Tất cả bài viết của Mr Bom

Đang chăn trâu, chặt chuối , cắt cỏ tại làng

Thăm Đường 9 huyền thoại

Thăm Đường 9 huyền thoại – Nằm tắm nắng ở bãi biển Cửa Tùng (Quảng Trị), ngắm trời biển trong xanh, nhấm nháp ly cà phê đặc sản Đường 9 (thương hiệu từ thời Pháp thuộc), du khách có thể không biết mình đang ở rất gần những địa danh lịch sử nổi tiếng của đất nước.

Dày đặc dấu tích lịch sử

Là một con đường có vị trí quan trọng về mặt chiến lược đi từ Đông sang Tây vắt ngang 2 nước Việt – Lào nên Pháp bắt đầu xây dựng đường số 9 ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước. Nơi đây từng được chọn làm nhiều cứ điểm quan trọng như căn cứ kháng chiến của phong trào Cần Vương do Vua Hàm Nghi lãnh đạo tại Tân Sở. Ngày nay ở địa phương vẫn còn những di tích lịch sử do quân khởi nghĩa Cần Vương để lại. Những năm 1930, thực dân Pháp đã xây dựng nhà tù Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) – nơi giam giữ những chiến sĩ yêu nước đấu tranh vì độc lập dân tộc. Ngày hôm nay, những bức tường rêu phong, hầm ngầm tra tấn giam giữ tù nhân vẫn còn là nhân chứng cho một giai đoạn đẫm máu giải phóng dân tộc.

cua-khau-quoc-te-lao-bao

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo- một địa điểm được nhiều du khách ghé thăm.

Từ bãi biển trong xanh ở Cửa Tùng – nơi được coi là một trong những bãi biển tốt nhất của miền Trung – sau khi đã thưởng thức món bánh ướt đặc sản, du khách có thể qua thăm địa đạo Vĩnh Mốc nằm cách đó không xa. Địa đạo Vĩnh Mốc thuộc xã Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) là một công trình quân – dân sự. Nơi đây những năm chiến tranh (1966-1972) đã nuôi sống hàng trăm con người ăn ở sinh hoạt. Trong lòng địa đạo có nhiều căn hộ, phòng họp, nhà hộ sinh, kho gạo… Kết cấu địa đạo gồm 3 tầng: Tầng 1 sâu 12m dùng để sống, tầng 2 sâu 15m để chứa lương thực, vũ khí… tầng 3 sâu 23m dùng để tránh bom. Rất nhiều khách du lịch nước ngoài khi đến đây đã cúi đầu thán phục công trình này.

Sau đó khách có thể đến thăm Khu di tích trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ. Nơi đây đã ra đời Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào tháng 6.1969.

Lần theo những chiến công

Từ Khu di tích trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, du khách có thể thăm những địa danh nổi tiếng gắn liền với các trận đánh lịch sử như: Đông Hà, Đầu Mầu, Động Toàn, Làng Vây (trận đánh tăng đầu tiên của thiết giáp Việt Nam), căn cứ 241… và cuối cùng là Khe Sanh. Khe Sanh được lính Mỹ gọi là “Địa ngục trần gian” và là “Điện Biên Phủ thứ 2” của quân đội ta. Khe Sanh cao hơn mặt đất liền 400m và có khí hậu bình nguyên mát mẻ.

Hiện tại Khe Sanh đã trở thành 1 thị trấn nhỏ nhắn, xinh đẹp, với những khu phố mới tiện nghi và là nơi du lịch sinh thái lý tưởng để du khách đến thăm.

Hiện tại đường 9 huyền thoại đã trở thành một tuyến hành lang kinh tế Đông Tây dài 1.450km liên kết 4 nước: Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar. Tuyến du lịch ở đây thường bắt đầu từ những khu nghỉ mát ở biển như Cửa Việt, Cửa Tùng, qua thành cổ Quảng Trị, qua địa đạo Vĩnh Mốc, cầu Hiền Lương rồi lên thắp hương Nghĩa trang Trường Sơn. Tiếp đó du khách đi theo đường 9 qua những di tích lịch sử chiến tranh tới Khe Sanh, Lao Bảo. Con đường sau đó đi qua Lào rồi trải rộng cho tới tận Thái Lan.

