”.

Ký ức về mái trường xưa

Tôi về thăm lại trường xưa
Tóc đà sợi nắng, sợi mưa trên đầu…

Năm học 1961-1962 sau khi học xong lớp vỡ lòng, tôi vào lớp một Trường Phổ thông cấp I Vĩnh Tú (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Thầy giáo chủ nhiệm chúng tôi là thầy Huệ, một người thầy hiền từ, nghiêm khắc và hết lòng yêu thương học sinh.

ky-niemCán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Tú qua các thời kỳ

Trường chúng tôi có 8 lớp học, bốn lớp A học buổi sáng, bốn lớp B học buổi chiều. Lúc đó, trường chỉ là một ngôi nhà mái tranh, phên đất với bốn phòng học nên các thầy cô giáo phải làm việc, hội họp ở nhà ông Tả. Các thầy giáo, cô giáo đều trẻ, vui… Ngoài các tiết học, các thầy cô còn dạy hát, tổ chức vui chơi cho chúng tôi. Những bài học thuộc lòng như “Học đi em, học đi mà nhớ mãi”, “Chú Hải quân”, “Quê em ở vùng biển”… hay những bài hát “Mời Bác về thăm quê cháu”, “Một hố chông diệt một tên lính Mỹ”, “Em đi thăm miền Nam”… Những bài hát, bài học thuộc lòng luôn in đậm trong tâm trí mỗi bạn nhỏ chúng tôi. Ngoài buổi học, nhà trường còn tổ chức lao động. Công việc chủ yếu là vệ sinh trường lớp. Tôi cùng các bạn dùng ống tre lấy nước ở bàu Thủy Ứ đổ vào bể cạn để rửa tay và phòng để chữa cháy hay phân công bảo vệ, chăm sóc hàng cây xà cừ phía trước trường với khẩu hiệu “Ông trồng cháu chăm”. Trường chúng tôi có vườn thực hành được chia thành luống nhỏ để trồng ngô, cải, cà chua, đu đủ… Lớp 1A của tôi được phân công chăm bón luống cà chua, đến mùa cho rất nhiều quả to, đỏ mọng. Thầy giáo chủ nhiệm chúng tôi nói vui: “Nếu đem ra chợ bán thì 1 quả 5 xu, còn bán cho học sinh trong lớp thì rẻ thôi, 2 quả 1 hào”…

Giờ chào cờ đầu tuần là hoạt động mà chúng tôi mong đợi nhất. Cả ngày chủ nhật nghỉ học, chúng tôi cứ mong ngày thứ hai đến trường thật sớm để được chào cờ và hát Quốc ca. Đặc biệt, chúng tôi được nghe thầy Hiệu trưởng Hoàng Kim Châu kể chuyện về Bác Hồ, về miền Nam đang đấu tranh chống Mỹ – Diệm, phản đối bọn chúng dùng máy chém, rào ấp chiến lược, thảm sát ở nhà tù Phú Lợi… Thầy hiệu trưởng còn phát động những phong trào như “Sạch như bệnh viện, đẹp như công viên”, “Lao động tốt như bác nông dân, tập hợp nhanh như anh bộ đội”, phong trào “Hai tốt”, “Tiếng trống Bắc Lý”…

Năm học 1963-1964, tôi học lớp 3 và được kết nạp vào Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Vào dịp này chúng tôi được nhà trường phát động, hưởng ứng phong trào “Làm ngàn việc tốt” từ sáng kiến của thầy giáo Nguyễn Đức Thìn, Tổng phụ trách đội Trường cấp II Liên Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh. Tôi và các bạn tích cực hưởng ứng với những việc làm cụ thể như đi học về không chặn đường đánh bạn, không rảy mực vào áo bạn, ra đường luôn đi về bên phải, gặp người lớn phải đứng lại chào, giúp ba mẹ làm việc nhà, đi chăn trâu bò không để trâu bò ăn lúa, hoa màu của hợp tác xã… Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, chúng tôi hăng hái hưởng ứng phong trào như thế…

