Lưu trữ cho từ khóa: quang tri

Thủy Tú 2 – điểm sáng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Chúng tôi về thôn Thủy Tú 2 của xã Vĩnh Tú thuộc huyện Vĩnh Linh vào những ngày tháng 9. Nhìn những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp và những con đường làng thoáng đãng đã báo hiệu một làng quê yên bình đang bắt đầu khởi sắc. Thủy Tú 2 triển khai xây dựng làng văn hóa từ năm 2000, đến nay đã vinh dự hai lần được UBND huyện và UBND tỉnh công nhận đạt danh hiệu làng văn hóa.

12032292_849629421799586_2024159269_nTrung tâm học tập cộng đồng thôn Thủy Tú 2. Ảnh: Văn Thịnh

Toàn thôn hiện có 69 hộ với 223 nhân khẩu, trong đó có 95% hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa, có dân số 60% sản xuất nông nghiệp, 40% lâm nghiệp và các ngành nghề dịch vụ khác. Phát huy truyền thống của một mảnh đất giàu truyền thống cách mạng trong kháng chiến và cần cù sáng tạo trong thời kỳ đổi mới, Thủy Tú 2 đang từng bước làm thay đổi diện mạo của làng quê bằng phát triển kinh tế cũng như xây dựng đời sống văn hóa. Trong những năm qua, phong trào xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư được nhân dân thực hiện và duy trì ngày càng có hiệu quả.

Cùng với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được người dân tích cực hưởng ứng. Ban chỉ đạo xây dựng làng văn hóa xác định đây là cuộc vận động có tính toàn diện nhằm phát huy tính dân chủ, nâng cao dân trí và phát triển kinh tế địa phương. Nhiều mô hình đã và đang được thôn triển khai và thực hiện có hiệu quả, như: Mô hình làng không có người sinh con thứ 3, mô hình thu gom rác thảitrồng rừng để bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, mô hình thắp sáng đường quê… Trong công tác xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở được làng chú trọng và đầu tư. Làng hiện có một Nhà văn hóa thể thao với diện tích 120 m2 được xây dựng có khuôn viên, sân bóng đá 972 m2, sân bóng chuyền 500 m2, một tủ sách với hơn 200 đầu sách để nhân dân vui chơi giải trí và thường xuyên hoạt động.

12048691_849629445132917_1625511236_n

Về công tác tuyên truyền, làng đã chú trọng đến công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước hàng năm hơn 35 lần vào các buổi họp đoàn thể, các ngày lễ lớn, các ngày kỷ niệm được nhân dân hưởng ứng tích cực tham gia 100%. Đặc biệt ở làng Thủy Tú 2, thực hiện tốt và đúng quy định của Chỉ thị 27/CT – TW của Bô Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được 100% người dân đồng tình nhất trí. Về việc cưới được làng quy định đêm trước của ngày cưới không được sử dụng nhạc sóng mà chỉ dùng băng đĩa để hát, không dùng bia rượu và ngừng hoạt động trước 22 giờ. Trong việc tang, không được tổ chức ăn uống, không gọi hồn và đốt vàng mã trong đám tang. Và chỉ được phép dùng âm thanh bằng đĩa thu sẵn nhưng không được phát trước 5 giờ, không để người chết ở gia đình quá 48 giờ theo quy định mà tất cả các việc được thực hiện gọn nhẹ, tiết kiệm, đoàn kết với tinh thần tình làng nghĩa xóm…

Có thể khẳng định, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Thủy Tú 2 là một luồng gió mới làm thay đổi bộ mặt và diện mạo của quê hương. Kinh tế phát triển, văn hóa xã hội không ngừng được nâng cao, tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt gắn bó. Đó chính là những kết quả để Thủy Tú 2 xứng đáng là 1 trong 42 đơn vị đạt tiêu chuẩn đơn vị văn hóa xuất sắc trong toàn tỉnh năm 2013.

Văn Hữu – Du lịch Quảng Trị.

Người nông dân “đắm đuối” với chuyện Trạng Vĩnh Hoàng

Gần mười năm nay, có một lão nông ở vùng quê xưa kia nổi tiếng với những câu chuyện Trạng (nay là xã Vĩnh Tú – Vĩnh Linh – Quảng Trị) đã cất công sưu tầm, rồi vẽ minh họa những câu chuyện đó với mong muốn lưu giữ nét văn hóa độc đáo này. Ông là Trần Hữu Chư – năm nay 70 tuổi, người chuẩn bị in một cuốn sách về truyện Trạng Vĩnh Hoàng.

tran-huu-chu-trang-vinh-hoang-quang-triÔng Trần Hữu Chư – người lưu giữ và truyền thụ Chuyện Trạng cho lớp trẻ.

