Chuyên mục lưu trữ: Tin trong làng xã

Chàng trai làng Trạng – Làm giàu trên mảnh đất quê hương

 

Trong muôn vàn khó khăn của miền quê nghèo Vĩnh Tú – Vĩnh Linh- Quảng Trị, anh là ngọn cờ đầu, tiên phong trong việc phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.

Anh là Lê Văn Vượng (biệt danh thường gọi là cu Tít), trú tại thôn Thủy Tú 2, xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh (Quảng Trị). Anh đang dành toàn bộ thời gian chăm sóc mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản trong nhà. Lê Văn Vượng là thế hệ thanh niên 9x. Anh đã hoàn thành 3 năm nghĩa vụ, xuất ngũ về quê, với những trăn trở và lựa chọn hướng đi đúng cho mình, cuối cùng anh đã quyết định phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Bước đầu bắt tay vào công việc gọi là “công việc nhà nông” nhưng đối với anh là hoàn toàn mới lạ. Khởi đầu từ hai bàn tay trắng, nguồn vốn chưa đủ mạnh, anh đã mạnh dạn kêu gọi thêm 14 thành viên khác cùng thành lập hợp tác xã lấy tên là Trường Sơn để cùng nhau bắt tay vào nông vụ, nuôi mơ ước phát triển kinh tế nơi chôn rau cắt rốn của mình.
Ngồi buồn viết chuyện Trạng.

 

Những hình ảnh về tuổi thơ dữ dội ở vùng nông thôn nơi tôi sinh ra

Chắc chắn nếu bạn đã trải qua những trò chơi này thì hẳn bạn đã có một tuổi thơ dữ dội và nhiều kỷ niệm đáng nhớ với những món ăn đã đi vào huyền thoại. Nhưng có lẽ trải qua nhiều nhất là thế hế 9x và 8x trở về trước.

Tôi cũng như bao nhiêu người khác sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Trị thân thương nơi mà cái nắng khắc nghiệt của gió lào, cái lạnh buốt xương của mùa đông nhưng trong tôi luôn lưu giữ những kỷ niệm của một thời thơ ấu bài viết này tôi tổng hợp những trò chơi mà tôi đã từng biết và từng trải qua.

ky-niem-tuoi-tho-2016

Hãy cùng xem lại một vài trò chơi mà có lẽ với trẻ em hiện đại ngày nay với cuộc sống đủ đầy sẽ không bao giờ có cơ hội trải qua. Hãy cho tôi xin một vé về tuổi thơ….Các bạn hãy nhớ lại mình đã chơi bao nhiều trò trong này rồi nhé.

chong-chong

Làm đồng hồ, chong chóng bằng lá chuối hoặc là cây dứa rừng. 😛

ban-bi-lo

ky-niem-ban-bi

Bắn bi mèo, chơi bi lỗ hoặc bi gang 😆

danh-bai-quec-nho-noi

Gương mặt lấm lem vì nhọ nồi nhưng vẫn cười thả ga

choi-que

Các bạn nữ đặc biệt yêu thích chơi chuyền và thể hiện độ khéo léo của mình bằng cách chuyền những bó đũa và quả tròn (thường là cam, bưởi, cà) theo các bài chuyền 1 đến chuyền 10. 😯

da-banh-o-quang-tri

Quả bóng huyền thoại một thời

choi-tron-tim

Trò này chắc ai cũng biết rồi: Trốn tìm mà 😕

danh-gu

Trò chơ của các bạn nam: Trọi gù(gụ)

dep-to-ong

Đôi dép tổ ong huyền thoại mình đã mang nó ngày xưa đi học

day-thun

Dây thun(dây địu) ngày xưa có một sợ thế này là mê lắm

kem-goi

Kem bịt(gói)

keo-cao-su

Ăn kẹo bigbabol được hình này thì phải

keo-ong

Kẹo ống(ôông)

ban-keo-keo

keokeo

Kẹo kéo hot một thời hii

ban-kem-que

Kem que và những buổi trưa hè

lam-dieu-bang-giay

Làm diều từ những tờ giấy lộn. Môn học kỹ thuật đã chắp cánh ước mơ được bay cho nhiều người từ khi còn tấm bé.

ma-con

Rồng rắn lên mây là một chơi tập thể được nhiều 8X, 9X Việt tham gia ngày bé. Đặc biệt ở các trường tiểu học vào các giờ ra chơi. Trò Rồng rắn lên mây thường được tổ chức với quy mô các lớp hoặc toàn trường.

nhay-day

Nhảy dây

nhay-day-cheo

Trò này chơi khó lắm đấy

ong-no

Ống nổ ở Quảng Trị. Buổi trưa hay đi ăn trộm tre nhà người ta để làm 😆

sung

Cái này làm tốn công sức và dây thun quá

tram-bau-troc-mao-sim

Đi lên rừng, rú tìm hai trộc mao, trấy mù tru màu đen

tam-mua-giong

Tắm mưa khi trời giông

tam-song

Tắm sông, bàu, hồ, suối..

tha-dieu

Tuổi thơ ai không từng thả diều nơi cánh đồng no gió

Các bạn có tấm hình nào về tuổi thơ hãy chia sẻ nhé!

