Lưu trữ cho từ khóa: may loc tinh bot nghe

Quảng Trị “Nhà sáng chế” nông dân

Chứng kiến sự vất vả, cực nhọc của bà con nông dân khi lao động sản xuất bằng các phương pháp thủ công, ông Văn Đức Quynh, thôn Long Hưng, xã Hải Phú (Hải Lăng, Quảng Trị) đã quyết tâm sáng chế ra những chiếc máy hữu ích với mục đích góp phần giải phóng sức lao động con người. Điều đặc biệt là người được bà con nông dân gọi là “Nhà sáng chế” ấy cũng là một nông dân chân đất, trình độ học vấn mới hết lớp 9.

nguoi-nong-dan-sang-che-quang-tri

Ông Văn Đức Quynh nghiên cứu để hoàn thiện chiếc máy lọc tinh bột nghệ

Xưởng cơ khí của ông Quynh nằm ngay sát quốc lộ, sản phẩm của xưởng cơ khí này chủ yếu là những sáng chế của ông từ nhiều năm nay, được người tiêu dùng đặt hàng sản xuất. Hôm chúng tôi đến, ông Quynh đang nghiên cứu để hoàn thiện sáng chế thứ 7 của mình- chiếc máy xay và lọc tinh bột nghệ. Ông Quynh cho biết: Máy lọc tinh bột nghệ ông đã hoàn tất từ đầu năm 2015 để tham dự cuộc thi Sáng kiến kỹ thuật do tỉnh tổ chức. Tuy nhiên, điều ông chưa hài lòng là chiếc máy chỉ có chức năng lọc tinh bột, chưa xay được nghệ củ. Vì vậy, hiện nay ông đang tập trung nghiên cứu, đưa thêm bộ phận xay nghệ vào để hoàn thiện máy, giúp người dân thuận lợi hơn trong quá trình lọc tinh bột nghệ.

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, học đến lớp 9, ông Quynh phải nghỉ học để lao động kiếm sống. Sau mỗi mùa vụ kết thúc, tận dụng thời gian nông nhàn, ông dựng quán nhỏ ven đường sửa chữa xe đạp kiếm thêm thu nhập. Sau khi tích lũy được ít vốn, ông Quynh học thêm cách sửa chữa máy móc, nông cụ rồi mua sắm đồ nghề, dụng cụ để sửa chữa xe kéo tay, máy tuốt lúa đạp chân, các công cụ lao động phục vụ người dân trong vùng. Mỗi khi quán nhỏ hết việc, ông Quynh thường đến các xưởng cơ khí ở khu vực lân cận để tìm hiểu, học thêm nghề cơ khí. Tự tìm tòi học hỏi, chỉ sau một thời gian ngắn ông Quynh đã thành thạo nghề cơ khí, đã có thể sản xuất được cuốc, xẻng, các nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thấy bà con trong thôn, xóm phải nhọc nhằn vất vả mỗi khi bước vào vụ sản xuất, thu hoạch, công sức lao động bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả không cao, ông Quynh bắt đầu nảy sinh ý tưởng sẽ sáng chế ra những loại máy để giải phóng sức lao động cho con người.

Ông tâm sự: “Ước mơ của tôi là làm được nhiều loại máy để giải phóng sức lao động cho nông dân, nhưng khi bắt tay vào thực hiện tôi gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu vốn để mua sắm thiết bị, trình độ còn hạn chế. Bằng quyết tâm của mình, tôi đã dần vượt qua những khó khăn đó để cho ra đời những chiếc máy hữu ích, phục vụ quá trình lao động sản xuất của nông dân”.

