Người nông dân “đắm đuối” với chuyện Trạng Vĩnh Hoàng

Gần mười năm nay, có một lão nông ở vùng quê xưa kia nổi tiếng với những câu chuyện Trạng (nay là xã Vĩnh Tú – Vĩnh Linh – Quảng Trị) đã cất công sưu tầm, rồi vẽ minh họa những câu chuyện đó với mong muốn lưu giữ nét văn hóa độc đáo này. Ông là Trần Hữu Chư – năm nay 70 tuổi, người chuẩn bị in một cuốn sách về truyện Trạng Vĩnh Hoàng.

tran-huu-chu-trang-vinh-hoang-quang-triÔng Trần Hữu Chư – người lưu giữ và truyền thụ Chuyện Trạng cho lớp trẻ.

Trạng Vĩnh Hoàng là một hiện tượng trào phúng độc đáo của văn học dân gian Quảng Trị, xuất hiện cách đây khoảng ba bốn trăm năm. Đây là món ăn tinh thần, là loại chuyện kể “độc nhất vô nhị” không thể lẫn lộn với các chuyện cười ở vùng khác. Có người đã so sánh Trạng Vĩnh Hoàng có nhiều đặc trưng như làng cười Gabrôv (Bulgaria).

Trạng Vĩnh Hoàng bắt nguồn từ những sự việc thật, được người kể biến hóa bằng cách cường điệu, hư cấu một cách có lý, mang tính hài hước làm cho người nghe tưởng tượng, ngạc nhiên mà cười để quên đi những khó khăn, gian khổ mà người dân phải chịu đựng. Như truyện “Cải cọp mà cày” nói về anh nông dân buổi sáng sớm dắt bò đi cày, nhưng đến sáng mới ngã ngửa là mình đang cày bằng con cọp; truyện “Bắt bọp, bắt bọp” ca ngợi dưa hấu của người Vĩnh Hoàng to đến mức cả đàn quạ chui vào ruột khoét dưa ăn mà “giết đến mỏi tay không hết” đàn quạ; hay sự lạc quan của người Vĩnh Hoàng trong chiến tranh là một ông lão bị lính Mỹ bắn đạn vào đầy đầu, đến khi thấy ngứa ngỡ là chấy, chải xuống thì toàn là đầu đạn (truyện “Chấy đạn”)…

Trong chiến tranh, Vĩnh Linh là vùng tuyến đầu ác liệt nhất, đã phải chịu sức hủy diệt tới 7 tấn bom và 70 quả đạn trên một cây số vuông. Nhưng người Vĩnh Hoàng vẫn lạc quan và họ vẫn nói Trạng và kể chuyện Trạng trong sinh hoạt hàng ngày, trong các hội nghị của huyện, trong chiến hào, trên mâm pháo, dưới địa đạo. Trải qua thời gian, Trạng Vĩnh Hoàng đã không còn giữ được “thương hiệu” sau mấy trăm năm tồn tại, nhất là những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, số người kể chuyện Trạng chỉ đếm đầu ngón tay. Nhiều câu chuyện Trạng bị tam sao thất bản và cách kể chuyện Trạng cũng dần dần mất đi.

Xem thêm:  Cặp vợ chồng “siêu trạng”

than-dong-lang-trangCác truyền nhân của ông Chư.

“Đắm đuối” với Trạng Vĩnh Hoàng
Sinh ra và lớn lên ở ngay làng Huỳnh Công Tây (Vĩnh Tú – Vĩnh Linh – Quảng Trị) – nơi được xem là cái nôi của Trạng Vĩnh Hoàng, vì thế mà những câu chuyện Trạng đã gắn chặt với cuộc đời của ông Trần Hữu Chư ngay từ bé. Ông Chư cho biết: Mỗi lần đi hội họp ở đâu, rỗi rãi, biết tui là người Vĩnh Hoàng, anh em ở các xã, huyện khác đều bắt tui kể chuyện Trạng cho bằng được.

Ông Chư kể: Tui có một người bác họ tên là Trần Hữu Khuê, vốn là một giáo viên thời Pháp thuộc, ông cùng gia đình tản cư vào Nam hoạt động cách mạng. Thời Mỹ- ngụy, ông Khuê đã bị kết án 20 năm tù khổ sai và 10 năm biệt xứ đày ra Côn Đảo. Sau ngày giải phóng, ông trở về sống tại Tp.HCM, hai bác cháu vẫn thường xuyên trao đổi thư từ với nhau. Hơn 10 năm trước, tui có nhận được một bức thư của bác kèm theo lời gợi ý là phải ghi lại những câu chuyện dân gian của quê hương. Đọc xong thư, tui suy nghĩ nhiều lắm vì bác mình ở xa quê nhà bao nhiêu năm rồi, sức đã yếu vậy mà vẫn nhớ về cội nguồn, nhớ tới quê hương. Từ nỗi nhớ đau đáu của người bác họ, tui nghĩ mình phải khôi phục, sưu tầm những câu chuyện Trạng bằng được, nếu không con cháu mai sau sẽ không còn biết Trạng Vĩnh Hoàng là thế nào. Lúc này, ông Chư đã đến tuổi về hưu, công việc cũng thư thả, ông có nhiều thời gian chuyên tâm hơn cho việc sưu tầm.