[nguon]Trạng Vĩnh Hoàng Tổng Hợp[/nguon]

Người giữ “hồn trạng”…

Dù đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng trong trái tim ông vẫn cháy mãi tình yêu với chuyện Trạng Vĩnh Hoàng. Hơn 13 năm qua, ông đã không quản ngại khó khăn, vất vả để sưu tầm hàng trăm câu chuyện trạng, sáng tạo nhiều chuyện trạng mới và vẽ những câu chuyện ấy thành những bức tranh sinh động. Ông là Trần Hữu Chư, thôn Tây II, Vĩnh Tú, Vĩnh Linh (Quảng Trị), người giữ “hồn trạng” Vĩnh Hoàng…

Trường tồn với thời gian

Mỗi lần đặt chân đến Vĩnh Tú, tôi được người dân kể cho nghe những câu chuyện trạng, trong lòng cảm thấy lạc quan, yêu đời, xua tan mọi mệt mỏi, lo toan trong đời sống thường ngày. Nhiều người bảo với tôi, chính chất men trong những câu chuyện trạng đã ngấm vào máu, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nơi đây.

Rót chén nước trà mới chúng tôi, ông Trần Hữu Chư kể rất nhiều câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng mà chỉ nghe qua một lần là nhớ mãi như chuyện: Bắt hổ đi cày, Quả dưa đỏ đánh tây thua chạy, Lấy cào cỏ cào cánh máy bay…Thông qua những câu chuyện trạng được kể bằng giọng nói nặng trịch, lúc trầm, lúc bổng, lúc nhanh, lúc chậm, tập trung, xoáy sâu vào chi tiết, ông đã đưa chúng tôi đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, đọng lại là tiếng cười vui tươi, sảng khoái. Ông bảo, ở quê ông, không có sản vật gì đặc biệt để tặng cho khách, nên người dân làng trạng thường lấy những câu chuyện trạng làm quà.

tran-huu-chu-2015

Theo tài liệu ông sưu tầm được, chuyện trạng Vĩnh Hoàng ra đời hơn 700 năm về trước. Sau những giờ lao động nặng nhọc, mọi người cùng quây quần bên ấm nước chè xanh, kể cho nhau những câu chuyện vui để xua tan đi những vất vả, lo toan trong cuộc sống hàng ngày, quên đi mệt nhọc sau một ngày lao động miệt mài, thể hiện ước mơ, khát vọng vào cuộc sống tốt đẹp.

Cứ thế, hết câu chuyện vui này đến câu chuyện vui khác lần lượt được người này kể cho người khác nghe, rồi được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có thêm nhiều chi tiết hóm hỉnh mới trong nội dung truyện với “độ” trạng cũng tăng dần. Theo thời gian, những câu chuyện hóm hỉnh, vui tươi được kể bằng thổ ngữ địa phương tạo nên những tiếng cười sảng khoái. Không hiểu tự lúc nào, chuyện trạng trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân Vĩnh Tú.

Trong dòng chảy thời gian, chuyện trạng gắn chặt với mảnh đất và con người Vĩnh Tú, lúc thăng, lúc trầm nhưng vẫn tồn tại trong mọi điều kiện khắc nghiệt nhất. Thời kháng chiến, Vĩnh Tú là trận địa bắn phá ác liệt của giặc Pháp, Mỹ, dù chịu nhiều mất mát, đau thương nhưng người dân địa phương vẫn vững chắc tay súng đấu tranh giữ làng, giải phóng quê hương. Trong giai đoạn ác liệt của chiến tranh, chuyện trạng vẫn gắn chặt với người dân như hình với bóng, mọi người kể cho nhau nghe để tăng thêm tinh thần lạc quan, yêu đời, niềm tin tất thắng, xua tan đi không khí tang thương, chết chóc của chiến tranh với các chuyện như: Vít cổ tàu bay, Quả bí có hai cuống, Đầu tét bom bi, Thừa một đứa con… Hòa bình lập lại, chuyện trạng góp phần đem lại tiếng cười sảng khoái cho người dân trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương tươi đẹp từ hoang tàn, đổ nát với các chuyện đặc sắc như: Cây khoai bò qua hai tỉnh, Ớt mà tưởng ngà voi…

13 năm ấy, biết bao nhiêu tình 

“Kể chuyện trạng thì bất cứ người nào ở Vĩnh Tú cũng có thể kể được. Nhưng để tìm được người kể đúng “thương hiệu” trạng Vĩnh Hoàng thì rất khó. Ông Trần Hữu Chư là một trong số những người kể hay và đúng với hồn trạng nhất. Với lối kể hóm hỉnh, vui tươi, những câu chuyện ông kể có ý nghĩa giáo dục, răn dạy rất lớn đối với mọi người chứ không đơn thuần là câu chuyện chọc cười vô nghĩa”, ông Trần Duy Anh, người cao tuổi ở thôn Tây II cho biết.

