Lưu trữ cho từ khóa: Đăkrông

Men say dòng Đakrông huyền thoại

Sông Đakrông bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía Nam và Đông Nam huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị, có chiều dài 85 km. Trong hệ thống sông Đakrông có nhiều con suối tương đối lớn đổ ra như Paây, Scam, Ra Ngao, Ta Sam Ba Le, Rơlay…

Sông Đakrông ngày nay nằm dọc theo Quốc lộ 9 nối Đông Hà – Lao Bảo. Những năm chiến tranh, dòng Đakrông này gắn với chiến dịch Đường 9 huyền thoại cùng những lần vượt sông vào Nam đánh giặc của bộ đội ta.

Bài hát “Sông Đakrông mùa xuân về” rất nổi tiếng do nhạc sĩ Tố Hải sáng tác vào đầu năm 1975 đã trở thành bạn đồng hành của những người lính Cụ Hồ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đi dọc con sông gắn với thăng trầm của lịch sử này, du khách sẽ bắt gặp những mái nhà sàn đơn sơ của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Được ngắm cầu Đakrông, trò chuyện với những người dân đôn hậu và khám phá cuộc sống thường ngày, những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Vân Kiều nơi đây.

Dòng Đakrông huyền thoại với gập gềnh cuội đá, những dòng chảy mạnh mẽ cùng cỏ cây hoa lá hai bờ tạo nên khung cảnh vô cùng lãng mạn.

Thời gian gần đây, hai bên dòng Đakrông huyền thoại đã trở thành điểm đến du lịch, nơi chụp ảnh lưu niệm, ảnh cưới của các bạn trẻ. Đến nơi đây, du khách còn có dịp thưởng thức nhiều món ngon như món dê núi, thịt trâu nướng lá trơng, cơm lam… do chính tay đồng bào Vân Kiều làm ra.

song-dakrong-huyen-thoai-0

Cầu vòng lung linh trên sông Đakrông quyện trong khung cảnh núi rừng hùng vĩ đẹp như một bức tranh được kì công tô vẽ.

song-dakrong-huyen-thoai-1

Những con suối nhỏ đổ vào dòng Đakrông.

song-dakrong-huyen-thoai-2

Dòng Đakrông huyền thoại ôm lấy một bản làng Vân Kiều đẹp như tranh.

song-dakrong-huyen-thoai-3

Hoa cỏ, những mỏm đá lớn với đủ hình dạng tạo điểm nhấn cho sông Đakrông thêm lung linh.

song-dakrong-huyen-thoai-4

Trong chiến tranh chống Mỹ, đoạn sông Đakrông là điểm vượt bí mật của tuyến tuyến đường mòn Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh đầu tiên với ba bến vượt: Khe Xom, cầu Cu Tiền và Xóm Rò…

song-dakrong-huyen-thoai-5

Vì nguồn nước sạch còn thiếu nên cứ chiều chiều, những đứa trẻ người Vân Kiều lại ra sông Đakrông tắm rửa, bắt cá.

song-dakrong-huyen-thoai-6

Khung cảnh non nước Đakrông khiến bao người say đắm.

song-dakrong-huyen-thoai-7

Cầu treo Đakrông nối đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử.

song-dakrong-huyen-thoai-8

Người dân sống hai bên bờ sông có thói quen đem mặt hàng nông sản như măng, dứa, chuối… ra Quốc lộ 9 bán cho người qua đường kiếm tiền, đồng thời quảng bá sản phẩm địa phương.

song-dakrong-huyen-thoai-9

“Phượt” dọc sông Đakrông đem lại nhiều điều thú vị cho du khách nước ngoài.

song-dakrong-huyen-thoai-10

Những người phụ nữ thường đi dọc sông Đakrông hái đót về đan chổi đem bán.

song-dakrong-huyen-thoai-11

Còn đàn ông thì đi trồng, nhổ sắn. Vì địa hình hiểm trở, phương tiện cơ giới không thể chuyên chở nên người dân nơi đây tự chế cáp treo để vận chuyển nông sản vượt sông suối, núi đèo.

song-dakrong-huyen-thoai-13

Kiến trúc nhà sàn gắn với đồng bào Vân Kiều – Pa Kô và gắn liền với dòng Đakrông.

song-dakrong-huyen-thoai-14

Những đứa trẻ sống bên dòng Đakrông.

song-dakrong-huyen-thoai-15

Bình yên trên dòng Đakrông.

Nguồn Dân Việt

Thôn 15 năm không rượu bia, thuốc lá

Từ đám cưới cho đến kỵ giỗ, lễ Tết, người thôn Cu Pua (huyện Đăkrông, Quảng Trị) chỉ mời nhau ly nước trà.

thon-15-nam-khong-uong-ruou

 Nhờ bỏ rượu, tích cực lao động nên Hồ Ê Nót vừa mua thêm được 3 con bò và một con dê. Ảnh: Hoàng Táo.

Thôn Cu Pua uốn lượn bên dòng sông mang cùng tên với xã Đăkrông (thuộc huyện Đăkrông, Quảng Trị). Là bản của bà con dân tộc thiểu số Vân Kiều, từ 15 năm nay, Cu Pua nổi lên như điểm sáng giữa núi rừng miền Tây Quảng Trị bởi không dùng rượu bia, thuốc lá trong cuộc sống và tiệc tùng.

