Tất cả bài viết của Mr Bom

Đang chăn trâu, chặt chuối , cắt cỏ tại làng

Cận cảnh cây bồ đề “linh thiêng” ở Nghĩa trang Trường Sơn

Ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn) có một cây bồ đề mang nhiều câu chuyện cổ tích. Đa phần mọi người đều cho rằng cây bồ đề này tự mọc nên thường gọi là “cây sinh ra từ lòng Phật”. Một số quan điểm khác nói rằng cây bồ đề do những người “lính Trường Sơn” năm xưa trồng.

Xung quanh Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn nói chung và cây bồ đề này nói riêng cũng có nhiều huyền thoại về dấu ấn của các Anh hùng Liệt sĩ đang yên nghỉ tại nơi này.

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, được khởi công xây dựng vào ngày 24.10.1975 và hoàn thành vào ngày 10.4.1977. Chỉ huy xây dựng là Bộ tư lệnh sư đoàn 559 với sự tham gia của hơn 40 đơn vị bộ đội. Ngoài ra còn có tổ công nhân chuyên khắc chữ vào bia đá là những người dân ở xã Hoà Hải, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

Hiện nay, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất trong diện tích phần mộ 23.000m2m, có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Khi chuẩn bị khánh thành Nghĩa trang, ban quản trang bất ngờ phát hiện một cây bồ đề cao khoảng 20cm mọc lên ngay sau đài tưởng niệm. Từ đó đa số mọi người cho rằng cây bồ đề này được sinh ra từ lòng Phật, mọc tự nhiên. Cây bồ đề này lớn rất nhanh, ôm lấy tượng đài chính, quanh năm tươi tốt, cành lá xum xuê. Với tuổi đời ước khoảng 40 năm, cây bồ đề này to lớn hơn nhiều so với những cây thường thấy cùng năm tuổi ở những nơi khác. Cây cao khoảng 25 mét, tán rộng với nhiều nhánh to lớn, rợp bóng mát quanh năm.

Cây bồ đề ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn được xem là “tài sản” thiên nhiên ban tặng danh cho các Anh hùng Liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập dân tộc, là “phúc ấm” cho Tổ quốc và nhân dân, là điềm lành ở chốn thiêng liêng này. Bởi vậy, người dân đến viếng thăm liệt sĩ tại Nghĩa trang đều rất có ý thức bảo vệ cây bồ đề này.

nghia-trang-liet-si-truong-son-trang-vinh-hoang-1

Cành lá sum suê của cây bồ đề như cánh tay của lòng mẹ, lòng Phật ôm lấy tượng đài chính, ôm lấy anh linh các Anh hùng Liệt sĩ, sưởi ấm tâm hồn dân tộc Việt Nam.

nghia-trang-liet-si-truong-son-trang-vinh-hoang-2

Cây bồ đề có chiều cao khoảng 25 mét, quanh năm rợp bóng mát. Nhiều đoàn cựu chiến binh khi về thăm viếng Liệt sĩ tại Nghĩa trang thường ngồi dưới tán bồ đề, đánh đàn ghi ta và cùng hát cho đồng đội nghe.

nghia-trang-liet-si-truong-son-trang-vinh-hoang-3

nghia-trang-liet-si-truong-son-trang-vinh-hoang-4

Cây bồ đề có rất nhiều nhánh to, hình thù khác nhau.

nghia-trang-liet-si-truong-son-trang-vinh-hoang-5

nghia-trang-liet-si-truong-son-trang-vinh-hoang-6

Nhiều phật tử khi viếng thăm Nghĩa trang Trường Sơn cho biết chưa hề thấy cây bồ đề nào đẹp và ẩn tàng bên trong “điềm phúc ấm” như cây bồ đề này.

nghia-trang-liet-si-truong-son-trang-vinh-hoang-7

Lá cây bồ đề luôn xanh tốt. Nhiều người đến thăm viếng tại Nghĩa trang Trường Sơn rất muốn mang một chiếc lá bồ đề về cầu may. Tuy nhiên, để bảo vệ cây nên họ đã không làm như vậy.

nghia-trang-liet-si-truong-son-trang-vinh-hoang-8

Nghĩa trang Trường Sơn mỗi năm có khoảng 75 ngàn lượt người viếng thăm. Tỉnh Quảng Trị đặc biệt chú trọng đến việc chăm sóc Nghĩa trang các Anh hùng Liệt sĩ. Những bình hoa tươi thắm trên phần mộ của các liệt sĩ là kết quả của Chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ” do tỉnh vận động vào năm 2014.

nghia-trang-liet-si-truong-son-trang-vinh-hoang-9

Những con đường bên trong Nghĩa trang Trường Sơn mang vẻ trầm lắng, thiêng liêng.