Trạng Vĩnh Hoàng là một hiện tượng trào phúng độc đáo của văn học dân gian Quảng Trị, xuất hiện cách đây khoảng ba bốn trăm năm. Đây là món ăn tinh thần, là loại chuyện kể “độc nhất vô nhị” không thể lẫn lộn với các chuyện cười ở vùng khác. Có người đã so sánh Trạng Vĩnh Hoàng có nhiều đặc trưng như làng cười Gabrôv (Bulgaria).

Trạng Vĩnh Hoàng bắt nguồn từ những sự việc thật, được người kể biến hóa bằng cách cường điệu, hư cấu một cách có lý, mang tính hài hước làm cho người nghe tưởng tượng, ngạc nhiên mà cười để quên đi những khó khăn, gian khổ mà người dân phải chịu đựng. Như truyện “Cải cọp mà cày” nói về anh nông dân buổi sáng sớm dắt bò đi cày, nhưng đến sáng mới ngã ngửa là mình đang cày bằng con cọp; truyện “Bắt bọp, bắt bọp” ca ngợi dưa hấu của người Vĩnh Hoàng to đến mức cả đàn quạ chui vào ruột khoét dưa ăn mà “giết đến mỏi tay không hết” đàn quạ; hay sự lạc quan của người Vĩnh Hoàng trong chiến tranh là một ông lão bị lính Mỹ bắn đạn vào đầy đầu, đến khi thấy ngứa ngỡ là chấy, chải xuống thì toàn là đầu đạn (truyện “Chấy đạn”)…

Trong chiến tranh, Vĩnh Linh là vùng tuyến đầu ác liệt nhất, đã phải chịu sức hủy diệt tới 7 tấn bom và 70 quả đạn trên một cây số vuông. Nhưng người Vĩnh Hoàng vẫn lạc quan và họ vẫn nói Trạng và kể chuyện Trạng trong sinh hoạt hàng ngày, trong các hội nghị của huyện, trong chiến hào, trên mâm pháo, dưới địa đạo. Trải qua thời gian, Trạng Vĩnh Hoàng đã không còn giữ được “thương hiệu” sau mấy trăm năm tồn tại, nhất là những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, số người kể chuyện Trạng chỉ đếm đầu ngón tay. Nhiều câu chuyện Trạng bị tam sao thất bản và cách kể chuyện Trạng cũng dần dần mất đi.

than-dong-lang-trangCác truyền nhân của ông Chư.

“Đắm đuối” với Trạng Vĩnh Hoàng
Sinh ra và lớn lên ở ngay làng Huỳnh Công Tây (Vĩnh Tú – Vĩnh Linh – Quảng Trị) – nơi được xem là cái nôi của Trạng Vĩnh Hoàng, vì thế mà những câu chuyện Trạng đã gắn chặt với cuộc đời của ông Trần Hữu Chư ngay từ bé. Ông Chư cho biết: Mỗi lần đi hội họp ở đâu, rỗi rãi, biết tui là người Vĩnh Hoàng, anh em ở các xã, huyện khác đều bắt tui kể chuyện Trạng cho bằng được.

Ông Chư kể: Tui có một người bác họ tên là Trần Hữu Khuê, vốn là một giáo viên thời Pháp thuộc, ông cùng gia đình tản cư vào Nam hoạt động cách mạng. Thời Mỹ- ngụy, ông Khuê đã bị kết án 20 năm tù khổ sai và 10 năm biệt xứ đày ra Côn Đảo. Sau ngày giải phóng, ông trở về sống tại Tp.HCM, hai bác cháu vẫn thường xuyên trao đổi thư từ với nhau. Hơn 10 năm trước, tui có nhận được một bức thư của bác kèm theo lời gợi ý là phải ghi lại những câu chuyện dân gian của quê hương. Đọc xong thư, tui suy nghĩ nhiều lắm vì bác mình ở xa quê nhà bao nhiêu năm rồi, sức đã yếu vậy mà vẫn nhớ về cội nguồn, nhớ tới quê hương. Từ nỗi nhớ đau đáu của người bác họ, tui nghĩ mình phải khôi phục, sưu tầm những câu chuyện Trạng bằng được, nếu không con cháu mai sau sẽ không còn biết Trạng Vĩnh Hoàng là thế nào. Lúc này, ông Chư đã đến tuổi về hưu, công việc cũng thư thả, ông có nhiều thời gian chuyên tâm hơn cho việc sưu tầm.

