Lưu trữ cho từ khóa: mùa dưa

Những mùa dưa của tuổi nhỏ…

Mùa hè, mỗi lúc trời chập tối ông nội lại cắp một bi đông nước cùng cây rựa đến trạng canh dưa.

Hồi đó, ông khai phá một vùng rộng lớn ở rú trăm bù, những quả dưa ông trồng đều to hơn dưa của những người trong làng vì ông chăm dưa rất kĩ. Đường đến trạng dưa phải qua một con mương cát nhỏ, nước chỉ đến mắt cá chân.

mua-dua-tuoi-nho

Mùa dưa, mệ nội nấu cơm tối sớm hơn mọi khi để ông kịp ăn mà đi canh dưa. Con bé cháu là mình cũng lẽo đẽo lại ngồi cạnh ông, ngoan ngoãn, hí húi múc múc chan chan cho mau hết chén cơm rồi thỏ thẻ xin ông cho đi theo canh dưa.

Trong suy nghĩ của con bé, đi canh dưa nỏ khác chi đi trải nghiệm một thế giới cổ tích. Trong thế giới đó có hai ông cháu của cô bé không quàng khăn đỏ sẽ trải qua như này: tụi trộm dưa như lũ yêu tinh, phù thủy, còn ông nội là ông Tiên, chỉ cần ông Tiện vung gậy, à không, vung rựa lên là tụi trộm dưa chạy mất dép.

Hi hi…đi canh dưa cùng ông nhưng suốt quãng đường đến trạng dưa, ông nội toàn phải cõng con bé. Nó vẫn còn nhớ như in mùi mồ hôi của ông nội. Lúc ông cõng nó, nó áp mà vào lưng ông thiệt là ngoan hiền, cí đầu lắc lư theo nhịp bước của ông nội. Đi đến mương nước, nó lém lỉnh xin ông tuột xuống để bước qua…cho mát. Thực ra là nó muốn nghịch nước chơ hay ho chi mô.

Đến trạng dưa, ông nội đưa nó ngồi lên cái chõng con trong lán rồi đi quanh trạng dưa nghe ngóng một hồi. Ngồi trang lán con bé hơi sợ, nó nhìn ra ngoài trời tối thui. Con bé nằm yên trên chõng tre nín thở chờ ông nội vô. Nó tưởng tượng ộng nội đang chiến đấu với bọn trộm dưa ngoài kia, để những quả dưa ngon lành không bị hái đi, không bị đạp bể… Nội vung rựa bên phải, vung rựa bên trái khiến mấy đứa trộm xanh mắt, có đứa chạy vấp phải mấy quả dưa bổ chỏng qoèo bị ông đá cho vô mông…hí hí…Nhưng nội đi ra canh dưa lâu quá, nó im re không dám kêu vì còn…sợ ma nữa, mồ hôi nó toát ra. Phải thôi, nó đang trùm nguyên cái chăn chiên của ông nội lên kín đầu mà.

Lát rồi con bé ngủ thiếp đi một chặp…trong lúc mơ màng nó chợt nghe tiếng ông nội “Mả cha hắn khi có miềng thì nỏ chộ hắn mô, khi miềng trấp lưng về thì hắn vô ăn trộm”. Rứa là con bé tỉnh ngay, nghe thơm nức mùi dưa nội mới cắt ra. Mùi dưa thanh thanh, mát lành, ngọt thơm thiệt là hấp dẫn. Nó tung chăn ngồi dậy nhìn nội đang cười hiền hòa rung rung chòm râu bạc” Dậy ăn dưa cháu, dưa ngọt hung!”

Rồi hai ông cháu ăn dưa và đi ngủ. Nó ngủ một mạch đến sáng trong khi nội lâu lâu lại thức dậy để canh dưa. Có lẽ lúc trở dậy, nhìn đứa cháu gái ngủ say, nội đã mỉm cười âu yếm lắm…
Sáng sớm hôm sau, nội dắt nó đi quanh trạng dưa một lần nữa rồi cõng nó trên lưng trở về nhà. Mỗi mùa dưa, nó lại được vài lần theo nội đi canh dưa như rứa…Mỗi mùa dưa nó lại háo hức, mong chờ…

mua-dua-tuoi-nho-2

Mùa hạ năm ngoái, nội đi xa rồi… Trong kí ức con bé nức nở những mùa dưa có nội, những lần về thăm nhà có nội, những buồn lo có nội vỗ về, khuyên nhủ yêu thương…

Nội ơi! Trạng dưa của nội ngày trước họ đã trồng tràm phủ xanh hết rồi, nội đừng qua đó nữa nội nghe!!! Nội nghe!!!