Năm học 1964-1965 đế quốc Mỹ ném bom xuống thị trấn Hồ Xá, giết hại thầy giáo và một số học sinh ở trường cấp III vào chiều ngày 8/2/1965. Chúng tôi không học ở trường nữa mà chuyển về học ở nhà đội của Hợp tác xã thôn Tây. Bàn viết sử dụng ghế băng, chỗ ngồi dùng lá chua mót trải xuống. Một thời gian sau chúng tôi chuyển sang học ban đêm vì máy bay Mỹ tập trung ném bom vào ban ngày. Nói là ban đêm nhưng từ 11, 12 giờ trưa chúng tôi đã lục tục đến trường. Chỗ tập kết là rú Dầu Sở, trò chơi mà chúng tôi thích nhất là “mèo đuổi chuột”. Chúng tôi đuổi bắt nhau, trên những cành cây dầu sở sum suê đan chéo vào nhau… Để chuẩn bị cho buổi học ban đêm, ngoài sách vở, dụng cụ học tập còn có một cây đèn dầu hỏa có cấu tạo đặc biệt, lúc không sử dụng thì ấn tim đèn vào trong chai (phía dưới có cái lò xo) rồi đậy kín nắp cho dầu khỏi đổ ra. Khoảng 9,10 giờ đêm buổi học kết thúc, chúng tôi ra về bụng đói meo nhưng vẫn hát nghêu ngao tận các ngõ nhỏ.

Năm học 1965-1966, tôi lên học cấp 2. Thế rồi chiến tranh ngày càng ác liệt, từ tháng 8, 9 năm 1967 học sinh trường cấp I, cấp II chúng tôi phải sơ tán ra các tỉnh phía Bắc theo kế hoạch K8, K10. Các thầy giáo, cô giáo, anh chị phụ trách cùng chúng tôi vượt qua đạn bom ác liệt ra miền Bắc tiếp tục học tập. Ở nơi sơ tán, chúng tôi được ông bà, bố mẹ, anh chị nuôi, các thầy giáo, cô giáo chăm sóc, nuôi dạy chu đáo làm dịu đi những mất mát, hy sinh và nỗi nhớ nhà. Nhưng từ sâu thẳm, chúng tôi luôn khao khát được sống bình yên, được học tập, vui chơi dưới mái trường quê hương không còn bom đạn quân thù.

Từ tháng 5 đến tháng 7/1973 từ các nơi sơ tán đồng bào K10, học sinh K8 trở về quê hương sau 6 năm xa cách. Ở quê nhà cán bộ và nhân dân khẩn trương dựng các phòng học bằng tranh tre để kịp cho các cháu vào năm học mới. Ngày Chủ nhật 23/9/1973 các trường ở khu vực Vĩnh Linh tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Trường Phổ thông cấp I Vĩnh Tú bước vào năm học 1973- 1974 ngay trên mãnh đất trường cũ…

Vậy mà đã sáu mươi năm, ngôi trường tuổi thơ tôi đã tròn 60 tuổi. Chúng tôi, những cựu học sinh của Trường Phổ thông cấp I Vĩnh Tú năm nào giờ cũng đã thành ông, thành bà, có người thành đạt, cũng có người trở về nơi đồng đất quê mình và cũng có những người bạn của chúng tôi nằm lại nơi chiến trường xa. Nhưng dù ở đâu thì hình ảnh mái trường xưa, ký ức về tình thầy trò, tình thân bè bạn thuở nào vẫn còn mãi trong chúng tôi. Xin phép mượn lời thơ của một học sinh cũ để kết thúc bài viết này: Dù cho tung cánh muôn phương/ Ơn thầy, tình bạn, nghĩa trường không quên.

NGUYỄN ÂN CẦN (Nguyên Hiệu trưởng Trường PTCS Vĩnh Tú 1987-1991)

[nguon]Nguồn:http://tinquangtri.com/ky-uc-ve-mai-truong-xua.html[/nguon]