Đã đến lúc cái nắng sớm mai chạm trên mặt sông cũng rát bỏng. Gió phơn Tây nam bắt đầu thổi những đợt đầu tiên. Đó là cuối tháng ba âm lịch. Cha giục tôi dậy cùng cha ra đồng để phá lạc.
Cánh đồng nằm dọc con sông, bước ra khỏi cửa ngõ là cánh đồng nằm ngay ở đó. Tôi hí hửng cầm sợi dây dắt trâu đi. Cha vác cái cày cong cong bước đi rộn ràng trong nắng sớm. Tiếng mõ trâu khua giữa đồng, tiếng cười nói xôn xao, tiếng trẻ con gọi nhau í ới.
Tôi dành hết thuở thiếu thời của mình để quan sát, để ngẫm nghĩ. Bởi thế, khi những đứa bạn kéo nhau trèo tít lên cây xoài hái quả, tôi đứng cách đó chừng một trăm mét ngước nhìn. Khi chúng nhảy xuống sông tum tủm thì tôi đứng trên bờ cười hóm hỉnh, sau đó mới nhảy xuống ngụp lặn dưới sông. Với chúng tôi hạnh phúc đơn sơ là thế. Một cánh đồng, bầy trâu bò nhởn nhơ, con sông, vài ba cây xoài mọc ngay giữa đồng để chúng tôi hái quả. Khi cánh đồng vào mùa phá lạc, cũng là lúc cây xoài lủng lẳng trái mặc sức chúng tôi trèo hái quả để chấm muối.
Mùa phá lạc là lúc chúng tôi được nghỉ ngơi. Đấy là mùa hội của trẻ con, là bữa tiệc thịnh soạn của những đứa trẻ mục đồng. Những quả bắp còn sót lại giữa ruộng lạc, quả bắp khô được cho vào bếp nổ lên đôm đốp rồi đem ra ngấu nghiến ngon đến lạ lùng. Lạc tươi cũng được ném nguyên cây vào lửa. Khi lửa cháy rừng rực liếm vào vỏ lạc, chúng tôi canh chừng lúc lạc chín rồi dập tắt lửa đi. Những hạt lạc thơm bùi, những hạt lạc ném vào mồm còn sôi lên trong miệng. Khi ăn xong cả lũ kéo nhau ra sông trong cái nắng gắt gao. Vừa uống nước sông, vừa tắm. Chúng tôi lớn lên ở những cánh đồng làng, ký ức đầy ắp những hình ảnh đẹp về làng quê, tiếng mõ trâu, tiếng ve kêu lúc sang hè và cả tiếng nước chảy rì rào của con sông mùa hè nước vơi đi gần hết.
Mùa phá lạc cũng là mùa hội của đàn trâu, đàn bò. Trước khi cày lạc, trâu bò mặc sức ăn cây. Từ đầu làng đến cuối xóm, trâu bò mặc sức thênh thang trên những ruộng lạc. Người nông dân gặt hái mùa màng bằng những quả lạc thì đàn trâu được đền đáp cho những ngày còng lưng kéo cày bằng cách thả sức ăn cây lạc. Tuy nhiên, cái công cày sức nặng chỉ đặt lên lưng một vài con trâu. Và sự nhọc nhằn, khốn khó của người nông dân như cơn gió phơn chạy qua những miền nhất định.
Mấy năm nay cứ hạn hán mất mùa. Cánh đồng lạc ngày xưa được trồng xen cây sắn. Tháng ba rồi cũng đến, người dân quê tôi ra đồng nhổ lạc. Trâu bò không còn được thưởng thức mùa phá lạc. Vì nếu thả chúng ra cây sắn trồng xen canh sẽ bị hư hại. Kéo theo đó, những đứa trẻ giờ rất thưa thớt trên cánh đồng. Có lẽ, những chiếc ti vi, đầu đĩa với những bộ phim hấp dẫn đã neo chân chúng ở trong căn phòng.
