Dạy trẻ khuyết tật: Không chỉ là yêu thương…

GD&TĐ – Với các thầy cô giáo làm công tác giáo dục học sinh khuyết tật, chỉ niềm say nghề là chưa đủ; để thực sự gắn bó với công việc lắm gian nan này còn cần rất nhiều sự hy sinh và tình yêu thương…

Có thể thấy rõ điều này trong câu chuyện của những nhà giáo được vinh danh tại Lễ tuyên dương các nhà giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu trong giáo dục học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ ba tổ chức sáng nay (26/11) tại Hà Nội.

tuyen-duong-day-tre-giao-duc

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các thầy cô giáo

Thầy cô như cha, mẹ

Không đơn giản chỉ là dạy học, các thầy cô giáo làm công tác giáo dục học sinh khuyết tật còn phải kiêm thêm rất nhiều công việc mà có lẽ chỉ có thể hoàn thành với tấm lòng yêu thương vô bờ bến của người mẹ, người cha.

N.V.T – học sinh Trường tiểu học Lê Văn Tám (Cam Lộ, Quảng Trị) – bị cụt hai cánh tay, hai chân lại một ngắn, một dài nên vận động vô cùng khó khăn. Những ngày đầu cắp sách đến trường với em thật gian nan vô cùng, không chỉ bởi những khuyết tật ngoài cơ thể mà là sự nhút nhát, mặc cảm và tự ti khiến em khó lòng hòa nhập cùng bạn bè, cùng môi trường mới.

Kể về học sinh của mình, cô Hoàng Thị Sành không nhớ nổi mình đã phải mất bao nhiêu thời gian ở bên T để động viên, an ủi, giúp em cảm nhận được tình cảm yêu thương để vượt qua mặc cảm.

“Quản lý một trường có nhiều thuận lợi mà nhiều khi tôi còn thấy khó khăn vô cùng. Vậy nên khó có thể hình dung các thầy cô giáo làm việc trong hệ thống giáo dục học sinh khuyết tật, nhiều trường lại trong điều kiện khó khăn, còn gian khó đến mức nào. Tôi thực sự khâm phục các thầy, cô” – NGƯT Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội).

Do không tự phục vụ được bản thân nên mọi sinh hoạt của Tài ở trường, kể cả việc đi vệ sinh, cô Sành đều phải hỗ trợ

“T mất hai tay nên tôi đã hướng dẫn, giúp em kẹp bút vào chân để viết. Khỏi phải nói thời gian đầu, cả cô và trò đã vất vả như thế nào, nhiều lúc mồ hôi đầm đìa, đôi chân tê dại. Nhưng công sức đã được đền đáp khi chỉ cuối năm lớp 1, T đã có thể viết được những chữ cái đơn giản bằng chân.

Xem thêm:  Nhớ mãi giờ dạy Truyện Kiều trên đất thép Vĩnh Linh

Ngoài giờ dạy văn hóa, tôi cố gắng giành thời gian hướng dẫn T những kỹ năng cơ bản để em có thể sống tự lập, tự phục vụ, giảm đi sư phụ thuộc vào người khác một cách tối đa có thể” – cô Hoàng Thị Sành tâm sự.

Câu chuyện của thầy giáo Đoàn Văn Ninh – Trường mầm non Đông Mai (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) – cũng khiến mọi người cảm phục và xúc động.

Là thầy giáo dạy trẻ mầm non, chỉ bản thân công việc đó thôi cũng đã là thách thức, nói gì đến dạy trẻ mầm non khuyết tật. Ấy vậy mà, hơn 10 năm qua, thầy Đoàn Văn Ninh đã miệt mài đến từng gia đình có trẻ khuyết tật để vận động cha mẹ đưa con đến lớp.

Bằng kiến thức tự học, bằng kinh nghiệm nhiều năm và trên hết là tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình, yêu nghề, thầy Ninh đã làm thay đổi nhận thức của rất nhiều phụ huynh cũng như của cộng đồng về trẻ khuyết tật.

Cũng với vốn kinh nghiệm ấy, thầy đã chủ động, tình nguyện bồi dưỡng, chia sẻ cho các đồng nghiệp trong trường, trong huyện, hỗ trợ các thầy cô khác cách xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ khuyết tật, giúp các em được học hòa nhập một cách tự nhiên, phù hợp và có chất lượng.

“Nếu trẻ khuyết tật không được học hòa nhập tốt ở bậc học mầm non, thì làm sao các em có thể hòa nhập và học tốt ở tiểu học” – thầy Đoàn Văn Ninh chia sẻ chân tình.

Còn vô vàn những tấm gương cán bộ quản lý, giáo viên dạy trẻ khuyết tật trên khắp mọi miền đất nước, hàng ngày hàng giờ cống hiến và hy sinh thầm lặng. Có những thầy cô đã gắn bó với công việc đầy vất vả, gian nan này cả cuộc đời mình.

