Chuyên mục lưu trữ: Đặc Sản

Tổng hợp các đặc sản và món ăn nổi tiếng ở Quảng Trị

Bài ca Vĩnh Linh

cauhienluong

Vĩnh Linh ơi trăm mến ngàn thương
Quê ta đó đứng đầu sóng gió ơ…. ớ ờ..

Vĩnh Linh là một huyện phía Bắc tỉnh Quảng Trị. Phía Đông giáp biển Đông; phía Tây giáp huyện Hướng Hóa; phía Nam giáp huyện Gio Linh và phía Bắc giáp huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Dân số 89.027 người trong đó có 2.175 người dân tộc Vân Kiều, toàn huyện có 20.323 hộ; 22 xã, thị trấn; 191 làng, bản, khóm, phố.

Với chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Vĩnh Linh trở thành địa đầu giới tuyến. Ngày 25/8/1954, tên thực dân Pháp cuối cùng rút qua cầu Hiền Lương sang bờ Nam. Vĩnh Linh hoàn toàn giải phóng. Và cũng ngày này, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh chọn làm ngày truyền thống của mình.

Mười năm hòa bình ngắn ngủi (1954 – 1964) Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh được sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, đồng bào cả nước và bằng tất cả sự thông minh, năng động cần cù của mình, Vĩnh Linh đã nhanh chóng đổi thịt thay da.

Từ một vùng quê nghèo “ăn cơm bữa diếp” (ba ngày mới có một bữa cơm) trở thành “viên kim cương đầu giới tuyến” như nhà văn Nguyễn Tuân đã ca ngợi.Ngày 8/2/1965, thất bại trước chiến trường miền Nam, Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Vĩnh Linh bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và chi viện cho chiến trường miền Nam.

Để đảm bảo cho chiến đấu, 4,5 vạn người dân Vĩnh Linh  (người già, trẻ em) được sơ tán ra miền Bắc. Lực lượng còn lại bám trụ quê hương vừa sản xuất vừa chiến đấu ở cả ba chiến trường (bảo vệ Vĩnh Linh, chi viện cho đảo Cồn Cỏ, chia lửa với bà con Gio Linh, Cam Lộ). Bảy năm chiến đấu kiên cường chống chiến tranh phá hoại khốc liệt của giặc Mỹ, quân và dân Vĩnh Linh tiếp tục lập nên nhiều chiến công vang dội

cauhienluong

Sông  Hiền Lương lại xanh mềm lá cỏ
Vết chém Hiền Lương trái đất chưa nguôi  
Câu hỏi lớn biển dập dồn hỏi đá
HỠI TỰ DO CHO MỖI ĐỜI NGƯỜI !

Bảy năm chiến đấu kiên cường chống chiến tranh phá hoại khốc liệt của giặc Mỹ, quân và dân Vĩnh Linh tiếp tục lập nên nhiều chiến công vang dội, xứng đáng với vị trí lịch sử mà tổ quốc giao phó … Với khẩu hiệu “một tấc không đi, một li không rời”, “mỗi làng xã là một pháo đài chiến đấu”, đến cuối năm 1968, gần 70 làng của 15 xã, thị trấn ở Vĩnh Linh đã có làng hầm, địa đạo với tổng chiều dài lên đến trên 40km. “Làng hầm” lúc này không chỉ đơn thuần là những đường hầm trú ẩn và chiến đấu như Củ Chi mà trở thành một không gian sinh tồn.

Sự hiện diện của hệ thống “làng hầm” đã thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Khu ủy Vĩnh Linh trong thời khắc quyết định của lịch sử; là minh chứng cho ý chí quyết tâm cao độ, sức sống mãnh liệt và sự lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của quân dân Vĩnh Linh trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ.

Ngày 1/1/1967, với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Vĩnh Linh – một địa phương tương đương cấp tỉnh đầu tiên của cả nước được Quốc hội và Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đến nay toàn huyện có 36 đơn vị, 17 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT và Anh hùng lao động, 185 bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 9 mẹ còn sống đang được phụng dưỡng), nhiều đơn vị hai lần được tuyên dương anh hùng.