Vì thế, những lúc rảnh rỗi, ông Anh và nhiều người dân trong thôn thường tìm đến với ông Chư để nghe kể chuyện, được cười sảng khoái, tìm niềm vui trong cuộc sống và sâu xa hơn là nhớ về công ơn thế hệ đi trước đã để lại những nét đẹp văn hóa cho thế hệ hôm nay…
Ông Chư cho biết: “Ngay từ nhỏ, tôi may mắn được nghe nhiều người cao tuổi trong làng kể chuyện trạng và không hiểu tự lúc nào, tôi đam mê đến nỗi một ngày không nghe là thấy thiếu thốn thứ gì đó. Với vốn hiểu biết của mình, tôi mang những câu chuyện trạng kể cho mọi người nghe, đem lại những tiếng cười vui vẻ, gắn kết tình cảm mọi người lại với nhau”. Nhưng những người còn kể truyện trạng đúng “thương hiệu” ngày càng ít dần, thêm vào đó là những câu chuyện trạng cũng dần bị mai một, mỗi người kể một phách khác nhau, không ai còn nhớ rõ bản chính.

Năm 2000, ông Chư bắt đầu hành trình giữ “hồn trạng” với điểm đến là tìm gặp những người cao tuổi trong làng để sưu tầm, lưu giữ cốt chuyện và lối kể…Ông tâm sự: “Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng bắt tay vào mới thấy khó khăn. Các cụ tuổi đã cao, sức khỏe yếu nên không nhớ được nhiều, cùng một câu chuyện nhưng nhiều người kể khác nhau…Để có được những câu chuyện hay, đúng với bản gốc, tôi dành nhiều thời gian và tâm huyết để tìm hiểu, sưu tầm nhằm đúc kết những câu chuyện trạng đúng nhất mà cha ông để lại”. Qua nhiều năm đi tìm và lưu giữ hồn trạng, ông đã sưu tầm được hàng trăm câu chuyện và thơ trạng người xưa để lại.

Không bằng lòng với những gì có được, ông còn làm mới chuyện trạng bằng cách vẽ những câu chuyện ấy thành những bức tranh để người xem dễ hiểu, cảm nhận được cái hay, cái đặc biệt của chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Ông tâm sự: “Tôi thường tranh thủ lúc nông nhàn, dùng bút chì và sáp màu vẽ lại hình ảnh chuyện trạng thật sinh động, đưa ra những lời chú thích ngắn gọn nhưng toát lên nội dung cốt chuyện để mọi người nhìn vào là có thể hiểu ngay”.

Để có được kết quả như hôm nay, ông phải nỗ lực rất nhiều để vẽ đẹp, bố cục bức tranh hợp lý, toát lên điều mình muốn chuyển tải đến người xem, bởi từ trước đến nay, ông chưa hề vẽ bao giờ. Có lẽ động lực chính để ông hoàn thành những tác phẩm ấy là vì muốn giữ gìn và chuyển tải hồn trạng đến cho mọi người. Những bức tranh ông vẽ vừa treo trong nhà, vừa đem tặng các trường học để các em học sinh tiếp cận được nét đẹp văn hóa quê hương. Tôi ấn tượng nhất là tác phẩm “Bắt cọp đi cày” của ông được mọi người dựa theo để tạc hình lên vị trí trang trọng nhất ở Hợp tác xã Huỳnh Công Tây. Ông còn tích cực truyền dạy cho mọi người hiểu và yêu thích chuyện trạng bằng cách cho xem tranh và trực tiếp kể chuyện. Bên cạnh đó, ông còn đưa ra ý tưởng lồng ghép kể chuyện trạng vào các buổi sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể, các cuộc thi, buổi giao lưu văn hóa văn nghệ ở địa phương, được các cấp ghi nhận, biểu dương.

Chúng tôi rời xã Vĩnh Tú khi hoàng hôn buông xuống. Tôi nhớ mãi đến người giữ “hồn trạng” Vĩnh Hoàng Trần Hữu Chư với việc giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa quê hương và câu thơ “Dù ai đi ngược đi xuôi/Tiếng trạng đã ngấm vẫn về đây nghe…”. Mong một ngày không xa, chúng tôi sẽ trở lại để nghe ông kể chuyện và những việc làm ý nghĩa của mình trong việc lưu giữ kho tàng chuyện trạng Vĩnh Hoàng…

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH ĐỨC

Theo baoquangtri.vn