[nguon]Nguồn: http://danviet.vn/que-nha/can-canh-cay-bo-de-linh-thieng-o-nghia-trang-truong-son-652419.html[/nguon]

10 lý do để Miền Trung níu lòng du khách khi đặt chân đến

Khúc ruột miền Trung làm say lòng bao lữ khách không chỉ bởi đặc sản ngon rẻ, hệ thống đền chùa linh thiêng, mà còn bởi tình người chân phương, mộc mạc, hồn hậu.

Người miền Trung hài hước, chất phác, nghĩa tình

Miền Trung là khúc ruột nối liền hai đầu đất nước, là nơi hằng năm phải gánh chịu bao cơn bão lũ, tai ương và hạn hán. Có lẽ vì vậy nên người miền Trung mới trở nên hài hước, lạc quan để quên đi vất vả đắng cay.

nguoi-mien-trung-trang-vinh-hoang

Người miền Trung hài hước, chất phác, nghĩa tình.

Đám tang, đám cưới, đám hỏi của người miền Trung cũng chẳng tốn mấy tiền. Vì anh em, hàng xóm kế bên mỗi người một tay phụ dọn dẹp, căng bạt, dựng trại. Ngôi nhà xây ở thành phố tận mấy tỉ chứ người miền Trung thì chỉ vài trăm, thậm chí vài chục vì được nhiều người giúp bốc ngói, xây tường…

Đặc sản ẩm thực có 1-0-2

Nói đến ẩm thực miền Trung là nói đến cái bình dị, dân dã nhưng mang hương vị riêng không lẫn vào đâu được. Ẩm thực miền Trung được sáng tạo và góp nhặt từ sự gian khổ, khó nghèo của từng vùng đất khô cằn, nhưng vẫn mang hơi thở Việt và lưu truyền ra cả mọi miền đất nước.

Ai đã ăn bánh nậm, bánh lọc, bánh mèo, bún bò Huế? Ai từng ăn mì Quảng, bún chả cá Quy Nhơn, nem Ninh Hòa, nem Chợ Huyện Bình Định, bánh ít, bánh hồng, bánh tráng nước dừa? Ai từng thưởng thức bánh canh cá dầm Nha Trang, cơm gà Hội An, bì tré chua chua ngọt ngọt… Nói về ẩm thực thì miền Trung là một kho báu nhiều sắc màu mà không phải ai cũng có dịp trải nghiệm hết.

Mỗi vùng sẽ có nét đặc trưng riêng. Chẳng hạn nhắc đến Quảng Nam, người ta không thể không nhắc đến món gà vườn Thơm Thảo đất Tam Kỳ hay món cao lầu đặc trưng phố Hội, món mì Quảng đậm đà phong vị hay tô cơm hến cay xé lòng.

Ẩm thực miền Trung đặc trưng bởi hai vị: chua và cay. Dường như những cay đắng, chua chát mà người miền Trung ngàn đời phải gánh đã lắng hết trong từng món ăn. Ban đầu thì nhiều người lạ lẫm, nhưng ăn rồi lại nghiện, lại suốt đời chẳng thể nào quên.

Nhiều bãi biển đẹp

Sở hữu đường bờ biển dài, miền Trung được thiên nhiên ưu ái ban tặng rất nhiều bãi biển đẹp mê hồn với cát trắng mịn, nước xanh trong vắt và phong cảnh vô cùng hữu tình. Nếu Nghệ An có bãi biển Cửa Lò, cố đô Huế có bãi biển Thuận An, Lăng Cô, tỉnh Hà Tĩnh có Thiên Cầm, thì Đà Nẵng có Mỹ Khê, Hội An có Cửa Đại… Những bãi biển ở miền Trung trong vắt và rất sạch, hằng năm thu hút hàng vạn du khách về đây.

