Tất cả bài viết của Phi Hổ

Đang mò cua, bắt ốc tại làng

MÙA GẶT

Hai chục năm trước làng mình cũng làm ruộng, mình yêu làng y như ông Hai yêu cái làng chợ Dầu của ông, dù đã xa cách mười mấy năm rồi. Cánh đồng chạy dài trước mặt làng, xung quanh là hai con mương nước trong xanh bốn mùa uốn lượn. Năm làm hai vụ lúa nhưng cứ nhớ nhất là mùa gặt vào khoảng thời gian này, trời vào hè, oi ả, giông tố bất ngờ rung cả lũy tre.

mua-gat

Ảnh minh họa.

Hồi còn nhỏ, nhà không làm ruộng, ba đi bộ đội mẹ đi dạy chỉ nhận thóc từ hợp tác xã, sau giờ dạy về nhà mẹ cởi cái áo sơ mi là khoác lên mình chiếc áo bộ đội của ba để lại gánh đôi triêng giống thoăn thoắt qua ràn (đồng) trồng khoai trồng sắn. Thỉnh thoảng mới thấy mẹ đi mượn chày cối về đâm thóc, ba đứa mắt cứ tròn xoe quanh cái cối gỗ, rồi mẹ giần sàng hạt gạo hồng hào dần dần lộ ra, được mẹ cất cẩn thận để hàng ngày chỉ nấu tầm lon sữa bò độn sắn độn khoai cho ăn. Chao ui, hồi ấy chỉ ước được bữa đau để mẹ cho ăn cơm không với quả trứng gà.

Cánh đồng trước làng cứ hai mùa xanh tốt, người ta trồng thứ lúa gì mình chẳng nhớ tên chỉ biết là cao gấp hai lần lũ trẻ tụi mình khi đó. Lúa tốt bời bời mà chẳng được bao nhiêu thóc, có điều nhìn cánh đồng mơn mởn sức xuân, ngã vàng lượn sóng trước làng thật đẹp. Lũ trẻ con thích thú biết bao trước cảnh tượng nhà nhà đi gặt lúa, già trẻ gái trai ra đồng. Tiếng liềm, tiếng hái loạc xoạc ngọt lịm cứa vào thân lúa. Người gặt lúa đi trước người gặt rạ đi sau, tiếng cười nói vang cả cánh đồng làng, thỉnh thoảng lại có tiếng hò hét vui vẻ vì đuổi theo chú cá tràu (cá lóc) hay cùng nhau bắt con rắn nước.

Lũ bọ muỗm cũng được mẹ vặt gãy cánh đem về nướng cho ăn. Chẳng biết cái nhọc nhằn của những người nông dân vất vả một nắng hai sương là gì, trong mắt bọn trẻ như mình hồi ấy chỉ thấy những ngày mùa sao mà vui đến thế. Thích nhất là đến công đoạn đạp lúa, từng bó lúa được mang vào nhà, rồi mấy o mấy chú, cả ông nội thi nhau ôm lấy cột nhà và lấy chân đạp, đạp rồi cào lên xới xuống cho đến khi chỉ còn rơm mới thôi. Bà nội thì rũ rơm và thu gọn chỗ lúa đã đạp. Mấy chị em léo lẻn đứng nhìn rồi chẳng xin xỏ chi cũng ôm cột nhà và đạp, ông nội nhìn cười sóm sém, chú Bảy cũng cười, thế là mấy đứa không bị nạt nộ chi tha hồ chơi trò đạp lúa. Chẳng biết rằng bàn chân nhỏ xíu trầy trụa và người hăm lên vì bụi lúa. Tối đó về mẹ vừa múc nước giếng tắm vừa quất cho mấy roi mót vào mông, vì rứa nên nhớ đến chừ.

mua-gat

Hết cái thời đạp lúa bằng chân, nhớ nhất cái cảnh sang nhà bác giáo Cần, bác đạp lúa bằng cái ròng rọc đúc bằng bê tông, trãi lúa ra đầy sân rồi kéo cái ròng rọc ấy chà đi chà lại trên ngọn lúa cho đến khi hết hạt mới thôi. Cả bọn trẻ xúm xít quanh sân nhìn ngắm. Trăng sáng tỏa đầy sân, từng hạt thóc vàng lấp lánh và những giọt mồ hôi cũng ướt đầm vai áo bác giáo già.

Những mùa gặt cứ thế đi vào kí ức của tuổi thơ vô cùng dữ dội. Ba về, chiều loang lỗ nghiêng bóng hàng tre, 9 giờ đêm ba còn giăng đèn măng song khai hoang đất đai. Những ngày nhọc nhằn vất vả để kiến tạo lại cuộc sống, năm ấy mình lên mười. Ba về, lúa chiêm, lúa bát ba không trồng nữa. Ba chọn giống lúa mới cây thấp là IER 38 đưa vào gieo cấy, ba mẹ làm gần mẫu ruộng, một trang sách mới mở ra. Chính thức kể từ ấy, ba đứa mỗi lần leo lên cành khế lại véo von câu hát: “Tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa, tía em là một người nông dân, tía em cũng là người nông dân”!