Rót ly trà mời khách, anh Hồ Ê Nót nhớ lại những câu chuyện buồn ở Cu Pua hơn 15 năm trước. Thời đó, đàn ông trong bản đều sử dụng rượu bia và thuốc lá. Thậm chí, nhiều người còn lâm vào cảnh nghiện rượu.

Lấy bản thân ra làm câu chuyện minh họa, Hồ Ê Nót kể không ít lần đánh vợ con, có lần phải nhập viện rồi chính Nót lại đi thăm nuôi. “Mình đi làm về mệt mà vợ nó không cho tiền mua rượu nên đánh”, anh Nót ngại ngùng kể lại.

Cả bản triền miên trong cơn say, kinh tế gia đình đi xuống, cuộc sống bất hòa. Nhiều người trong bản còn gặp bệnh đại tràng, dạ dày và phổi vì hút thuốc, uống rượu. Cho đến một ngày, thấy đứa con thơ khóc ngặt nghẽo vì thiếu ăn trên căn nhà sàn, anh Nót sực tỉnh và hạ quyết tâm cai rượu.

Từ đó, Nót bỏ rượu, bỏ thuốc lá, phát triển kinh tế. Vừa là trưởng thôn, vừa là cán bộ y tế thôn bản, thấy cái lợi của việc bỏ rượu và thuốc lá nên anh Nót đi vận động, tuyên truyền để cả bản học theo. “Lúc đầu, bà con phản đối dữ lắm vì là con nghiện rồi, nhất là người già”, Nót kể về những khó khăn ban đầu khi vận động người dân bỏ rượu vào những năm 2000.

Trong gia đình, đám cưới của mấy người em, Hồ Ê Nót không dọn rượu bia, chỉ mời tiệc cà phê, trà và nước ngọt. “Rất khó để thay đổi bà con nhưng cũng phải làm, từ từ rồi bà con thấy cái lợi là theo mình thôi”, Ê Nót nói.

Bỏ rượu, khoản tiền dư ra dùng để mua mì tôm, thức ăn cho con cái. Sức khỏe dành để lao động trên nương rẫy. Gia đình Ê Nót dần trở thành điển hình về kinh tế trong thôn.

Ngoài vận động, già làng thôn Cu Pua lập ra “quy ước”, phạt mỗi người trong thôn uống rượu, hút thuốc 10.000 đồng. “Ban đầu chỉ nhắc nhở, nhưng tái phạm thì thôn nhất quyết thu tiền. Số tiền này cuối năm dùng để mua quà biểu dương những gia đình làm tốt việc nói không với rượu bia, thuốc lá”, trưởng thôn Cu Pua hiện nay Hồ Văn Thoi thông tin.

bai-tho-tac-hai-ve-ruou

 Bài thơ về tác hại của rượu do Hồ Ê Nót sáng tác để có động lực bỏ rượu. Ảnh: Hoàng Táo

Dần dà, bà con thấy Nót nói được, làm được, cơm ăn ngày ba bữa, vợ chồng đầm ấm nên thuận theo lời của Nót. Ông Hồ Văn Chước ở cạnh nhà anh Nót cũng thấy được cái ích lợi của bỏ rượu mà làm theo. “Không uống rượu thì gia đình không cãi cọ, không cờ bạc. Thanh niên thay vì uống rượu thì lên nương rẫy giúp vợ con, từ đó mà kinh tế gia đình khá giả hơn”, ông Chước nói.

Đến năm 2008, cả thôn Cu Pua không còn ai uống rượu, hút thuốc nữa, ngay cả tiệc cưới, kỵ giỗ hay lễ Tết đều chỉ dùng trà, nước ngọt hay cà phê để mời khách. “Bây giờ ngay cả việc gửi rượu trong nhà dân thôn Cu Pua cũng không được đồng ý, dù thuê họ tiền triệu đi nữa”, chị Hoàng Vân Trinh, cán bộ văn hóa xã Đăkrông cho hay.

Chủ trương không rượu bia, thuốc lá không chỉ thực hiện trong ranh giới thôn Cu Pua mà người Cu Pua khi ra ngoài vẫn phải nghiêm chỉnh thực hiện. Chị Hồ Kê Nít vừa lập gia đình rất phấn khởi kể: “Chồng không uống rượu thì yêu thương vợ con hơn, có thời gian làm việc nhà, cải thiện cuộc sống rất nhiều. Những lúc cãi nhau thì dùng lời nói để làm hòa”.

Nhờ kiêng rượu bia, chí thú làm ăn mà nay anh Hồ Ê Nót cùng với một người em trai gầy dựng lên đàn dê 50 con và hơn 10 con bò. Cả thôn Cu Pua với 61 hộ, 278 nhân khẩu thì nay đều có đời sống ấm no, sung túc. “Thôn chúng tôi đang phấn đấu vào câu lạc bộ 100 triệu”, trưởng thôn Hồ Văn Thoi cười nói và lý giải đó là mục tiêu thu nhập của một gia đình trong một năm.

Cán bộ xã Hoàng Vân Trinh khẳng định nhờ không rượu bia, thuốc là mà đời sống kinh tế Cu Pua ngày một nâng lên, xóa bỏ được nhiều tập tục lạc hậu. “Chúng tôi mong muốn những thôn khác cũng học tập Cu Pua để xã hội cùng đi lên, và tương lai nhân rộng mô hình này”, chị Trinh nói.

[nguon]Nguồn:http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thon-15-nam-khong-ruou-bia-thuoc-la-3310064.html[/nguon]