nguon-goc-trang-vinh-hoangÔng Chư cho biết: Quá trình tìm tòi, sưu tầm gian nan lắm. Do tìm hiểu sưu tầm muộn màng nên những “cây” kể chuyện Trạng lần lượt qua đời, người còn thì tuổi đã cao, sức yếu như cụ Nguyễn Sở, Võ Nông, các cụ nhớ câu được câu mất. Nhiều câu chuyện hiện nay có dấu hiệu tam sao thất bản như “Bọ mạ mi mô?”. Hành trình sưu tầm, biên soạn của tui gặp khó khăn nhất chính là ngôn ngữ của Trạng. Do yếu tố lịch sử, nhiều ngữ âm, từ cổ xưa giờ rất ít sử dụng trong đời sống hiện nay. Trong lúc đó, đặc điểm giọng nói của người Vĩnh Hoàng nặng, mất thanh ngữ, phát âm rất đặc biệt ở thanh hỏi(?), ngữ điệu thay đổi nhanh ở đầu, kéo dài ở cuối, lên cao xuống thấp? tạo cho giọng kể sự ngộ nghĩnh và lôi cuốn người nghe.

Một đặc điểm nữa của Trạng Vĩnh Hoàng là lớp từ cổ, từ địa phương pha từ đệm nghe rất hài như: hấy, há, đực bọ, lạo, ôốc doộc, ôông ngai. Như trong các truyện “Bắt bọp”, “Cây ớt, “Ăn khoai lang nghẹn cổ”, “Cây khoai bò hai tỉnh”, “Đi câu cá đô”… đã tạo nên đặc thù riêng cho Trạng Vĩnh Hoàng. Nhưng đến nay, do chịu ảnh hưởng chung của việc giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền nên những từ này ít được sử dụng nên Trạng hôm nay không truyền đạt được trọn vẹn nội dung.

Để sưu tầm được những câu chuyện cổ nhất, tui thường đến nhà các cụ cao niên trong làng. Mỗi lần như vậy, tôi vừa nghe vừa ghi để đưa những câu chuyện Trạng về đúng nguyên bản của nó. Sau gần 10 năm chịu khó tìm tòi, sưu tầm, đến nay tui đã sưu tầm được hơn 30 câu chuyện Trạng. Sắp tới, tui dự định sẽ xuất bản một cuốn sách Trạng Vĩnh Hoàng mà tui cùng một số anh em sưu tầm, biên soạn được.

Họa sĩ làng
Từ ngày đi sưu tầm Trạng Vĩnh Hoàng, mọi người trong làng lại thấy ông Chư ngồi cặm cụi bên giá vẽ. Lúc đầu ông vẽ trên những tờ giấy học trò, sau thấy bà con hàng xóm tấm tắc khen, ông lại vẽ lên tường của nhà văn hóa xã. Lúc vẽ bức tranh này, ông Chư dù đã 70 tuổi nhưng cả tuần vẫn leo lên ban công Nhà văn hóa xã để ngồi vẽ. Rồi ông vẽ ra mặt sau của những tờ lịch. Tranh của ông được bà con khen ngợi nhiều, ông liền mang ra trưng bày ở Nhà văn hóa của thôn.

huu-chuSau nhiều năm cần mẫn bên chiếc giá vẽ tự tạo, đến nay, ông Chư đã mô phỏng lại được tất cả những câu chuyện mà ông đã bỏ công sưu tầm, biên soạn trong bấy lâu nay bằng hình ảnh. Dự định của ông là sẽ cho in những bức họa này kèm với những tác phẩm ông đã bỏ công sưu tầm.

Để biến những bức vẽ và những câu chuyện ông sưu tầm thành cuốn sách quả là một chặng đường dài. Bởi hiện nay, một lão nông như ông lấy đâu ra một số tiền hàng chục triệu đồng để in. Tất cả còn chờ vào sự giúp đỡ của các cấp chính quyền nên chưa biết lúc nào mới có sách. Tiếng thở dài não nề của lão nông đã làm cho chúng tôi không khỏi chạnh lòng trong suốt chặng đường về phố thị.

