Như một tình yêu lớn

Có một đôi bạn cùng học đại học chuyên ngành Giáo dục đặc biệt, cùng khởi nghiệp bằng việc dạy trẻ tự kỷ (TK) và cùng xác định đó là nghề sẽ theo suốt cuộc đời. Với cặp đôi này, vất vả không nhân đôi, mà ngược lại, niềm hạnh phúc được cộng hưởng khi cả hai có thể đi chung trên con đường giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

thay_phi-quang-tri

Thầy Phi và cô Hà (ảnh trái, ngồi giữa) trong giờ vận động ngoài trời với trẻ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Yêu nghề nên được yêu nhau

Làm giáo viên của trẻ TK thì khó mà rời các em dù trong một hoạt động hay khoảnh khắc, thế nên, cuộc trò chuyện của chúng tôi với vợ chồng thầy giáo Nguyễn Trường Phi (28 tuổi) và cô giáo Lê Thị Hà (27 tuổi) bắt đầu vào giữa giờ trưa, khi những đứa trẻ đã đi vào giấc ngủ. Họ là những giáo viên trẻ, song lại là hai giáo viên “lâu năm” trong lĩnh vực dạy trẻ em TK tại Đà Nẵng. Trước đó, lực lượng giáo viên dạy trẻ TK trên địa bàn thành phố được đào tạo chuyên về công việc này còn khá hiếm. Cả hai là những sinh viên thuộc thế hệ đầu của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, khoa Tâm lý – Giáo dục, chuyên ngành Giáo dục đặc biệt (khóa 2005-2009). Thế nên, với 5 năm theo nghề, Phi và Hà có thể được coi là những giáo viên đầu tiên trong giai đoạn Đà Nẵng bắt đầu hình thành các lớp học dành riêng cho trẻ TK.

Lúc ngồi trên giảng đường đến khi cùng vào trường chuyên biệt Tư thục Thanh Tâm (121 Phan Tứ) vào năm 2010, Phi (quê Quảng Trị) và Hà (quê Thanh Hóa) chỉ là những người bạn đơn thuần. Thế nhưng, yêu trẻ con, yêu những em bé TK dần khiến cả hai cảm mến nhau lúc nào không hay, để rồi một năm sau đó, họ trở thành những “đồng nghiệp” đặc biệt của nhau khi có thể cùng đi, cùng về mỗi ngày.

Xem thêm:  Nhớ mãi giờ dạy Truyện Kiều trên đất thép Vĩnh Linh

Lớp TK tại Ttrường chuyên biệt Thanh Tâm có 5 giáo viên với tổng cộng 10 học sinh. Trong đó, thầy Phi là giáo viên nam duy nhất của lớp và cũng trở thành “ba” của không ít đứa trẻ vốn gặp nhiều khó khăn trong việc thể hiện tình cảm. Giáo viên nữ theo nghề dạy trẻ là chuyện bình thường, nhưng với giáo viên nam, công việc dạy dỗ trẻ con hóa ra lại có nhiều cái hay. Hà cười thật tươi, chia sẻ về “đồng nghiệp” của mình: “Trong lớp có cô giáo lẫn thầy giáo cũng hay lắm. Thầy có cái uy nhất định nên việc sắp xếp, tổ chức lớp thuận lợi. Bên cạnh đó, một số cháu có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn, thiếu tình yêu thương của người cha nên lên lớp gặp thầy là quấn quýt, hợp tác với thầy hơn với cô”.

Thông thường, thầy Phi sẽ là người đánh giá khả năng và nhu cầu của các em có dấu hiệu TK trước khi được tiếp nhận vào trường. Công việc dù đã lặp lại không biết bao lần nhưng với thầy, đó luôn là một thách thức: “Mỗi trẻ một biểu hiện và nguyên nhân TK khác nhau, nên ngoài kiến thức lý thuyết mình đã được đào tạo thì khả năng nhìn nhận, đánh giá dựa vào kinh nghiệm tiếp xúc với trẻ cũng rất quan trọng. Làm thế nào xác định trẻ bị TK nhẹ hay nặng luôn là câu hỏi khó”.

Xem thêm:  Người thầy, người con ưu tú của Quê hương Quảng Trị

Hiện tại, công việc chính của cô Hà là dạy trẻ TK tại lớp, còn thầy Phi, ngoài tham gia giáo dục chuyên biệt còn làm công tác hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại cộng đồng ở Quảng Nam và Đà Nẵng.

“Các cháu có rất nhiều tài”

Chia sẻ về lý do chọn nghề dạy trẻ TK, cô Hà vẫn còn đong đầy cảm xúc bỡ ngỡ của những ngày đầu bước chân vào chuyên ngành Giáo dục đặc biệt: “Hồi đó, mình cứ nghĩ học tạm năm đầu, song song ôn thi lại ngành khác vào năm sau. Nhưng hết một năm thì bỗng thấy thích nghề nghiệp tương lai của mình vì cảm nhận đó sẽ là việc làm có ích cho nhiều em nhỏ kém may mắn”. Từ chỗ học tạm tới… học thiệt với Hà gói trọn trong năm học đầu. Và sau đó, hễ có cơ hội tham gia các lớp tập huấn tại Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh là cô lại lên đường tham gia ngay.

Chủ đề trẻ TK luôn có điều gì đó hấp dẫn cô gái trẻ khi càng tìm hiểu, nghiên cứu, càng thấy thích. Qua nhiều năm, Hà lại càng khám phá nhiều điều đáng yêu trong tâm hồn trẻ thơ của các bé TK nhất là cô giáo phát hiện các em có rất nhiều tài năng. “Các em giỏi lắm chứ không chỉ là kém hiểu biết, kém giao tiếp như nhiều người nghĩ. Có em trí nhớ tốt, nhớ số cực giỏi, có em có khả năng “chụp” những hình ảnh nhìn thấy trước mắt và vẽ lại rất đẹp. Nói chung các em đều ẩn chứa khả năng nổi trội ở một khía cạnh nào đó”, cô giáo Hà chia sẻ.

Xem thêm:  Dạy trẻ khuyết tật: Không chỉ là yêu thương…

Trong khi đó, chàng sinh viên Nguyễn Trường Phi ban đầu đến với ngành này chỉ với lý do có người quen tư vấn học để dễ… xin việc làm sau khi ra trường. Nhưng cũng như Hà, lúc biết thực chất công việc tương lai, thầy Phi có thể tự tin khẳng định sẽ gắn bó mãi mãi như một tình yêu lớn và một thách thức mà bản thân phải chinh phục. Nói là thách thức bởi giáo trình, phương pháp dạy trẻ TK đến nay vẫn còn mới mẻ và chưa thống nhất. Người dạy giống như những người tiên phong vừa đi vừa học hỏi từng bước. Thế nên, dạy trẻ TK đến nay chưa là công việc dễ dàng xét ở mọi khía cạnh.

Lật lại album ảnh học trò qua các năm, thầy Phi và cô Hà như rạng ngời hạnh phúc khi nhắc nhớ tên, quê quán, hoàn cảnh của những em đã được tái hòa nhập trong 5 năm qua. “Mỗi học trò từ TK, phải học riêng lẻ đến khi có thể ra lớp với các bạn ngoài xã hội là niềm vui không gì sánh bằng. Ba mẹ vui một nhưng giáo viên vui đến 10”, thầy cô Phi-Hà tâm sự.

[nguon]Nguồn:http://www.baodanang.vn/channel/6061/201409/nhu-mot-tinh-yeu-lon-2361182/[/nguon]

Ủng hộ Trạng Vĩnh Hoàng:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.