Miền Trung có thành phố đáng sống nhất Việt Nam

da-nang-thanh-pho-dang-song

Đà Nẵng – thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

Đà Nẵng – một thành phố nổi tiếng ở miền Trung được đánh giá là một trong 20 thành phố trên thế giới có hàm lượng cacbon trong khí thải ra môi trường thấp nhất. Thành phố này cũng ngày càng trở nên văn minh và thân thiện với môi trường hơn.

Không những vậy, Đà Nẵng còn có khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới, điểm du lịch mới hấp dẫn nhất hành tinh… Website uy tín về du lịch TripAdivisor đã công bố danh sách top 10 địa điểm mới thu hút nhất thế giới, trong đó địa điểm nhận được nhiều sự yêu mến và bình chọn nhất của du khách là thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.

Dịch vụ rẻ, tiện

Bạn đừng ngạc nhiên nếu một ngày lỡ gặp hoạn nạn tại đâu đó ở miền Trung, người dân sẵn sàng mời bạn vào nhà uống nước, dọn thêm đôi đũa, chén cơm, thậm chí cho bạn ngủ nhờ qua đêm mà chẳng hề đòi hỏi.

Người miền Trung là vậy đó!

Miền Trung có “đặc sản giọng nói”

Bạn đã từng nghe người Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị nói? Ở miền Trung, mỗi tỉnh là một “đặc sản giọng nói” khác nhau. Nếu không quen với chất giọng nằng nặng: chi, mô, răng, rứa…, khi về miền Trung, có thể bạn sẽ cần thêm người “phiên dịch”.

Người Bình Định và Quảng Ngãi không quen thì nói với nhau tựa như cãi lộn. Người Quảng Nam nói với người Quảng Trị nghe cũng “khó đỡ”. Dân Quảng Ngãi có thể đổ lỗi cho dân Bình Định nói “khó nghe quá”, còn người Bình Định thì cười phá lên: “Cái thằng quỷ này nói có ai nghe được chữ nào đâu mà chê mình”.

Con gái miền Trung lạ lắm

Con gái miền Trung vừa có sự dịu dàng của gái Bắc, vừa mang nét ngọt ngào của gái miền Nam. Nhưng con gái miền Trung cũng có gì đó lạ lắm: dịu dàng và thùy mị vừa đủ để không trở nên ủy mị, ngọt ngào khéo léo vừa đủ để không lẳng lơ, cá tính sắc sảo vừa đủ để biết chiều chồng thương con nhưng không phụ thuộc. Con gái miền Trung chung tình, đã thương là “mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”.

Có lẽ, chính mảnh đất miền Trung nắng gió khắc nghiệt đã rèn cho những người con gái bản lĩnh kiên cường đến vậy!

Những sự kiện ngoài trời hoành tráng

Miền Trung tất nhiên chẳng có Hà Nội, TP HCM…nhưng những sự kiện ngoài trời hoành tráng thì lại không hề thua kém. Được tổ chức hai năm một lần, lễ hội pháo hoa Đà Nẵng luôn là điểm hẹn lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Không giống như các màn bắn pháo hoa thông thường, trình diễn pháo hoa Quốc tế được ví như một “tác phẩm nghệ thuật” do các nghệ nhân tài ba vẽ lên nền trời đêm.

Khách du lịch thoải mái mua sắm mà không sợ bị chặt chém

du-lich-pho-co-hoi-an

Khách du lịch thoải mái mua sắm mà không sợ bị chặt chém.

Thành phố Đà Nẵng hay Hội An… có bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, có núi, có đèo, có những khu nghỉ dưỡng xa hoa nhất thế giới, nhưng du khách sẽ không có cảm giác đang ở một khu du lịch nổi tiếng và lúc nào cũng nơm nớp sợ bị “chặt chém” mọi lúc, mọi nơi.

