Lưu trữ cho từ khóa: làm bánh

Chàng kỹ sư xây dựng mê…đồ nghề làm bánh

Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật công trình thủy ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng)  nhưng Lê Cảnh Cường (24 tuổi) lại chọn cách mưu sinh không chút dính dáng gì đến ngành học đã theo đuổi suốt 5 năm: bán dụng cụ và nguyên liệu làm bánh. Từ những ngày đầu tập tễnh chưa biết gì, đến nay, cửa hàng nhỏ của Cường đã thu hút được sự chú ý của khá nhiều khách hàng, từ khách lẻ đến khách sỉ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Khởi nghiệp từ 5 triệu đồng

Cầm trên tay tấm bằng d, nhưng chàng trai người Quảng Trị này lại rất có “máu” kinh doanh. Tốt nghiệp ĐH năm 2014, Cường xin vào làm trong một công ty xây dựng ở Đà Nẵng. Do công việc khá vất vả, phải đi khảo sát, thực địa ở nhiều địa hình rừng núi phức tạp ở Nghệ An nên sau 2 tháng thử thách, Cường nghỉ việc và khăn gói ra Hà Nội tìm kiếm cơ hội mới. Tại đây, Cường phụ giúp người dì giao hàng và bán các dụng cụ, nguyên liệu làm bánh. Thấy lĩnh vực này có nhiều tiềm năng, Cường quyết định “làm liều”, quay lại Đà Nẵng để thử sức kinh doanh ngành hàng này. “Hồi đó, Đà Nẵng chưa có nhiều nơi bán dụng cụ và nguyên liệu làm bánh. Nếu có thì giá cũng khá cao do một số loại phải nhập từ nước ngoài về nên ít người quan tâm. Biết là khó nhưng vì mặt hàng này khá mới mẻ, lại đa dạng và thú vị nên mình quyết đem về bán cho bằng được” – Cường chia sẻ.

chang-ky-su-xay-dung-lam-banh

Lê Cảnh Cường bên quầy hàng nhỏ của mình.

Nói là làm, từ đầu năm 2015, Cường bắt đầu lân la thăm dò ý kiến khách hàng trên mạng. Ai cần mặt hàng nào, Cường đặt mua về bán lại cho khách. Với số tiền 5 triệu dành dụm được từ những ngày đi làm trước đó, Cường nhập về những mặt hàng cơ bản, được nhiều người hỏi mua trước. Cứ thế rồi xoay vòng vốn, Cường thuê một căn nhà nhỏ để chứa hàng, mua một tủ lạnh cũ để cất đồ đông lạnh, tự tay đóng các kệ hàng từ những thanh gỗ cũ. Có khi nhập hàng với số lượng lớn, không đủ tiền, Cường phải… ghi nợ. Công việc lúc đầu gặp nhiều khó khăn, bởi một mình phải lo toan mọi thứ, từ đặt hàng, xếp hàng tới tư vấn cho khách, kiêm cả giao hàng.

Kể về những ngày đầu kinh doanh, Cường nói: “Có khi khách gọi giao hàng, mình phải đóng quán và ghi bảng “Đang giao hàng, vui lòng chờ 5 phút” treo trước cửa để khỏi mất khách, rồi tranh thủ giao hàng nhanh. Nhiều khi đến nơi giao hàng lại không có người nhận, gọi điện không được, đành phải tiu nghỉu ra về”. Nhiều rủi ro là vậy, nhưng chàng trai mê kinh doanh ấy vẫn không bỏ cuộc.

Đến nay, sau gần một năm hoạt động, Cường thuê thêm hai người phụ việc, nhờ vậy mà công việc đỡ áp lực hơn. Căn trọ nhỏ cũng là cửa hàng của Cường nay có gần như đầy đủ các dụng cụ làm bánh, từ đồ thủ công cho đến máy móc đắt tiền và đa dạng các loại nguyên liệu làm bánh, làm nước uống… Ngoài các khách hàng nhỏ lẻ, Cường còn chuyên bán sỉ nguyên liệu cho một số cửa hàng bánh ngọt gia đình, các trường dạy nghề, quán café trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Cường còn cung cấp nguyên liệu cho các thị trường Quảng Trị, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Nghệ An, Gia Lai, Đắc Lắc… với giá khá mềm, được nhiều khách hàng ưa chuộng. “Điều may mắn nhất của mình là gia đình luôn ủng hộ mọi việc mình làm và được khách hàng tin tưởng, lui tới thường xuyên”-Cường tâm sự.

ky-su-lam-banh

Cường đang tư vấn cho khách về các loại nguyên liệu và dụng cụ làm bánh.

Bị khách nhầm là… chị chủ!

Do không biết gì về ngành hàng này, lại không có người chỉ dạy, Cường phải tự mình tìm hiểu từng chút một mỗi khi nhập hàng về bán cho khách. Có khi, Cường phải hỏi qua chính nơi mình nhập hàng, cũng có khi chính khách hàng lại là người chỉ lại cho Cường những kiến thức cơ bản về các loại nguyên liệu. Với tinh thần ham học hỏi, một ngày làm việc của Cường có khi kéo dài đến tận 11-12 giờ đêm vì phải nghiên cứu thị trường và tìm hiểu các ngành hàng. Nhờ vậy mà từ một anh chàng không biết gì về những thứ liên quan đến bánh ngọt, nay Cường đã rành rẽ từng loại nguyên liệu, hiểu được chức năng của từng loại dụng cụ.

Đặc thù ngành hàng mà Cường đang buôn bán khá thu hút nữ giới, đây cũng là lượng khách hàng tiềm năng thường xuyên lui tới cửa hàng, do vậy Cường phải kỹ càng trong các khâu tư vấn cho khách. Cường vui vẻ kể: “Nhiều người thấy mình tư vấn qua mạng nhiệt tình quá, cứ nghĩ mình là nữ. Khi hỏi chuyện toàn gọi “chị ơi”, đến khi đến tận cửa hàng cũng tìm “chị chủ quán”, vì không ai nghĩ một người kinh doanh ngành hàng này lại là nam cả. Những lúc ấy vừa ngại, vừa vui, nhưng nhờ vậy mà mình và khách hàng trở nên thân thiết hơn. Có người sau khi đến đây mua nguyên liệu về làm bánh còn đem tới cho mình thử nữa”. Chị Lan-khách hàng thân thiết của Cường tại Quảng Trị,  chia sẻ: “Mình là chủ tiệm bánh nên rất chú trọng đến nguyên liệu làm ra sản phẩm. Cường đáp ứng gần như đầy đủ các loại nguyên liệu mình cần, nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt và giá thì siêu rẻ. Tuy không hiểu nhiều về nghề làm bánh nhưng Cường tư vấn rất nhiệt tình”.

Ở tuổi của Cường, không ít người thành công với lĩnh vực mình đang theo đuổi, nhưng cũng khá nhiều người vẫn lao đao trên bước đường lập nghiệp. Với Cường, quyết định rẽ lối đã gặp không ít khó khăn, mọi thứ vẫn còn bấp bênh, nhưng với khả năng và chí cầu tiến của một người mê kinh doanh và ham học hỏi, hy vọng Cường sẽ còn tiến xa hơn nữa với những dự định của mình. Dù là trái ngành, nhưng với niềm tin và ý chí, thành công không còn là điều quá khó.

[nguon]Nguồn: http://cadn.com.vn/news/64_140738_cha-ng-ky-su-xay-du-ng-me-do-nghe-la-m-ba-nh.aspx[/nguon]