Xem thêm:  Bài thuốc thần kì chữa bệnh chó dại của một vị lương y

nguon-goc-trang-vinh-hoangÔng Chư cho biết: Quá trình tìm tòi, sưu tầm gian nan lắm. Do tìm hiểu sưu tầm muộn màng nên những “cây” kể chuyện Trạng lần lượt qua đời, người còn thì tuổi đã cao, sức yếu như cụ Nguyễn Sở, Võ Nông, các cụ nhớ câu được câu mất. Nhiều câu chuyện hiện nay có dấu hiệu tam sao thất bản như “Bọ mạ mi mô?”. Hành trình sưu tầm, biên soạn của tui gặp khó khăn nhất chính là ngôn ngữ của Trạng. Do yếu tố lịch sử, nhiều ngữ âm, từ cổ xưa giờ rất ít sử dụng trong đời sống hiện nay. Trong lúc đó, đặc điểm giọng nói của người Vĩnh Hoàng nặng, mất thanh ngữ, phát âm rất đặc biệt ở thanh hỏi(?), ngữ điệu thay đổi nhanh ở đầu, kéo dài ở cuối, lên cao xuống thấp? tạo cho giọng kể sự ngộ nghĩnh và lôi cuốn người nghe.

Một đặc điểm nữa của Trạng Vĩnh Hoàng là lớp từ cổ, từ địa phương pha từ đệm nghe rất hài như: hấy, há, đực bọ, lạo, ôốc doộc, ôông ngai. Như trong các truyện “Bắt bọp”, “Cây ớt, “Ăn khoai lang nghẹn cổ”, “Cây khoai bò hai tỉnh”, “Đi câu cá đô”… đã tạo nên đặc thù riêng cho Trạng Vĩnh Hoàng. Nhưng đến nay, do chịu ảnh hưởng chung của việc giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền nên những từ này ít được sử dụng nên Trạng hôm nay không truyền đạt được trọn vẹn nội dung.

Để sưu tầm được những câu chuyện cổ nhất, tui thường đến nhà các cụ cao niên trong làng. Mỗi lần như vậy, tôi vừa nghe vừa ghi để đưa những câu chuyện Trạng về đúng nguyên bản của nó. Sau gần 10 năm chịu khó tìm tòi, sưu tầm, đến nay tui đã sưu tầm được hơn 30 câu chuyện Trạng. Sắp tới, tui dự định sẽ xuất bản một cuốn sách Trạng Vĩnh Hoàng mà tui cùng một số anh em sưu tầm, biên soạn được.

Xem thêm:  Gìn giữ chuyện Trạng Vĩnh Hoàng

Họa sĩ làng
Từ ngày đi sưu tầm Trạng Vĩnh Hoàng, mọi người trong làng lại thấy ông Chư ngồi cặm cụi bên giá vẽ. Lúc đầu ông vẽ trên những tờ giấy học trò, sau thấy bà con hàng xóm tấm tắc khen, ông lại vẽ lên tường của nhà văn hóa xã. Lúc vẽ bức tranh này, ông Chư dù đã 70 tuổi nhưng cả tuần vẫn leo lên ban công Nhà văn hóa xã để ngồi vẽ. Rồi ông vẽ ra mặt sau của những tờ lịch. Tranh của ông được bà con khen ngợi nhiều, ông liền mang ra trưng bày ở Nhà văn hóa của thôn.

huu-chuSau nhiều năm cần mẫn bên chiếc giá vẽ tự tạo, đến nay, ông Chư đã mô phỏng lại được tất cả những câu chuyện mà ông đã bỏ công sưu tầm, biên soạn trong bấy lâu nay bằng hình ảnh. Dự định của ông là sẽ cho in những bức họa này kèm với những tác phẩm ông đã bỏ công sưu tầm.

Để biến những bức vẽ và những câu chuyện ông sưu tầm thành cuốn sách quả là một chặng đường dài. Bởi hiện nay, một lão nông như ông lấy đâu ra một số tiền hàng chục triệu đồng để in. Tất cả còn chờ vào sự giúp đỡ của các cấp chính quyền nên chưa biết lúc nào mới có sách. Tiếng thở dài não nề của lão nông đã làm cho chúng tôi không khỏi chạnh lòng trong suốt chặng đường về phố thị.

Theo CAND

Ủng hộ Trạng Vĩnh Hoàng:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.