Mảnh đất hiếu học, nghĩa tình

Người miền Trung rất coi trọng việc học hành, rất hiếu học và “thèm” được học. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại miền Trung từ nhỏ đã thấm nhuần tư tưởng phải dùng tri thức để thoát khỏi cái nghèo, cái khổ. Bởi vậy, có khổ cỡ nào, khó cỡ nào, các gia đình miền Trung cũng cố gắng cho con cái ăn học đầy đủ. Thủ khoa của các trường đại học tên tuổi trên cả nước hầu như năm nào chẳng “xướng tên” hàng chục người miền Trung?

Theo Timeout VietNam

 

Nước mắm Huỳnh Kế Cửa Tùng Quảng Trị

Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) không chỉ nổi tiếng với bãi biển đẹp mà du khách đến đây còn bị quyến rũ bởi hương vị thơm ngon, đậm đà của nước mắm Huỳnh Kế

Bây giờ nước mắm Huỳnh Kế đã nổi tiếng từ Nam ra Bắc, xuất cả ra nước ngoài. Thế nhưng ít người biết được rằng, để có được thương hiệu nước mắm nổi tiếng như ngày hôm nay, vợ chồng nông dân Lê Thị Huỳnh đã mất 20 năm kiên trì xây dựng.

Lấy chất lượng làm thước đo

Chị Huỳnh bảo, làm nước mắm không khó, nhưng để người tiêu dùng chấp nhận, cạnh tranh được với những thương hiệu nổi tiếng khác thì không dễ chút nào. Nhận thức được điều này nên hơn 20 năm qua, từ khi bắt đầu với nghề chế biến nước mắm, chị Huỳnh đã kiên quyết thực hiện một nguyên tắc bất di bất dịch: “Lấy chất lượng làm thước đo sản phẩm”. Theo chị Huỳnh, muốn nước mắm ngon, chất lượng thì nguyên liệu nhập vào phải tươi, ngon; quy trình chế biến nghiêm ngặt và phải tuân thủ tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm.

co-so-san-xuat-nuoc-mam-huynh-ke

Cơ sở sản xuất nước mắm Huỳnh Kế.

Chị Huỳnh sinh ra và lớn lên ở Cửa Tùng – vùng biển có nguồn lợi thủy sản dồi dào, nhất là các loại cá tươi như cơm, nục, duội, trích, khuyếc… Trước đây, những loại cá này bán rất chậm, vì ít người ăn. Nhìn công sức của bà con mình bị bỏ phí, trong khi gia đình lại không có công ăn việc làm, chị Huỳnh đã nảy ra ý tưởng mở cơ sở làm nước mắm. Vậy là năm 1989, vợ chồng chị Huỳnh chính thức bắt tay vào mở cơ sở chế biến nước mắm Huỳnh Kế.

Những ngày đầu xây dựng cơ sở, chị Huỳnh gặp vô vàn khó khăn, đầu tiên là vốn, mặt bằng, nhưng khó khăn lớn nhất chính là làm sao để cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại đã quá nổi tiếng trên thị trường. “Để có tiền mở cơ sở, tôi phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Bên cạnh đó, kinh nghiệm lại chưa có nên sản phẩm nước mắm tạo hương vị không như ý muốn…” – chị Huỳnh chia sẻ.

Nhưng sau mỗi lần thất bại, chị Huỳnh lại rút ra cho mình một kinh nghiệm nhỏ. Chị đi khắp nơi, mua về những chai nước mắm có thương hiệu để nếm, thử. Dần dần, chị đã sáng tạo ra quy trình chế biến riêng để cho ra dòng sản phẩm mang hương vị đặc trưng Huỳnh Kế.

Chỉ tay vào chiếc thùng muối mắm to có sức chứa 15 tấn, chị Huỳnh cho biết: “Muốn mắm ngon phải có cách muối riêng. Đó là bí quyết của mỗi cơ sở. Khi cá chở về kho sản xuất sẽ được cho vào bể chứa, mỗi lớp cá lại rải một lớp muối dày, sau đó tiến hành gài nén, chèn vật nặng lên làm cho khối cá chìm xuống.