Tổng hợp các món ăn ngon ở Quảng Trị

Những ai đi qua mảnh đất từng hứng chịu nhiều bom đạn thời chiến tranh đều không thể bỏ qua những món ngon đặc trưng nơi đây như thịt trâu lá trơng, bắp hầm, lòng sả, cháo vạt giường, bún hến…

Dưới đây là các món ngon ở Quảng Trị mà bạn không thể bỏ qua

Thịt trâu lá trơng

Món ăn mang tên hai nguyên liệu chính làm nên sự đặc biệt: thịt trâu và lá trơng (trơơng). Thịt trâu vốn bổ dưỡng, chữa được nhiều bệnh như đau lưng, phù chân, phong thấp… Thậm chí có người còn cho rằng nó tốt hơn thịt bò. Chính vì thế, nơi nào cũng có cách chế biến thịt trâu nhưng dám chắc rằng không đâu có vị như ở Quảng Trị này.

thit-trau-quang-tri

Sự kết hợp giữa thịt trâu non và loại là rừng mọc hoang khắp Quảng Trị đem lại mùi thơm cay rất đặc trưng của món ăn. Có 2 món chính được khách ưa chuộng nhất là thịt trâu lá trơng nướng và thịt trâu xào lá trơng. Người thích vị ngọt mềm, thơm nưng nức của thịt trâu còn nguyên vị thì gọi thịt nướng ăn với rau cải, tiêu ớt xanh và nước tương pha tương ớt. Người muốn đậm đà nhiều vị hơn thì gọi thịt xào vừa chín tới. Món nào cũng thơm ngon vô cùng. Đặc biệt thịt trâu lá trơng mà ăn vào những ngày mưa lạnh thì tuyệt.

Lòng sả

Lòng sả là một trong những món ngon Quảng Trị. Nghe tên có vẻ lạ lẫm nhưng cách làm lại khiến người ta liên tưởng đến cháo lòng của người miền Bắc. Tiết heo hoặc tiết vịt được đánh tan vụn, đổ nước vào, nấu chung với gạo rang, đậu xanh cho nhừ. Lòng heo hoặc vịt được làm sạch, cắt miếng vừa ăn rồi thả vào nồi đang đun, sôi lần nữa là ăn được.

long-sa-quang-tri

Tuy nhiên, lòng sả cho rất nhiều ớt, ăn cay xé lòng, tê lưỡi. Người dân Quảng Trị thường chọn lòng sả những khi trời mưa để ấm lòng. Hoặc mỗi khi người cảm mạo, cần ra mồ hôi thì lòng sả là phương thức diệu kỳ, tác dụng không kém cháo hành tía tô.

Cháo vạt giường

Gọi là cháo nhưng lại không phải là cháo như bình thường. Cháo bột Quảng Trị nấu bằng sợi bột gạo với cá lóc. Dân địa phương thì gọi là cháo cá, còn người phương xa đến thì hay nhắc đến nó với cái tên cháo vạt giường.

chao-vat-giuong-quang-tri

Ghé vào quán nhỏ ven đường, gọi một bát cháo vào bất cứ mùa nào trong năm, bạn đều hài lòng. Ở đây không có khái niệm cháo nóng chỉ ăn mùa lạnh. Ngay giữa trưa, nắng đổ lửa, người Quảng Trị vẫn xì xụp tay thìa tay đũa với món cháo vạt giường như thường.

Một nhúm sợi vạt giường, chút cá lóc thơm, thêm hành ngò, ớt tươi và đổ nước dùng vào, thế là cháo đã sẵn sàng chờ khách thưởng thức. Một lần nữa vị cay nóng mặt, bỏng lưỡi của ớt chỉ thiên xứ này lại khiến món ăn trở nên khó quên hơn bao giờ hết.