Theo CAND

Địa đạo Vịnh Mốc – Di tích làng hầm

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, sông Bến Hải là ranh giới quân sự tạm thời. Vĩnh Linh, một huyện của tỉnh Quảng Trị trở thành địa đầu của miền Bắc. Lịch sử đã chọn nơi đây thành điểm đối đầu quyết liệt nhất giữa hai thế lực chính nghĩa và phi nghĩa, giữa khát vọng thống nhất và dã tâm chia cắt.

dia-dao-xuyen-luc-diaĐường hầm địa đạo Vịnh Mốc

Từ năm 1965, đế quốc Mỹ với mưu đồ xâm lược, bắt đầu mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc, trong đó Vĩnh Linh là mục tiêu hàng đầu, bởi đây không những là tiền đồn mà còn là địa bàn trực tiếp chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Một mảnh đất nhỏ bé chưa đầy 820km2 như Vĩnh Linh lại phải chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ của đế quốc Mỹ từ nhiều hướng dội vào. Từ năm 1965-1972, kẻ thù đã ném xuống nơi đây hơn nửa triệu tấn bom đạn các loại, tính bình quân mỗi người dân Vĩnh Linh phải gánh chịu 7 tấn bom đạn Mỹ. Nhưng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và quyết tâm “một tấc không đi, một ly không rời”, nhân dân Vĩnh Linh đã kiên cường bất khuất, đã sáng tạo ra một công trình phòng tránh bom đạn tuyệt vời và độc đáo và có thể nói là vĩ đại mà bây giờ nó đã trở thành “huyền thoại” của thế kỷ XX.

Huyện Vĩnh Linh có 20 xã, trong đó có 3 xã miền núi, 3 xã đồng bằng không đào được địa đạo. Còn lại 14 xã và 1 thị trấn đã có 114 làng hầm địa đạo với độ nối dài là 40km. Trong đó có làng địa đạo Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch là công trình được bảo tồn nguyên vẹn, là công trình tiêu biểu cho hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh.

vinhmocMột gia đình ở địa đạo Vịnh Mốc

Vịnh Mốc là một làng quê nằm trên khu đồi đất đỏ bazan, sát bờ biển, cách cửa Tùng (sông Bến Hải) 6km về phía bắc. Làng Vĩnh Mốc có 3 địa đạo chính được nối thông nhau thành một hệ thống liên hoàn, khép kín với quy mô lớn. Hệ thống đường hầm có tổng chiều dài 1.701m với 13 cửa ra vào (7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi). Ở hai bên đường hầm được khoét sâu và tạo ra những căn hộ đủ cho 2 đến 4 người sinh hoạt. Mặt bằng đường hầm được đào nghiêng từ 2 – 3o để dễ dàng thoát nước. Toàn bộ đường hầm được chia thành 3 tầng (tầng 1 cách mặt đất 8m, tầng 2 cách mặt đất 15m, tầng 3 cách mặt đất 23 đến 25m). Trong hệ thống đường hầm có hội trường (chứa được khoảng 60 người, dùng làm nơi hội họp, xem phim), bảng tin, nhà hộ sinh, 3 giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại… Đặc biệt, trong gần 10 năm ở dưới địa đạo, các làng hầm địa đạo Vĩnh Linh đã có 60 em bé được sinh ra. Riêng làng hầm địa đạo Vịnh Mốc có 17 cháu bé cất tiếng khóc chào đời từ trong lòng đất.

Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại dưới lòng đất đã nói lên sự kỳ diệu của con người ở nơi đây. Hơn thế, họ không chỉ thụ động tránh bom đạn, bảo toàn mạng sống mà còn tổ chức đánh địch ngay trên quê hương, tập kết vận chuyển vũ khí, cấp cứu thương binh và vận chuyển hàng trăm chuyến hàng cảm tử cho đảo Cồn Cỏ (cách bờ 28km). Làng địa đạo Vịnh Mốc đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương 2 lần anh hùng LLVTND và năm 1976, Bộ Văn hóa-Thông tin đã công nhận Làng địa đạo Vĩnh Mốc là di tích Quốc gia và đưa vào danh mục các di tích đặc biệt quan trọng. Từ đấy cơ quan chức năng vào cuộc trùng tu, tôn tạo để bảo tồn và phát huy tác dụng. Du khách trong và ngoài nước đến đây ngày càng đông để chiêm ngưỡng kỳ tích độc đáo này, để cảm nhận, thán phục trước tài trí, ý chí của con người Vĩnh Linh, của Việt Nam.

Làng địa đạo Vịnh Mốc, một huyền thoại của thời chống Mỹ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước sinh động cho các thế hệ trẻ, là điểm du lịch kỳ thú, hấp dẫn, độc đáo cho khách tham quan, như một du khách người Úc đã ghi: “Địa đạo Vịnh Mốc như một tòa lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, giấu kín bao điều kỳ lạ của những người làm ra nó và thời đại mà nó được sinh ra”.

PHẠM HUY TƯỞNG