Và rồi, ngày mùa lại đến, lúa càng ngày càng nhiều hơn trước. Trong gian nhà tranh thấp lè tè, ba căng bạt ngoài sân, thắp cái đèn dầu tù mù, vác cái bàn ra bên cạnh cái máy tuốt. Mẹ chia lúa cho ba đạp, tiếng rù rù, phành phạch suốt đêm. Những ngày này đang là mùa thi, ba đứa con gái ngồi dưới ngọn đèn dầu, tiếng muỗi, tiếng máy quay lúa, bụi bặm nóng nực, nỏ học được chữ mô cả. Ơn trời, nhờ phước ai mà năm nào cũng được học sinh giỏi…!

Khi lớn hơn một chút cả mấy chị em đều phải ra đồng, đứa mô cũng gặt lúa nhanh thoăn thoắt, đưa tay liềm ngọt lịm! Mặt trời lên hết đầu ngọn tre, đổ cái nóng xuống lưng mấy cô thiếu nữ, mặt đứa nào cũng đỏ lên, mồ hôi nhễ nhại tóc ướt quạnh. Ba bắt đầu thu dọn và bó lúa vác lên xe bò, mấy mẹ con gặt tiếp đám ruộng còn dang dỡ, lúa nặng tay, nhọc nhằn nhưng niềm vui tỏa rạng, bãi ruộng gặt xong chỉ còn trơ lại gốc rạ ngắn cũn, võ dưa đỏ vứt ngổn ngang hai bên bờ. Trông chừng công việc đã vơi, mẹ khi nào cũng ưu tiên cho mình về trước lo cơm nước, bữa cơm ngày mùa có bát canh khế nấu cá tràu ăn thanh mát nhớ mãi đến bây giờ.

mua-gat02Mùa Gặt

Những mùa vàng cứ thế theo về, từ nhà tranh nhà mình lên nhà ngói, nhà xây kiên cố có mái bằng và bia-tăng-đa để phơi thóc. Những ngày này, thóc được phơi đầy sân, đầy mái bằng, đầy bia-tăng-đa. Làng đã có máy tuốt, vèo một cái tuốt luôn cả mẫu ruộng, lúa ra lúa, rơm ra rơm không còn phải thức cả đêm để đạp cái máy quay cũ. Mẹ dặn: “Mây lên rừng thì dợ, mây xuống chợ thì mưa”. Nói thiệt, khi mô cũng trông mây lên rừng, chứ không một mình vật vã với mấy tạ thóc chỉ có mà kêu trời.

Có hôm mây sầm, bất ngờ vừa hốt vừa la làng, nước mắt hòa nước mũi khóc không lên tiếng. Thế rồi cũng qua, những buổi chiều đứng cào lúa trên bia-tăng-đa, phóng tầm mắt ra xa mà ngó bốn phương mười hướng, mà ngắm làng quê mình xanh một màu xanh bình yên, ngắm những ngôi nhà ngói đỏ, nhớ ngọn khói lam chiều trên mái bếp, vương vấn đến tận tương lai.

Rồi, đùng một cái, làng bỏ ruộng, mình trở về khi đã ra trường và đi làm. Cánh đồng làng trước mặt không còn nữa thay vào đó là những hồ cá lớn. Những ruộng lúa bây giờ trồng cỏ nuôi bò. Mấy trăm năm trồng lúa không làm cho người dân giàu lên được, người làng bây giờ thoát ly hết, lao động ít, ruộng đất nhiều, chuột bọ phá lắm, tính về lợi nhuận làm ruộng chẳng được là bao. Biết thế nhưng vẫn xót xa nhớ cánh đồng xưa biết bao!.

Mỗi mùa đông đến lại nhớ mùi cốm thơm mà trong cặp đứa nào cũng mang theo một túi bóng. Nếp được trồng ở ruộng nẩy gần Khe Đỏ. Mùa về, lũ học trò lại chạy băng xuống khe, xuống đám ruộng nhà ông Hải “ăn trộm” nếp. Những hạt nếp tròn mẫy đang chuyển sang màu vàng được tuốt lấy tuốt để rồi ngả nắp soong bắc lên bếp. Những hạt thóc nếp nở bung trắng như những bông hoa nhỏ, thơm lừng góc bếp, thơm cả kí ức tuổi học trò.

Hôm nay đi làm về, chạy qua đường Hai Mươi thấy cơ man là thóc rạ trên đường. Người dân cào quét lúa, mùi lúa thơm cả con đường, mùi rơm rạ theo chân người qua đường đi khắp. Bỗng thấy nhớ làng, nhớ mùa gặt, nhớ cả cánh đồng bất tận của một thời đã qua.