Mẫn Và Tôi

Cổ tích cho những mùa dưa

Có hai vợ chồng nọ cứ những ngày nắng ráo họ lại đi vô rú quơ bổi khô.

Sáng sớm tinh mơ khi mặt trời chưa kịp rạng họ đã lên rú rồi. Mặc cho bầy muỗi bay như ong, mặc cho những con sâu róm gây ngứa điên người, họ kiên nhẫn cào từng ngách, từng ngách mỗi gốc cây để lấy bổi.

Cây ở rú nhiều loại lắm nhưng họ chỉ thích bổi cây trằm bù vì khi dấm lên, tưới nước, lá bổi dù cháy đen vẫn còn nguyên hình hài và sẽ là “liều thuốc bổ” để họ chăm bón cho các loại cây mà với họ, ưu tiên nhất là cây dưa hấu đỏ.

co-tich-nhung-mua-dua

Bổi khô khi ghánh về sẽ được đổ thành đống suốt một dãy dài dọc đường cái quan. Chiều muộn, hai vợ chồng tay sào tay xô quyện trong dãy khói khổng lồ dấm phân. Mùa hè, đứng giữa đám khói nóng như thiêu, đôi má người vợ hồng lên dễ thương chi lạ. Những yêu thương cứ rứa mà thành, cứ rứa mà nồng trong ánh mắt người chồng đầy âu yếm…

Họ dấm phân thiệt kĩ và khéo. Cả đống lá khô khi nhen lửa phải làm răng để khi lửa vừa ngấm ra ngoài là cả đống bổi cũng cháy đều, dùng sào tản rộng ra cho cháy vang lên lần nữa mới tưới nước. Rồi đợi khi đống lá khô thành than nguội hẳn, hai vợ chồng lại quang ghánh hốt về đổ vô chuồng heo, chuồng bò ủ kĩ ở đó đợi ngày làm dưa.

Mùa xuân, khi nàng gió ấm hây hẩy tung tẩy về trước hiên nhà, hai vợ chồng lại quang ghánh, ghánh phân ra trạng lên luống(đằm) bỏ phân, gieo hạt trồng dưa. Mấy ngày sau, từ đám đất ẩm, những mầm dưa nhô lên mừng rỡ…cả trạng dưa rộn ràng đâm nhánh, phân cành trong niềm vui của hai vợ chồng. Khoảng một tháng sau, những mẹ dưa đã “hạ sinh” cả đàn con tròn căng, nhung nhúc…nắng càng to, cả đàn dưa càng mau lớn, càng chắc khỏe. Có đứa thấy nắng cười nên người ta gọi luôn là dưa cười, có đứa mải vui với mấy ả ong nên thành dưa vẹo… Và dù có năm, cả mấy loại bọ thi nhau tấn công đàn dưa thì họ vẫn kiên nhẫn chờ qua những cơn mưa để cây lá hồi sinh đón một lứa dưa khác dù không như ý chứ không nghĩ đến một loại thuốc “tận diệt” mô cả.

Đến mùa dưa chín, hai vợ chồng cùng cả làng lại quang gánh ra đồng hái dưa. Chỉ cần gõ vào quả dưa, thấy âm thanh đục và ấm là biết dưa đã chín rồi. Nhìn ngắm những quả dưa tròn căng họ lại nghĩ đến giấc mơ của lũ trẻ nhỏ, đứa mong thành cô giáo, đứa mơ thành kĩ sư…

mua-dua

Dưa hấu quê tôi

Và…Em gọi họ là Mạ và Ba anh ạ! Quê nghèo lam lũ với những người mạ, người cha như rứa nuôi con lớn thành người. Kể chi nắng cháy, kể chi mồ hôi rơi. Cổ tích đời thường có ba mạ là ông Bụt bà Tiên cho con thỏa những điều ước…

Mà trong những câu chuyện cổ ta đọc, khi điều ước thành sự thật, mấy ai nhớ về ông Bụt bà Tiên nữa…Này em, này anh, đừng quên nghe- Mạ Ba nơi quê nghèo!!!

Mẫn và Tôi