Tất cả bài viết của Mr Bom

Đang chăn trâu, chặt chuối , cắt cỏ tại làng

Người canh giữ địa đạo Vịnh Mốc

Không riêng ngày lễ hội mà cả ngày thường, trước cửa phòng lưu niệm khu di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị người ta luôn luôn bắt gặp người đàn ông gầy, dáng nhỏ nhắn và dùng những cử chỉ bằng tay để giúp đỡ khách du lịch tới tham quan.

dia-dao-vinh-moc-1

Đó chính là bác Trần Nghỉ ( 61 tuổi, Xã Vĩnh Thạch – Vĩnh Linh – Quảng Trị), nhiều người vẫn gọi người đàn ông nặng lòng với địa đạo này là “Người canh giữ địa đạo Vịnh Mốc”.

61 năm ra vào địa đạo

Sinh ra trên mãnh đất “ lũy thép” Vĩnh Linh, từ nhỏ bác Trần Nghỉ đã theo cha mẹ ra vào địa đạo để sinh sống và cùng bà con Vịnh Mốc đánh địch, tổ chức hàng trăm chuyến thuyền tiếp vận cho đảo Cồn Cỏ. Trong một lần đế quốc Mỹ rải bom sập hầm, bác Nghỉ bị thương và từ đó không nói được (tìm hiểu của PV).

Qua lời “dịch” của người dân địa phương khi bác dùng những ngón tay để nói chuyện, chúng tôi được biết thêm “Với bác, địa đạo là ngôi nhà thứ 2, là những niệm về tuổi thơ, bạn bè, là nơi cất giữ tình cảm gia đình…”.

Ở đó, những bữa cơm lờ mờ trong ánh đèn dầu đến những câu hát ru ngủ là những hình ảnh được bác “kể” lại khi đưa chúng tôi vào hầm địa đạo. Khi đất nước thống nhất, bác chọn cuộc sống độc thân và vẫn ra vào, gắn bó với địa đạo mỗi ngày. Có lẽ, nơi đây đã trở thành một phần máu thịt của bác và không thể tách rời nó.

Chị Lê Tố Hằng (Trưởng ban Quản lí khu di tích LS địa đạo Vịnh Mốc) chia sẻ: “ Bác Nghỉ tuổi đã cao, vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nên chúng tôi đã nhiều lần khuyên bác hạn chế ra vào địa đạo nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Nhất là vào mùa mưa, đường địa đạo ẩm ướt, mọi người ai cũng sợ bác bị ngã và nói hết cách nhưng bác vẫn không chịu… ”

Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm với ngần ấy thời gian nhưng những mất mát đau thương vẫn còn đó. Nó như những vết cắt sâu cho những nhân chứng lịch sử.

Hướng dẫn viên giỏi…

Địa đạo Vịnh Mốc được biết đến là một công trình quân – dân sự độc đáo trong thời kỳ chiến tranh . Hiện nay, đã trở thành một khu du lịch thu hút khách tham quan khi đến với Quảng Trị.

Dù không phải là người của khu di tích hay đơn vị nào nhưng hằng ngày bác Nghỉ luôn có mặt ở địa đạo Vịnh Mốc từ sáng sớm cho đến cuối ngày để giúp các nhân viên trong BQL di tích quét dọn vệ sinh, mở, đóng cửa và bật, tắt đèn, quạt ở nhà trưng bày.

dia-dao-vinh-moc-quang-tri

Bạn Lê Thanh ( đoàn khách thăm quan Quảng Bình) cho biết: “ Khi vào hầm địa đạo, cũng nhờ cái đèn pin và chỉ dẫn bằng tay nhiệt tình của bác câm mà bọn mình thấy rõ đường đi và không sợ lạc. Mình khâm phục bác và con người xây dựng nên địa đạo này hơn …

Theo tìm hiểu từ người dân địa phương cho biết thêm, khi bắt đầu mở cửa đón khách du lịch thì chính bác Nghỉ là người tình nguyện hướng dẫn viên của khu di tích. Tất cả mọi ngõ ngách, lối đi, trạm gác và nhà hộ sinh… bác đều nằm rõ trong lòng bàn tay. Có lần du khách để quên đồ đạc ở dưới địa đạo nhưng không nhớ đường đi, bác Nghỉ vội vàng chạy xuống tìm rồi mang lên đưa lại cho chủ nhân. Có lẽ, ít ai thông thạo và hiểu biết về địa đạo như bác.