Ngó bên tê Trường Sơn một dải
Nghe bên ni sóng vỗ Cửa Tùng
Vĩnh Linh ơi trăm mến ngàn thương

Đặc biệt quân và dân Vĩnh Linh có 8 lần được Bác Hồ gửi thư khen. Trên mảnh đất Vĩnh Linh lũy thép anh hùng hiện có 68 di tích lịch sử văn hóa được Trung ương, Tỉnh xếp hạng và có 3 di tích là địa đạo Vịnh Mốc, đôi bờ Hiền Lương, bến đò B Tùng Luật được xếp hạng đặc biệt cấp quốc gia.

Vĩnh Linh Thép và Hoa

https://www.youtube.com/watch?v=qo8PVInA_ac

Thơ và lời bình – Trạng Vĩnh Hoàng

Nghe Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng 

Bom hất sang sông đỡ tốn tiền đò
Đi bứt tranh bứt nhầm đuôi cọp
Người kể chuyện quả quyết rằng có thật
Ai chưa tin xin mời đến làng tôi.

Người kể chuyện xoè hai bàn tay
Săn mùi đất và chai lì vỏ hến
Người nghe chuyện thường say tán thưởng
Chẳng nghi ngờ câu chuyện của anh

Tôi đã nghe dễ đến trăm lần
Và tôi yêu như yêu màu đất đỏ
Yêu bao điều như hạt tiêu kỳ lạ
Yêu mắt nhìn sinh ngọn gió bình yên

Vĩnh Linh ơi từ địa đạo bước lên
Tưởng trắng rợn một  màu tang trắng
Ai ngờ dưới tro những câu  chuyện trạng
Lại lên xanh lấp lánh mắt cười. .
Một củ khoai phải luộc đến năm nồi
Chuyện như chẳng thể nào tin được
Nhưng đến Vĩnh Linh vốc lên từng  nắm đất
Hiểu thêm sự tích lạ lùng hơn.

Ngô Minh

LỜI BÌNH: TIẾNG CƯỜI LẠC QUAN CỦA MỘT VÙNG ĐẤT QUA BÀI THƠ“NGHE CHUYỆN TRẠNG VĨNH HOÀNG”

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng (Vĩnh Linh) thì nhiều người đã nghe, nhưng chuyện kể vào thơ thì e rằng cũng hiếm. Đó là trường hợp bài thơ”Nghe chuyện trạng Vĩnh Hoàng” của nhà thơ Ngô Minh.

    Bom hất sang sông đỡ tốn tiền đò
Đi bứt tranh bứt nhầm đuôi cọp
Người kể chuyện quả quyết rằng có thật
Ai chưa tin xin mời đến làng tôi.

Nhà thơ đã nắm bắt được khẩu khí dân gian, đến cả giọng điệu, hơi thở của chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Tác giả cũng đã lựa chọn những chi tiết điển hình. Ngày xưa đi bứt tranh, gặp cọp ai không khiếp vía, hồn xiêu phách lạc. Vậy mà người dân Vĩnh Hoàng tỉnh bơ,”bứt nhầm cả đuôi cọp”. Sau này Vĩnh Linh là “túi bom” trong chiến tranh huỷ diệt của đế quốc Mỹ; và đạn bom nào phải chuyện đùa, sống chết trong gang tấc, nhưng chẳng hề gì, “Bom hất sang sông đỡ tốn tiền đò”- người Vĩnh Hoàng cười đùa trước hiểm nguy, thử thách. Tiếng cười dân gian vui nhộn, thoải mái, hào sảng đã hoá giải mọi điều ác, mọi tai ương; và chỉ có sức mạnh dân gian thâm hậu mới làm nổi điều này, làm nên bản lĩnh Vĩnh Linh- Quảng Trị. Tiếng cười lạc quan, tự tin đã mạnh hơn cái chết và làm nền cho sự sống đâm chồi. Nhà thơ đã đồng điệu và bắt nhịp được âm hưởng dân gian.