Bún hến Mai Xá

Bún Hến Mai Xá là một đặc sản của làng Mai Xá (Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị). Gọi là bún hến nhưng ngon nổi tiếng lại do chắt chắt – một loài thuộc họ hến nhưng nhỏ và màu đậm hơn. Vì nhìn ngoài, 2 loại này khá giống nhau nên người ta ăn bún chắt chắt mà lại cứ ngỡ mình ăn bún hến.

bun-hen-quang-tri

Chắt chắt phi thơm hành, gia vị đến săn lại rồi đổ nước vào, thêm vài miếng gừng là xong nồi nước dùng ngon lành, ít béo, lại rẻ tiền. Cho bún vào tô, nhón thêm nhúm rau thơm, ngò lên trên và chan nước dùng vừa làm.

Khi ăn, giã thêm chén muối ớt tươi cùng gừng, sao cho thật cay, thật nhuyễn để bên cạnh thưởng thức chung mới thật đúng món Quảng Trị.

Bắp hầm

Để có được món bắp hầm ngon này người ta phải chọn những hạt bắp nếp căng tròn bóng bẩy sáng loáng vàng tươi để hầm. Đãi thật sạch và ngâm sau một đêm, sáng sớm còn rất sớm, người ta vớt ra khi những giọt sương đêm chưa kịp rụng, bỏ vào nồi và đun nhẹ lửa bằng củi khô. Đợi khi bắp vừa chín tới thì bật nồi cho những thứ gia vị đã chuẩn bị sẵn từ trước, như đậu xanh luộc, đường, muối, tiêu, thêm một ít mè (vừng) trộn đều vào nhau.

bap-ham-quang-tri

Bắp hầm là một món ngon riêng có của đất Quảng Trị khó có thể quên khi bạn đến thăm nơi này.

Canh ám làng Lam

Cùng với cháo bột Kẻ Diên, bánh ướt Phương Lang, mắm đam Trà Trì, canh ám làng Lam luôn là một trong những đặc sản ẩm thực của quê hương Hải Lăng (Quảng Trị).

canh-am-lang-lam

Canh ám được nấu từ 2 loại thực phẩm chính đó là: cá lóc còn gọi là cá tràu) và rau Sông. Muốn nấu canh ngon thì cá lóc phải là cá lóc đồng, nếu cá có trứng là càng tuyệt vời. Còn rau sông thì phải vừa hái từ trên cây xuống và rửa sạch.

Khi thưởng thức nước canh rau sông vừa béo, vừa có vị chua nhạt, vị chát. Nhiều người ăn chỉ cần chan nước canh này với cơm trắng thôi cũng thấy rất ngon rồi. Người ta thường ăn canh rau sông kèm với rau sống. Món ăn này được người Quảng Trị dùng trong các bữa ăn hàng ngày, các ngày giỗ, tết.

Rau xà lách xoong

Rau xà lách xoong có nhiều ở vùng Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa thuộc tỉnh Quảng Trị. Người dân địa phương quen gọi là rau liệt, vì cả cây rau mọc sát trên đá.

rau-xa-lach-xong

Rau xà lách xoong có thể được chế biến thành nhiều món bằng nhiều cách khác nhau: nấu canh với tôm tươi, luộc chấm với ruốc, làm rau sống hay đem xào qua với thịt bò. Nhưng có lẽ ngon nhất là xào với thịt bò, nói là xào với thịt bò nhưng phải đợi khi thịt bò đã chín và thấm gia vị rồi tắt lửa sau đó mới bỏ rau vào, làm như vậy ngọn rau chỉ nửa sống nửa chín, ăn rất giòn.

Xà lách xoong là một đặc sản dân dã của vùng Quảng Trị, đến vùng đất này thì bạn nhớ đừng bỏ qua món ngon này.

Bánh khoái

Bánh khoái Quảng Trị được làm từ bột gạo, có chỗ cho thêm nấm rơm, hải sản, tuy nhiên, phổ biến nhất thì chỉ đơn giản với nhân tôm thịt giá đậu mà thôi. Bành khoái nhỏ nhắn bằng bàn tay, vừa ăn, vỏ bánh dày và giòn rụm.

banh-khoai-quang-tri

Điểm quan trọng không thể thiếu khi ăn bánh khoái là các loại rau kèm và nước chấm. Rau thì tùy từng nơi, dù thế nào cũng đủ các loại chính: cải non, chuối chát và trái vả xắt lát. Còn nước chấm, mà người Quảng Trị gọi là “nước lèo” mới thật hấp dẫn. Chế biến theo công thức riêng từ ruốc, gan và nạc heo xay nhuyễn, lạc vừng giã nhỏ, tỏi, ớt bột… nêm nếm khéo léo, thứ nước chấm này làm cho bánh khoái thật sự tròn vị.