Nhung Nguyễn

Chấy đạn

Thấy một cụ ông đầu bạc ngồi trước hiên nhà cầm cái lược chải tóc. Mọi người cười hỏi vui:

– Bọ mà cũng chải tóc làm dáng hở bọ?

chay-dan02Ông cụ trả lời giọng tỉnh khô:

– Nậy như tui còn ve được ai nữa mà làm dáng cho mệt. Chẳng là lúc máy bay đang ném bom vô xóm, tui gánh nước tiếp tế cho đội du kích trực chiến bắn máy bay ngoài trận địa. Tui vội quá nên không đội nón. Một thằng ép – linh – năm chộ cái đầu tui cao láng quá, chắc hắn tưởng lầm là bộ đội đội mũ sắt. Đang bay hắn ngoảnh lại, lao xuống nện cho tui một băng đui-xết, choác tai! Về nhà thấy đầu ngá (ngứa) như có chấy, tui mạn mấy o du kích cái lược chải thử coi. Té ra không phải chấy mà năm sáu cái đầu đạn đui-xết dắt vô chân tóc mà tui không biết.

Bất ngờ ông cụ ngửa bàn tay ra, giữa lòng bàn tay có năm cái đầu đạn đui-xết.

– Mấy ông sờ mà coi, cái mô cái nấy còn nóng phỏng như than đó. Ông cụ nói.

Trần Hữu Chư

Thủy Tú 2 – điểm sáng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Chúng tôi về thôn Thủy Tú 2 của xã Vĩnh Tú thuộc huyện Vĩnh Linh vào những ngày tháng 9. Nhìn những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp và những con đường làng thoáng đãng đã báo hiệu một làng quê yên bình đang bắt đầu khởi sắc. Thủy Tú 2 triển khai xây dựng làng văn hóa từ năm 2000, đến nay đã vinh dự hai lần được UBND huyện và UBND tỉnh công nhận đạt danh hiệu làng văn hóa.

12032292_849629421799586_2024159269_nTrung tâm học tập cộng đồng thôn Thủy Tú 2. Ảnh: Văn Thịnh

Toàn thôn hiện có 69 hộ với 223 nhân khẩu, trong đó có 95% hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa, có dân số 60% sản xuất nông nghiệp, 40% lâm nghiệp và các ngành nghề dịch vụ khác. Phát huy truyền thống của một mảnh đất giàu truyền thống cách mạng trong kháng chiến và cần cù sáng tạo trong thời kỳ đổi mới, Thủy Tú 2 đang từng bước làm thay đổi diện mạo của làng quê bằng phát triển kinh tế cũng như xây dựng đời sống văn hóa. Trong những năm qua, phong trào xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư được nhân dân thực hiện và duy trì ngày càng có hiệu quả.

Cùng với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được người dân tích cực hưởng ứng. Ban chỉ đạo xây dựng làng văn hóa xác định đây là cuộc vận động có tính toàn diện nhằm phát huy tính dân chủ, nâng cao dân trí và phát triển kinh tế địa phương. Nhiều mô hình đã và đang được thôn triển khai và thực hiện có hiệu quả, như: Mô hình làng không có người sinh con thứ 3, mô hình thu gom rác thảitrồng rừng để bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, mô hình thắp sáng đường quê… Trong công tác xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở được làng chú trọng và đầu tư. Làng hiện có một Nhà văn hóa thể thao với diện tích 120 m2 được xây dựng có khuôn viên, sân bóng đá 972 m2, sân bóng chuyền 500 m2, một tủ sách với hơn 200 đầu sách để nhân dân vui chơi giải trí và thường xuyên hoạt động.

12048691_849629445132917_1625511236_n

Về công tác tuyên truyền, làng đã chú trọng đến công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước hàng năm hơn 35 lần vào các buổi họp đoàn thể, các ngày lễ lớn, các ngày kỷ niệm được nhân dân hưởng ứng tích cực tham gia 100%. Đặc biệt ở làng Thủy Tú 2, thực hiện tốt và đúng quy định của Chỉ thị 27/CT – TW của Bô Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được 100% người dân đồng tình nhất trí. Về việc cưới được làng quy định đêm trước của ngày cưới không được sử dụng nhạc sóng mà chỉ dùng băng đĩa để hát, không dùng bia rượu và ngừng hoạt động trước 22 giờ. Trong việc tang, không được tổ chức ăn uống, không gọi hồn và đốt vàng mã trong đám tang. Và chỉ được phép dùng âm thanh bằng đĩa thu sẵn nhưng không được phát trước 5 giờ, không để người chết ở gia đình quá 48 giờ theo quy định mà tất cả các việc được thực hiện gọn nhẹ, tiết kiệm, đoàn kết với tinh thần tình làng nghĩa xóm…

Có thể khẳng định, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Thủy Tú 2 là một luồng gió mới làm thay đổi bộ mặt và diện mạo của quê hương. Kinh tế phát triển, văn hóa xã hội không ngừng được nâng cao, tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt gắn bó. Đó chính là những kết quả để Thủy Tú 2 xứng đáng là 1 trong 42 đơn vị đạt tiêu chuẩn đơn vị văn hóa xuất sắc trong toàn tỉnh năm 2013.

Văn Hữu – Du lịch Quảng Trị.