Lưu trữ cho từ khóa: giu hon lang trang

Giữ hồn trạng Vĩnh Hoàng

“Cái hay của truyện trạng làng Vĩnh Hoàng chính là câu chuyện bắt nguồn từ một sự việc có thật rồi cường điệu, nhân cách hóa, hư cấu thành một chuyện hiển nhiên như thật, rất tự nhiên và hài hước”…, ông Trần Hữu Chư (77 tuổi), thôn Tây 2, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) – người đã dành trọn tình yêu và cuộc đời để nghiên cứu và truyền dạy trạng Vĩnh Hoàng cho thế hệ trẻ nói.

trang-vinh-hoang-chuyen-co

Cười để vui với cuộc sống cần lao

Theo những tài liệu mà ông Chư nghiên cứu, truyện trạng Vĩnh Hoàng có xuất xứ từ trong dân gian, ra đời hơn 700 năm về trước. Thực ra, cái nôi của chuyện trạng là làng Huỳnh Công, nay thuộc xã Vĩnh Tú. Làng Huỳnh Công xưa có ba thôn: Huỳnh Công Đông, Huỳnh Công Tây, Huỳnh Công Nam. Năm 1949, xã Vĩnh Hoàng được thành lập, trong đó có ba thôn của làng Huỳnh Công, nên chuyện trạng Huỳnh Công được gọi chung là chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

Thời hiện đại, chuyện trạng Huỳnh Công tiếp tục được người dân phát triển, truyền khẩu. Như chuyện “Bom hất sang sông” kể về anh chàng đi ăn giỗ bên kia bờ Bến Hải, nhưng không có tiền qua đò, chiều về vợ hỏi qua sông bằng cách nào, anh chàng bèn kể cho vợ nghe diệu kế qua sông bằng cách khiêu khích máy bay Mỹ ném bom bên bờ Bắc để hất sang bờ Nam, ăn uống xong lại thách máy bay ném bom bờ Nam để hất ngược lại bờ Bắc, đỡ mất tiền đò mà lại được bữa no nê.

Hay “Bắt bọp” thì ca ngợi dưa hấu của người Vĩnh Hoàng to đến mức cả đàn quạ chui vào ruột khoét dưa ăn mà “giết đến mỏi tay không hết”; hay sự lạc quan của người Vĩnh Hoàng trong chiến tranh là một ông lão bị lính Mỹ bắn đạn vào đầy đầu, đến khi thấy ngứa ngỡ là chấy, chải xuống thì toàn đầu đạn cắm trên da đầu gây ngứa…

Giữ lại cho đời sau

Từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của xã như Chủ nhiệm Hợp tác xã Huỳnh Công Tây (1988-2003), Trưởng ban liên lạc hưu trí xã Vĩnh Tú (1987-1989), nay là Chi hội trưởng Hội người cao tuổi xã Vĩnh Tú; ông Chư được mọi người trong làng tín nhiệm, yêu mến, coi trọng và có lẽ trên hết là bởi cảm phục ông – người lưu giữ và truyền bá truyện trạng làng Vĩnh Hoàng cho các thế hệ sau của mình. Ông chia sẻ: “Ngày trước truyện trạng như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, nhưng hiện nay lớp trẻ không còn mặn mà lắm với vốn văn hóa độc đáo của cha ông nữa, nên tôi thấy buồn”.

Do có xuất xứ từ dân gian nên truyện trạng có nguy cơ thất truyền rất lớn, chính vì vậy từ năm 2000 đến nay ông Chư đã miệt mài sưu tầm những câu truyện trạng từ các bô lão trong làng. Để có được những câu chuyện hay ông phải mất rất nhiều công sức và tâm huyết để hỏi, sưu tầm, bởi có rất nhiều dị bản. Đến nay, ông đã có trong tay hàng trăm câu chuyện và thơ trạng của người Huỳnh Công xưa để lại.

Tranh thủ lúc nông nhàn, những ngày trời mưa gió rảnh rỗi không đi làm đồng, ở nhà với cây bút chì giản dị và mấy mẩu sáp màu của học sinh, ông vẽ từng đường nét, hình ảnh của câu chuyện hiện lên đầy sinh động và màu sắc thu hút người xem. Tranh ông không giữ cho riêng mình mà đem tặng các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở của xã, bởi ông hy vọng thông qua những hình ảnh sinh động, gần gũi, hồn trạng sẽ dần ngấm sâu vào tâm hồn trong trẻo của các em.

Ông Chư cũng là người đưa ra ý tưởng lồng ghép kể truyện trạng vào các buổi sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể, các cuộc thi, hay những buổi giao lưu văn hóa trong xã. Đến nay, cứ mỗi dịp đầu năm, những câu truyện trạng được mọi người chuẩn bị từ trước để biểu diễn, mang đến những nụ cười rạng rỡ, vui tươi cho người dân. Ông chia sẻ: Thời kháng chiến, làng Vĩnh Hoàng là trận địa bắn phá ác liệt của giặc Mỹ, dù khổ cực đến bao nhiêu nhưng cả làng cùng đồng sức, đồng lòng, tất cả vì tiền tuyến. Ngày đó, có những câu chuyện đi mãi vào trái tim bao người như: Bổ bó ra làm thuyền chở bộ đội; Lấy cào cỏ cào cánh máy bay; Quả dưa đỏ đánh Tây thua chạy… dù bom đạn của giặc Mỹ trút xuống ngày đêm không ngớt, dù tiếng động cơ phản lực cùng với tiếng bom nổ khắp ngày đêm cũng không thể át tiếng cười người Huỳnh Công.

Nguồn Báo Gia Đình