Dù không thể nói được nhưng với nụ cười rạng rở và tình cảm đặc biệt dành cho địa đạo. Với chiếc đèn pin cũ, bác Nghị đã dẫn đường cho hàng trăm lượt khách ra vào khu di tích để rồi khi ra về họ viết nên nhiều dòng cảm xúc về làng hầm này, tất cả đều công nhận “làng địa đạo Vịnh Mốc giống như một toà lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, giấu kín biết bao điều kỳ lạ về những con người đã làm ra nó và thời đại nó đã sinh ra”.

 

 

Chuyện lỡ bữa cày

Bữa đó nhà có mấy tấm ruộng, tui muốn đi cày sớm nên dặn vợ chuẩn bị cơm nước để đi cày. Trời đã sáng chi mô, vợ tui đã làm sẵn cho một “bù nác” chè đặc với một mo cơm nếp xáo với khoai, mùi bay ra nghe thơm phức.

Tui khoái quá, liền lùa bò đi một mạch ra tận rú Ông Đồn, thấy trời vẫn chưa sáng tui cho bò ăn một chặp. Tui nghĩ trong bụng: Phải cày cho sớm, không thì sáng ra trời nóng lắm.

lo-bua-cay

Tui liền bắt bò đi cày, sờ từng con thấy con mô con nấy cũng láng cả, không biết con nào là con Ô con nào là con Dề. Tui mới bắt hai con vô cày. Mới đầu hắn đi rất mau, tui vừa đi vừa chạy mới kịp theo hắn. Lạ! Sao mà hắn đi mau dữ rứa? Hay là hắn được ăn thêm bữa khuya nên có sức đi mau! Chỉ mới loáng mà tui đã cày xong một vạt ruộng. Qua vạt thứ hai tui mới cày được mấy đàng tự nhiên hắn dừng lại không chịu đi nữa. Tui dạo tắc hắn cũng không đi, dạo rì hắn cũng ỳ ra. Tức máu quá tui mới quất cho mấy roi, hắn lồng lên làm cái cày đâm sâu xuống đất nghe kêu rắc rắc.

Tui nói: con bò Dề sáng ni răng mà trở chứng? Rồi hắn xây cái mặt lại với tui. Chằm vằm ra như cái mâm. Trời đã sáng tỏ, rõ ràng đây là cọp đực chứ có phải là bò Dề mô? Tui nói: Con cọp ni báo hại tau rồi. Sẵn cái rựa tui chặt một nhát làm cái niệt cày đứt làm đôi, tháo cho cọp chạy. Lão lủi một mạch lên rú Ông Đồn mà không dám ngoái cổ lại.

Rứa là hắn đã làm tui lỡ mất một bữa cày!

 

 

Thơ và lời bình – Trạng Vĩnh Hoàng

Nghe Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng 

Bom hất sang sông đỡ tốn tiền đò
Đi bứt tranh bứt nhầm đuôi cọp
Người kể chuyện quả quyết rằng có thật
Ai chưa tin xin mời đến làng tôi.

Người kể chuyện xoè hai bàn tay
Săn mùi đất và chai lì vỏ hến
Người nghe chuyện thường say tán thưởng
Chẳng nghi ngờ câu chuyện của anh

Tôi đã nghe dễ đến trăm lần
Và tôi yêu như yêu màu đất đỏ
Yêu bao điều như hạt tiêu kỳ lạ
Yêu mắt nhìn sinh ngọn gió bình yên

Vĩnh Linh ơi từ địa đạo bước lên
Tưởng trắng rợn một  màu tang trắng
Ai ngờ dưới tro những câu  chuyện trạng
Lại lên xanh lấp lánh mắt cười. .
Một củ khoai phải luộc đến năm nồi
Chuyện như chẳng thể nào tin được
Nhưng đến Vĩnh Linh vốc lên từng  nắm đất
Hiểu thêm sự tích lạ lùng hơn.

Ngô Minh

LỜI BÌNH: TIẾNG CƯỜI LẠC QUAN CỦA MỘT VÙNG ĐẤT QUA BÀI THƠ“NGHE CHUYỆN TRẠNG VĨNH HOÀNG”

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng (Vĩnh Linh) thì nhiều người đã nghe, nhưng chuyện kể vào thơ thì e rằng cũng hiếm. Đó là trường hợp bài thơ”Nghe chuyện trạng Vĩnh Hoàng” của nhà thơ Ngô Minh.