Năm 2003, ông bắt tay vào làm máy tách hạt ngô. Để có nguyên liệu thực hiện, hàng ngày ông đến các cơ sở thu gom phế liệu trên địa bàn để mua từng thanh sắt, tấm thép vụn. Với vốn nghề cơ khí và khả năng tự thiết kế, chế tạo, lắp đặt, chỉ trong thời gian ngắn, chiếc máy tách hạt ngô đã hoàn thành. Ông xách máy đến đầu xóm, mượn ngô của bà con để tách thử nghiệm nhưng không được, ông lại đem máy về tháo ra, gia công thêm rồi đi thử tiếp. Sau 4 năm vật lộn với thử nghiệm, tháo lắp máy, cuối cùng đến cuối năm 2007, chiếc máy tách hạt ngô đã được hoàn thiện và xuất xưởng, công suất tách hạt ngô từ 3-5 tạ/ giờ. Từ khi máy tách ngô của ông Quynh ra đời, việc bóc tách hạt ngô trở nên đơn giản hơn, người dân yên tâm mở rộng diện tích trồng ngô để nâng cao thu nhập.

Trên cơ sở thành công ban đầu, được sự tin yêu, động viên, giúp đỡ của người dân trong thôn xóm, ông Quynh tiếp tục sáng chế ra nhiều loại máy hữu ích, chẳng hạn như máy dập vỏ lon bia giúp những người thu mua phế liệu đóng gói gọn gàng hơn; máy cắt đa năng giúp nông dân thu hoạch mùa vụ kịp thời; máy băm thức ăn cho chăn nuôi phục vụ nhu cầu của những người nuôi thủy sản và các trang trại chăn nuôi; máy cắt măng, gừng, hành, ớt, tỏi dùng trong các cơ sở chế biến thủy sản và cơ sở làm mắm, dưa chua; máy đánh vảy cá dùng trong các nhà hàng, siêu thị hay chợ; máy khoan giếng đá phục vụ nước sinh hoạt cho người dân có độ sâu từ 50-70 m; máy xay bột tươi, khô phục vụ các cơ sở chế biến nông sản… Đặc biệt, nhiều sáng chế của ông Quynh đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh và khu vực.

Từ những hữu ích mà các loại máy do ông Quynh sáng chế mang lại, đã có nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tìm đến xưởng ông đặt hàng. Trong đó, riêng loại máy cắt đa năng, mỗi năm ông Quynh sản xuất khoảng trên 100 cái theo nhu cầu của người dân, các loại máy còn lại bình quân sản xuất từ 5-7 cái/năm. Một điều đặc biệt mà ông Quynh chia sẻ với chúng tôi là người dân trong và ngoài tỉnh khi mua sản phẩm do ông sáng chế đều tìm đến tận xưởng sản xuất để đặt hàng, tuyệt nhiên không mua sản phẩm của ông khi được bày bán tại các cửa hàng khác. Lý do mà người mua giải thích là chỉ khi đến tận xưởng sản xuất mới tin tưởng sản phẩm chính là của ông Quynh, còn khi mua ở cửa hàng sợ gặp phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. Đây cũng chính là điều mà ông Quynh luôn trăn trở với chính sản phẩm của mình.

“Xuất phát từ thực tế đó, tôi muốn thành lập doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình để đưa ra tiêu thụ dễ dàng trên thị trường, phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân”, ông Quynh cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một sản phẩm muốn xây dựng được thương hiệu thì cần phải có thiết kế kỹ thuật theo tiêu chuẩn công nghiệp. Trong khi đó, toàn bộ sản phẩm do ông Quynh sáng chế đều ra đời trên cơ sở ý tưởng của cá nhân. Nên chăng, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng có năng lực thiết kế cơ khí nông nghiệp để hoàn thiện các sản phẩm sáng chế của ông Quynh theo quy trình, quy phạm của nhà nước, góp phần đưa mỗi sáng chế của ông Quynh trở thành sản phẩm công nghiệp hiện đại. Trên cơ sở đó, một doanh nghiệp cơ khí công nghiệp có uy tín sẽ hỗ trợ, hợp tác sản xuất các sản phẩm trên cơ sở ý tưởng của ông Quynh để đưa sản phẩm tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Khi sản phẩm có thông số kỹ thuật, chỉ số chất lượng và thương hiệu rõ ràng chắc chắn sẽ được người tiêu dùng đón nhận vì những lợi ích thiết thực mà sản phẩm mang lại.

[nguon]Nguồn: baoquangtri[/nguon]