Lưu trữ cho từ khóa: nau ruou

Nghề Lưu giữ “men ngàn”

Ở huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị), những chiếc bếp nấu rượu cần của người Vân kiều đã tiếp tục đỏ lửa sau quãng thời gian nguội lạnh. Đây được xem là hình ảnh đẹp đánh dấu sự trở lại của nghề nấu rượu cần truyền thống.

Học nghề để giữ nghề

7 giờ 30 phút sáng, căn bếp của gia đình nghệ nhân Hồ Văn Hùng đã tề tựu đông đủ 10 học viên. Ai cũng háo hức chờ đợi tiết học đầu tiên về hướng dẫn cách nấu rượu cần. Cẩn thận đưa những chùm men từ chái bếp xuống, nghệ nhân Hồ Văn Hùng mở đầu bài giảng: “Hôm nay, tôi sẽ giới thiệu cách làm men lá truyền thống của người Vân kiều. Để rượu ngon thì điều cốt yếu là phải có men tốt. Men được chế biến từ rễ cây tân tiêu, dã ploắc, lá thuốc ngọn, lá ớt, vỏ cây a păng… Các loại cây này thường mọc nhiều trên nương rẫy hoặc trong rừng”.

Vừa nói, ông Hùng vừa đưa từng loài rễ, lá và vỏ cây cho các học viên quan sát thật kỹ. Chị Hồ Thị Phượng cầm chiếc lá thuốc ngọn ngạc nhiên bảo: “Thì ra đây là cây thuốc ngọn, có thể dùng để làm men rượu. Rẫy nhà mình có nhiều loại cây này lắm. Thế mà, trước đây mình chẳng biết nên cứ thấy nó mọc lên là lại nhổ mất”. Cứ thế, bài giảng của nghệ nhân Hồ Văn Hùng thu hút học viên với những kiến thức gần gũi và sinh động.

nghe-nau-ruou-can-quang-tri

Bà Hồ Thị Nhất chuẩn bị nguyên liệu để làm rượu cần.

Xưa nay, rượu cần được xem là thức uống truyền thống của nhiều dân tộc trên đất nước Việt Nam. Ở mỗi miền quê, rượu lại mang một phong vị riêng. Thế nên, ý thức giữ nghề cũng như bảo tồn “chất men đặc biệt” của dân tộc mình luôn in sâu trong tâm trí các nghệ nhân. Đối với người Vân kiều, bao đời nay rượu cần là thức uống không thể thiếu trong các dịp sinh hoạt cộng đồng.

Trước mỗi mùa lễ hội Ra pứp, Cha xa reẻ, Côôn, bà con dân tộc Vân kiều lại rục rịch cả tháng trời để chuẩn bị nấu rượu cần. Đặc biệt, rượu chỉ được mang ra thưởng thức sau gần một tháng chưng cất. Thế nên, mỗi bình rượu cần là sự kết tinh quá trình lao động của người Vân kiều. Trong các dịp lễ hội, bình rượu nhà nào ngon nhất sẽ được cả bản tôn vinh.

Hiện nay, nghề nấu rượu cần của đồng bào dân tộc Vân kiều đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi trong các dịp lễ hội, những bình rượu cần dần được thay thế theo kiểu bình cũ, rượu mới. Khi chế biến, bà con cũng ít tỉ mỉ hơn trong công đoạn chưng cất như trước kia. Thực tế ấy khiến nhiều người “say chất men rượu cần” trăn trở.

Ông Hồ Văn Lan, già bản Khe Xong, thị trấn Krông Klang bùi ngùi nói: “Bản sắc dân tộc phai mờ cùng với việc đánh mất các nghề truyền thống như nấu rượu cần, dệt thổ cẩm, làm nhạc cụ truyền thống… Chỉ lo người Vân kiều quên đi gốc rễ thôi”.

