Nghe Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng
Bom hất sang sông đỡ tốn tiền đò
Đi bứt tranh bứt nhầm đuôi cọp
Người kể chuyện quả quyết rằng có thật
Ai chưa tin xin mời đến làng tôi.
Người kể chuyện xoè hai bàn tay
Săn mùi đất và chai lì vỏ hến
Người nghe chuyện thường say tán thưởng
Chẳng nghi ngờ câu chuyện của anh
Tôi đã nghe dễ đến trăm lần
Và tôi yêu như yêu màu đất đỏ
Yêu bao điều như hạt tiêu kỳ lạ
Yêu mắt nhìn sinh ngọn gió bình yên
Vĩnh Linh ơi từ địa đạo bước lên
Tưởng trắng rợn một màu tang trắng
Ai ngờ dưới tro những câu chuyện trạng
Lại lên xanh lấp lánh mắt cười. .
Một củ khoai phải luộc đến năm nồi
Chuyện như chẳng thể nào tin được
Nhưng đến Vĩnh Linh vốc lên từng nắm đất
Hiểu thêm sự tích lạ lùng hơn.
Ngô Minh
LỜI BÌNH: TIẾNG CƯỜI LẠC QUAN CỦA MỘT VÙNG ĐẤT QUA BÀI THƠ“NGHE CHUYỆN TRẠNG VĨNH HOÀNG”
Chuyện trạng Vĩnh Hoàng (Vĩnh Linh) thì nhiều người đã nghe, nhưng chuyện kể vào thơ thì e rằng cũng hiếm. Đó là trường hợp bài thơ”Nghe chuyện trạng Vĩnh Hoàng” của nhà thơ Ngô Minh.
Bom hất sang sông đỡ tốn tiền đò
Đi bứt tranh bứt nhầm đuôi cọp
Người kể chuyện quả quyết rằng có thật
Ai chưa tin xin mời đến làng tôi.
Nhà thơ đã nắm bắt được khẩu khí dân gian, đến cả giọng điệu, hơi thở của chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Tác giả cũng đã lựa chọn những chi tiết điển hình. Ngày xưa đi bứt tranh, gặp cọp ai không khiếp vía, hồn xiêu phách lạc. Vậy mà người dân Vĩnh Hoàng tỉnh bơ,”bứt nhầm cả đuôi cọp”. Sau này Vĩnh Linh là “túi bom” trong chiến tranh huỷ diệt của đế quốc Mỹ; và đạn bom nào phải chuyện đùa, sống chết trong gang tấc, nhưng chẳng hề gì, “Bom hất sang sông đỡ tốn tiền đò”- người Vĩnh Hoàng cười đùa trước hiểm nguy, thử thách. Tiếng cười dân gian vui nhộn, thoải mái, hào sảng đã hoá giải mọi điều ác, mọi tai ương; và chỉ có sức mạnh dân gian thâm hậu mới làm nổi điều này, làm nên bản lĩnh Vĩnh Linh- Quảng Trị. Tiếng cười lạc quan, tự tin đã mạnh hơn cái chết và làm nền cho sự sống đâm chồi. Nhà thơ đã đồng điệu và bắt nhịp được âm hưởng dân gian.
Người kể chuyện xoè hai bàn tay
Săn mùi đất và chai lì vỏ hến
Người nghe chuyện thường say tán thưởng
Chẳng nghi ngờ câu chuyện của anh
Tôi đã nghe dễ đến trăm lần
Và tôi yêu như yêu màu đất đỏ
Yêu bao điều nên hạt tiêu kỳ lạ
Yêu mắt nhìn sinh ngọn gió bình yên
Thì nào ai có nghi ngờ gì những câu chuyện trạng mang đậm chất Vĩnh Linh đã ngấm vào thịt da, máu tuỷ của người dân nơi đây. Chỉ có những con ngưới làm lụng kiên cường, bất khuất, yêu đất đai như con cái của mình và ”biết cười từ trong bào thai” mới biết sáng tạo ra chuyển trạng Vĩnh Hoàng, mới sinh hạ nên những nghệ sĩ dân gian làm rạng rỡ văn hoá quê nhà:
Vĩnh Linh ơi từ địa đạo bước lên
Tưởng trắng rợn một màu tang trắng
Ai ngờ dưới tro nhữmg câu chuyện trạng
Lại lên xanh lấp lánh mắt cười
Phép lạ của tiếng cười dân gian chính là ở đó. Trong mưa bom bão đạn, trong tang tóc rợn người thì tiếng khóc ra đời, âu cũng là điều dễ hiểu. Song kì lạ thay tiếng cười đã cứu rỗi mọi điều, đã đứng cao hơn tất thảy, thức dậy một niềm tin sự sống. Tiếng cười đã hoá thành một gia tài vô giá:
Nắng lè lưỡi mà mưa thâm trời
Như ngày nào đạn bom tối mặt
Tất cả sẽ ra đi, chỉ tiếng cuời trẻ nhất
Cha trao con như kỷ vật trên đời
Những ai từng sống, từng biết đến mảnh đất ”ô châu ác địa” hẳn sẽ thấu hiểu phần nào con người nơi đây phải chống chọi với “ giặc trời”- giặc ngoại xâm như thế nào để bảo toàn sự sống. Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ riêng tiếng cười là trẻ mãi không già. Có thể đời trướ không truyền lại cho đời sau nhiều của nả, nhưng hậu sinh được thừa kế những tiếng cười lạc quan như thế cũng đã giàu có về mặt tâm hồn. Đó là điều may mắn của một vùng đất, mà dẫu có bạc vàng cũng không thể mua bán được:
Một củ khoai phải luộc đến năm nồi
Chuyện như chẳng thể nào tin được
Nhưng đến Vĩnh Linh vốc lên ừng nắm đất
Hiểu thêm sự tích lạ lùng hơn
Chính sự nếm trải, sự đồng cảm đã khiến nhà thơ kết thúc bài thơ như một phát hiện sâu sắc, một kinh nghiệm sống quý báu. Luỹ thép Vĩnh Linh từng là niềm tự hào một thời không chỉ riêng của Quảng Trị, mà còn của cả nước.
Phạm Dũng