Người kể chuyện xoè hai bàn tay
Săn mùi đất và chai lì vỏ hến
Người nghe chuyện thường say tán thưởng
Chẳng nghi ngờ câu chuyện của anh

Tôi đã nghe dễ đến trăm lần
Và tôi yêu như yêu màu đất đỏ
Yêu bao điều nên hạt tiêu kỳ lạ
Yêu mắt nhìn sinh ngọn gió bình yên

Thì nào ai có nghi ngờ gì những câu chuyện trạng mang đậm chất Vĩnh Linh đã ngấm vào thịt da, máu tuỷ của người dân nơi đây. Chỉ có những con ngưới làm lụng kiên cường, bất khuất, yêu đất đai như con cái của mình và ”biết cười từ trong bào thai” mới biết sáng tạo ra chuyển trạng Vĩnh Hoàng, mới sinh hạ nên những nghệ sĩ dân gian làm rạng rỡ văn hoá quê nhà:

Vĩnh Linh ơi từ địa đạo bước lên
Tưởng trắng rợn một màu tang trắng
Ai ngờ dưới tro nhữmg câu chuyện trạng
Lại lên xanh lấp lánh mắt cười

Phép lạ của tiếng cười dân gian chính là ở đó. Trong mưa bom bão đạn, trong tang tóc rợn người thì tiếng khóc ra đời, âu cũng là điều dễ hiểu. Song kì lạ thay tiếng cười đã cứu rỗi mọi điều, đã đứng cao hơn tất thảy, thức dậy một niềm tin sự sống. Tiếng cười đã hoá thành một gia tài vô giá:

Nắng lè lưỡi mà mưa thâm trời
Như ngày nào đạn bom tối mặt
Tất cả sẽ ra đi, chỉ tiếng cuời trẻ nhất
Cha trao con như kỷ vật trên đời

Những ai từng sống, từng biết đến mảnh đất ”ô châu ác địa” hẳn sẽ thấu hiểu phần nào con người nơi đây phải chống chọi với “ giặc trời”- giặc ngoại xâm như thế nào để bảo toàn sự sống. Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ riêng tiếng cười là trẻ mãi không già. Có thể đời trướ không truyền lại cho đời sau nhiều của nả, nhưng hậu sinh được thừa kế những tiếng cười lạc quan như thế cũng đã giàu có về mặt tâm hồn. Đó là điều may mắn của một vùng đất, mà dẫu có bạc vàng cũng không thể mua bán được:

Một củ khoai phải luộc đến năm nồi
Chuyện như chẳng thể nào tin được
Nhưng đến Vĩnh Linh vốc lên ừng nắm đất
Hiểu thêm sự tích lạ lùng hơn

Chính sự nếm trải, sự đồng cảm đã khiến nhà thơ kết thúc bài thơ như một phát hiện sâu sắc, một kinh nghiệm sống quý báu. Luỹ thép Vĩnh Linh từng là niềm tự hào một thời không chỉ riêng của Quảng Trị, mà còn của cả nước.

Phạm Dũng

 

Về quê mẹ Vĩnh Linh

Anh đưa em về quê mẹ Vĩnh Linh
Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải
Làng anh kia Cổ Trai, Tân Trại…
Đất ba zan roi rói một màu.

cauhienluong2

Đã qua rồi những năm tháng thương đau
Vết thương liền da, hố bom liền sẹo
Đường nhựa dọc ngang tỏa đi muôn nẻo
Những vườn tiêu râm mát cả bốn mùa.

Đã bao giờ em đến Cửa Tùng chưa
Bãi biển này xưa kia một thời vang bóng
Những con thuyền ra khơi vào lộng
Ta bên nhau trong sóng sánh trăng vàng.

Anh đưa em về thăm lại những mảnh làng
Từ Vĩnh Giang ngược lên Vĩnh Thủy…
Đâu đâu cũng rạng danh thời đánh Mỹ
Trang sử hào hùng một thuở vẫn còn đây.

Đất Vĩnh Linh nghĩa nặng tình dày
Bóng người thân – nhớ nghe em tìm lại
Dẫu thời gian đã vô cùng xa ngái
Có còn không chỉ một dấu chân người?

Có còn không chỉ một giọt máu rơi
Một kỷ vật xưa, một người đồng đội
Em hãy sống lại một thời sôi nổi
Với người yêu thương –  em nhé đất này!

Đêm làng Tùng ăn bánh sắn em cay
Uống nước chè xanh chát em…quẹo miệng
Nghe giọng hò khoan một miền quê kiểng
Để Vĩnh Linh này em nhớ mãi không quên!

Nguyễn Ngọc Chiến