Và màn hình vi tính với những trò chơi game online khiến chúng không thể rời mắt. Mới có chục năm mà quá nhiều thay đổi, mới có chục năm mà bóng trẻ thấp thoáng trên đồng, tiếng cười rộn ràng ở bờ sông giờ đây vắng lặng. Tôi cất lại tuổi thơ của mình như một gia tài quý giá, đêm đêm kể cho con nghe, đêm đêm tượng thanh tiếng mõ trâu trong câu chuyện kể. Con tôi nghiền nghe những câu chuyện này, nhưng chúng cứ nghĩ đó là miền xa cổ tích. Xa rồi những thanh âm của cuộc sống, xa rồi những cơ cực bần hàn. Và xa luôn những hình ảnh đẹp, những tiếng nói hay tiếng cười rộn rã vui như ngày hội của nông thôn mỗi mùa phá lạc.
Tôi là người hay nhớ chuyện xưa, dường như đó là nguồn dưỡng sinh cho tâm hồn của mình. Cả cánh đồng từ đầu làng đến cuối xóm người người cười nói rổn rảng, tiếng cu gáy thả ra trên đồng như lời cổ vũ động viên để người nông dân vượt qua nỗi nhọc nhằn. Thời tiết ngày một khắc nghiệt, những đồng tiền vớt lên từ cánh đồng lạc không đủ trang trải cho nhu cầu sống ngày một cao.
Người nông dân phải làm đủ thứ nghề khác. Người trồng rừng, người làm vườn, người chăn nuôi, người làm thuê làm mướn… cuộc sống đã bị trượt theo những nhu cầu thiết yếu của thời đại trong khi đó sự gồng gánh vẫn chính là đôi vai gầy nhẫn nại của người nông dân. Đôi lúc nhìn những cánh đồng trên ti vi, nhìn những nụ cười của người nông dân trên những trang viết và cả trong thơ, trong nhạc… dường như nó đẹp đến lung linh và nguồn sống tưởng như chừng đó là niềm ao ước.
Ai có lội ra từ con sông quê, có đưa tay xuống nhổ bụi lạc hay vén liềm cắt một lọn thóc mới thấy bát cơm bưng trên tay được đánh đổi bằng mồ hôi, có khi là nước mắt. Và cả sự cầu khẩn, tôi còn nhớ câu đồng dao cầu mưa của người dân quê tôi “cầu trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy cơm tôi ăn…” thì đó là cả một sự cầu khẩn cho những mơ ước gạo cơm nuôi mình trong cuộc sống.
Chiều tháng ba, ngồi ở nhà ngó ra cánh đồng vắng không một bóng người, không một con trâu, không có tiếng trẻ. Cái nắng tươm tươm rót lên những hàng lạc được phơi dưới chân những hàng sắn xanh chừng nửa mét, lòng chợt bùi ngùi nhớ đến tuổi thơ. Con sông Hiếu vẫn chảy hiền hòa, bến đò xưa giờ nằm trong lặng lẽ. Ký ức tôi đó là một miền xa, có khi rất xa. Cứ mỗi mùa phá lạc là tôi lại nhớ về cha tôi.
Nhớ cái dáng mảnh khảnh của cha, nhớ nụ cười nhăn nheo hằn lên đôi mắt sáng. Tôi nhớ nhất vẫn là cái cách cha nướng lạc trên cánh đồng. Ông chất một chọ củi khô rồi cho cây lạc tươi lên đó, xong châm lửa đốt, khoảng mười phút lửa cháy là có ngay một bữa lạc thơm bùi. Cách cha nướng lạc khô đơn giản hơn, ông đốt ngay thân cây lạc khô để nướng giòn củ lạc.
Cha khoái nhất món này, nhìn ông ăn và cười rất tươi, tôi biết hạnh phúc của người nông dân trên cánh đồng thật giản đơn. Cha ăn một ít lạc sau đó uống thêm ly nước chè. Trưa hôm đó cha không ăn cơm, ông cũng không ăn thêm bất cứ thứ gì nhưng nhìn cha vẫn vui tươi, ngạo nghễ. Hình ảnh đó là hạnh phúc trong tôi, tôi chụp lại bằng chính nỗi nhớ đã lên liếp trong trái tim của mình khi sang tháng ba, thêm một mùa phá lạc…
[nguon]Báo Quảng Trị[/nguon]