Muối cá chờ ngày cá chín (từ 6 tháng đến 1 năm) là khâu quan trọng nhất trong quá trình chế biến nước mắm, quyết định trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Do đó, khi muối cá phải chín đều mới đảm bảo được vị ngọt, mùi thơm và màu đặc trưng của nước mắm Huỳnh Kế. Công việc này phải làm thủ công và đòi hỏi người làm có tay nghề và kinh nghiệm cao trong việc chọn cá, muối cá”.

Lấy chén nước mắm màu đỏ đậm vừa chiết xuất từ thùng ra, chị bảo tôi nếm thử. Vừa đưa lên ngửi, hương thơm ngào ngạt đã xộc vào mũi tôi. Mắm có vị thật mặn, thấm vào đầu lưỡi, sau đó ngọt dịu nơi cổ họng… “Nước mắm Huỳnh Kế là thế, ngoài màu đỏ đặc trưng, hương vị thơm nồng, mắm phải thật mặn, có hậu ngọt và béo” – chị Huỳnh hồ hởi nói.

Đưa thương hiệu Huỳnh Kế bay xa

Gần 20 năm theo nghề sản xuất nước mắm, dù khi mới thành lập hay bây giờ đã thành danh, chị Huỳnh luôn tâm niệm một điều: Chỉ có thể lấy được lòng tin của khách hàng bằng chính chất lượng thơm ngon đặc trưng của sản phẩm. Đó cũng là cách duy nhất để Huỳnh Kế có thể cạnh tranh được với những dòng sản phẩm cùng loại đã có thương hiệu từ lâu. Nhờ bí quyết đó mà sản phẩm nước mắm Huỳnh Kế không chỉ lấy được lòng tin của người tiêu dùng địa phương mà còn thu hút khách du lịch gần xa đến tìm mua.

“Chị Lê Thị Huỳnh là một nông dân dám nghĩ, dám làm. Sản phẩm nước mắm Huỳnh Kế nhiều năm qua luôn được người tiêu dùng ưa chuộng; cơ sở chế biến của chị cũng là nơi tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm cho bà con nông dân”.

Ông Lê Phúc Thiện – Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Trị

Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, cơ sở chế biến nước mắm Huỳnh Kế không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời kết hợp sản xuất thêm các sản phẩm khác như ruốc, mắm nêm, muối, cá khô, mực… Bình quân mỗi năm, cơ sở Huỳnh Kế thu mua của bà con ngư dân hơn 120 tấn cá. Hiện, mỗi ngày cơ sở của chị Huỳnh bán ra gần 200 lít nước mắm và các mặt hàng khác, thu về gần 4 triệu đồng.

Nhằm cải thiện môi trường sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm về màu sắc, hương vị, giảm bớt tạp chất và kéo dài thời gian bảo quản, cơ sở Huỳnh Kế đã ứng dụng công nghệ lọc nước mắm bằng hệ thống lọc tinh của Mỹ (thiết bị Sagana+50 ROV), nhờ đó đã tạo ra sản phẩm nước mắm có màu đỏ tinh khiết mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng.

Với việc lắp đặt hệ thống ống dẫn lọc kín đi từ thùng nguyên liệu đến tận nơi đóng chai, cơ cở Huỳnh Kế vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa tăng hiệu quả sản xuất. Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, chị Huỳnh còn đặc biệt quan tâm tới việc cải tiến mẫu mã, nhãn mác để sản phẩm thu hút, bắt mắt hơn với người tiêu dùng cũng như tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhờ vậy, mỗi tháng, cơ sở Huỳnh Kế nhận được hàng trăm đơn đặt hàng từ khắp nơi, thậm chí đã có nhiều đơn đặt hàng của Lào, Thái Lan.

“Niềm tự hào của tôi chính là đưa được thương hiệu nước mắm Huỳnh Kế vượt ra khỏi làng biển này, không chỉ vươn ra cả nước mà còn có mặt ở nước ngoài, biến nó trở thành một đặc sản của vùng đất thép Cửa Tùng”– chị Huỳnh tự hào nói.

[nguon]Nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc/nuoc-mam-lang-xuat-ngoai-441368.html[/nguon]