Người thầy, người con ưu tú của Quê hương Quảng Trị

Người mà tôi sắp kể sau đây là một người con của mảnh đất “lũy thép anh hùng” Vĩnh Linh – Quảng Trị. Anh là Nguyễn Trường Phi. Anh sinh ra trong một gia đình ở vùng nông thôn nghèo khó Thủy Tú 2, xã Vĩnh Tú.

nguyen-truong-phi

Từ nhỏ anh đã nuôi ước mơ được làm thầy giáo làng đứng trên bục giảng. Hàng ngày phải chứng kiến cuộc sống cực khổ của gia đình của làng xóm, của những đứa trẻ cùng trang lứa càng làm tăng thêm động lực cho anh quyết tâm trở thành một người thầy mang con chữ đến cho các em thơ với hy vọng đem lại cuộc sống tốt hơn cho mọi người.

Năm 2005, vượt qua những thử thách của đời học sinh, anh đã thi đỗ vào ngành Sư phạm Giáo dục đặc biệt, khoa Tâm lý – Giáo dục, trường đại học su phạm Đà Nẵng. Nói đến cụm từ “Giáo dục đặc biệt” chắc chắn nhiều người trong chúng ta cũng chưa biết đến, ngay cả bản thân anh khi đó. Tâm sự với chúng tôi anh nói: “Hồi đó mới vào học không hiểu gì về ngành này, chỉ biết là sau này dạy cho mấy đứa trẻ có khả năng đặc biêt thôi”.

Sau vài tháng học tập, được thầy cô giáo hướng dẫn, giải thích anh mới nhận ra rằng Giáo dục đặc biệt không phải là dạy cho các trẻ có khả năng đặc biệt, cao siêu mà sau này giúp cho những trẻ em khuyết tật, người khuyết tật kém may mắn. “Như thế cũng hay vì ngày trước ở quê mình cũng có vài đứa trẻ bị khuyết tật, có đứa bị bệnh Down, có đứa “ngơ ngơ” nên mình cũng quen rồi” – anh nói.

Xem thêm:  Như một tình yêu lớn

Sau khi xác định lại mục tiêu và ngành học, anh quyết tâm học tập thật tốt và cố gắng tham gia mọi hoạt động phong trào của lớp, của trường. Vì theo anh nghề này cần phải hoạt bát, năng động như một người làm “công tác xã hội” mới có thể giúp đỡ thật nhiều và thật tốt cho các trẻ em khuyết tật.

phi-ho-nguyen

Thầy giáo trẻ Nguyễn Trường Phi vinh dự nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh nhân vật cung cấp).

Bốn năm ngồi trên ghế giảng đường cũng đã kết thúc, anh ra trường cầm trên tay tấm bằng Đại học và bắt đầu “công cuộc xin việc”. May mắn thay, năm 2010 anh được làm việc tại trường Chuyên biệt Thanh Tâm, Đà Nẵng – một ngôi trường rất nổi tiếng về chất lượng chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật. Hơn 5 năm liền tiếp xúc, dạy học cho những đứa trẻ khuyết tật càng làm cho anh thêm yêu nghề, gắn bó với công việc, với những đứa trẻ kém may mắn này.

Ngoài tham gia giáo dục chuyên biệt ở trường, anh còn làm công tác hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng ở một số xã ở Quảng Nam và các trường học tại thành phố Đà Nẵng. Hiện tại, anh cùng với vợ con đang thuê một căn hộ nhỏ ở vùng ngoại ô thành phố. Với sự động viên của gia đình, bạn bè đồng nghiệp, vượt qua những khó khăn, chật vật của cuộc sống anh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ giao phó và đã có các thành tích xuất sắc trong các phong trào hoạt động của trường.

Xem thêm:  Ký ức về mái trường xưa

Ngày 26 tháng 11 năm 2015, anh đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật. Đây là một thành tích đáng khích lệ, là sự động viên tinh thần to lớn cho anh tiếp tục thực hiện công việc cao cả của mình. Anh cho biết: “Nhận được Bằng khen này mình vui lắm. So với các thầy cô giáo và so với tuổi đời, tuổi nghề thì mình còn thua kém và cần phải học hỏi nhiều. Nhận được giải thưởng này là niềm vinh dự, tự hào và là nguồn động viên lớn cho mình tiếp tục sự nghiệp chăm sóc cho những trẻ em khuyết tật kém may mắn”.

Tôi xin được phép gọi anh là một người anh, người thầy, người con của quê hương Quảng Trị. Bởi có lẽ anh đã góp một phần nhỏ bé vào niềm tự hào to lớn của những người con làm ăn xa quê hương như chúng tôi. Dù chúng tôi mỗi người một nghiệp nhưng luôn hướng vê mảnh đất quê hương. Chúng tôi cũng ao ước được một lần như anh để làm rạng danh người con Quảng Trị.

Trạng Vĩnh Hoàng

Ủng hộ Trạng Vĩnh Hoàng:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.