Có thể nói đến nhà giáo Võ Thị Hải Nam (Trường THCS Hùng Vương, Tràng An, thành phố Huế). Trong 17 năm liên tục tham gia dạy học sinh khuyết tật, cô đã vận động 100% học sinh khiếm thị trên địa bàn tới trường. Năm học 2009 – 2010, học sinh khiếm thính của cô đã vinh dự đạt giải nhì cuộc thi viết thư UPU toàn quốc.

Xem thêm:  Như một tình yêu lớn

Hay thầy giáo Quách Nam Phong (Trường THCS Yên Mỹ – Yên Mô, Ninh Bình), không chỉ hết lòng yêu thương học sinh khuyết tật, thầy đã biến tình yêu đó thành những sáng kiến kinh nghiệm quý. Rất nhiều sáng kiến của thầy đã được áp dụng, nhân rộng trong các nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Tố Lan – Giám đốc Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật huyện Quảng Trạch, Quảng Bình – trong 18 năm công tác đã tích cực tham mưu cho UBND huyện nâng cấp từ một cơ sở giáo dục chuyên biệt với số lượng học sinh ít ỏi thành Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tại một vùng đất còn rất nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh.

Rồi còn rất nhiều những cái tên khác, như các nhà giáo: Mai Thanh Hải (Trường THCS Quang Trung, Chư Prông, Gia Lai), Nguyễn Thị Lệ Hằng (Trường THCS Thượng Long, Phú Thọ), Nguyễn Thị Huệ (Trường THCS Khai Quang, Vĩnh Phúc)…Các thầy cô đã luôn tìm tòi, sáng tạo, vận dụng các giải pháp để giúp học sinh khuyết tật từng bước hòa nhập với các bạn trong trường, trong lớp, cộng đồng, có nhiều tiến bộ trong học tập. Công việc đó không hề đơn giản vì là cả một quá trình bền bỉ, kiên trì và không ít khó khăn.

tuyen-duong-day-tre-giao-duc-2015

Cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu chia sẻ kinh nghiệm giáo dục học sinh khuyết tật

Những ước mong giản dị

Rất nhiều khó khăn trong công việc, nhưng thật cảm động, khi những ước mong của các thầy cô trước lãnh đạo Ngành chẳng hề vướng chút quyền lợi riêng tư.

Tại lễ tuyên dương,194 nhà giáo đã được vinh dư nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Trong số này có 57 là cán bộ quản lý, 137 giáo viên các cấp học. Đây là những nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho các vùng miền trong cả nước, là những tấm gương sáng về tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu.

Xúc động và tự hào khi được thay mặt hàng nghìn giáo viên dạy trẻ khuyết tật trên cả nước tham dự lễ tuyên dương, cô Võ Thị Hải Nam chỉ mong mỏi lãnh đạo Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức nhiều cuộc giao lưu, học hỏi, gặp gỡ hơn nữa để bản thân được học hỏi những kinh nghiệm quý trong giáo dục học sinh khuyết tật của đồng nghiệp.

Xem thêm:  Người thầy, người con ưu tú của Quê hương Quảng Trị

Cô Hải Nam cũng mong muốn có thêm nhiều tài liệu tham khảo hơn nữa để phục vụ công tác giảng dạy được tốt hơn. “Tôi mong rằng, sẽ có một cuốn sổ tay nói về cách dạy học sinh khuyết tật học hòa nhập; hoặc được bổ sung thêm tài liệu giúp giáo viên xây dựng kế hoạch cá nhân cho từng học sinh khuyết tật” – cô Nam chia sẻ ước mong giản dị.

Kiến nghị của cô Hải Nam cũng là tâm tư, mong muốn của những giáo viên khuyết tật tâm huyết với nghề.

Chia sẻ với những khó khăn của các thầy cô giáo, ông Nguyễn Đức Hữu – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) – cho biết: Công tác giáo dục học sinh khuyết tật trong thời gian qua, dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng nhiều khó khăn vẫn còn hiện hữu.

Đó là nhận thức của cộng đồng về giáo dục hòa nhập; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia giáo dục học sinh khuyết tật; môi trường học tập, sinh hoạt của trẻ em học hòa nhập; vấn đề chính sách, cơ chế, chương trình, tài liệu, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục phục vụ dạy hoa nhập; việc huy động sự tham gia của các lực lượng xã hội và cộng đồng…

Để vượt qua những thách thức đó, ông Nguyễn Đức Hữu cho rằng, cùng với sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của ngành Giáo dục, sự chăm lo của toàn xã hội, việc phát huy tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp tham gia giáo dục trẻ khuyết tật là vô cùng quan trọng và cần thiết.

“Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng, các cán bộ quản lý và giáo viên tiêu biểu được tôn vinh ngày hôm nay sẽ là lực lượng nòng cốt và tiếp tục tỏa sáng trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật ở các địa phương và trên toàn quốc” – ông Nguyễn Đức Hữu gửi gắm.

Nguồn Giáo Dục Thời Đại

Ủng hộ Trạng Vĩnh Hoàng:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.