Lưu trữ cho từ khóa: giáo viên văn

Nhớ mãi giờ dạy Truyện Kiều trên đất thép Vĩnh Linh

Là một giáo viên văn, tôi rất yêu thích Truyện Kiều và đã thuộc lòng từ khi còn rất trẻ…

Năm 1973, tôi là một giáo viên K8 ở Ninh Bình, theo học sinh Vĩnh Linh trở về quê hương bên dòng Bến Hải. Khi ấy, ta mới giải phóng dòng sông Thạch Hãn, nghĩa là khói lửa chiến tranh, âm vang trận mạc còn nóng bỏng. Vĩnh Linh – Quảng Trị mới bắt đầu trở lại với muôn vàn khó khăn để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Mọi thứ còn rất thiếu thốn nhưng không thể thiếu trường cho con em học sau một thời gian sơ tán xa quê.

trieu-kieu-tren-dat-thep-vinh-linh

Hội thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều do UBND huyện Nghi Xuân tổ chức

Tôi được lên lớp trong một ngôi trường ở thị trấn Hồ Xá, tuy chưa khang trang nhưng cũng không còn là tranh tre, nứa lá. Trường cũng đã mang tầm vóc bề thế của một mảnh đất anh hùng vươn dậy qua khói lửa chiến tranh… Tâm thế ấy đã làm cho tôi không thể quên một giờ dạy đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều”.

Sau khi giới thiệu tác giả, tác phẩm, tôi đọc văn bản đoạn thơ và mời một học sinh đọc. Sau đó, tôi hỏi cả lớp: Em có nhận xét gì về âm hưởng của đoạn thơ, nó có gì khác so với đoạn mô tả Tài sắc chị em Thúy Kiều? Lớp học như sôi động cả lên, trả lời đồng loạt: Thưa thầy! ồn ã hơn, kịch tính hơn và đau xót nữa. Tôi gợi ý: Đoạn trích như một màn bi hài kịch. Theo các em, đâu là nhân vật, đâu là lời thoại và đâu là xung đột? Một em trả lời ngay: Nhân vật có 3: Mã Giám Sinh, Thúy Kiều và bà mối. Tôi cổ vũ: Đúng! rất đúng! Bỗng một em đứng dậy nói ngay, làm cho cả lớp rất ngạc nhiên: Thưa thầy! Đúng nhưng chưa đủ, theo em, nhân vật trung tâm nhất là đồng tiền. Chính đồng tiền đã chi phối tất cả. Vì thế, đoạn thơ mới kết thúc bằng một lời tuyên bố: Tiền lưng đã có việc gì chả xong.

Tôi không thể không tán dương và khen ngợi những phát hiện mới của em. Nhưng rồi chính em đó lại nói luôn: Sao thầy lại bảo em phát hiện, mà chính Nguyễn Du mới là người phát hiện. Lặng đi một chút đầy bất ngờ và thán phục, tôi tiếp tục hỏi: Vậy xung đột chính của đoạn trích là gì và em hãy phân tích những lời thoại của các nhân vật? Xung đột thì có em trả lời được ngay rất tường minh, chính xác, đó là: xung đột giữa giá trị phẩm chất cần được tôn trọng, bảo vệ với sự lố bịch, bỉ ổi, trơ tráo của bọn con buôn.

Đến lời thoại thì tôi thật bất ngờ trước những phát hiện của học sinh. Có thể đây là tình huống gây không ít lúng túng cho người dạy: Thưa thầy, lời thoại thì diễn ra giữa kẻ mua – bọn buôn người chỉ biết “cò kè bớt một thêm hai” với bà mối như một kẻ cò mồi. Cả hai đều vì tiền…

Tôi say sưa thuyết giảng về bản chất trơ trẽn, lố bịch của bọn buôn người, sự khôn ngoan lọc lõi của bà mối. Từ đó, cao giọng mà nói về thái độ, tấm lòng Nguyễn Du. Học sinh chăm chú nghe. Bỗng một em xin phát biểu: Thưa thầy! Thưa cả lớp! Theo em, bài này không nên nói nhiều đến lời thoại cùng với những người phát ngôn mà nên phân tích nỗi đau nhân vật không lời thoại. Đó là đồng tiền. Còn nàng Kiều, nhân vật chính không nói câu nào. Kiều đã câm lặng từ đầu đến cuối. Nàng Kiều đã bị vật hóa; mà đã là hàng hóa thì vô tri, câm lặng. Nỗi đau của Kiều là chỗ đó. Ở đây, giá trị thực không được lên tiếng, mà kẻ lên tiếng lại là những người chà đạp lên giá trị ấy. Sự đồng cảm, sự chia sẻ và nỗi đau của Nguyễn Du cũng là ở chỗ đó.

Trước tình huống ấy, dĩ nhiên là giáo án của tôi đã bị “cháy” nhưng tôi cảm nhận rằng, bài giảng rất thành công. Con người Quảng Trị không chỉ biết gan lì chịu đựng, dũng cảm, hiên ngang trước quân thù mà còn rất tinh tế, nhạy cảm, biết rung động trước vẻ đẹp thẩm mỹ mà văn chương đưa lại… Có lẽ đây cũng là nét đẹp văn hóa làm ngời thêm bản chất thép của con người Vĩnh Linh anh hùng

Sau giờ giảng, tôi bâng khuâng nghĩ mãi về bài dạy của mình… Suy nghĩ bỗng bị ngắt quãng khi tiếng đại bác bên bờ sông Thạch Hãn gầm vang, trút lửa lên đầu thù…

Nguồn Báo Hà Tĩnh