Trong bối cảnh ấy, các lớp dạy nấu rượu cần do các nghệ nhân người dân tộc Vân kiều đảm nhận xuất hiện ở huyện Đakrông đã mang đến luồng sinh khí mới cho việc khôi phục nghề truyền thống. Buổi đầu, khi đặt vấn đề tham gia lớp học, một số người cười bảo: Nấu rượu cần rất khó, mất thời gian lại không cải thiện được thu nhập thì học để làm gì?”.

nau-ruou-can

 Ông Hồ Văn Hùng hướng dẫn con cách nấu rượu cần truyền thống.

Khi được phân tích vai trò của mỗi người dân trong việc vực dậy nét văn hóa truyền thống và tương lai tốt đẹp của nghề nấu rượu cần, bà con mới gật đầu. Thế rồi, các lớp dạy nấu rượu cần nhanh chóng được huyện Đakrông tổ chức tại thôn Ka Lu (xã Đakrông), Phú An (xã Hướng Hiệp), Tà Rụt 1 (xã Tà Rụt)… thu hút đông đảo người dân tham gia.

Ông Pả Biên, một học viên học nấu rượu cần cho biết: “Trước đây, mình nấu rượu theo bí quyết ông cha truyền lại. Cứ nấu 10 bình rượu cần thì chỉ có khoảng 3 bình đạt yêu cầu. Giờ đến lớp, học giáo trình hẳn hoi, mình mới biết nấu rượu cần tuân thủ đúng quy trình thì rượu mới ngon, đỡ tốn nguyên liệu, công sức”.

Tham gia lớp nấu rượu cần, học viên được cung cấp tài liệu do nghệ nhân Hồ Văn Hùng biên soạn. Bên cạnh đó, việc học lý thuyết gắn liền với thực hành khiến học viên vô cùng hào hứng. Nếu những tiết học đầu tiên, nhiều học viên mà đặc biệt là các bạn trẻ còn lóng ngóng thì chỉ qua vài buổi “cầm tay, chỉ việc”, ai cũng có thể làm trôi tròn các công đoạn như trộn men, nấu nếp, lèn rượu… Nhiều người vì “say nghề” còn xin thầy “học thêm” ngoài chương trình. Sau khóa học, các học viên đều được hỗ trợ nguyên liệu cùng vật dụng nấu rượu. Thế nên, những bếp lửa nấu rượu cần đã tỏa khói ngày càng nhiều ở các bản làng huyện Đakrông.

Niềm tin sống bằng nghề

Ngược về thành phố Đông Hà sau chuyến du lịch vùng cao, nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đều ghé lại nhà nghệ nhân Hồ Văn Hùng để mua rượu cần. Ai cũng hài lòng bởi những bình rượu có giá rất phải chăng, lại đảm bảo chất lượng. Ông Nguyễn Văn Phong, khách du lịch đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Rượu cần Bru – Vân kiều có giá khá mềm. Bình 4 lít giá 140 nghìn đồng, bình 6 lít giá 200 nghìn đồng, chỉ bằng một nửa so với giá ở những điểm du lịch tôi từng đặt chân đến. Tôi rất thích vị cay nồng và hương thơm của loại rượu truyền thống này”.

nau-ruou-o-quang-tri

 Ông Hồ Văn Hùng giới thiệu về nhãn mác của rượu cần Bru – Vân kiều.

Với mong muốn vực dậy nghề truyền thống, hơn 15 năm qua gia đình nghệ nhân Hồ Văn Hùng đã cần mẫn gây dựng thương hiệu rượu Bru – Vân kiều. Giờ đây, thương hiệu này đã giúp gia đình ông có thu nhập ổn định, con cái được ăn học tử tế. Đó cũng chính là động lực giúp các học viên tin tưởng hơn vào tương lai của nghề. Nghệ nhân Hồ Văn Hùng cho biết: “Lâu nay, người Vân kiều chỉ xem rượu cần như là một thức uống dành cho mùa lễ hội, chứ không hề nghĩ đến chuyện kinh doanh. Bảo tồn thì phải đi liền với phát triển nghề, với suy nghĩ như vậy nên tôi mở cơ sở sản xuất ngay tại gia đình mình. Giờ đây, cơ sở sản xuất rượu cần của vợ chồng tôi cũng chính là lớp học của bà con”.