Sài Gòn không thiếu bánh khoái, nhưng trái vả và cái vị riêng nước chấm thì chỉ có về Quảng Trị mới được hưởng trọn vẹn mà thôi.

Bánh bột lọc Mỹ Chánh

Thứ bánh rẻ tiền, nguyên liệu dễ tìm, chẳng có gì đặc biệt nhưng lại mang hương vị riêng biệt – là một trong những món ngon Quảng Trị. Bánh làm từ củ sắn mài nho nhỏ với nhân bên trong có thể là thịt lợn, thịt gà, tôm, đậu xanh…

bot-loc-my-chanh-trang-vinh-hoang

Nổi tiếng nhất ở Quảng Trị là bánh lọc Mỹ Chánh. Vỏ bánh không bị chua hay nồng mà rất thanh. Nhìn từng chiếc bánh nhỏ xinh, trong suốt để lộ hình tôm đỏ hồng bên trong hấp dẫn không tả. Bánh bột lọc làm nhanh, ăn cũng lẹ. Cứ thế bóc vỏ ra, cầm bằng tay không chấm vào bát nước mắm pha nhạt, cho vào miệng cắn một phát hết nửa cái bánh.

Bánh ít lá gai

Nguyên liệu chủ yếu làm bánh ít lá gai gồm có lá gai, đậu xanh, lá chuối.

banh-it-la-gai-trang-vinh-hoang

Bánh ít dùng trước hết để thờ cúng tiên tổ trong những ngày lễ tết, huý kỵ. Rồi trong những việc hiếu hỷ: đám cưới mời cô bác một chiếc mừng duyên mới, ma chay ăn một miếng bánh ít phân ưu. Sau nữa bánh dùng làm quà cho người đi xa, mang theo như để thể hiện tấm lòng thơm thảo của người nhà quê…

Ăn một chiếc bánh ít có cảm giác dẻo dẻo, lưỡi có vị bùi của lá quết và vị ngọt của đường nhân, mũi ngửi được hương thơm của đậu đỗ xanh rắc dầu chuối, tai lắng nghe những tiếng nhai “chắp…chắp…” có vẻ khoái khẩu thèm thuồng, mắt nhìn chiếc bánh ít thì liên tưởng đến mái nhà, chợt nhớ tổ tiên qua câu gợi ca dao “ngó lên nuộc lạt mái nhà/ bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”.

Bánh ướt Phương Lang

Mỗi khi nhắc đến tên Phương Lang là người ta đều nghĩ ngay đến món bánh ướt ngon nổi tiếng gắn liền với địa danh của làng.

banh-uot-phuong-lang

Cũng giống như bánh ướt ở các vùng khác trong cả nước, nguyên liệu chính làm bánh ướt ở Phương Lang chính là gạo. Gạo sau khi được vo sạch sẽ được ngâm nước trong một đêm. Sáng sớm hôm sau, thợ làm bánh sẽ tiến hành công đoạn xay gạo thành bột nước, rồi tráng trên hơi nước sôi. Cách tráng bánh rất đơn giản: dùng một miếng vải có độ dày vừa phải, tráng một lớp bột lên trên đó, sau đó để trên nồi hơi đậy nắp vung nồi nước sôi lại. Sau một lúc thì lấy bánh ra. Bánh phải được tráng không quá dày mà cũng không được quá mỏng. Sau khi tráng xong, bánh sẽ được xếp chồng lên nhau. Để bánh nguội rồi dùng hoặc có thể sử dụng liền. Khi dùng bánh, người bán sẽ tách từng cái bánh ra cuốn lại và cho lên dĩa.

Ăn cùng với bánh ướt là rau sống và tất nhiên là không thể thiếu đó là thịt heo luộc.

(Theo Gia đình & Xã hội)