    Bom hất sang sông đỡ tốn tiền đò
Đi bứt tranh bứt nhầm đuôi cọp
Người kể chuyện quả quyết rằng có thật
Ai chưa tin xin mời đến làng tôi.

Nhà thơ đã nắm bắt được khẩu khí dân gian, đến cả giọng điệu, hơi thở của chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Tác giả cũng đã lựa chọn những chi tiết điển hình. Ngày xưa đi bứt tranh, gặp cọp ai không khiếp vía, hồn xiêu phách lạc. Vậy mà người dân Vĩnh Hoàng tỉnh bơ,”bứt nhầm cả đuôi cọp”. Sau này Vĩnh Linh là “túi bom” trong chiến tranh huỷ diệt của đế quốc Mỹ; và đạn bom nào phải chuyện đùa, sống chết trong gang tấc, nhưng chẳng hề gì, “Bom hất sang sông đỡ tốn tiền đò”- người Vĩnh Hoàng cười đùa trước hiểm nguy, thử thách. Tiếng cười dân gian vui nhộn, thoải mái, hào sảng đã hoá giải mọi điều ác, mọi tai ương; và chỉ có sức mạnh dân gian thâm hậu mới làm nổi điều này, làm nên bản lĩnh Vĩnh Linh- Quảng Trị. Tiếng cười lạc quan, tự tin đã mạnh hơn cái chết và làm nền cho sự sống đâm chồi. Nhà thơ đã đồng điệu và bắt nhịp được âm hưởng dân gian.

Người kể chuyện xoè hai bàn tay
Săn mùi đất và chai lì vỏ hến
Người nghe chuyện thường say tán thưởng
Chẳng nghi ngờ câu chuyện của anh

Tôi đã nghe dễ đến trăm lần
Và tôi yêu như yêu màu đất đỏ
Yêu bao điều nên hạt tiêu kỳ lạ
Yêu mắt nhìn sinh ngọn gió bình yên

Thì nào ai có nghi ngờ gì những câu chuyện trạng mang đậm chất Vĩnh Linh đã ngấm vào thịt da, máu tuỷ của người dân nơi đây. Chỉ có những con ngưới làm lụng kiên cường, bất khuất, yêu đất đai như con cái của mình và ”biết cười từ trong bào thai” mới biết sáng tạo ra chuyển trạng Vĩnh Hoàng, mới sinh hạ nên những nghệ sĩ dân gian làm rạng rỡ văn hoá quê nhà:

Vĩnh Linh ơi từ địa đạo bước lên
Tưởng trắng rợn một màu tang trắng
Ai ngờ dưới tro nhữmg câu chuyện trạng
Lại lên xanh lấp lánh mắt cười

Phép lạ của tiếng cười dân gian chính là ở đó. Trong mưa bom bão đạn, trong tang tóc rợn người thì tiếng khóc ra đời, âu cũng là điều dễ hiểu. Song kì lạ thay tiếng cười đã cứu rỗi mọi điều, đã đứng cao hơn tất thảy, thức dậy một niềm tin sự sống. Tiếng cười đã hoá thành một gia tài vô giá:

Nắng lè lưỡi mà mưa thâm trời
Như ngày nào đạn bom tối mặt
Tất cả sẽ ra đi, chỉ tiếng cuời trẻ nhất
Cha trao con như kỷ vật trên đời

Những ai từng sống, từng biết đến mảnh đất ”ô châu ác địa” hẳn sẽ thấu hiểu phần nào con người nơi đây phải chống chọi với “ giặc trời”- giặc ngoại xâm như thế nào để bảo toàn sự sống. Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ riêng tiếng cười là trẻ mãi không già. Có thể đời trướ không truyền lại cho đời sau nhiều của nả, nhưng hậu sinh được thừa kế những tiếng cười lạc quan như thế cũng đã giàu có về mặt tâm hồn. Đó là điều may mắn của một vùng đất, mà dẫu có bạc vàng cũng không thể mua bán được:

Một củ khoai phải luộc đến năm nồi
Chuyện như chẳng thể nào tin được
Nhưng đến Vĩnh Linh vốc lên ừng nắm đất
Hiểu thêm sự tích lạ lùng hơn

Chính sự nếm trải, sự đồng cảm đã khiến nhà thơ kết thúc bài thơ như một phát hiện sâu sắc, một kinh nghiệm sống quý báu. Luỹ thép Vĩnh Linh từng là niềm tự hào một thời không chỉ riêng của Quảng Trị, mà còn của cả nước.

Phạm Dũng