Để giữ gìn thương hiệu rượu Bru – Vân kiều, nghệ nhân Hồ Văn Hùng luôn căn dặn học viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rượu cần. Thế nên, chỉ những người thực sự kiên trì, chăm chỉ và có tâm huyết mới bám trụ được với nghề. Ngày ngày, họ phải bỏ hàng giờ để vào rừng kiếm nguyên liệu làm men. Khi trở về nhà, các thứ lá, vỏ hoặc rễ cây sẽ được nghệ nhân cho vào cối cùng với ớt khô, trầu, men mồi để giã lấy nước cốt.

Thứ nước này sẽ được trộn với bột gạo, ủ đúng ba ngày, ba đêm, rồi sau đó được vo thành viên và đem đi phơi nắng. Bên cạnh đó, khâu chưng cất cũng công phu không kém với việc nếp dùng để chưng cất rượu cần phải được đãi thật sạch, nấu chín, rải đều ra chiếc A điêng, trộn với rễ cây và trấu.

Công đoạn tiếp theo là lèn nguyên liệu thật chặt vào hũ và khi hũ gần đầy thì nghệ nhân tiếp tục bỏ thêm lớp trấu dày khoảng 10 cm sau đó lót lớp lá chuối khô ở bên trên, đậy kín nắp để không cho gió lọt vào. Mỗi công đoạn đều có một nguyên tắc riêng như: phải đãi thật sạch trấu và khử trùng bằng rượu trắng, tất cả dụng cụ nấu rượu đều được rửa bằng nước nguồn, phơi khô; rượu cho vào hũ sau gần một tháng mới có thể sử dụng…

Bà Hồ Thị Nhất cho biết: “Nếu đảm bảo tốt các quy trình này thì rượu mới mang đúng hương vị truyền thống và được dán tem đảm bảo chất lượng”.

Giờ đây, hễ vào mùa lễ hội của người Vân kiều hay dịp tết Nguyên đán, gian bếp của gia đình nghệ nhân Hồ Văn Hùng lại nhộn nhịp người. Các học viên sau khi tốt nghiệp đến đây không chỉ để được bổ túc kiến thức về nghề mà còn góp sức cùng thầy sản xuất nhiều bình rượu cần ngon để bán ra thị trường. Trong dịp tết Nguyên đán vừa qua, thầy trò nghệ nhân Hồ Văn Hùng đã “xuất xưởng” gần 300 bình rượu cần và được bán rất nhanh chóng.

Chị Hồ Thị Quang chia sẻ: “Mỗi ngày đến nhà phụ giúp thầy, mình vừa học thêm về nghề, vừa được nhận thù lao. Thầy vẫn động viên chúng mình phải thường xuyên thực hành nấu rượu cần. Nếu sản phẩm đảm bảo chất lượng thì thầy sẽ bán giúp hoặc giới thiệu cho khách hàng thân thiết. Hiện tại, một số học viên trong lớp đã mở các điểm nấu rượu cần ở thôn bản”.

Đến thăm nhà nghệ nhân Hồ Văn Hùng đúng thời điểm núi rừng như bừng sáng sắc xuân, in sâu trong tâm trí chúng tôi là hình ảnh người nghệ nhân tóc điểm bạc ngồi nếm thử bình rượu cần của từng học viên, chậm rãi và trang nghiêm đến lạ. Chẳng biết từ bao giờ, đối với những người từng theo học nghề nấu rượu cần ở huyện Đakrông thì cái gật đầu của nghệ nhân Hồ Văn Hùng chính là “tấm giấy chứng nhận” đảm bảo cho chất lượng bình rượu cần. Bởi, đó chính là lời khẳng định họ đã trở thành lớp người kế tục, tiếp nối công việc lưu giữ “men ngàn” cho thế hệ mai sau.

[nguon]Theo: baoquangtri[/nguon]