Lưu trữ cho từ khóa: trang vinh hoang

Thần đồng làng Trạng Vĩnh Hoàng

Dù chỉ mới 12 tuổi nhưng Trần Quốc CườngTrần Nhật Khanh (ở thôn Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã nổi danh khắp làng, khắp xã về tài nói trạng.  

than-dong-lang-trang

Trần Nhật Khanh (trái) và Trần Quốc Cường, hai “thần đồng” đất trạng – Ảnh: Nguyễn Phúc

Truyền nhân của cụ Chư

Như đã viết ở bài trước, cụ Trần Hữu Chư (76 tuổi, ở thôn Huỳnh Công Tây) được xem là bậc thầy kể chuyện trạng, là báu vật sống của làng trạng Vĩnh Hoàng. Khi được hầu chuyện cụ, người viết mới nghe cụ khiêm tốn nói rằng, cuộc đời mình chưa làm được gì nhiều cho quê hương ngoài việc bỏ công sưu tầm chuyện trạng và đào tạo được một đứa học trò nhỏ ưng ý.

Đứa học trò nhỏ mà cụ Chư nhắc đến chính là Trần Nhật Khanh. Đó là một chú bé bình thường như tất cả các chú bé khác ở làng trạng, duy chỉ có đôi mắt to, đen láy như hớp hồn người đối diện và cái miệng mỏng lém lỉnh là khác biệt. “Hồi nớ em mới 10 tuổi, hầu như ngày nào cũng qua nhà cụ Chư. Lúc đầu thì em chỉ ngồi nghe, sau rồi cụ dạy cho em cách kể những câu chuyện cũ, còn gần đây cụ sáng tác cho em nhiều chuyện mới chỉ để dành riêng cho em kể”, vuốt mái tóc le te phủ trán, chú bé nói.

Với kinh nghiệm hơn chục lần bước lên các sân khấu lớn nhỏ của xã, của huyện nên khi được yêu cầu, Khanh lập tức kể ngay một câu chuyện rất sinh động, với gương mặt hết sức biểu cảm: “Trưa nớ, tui ngồi sau quả dưa đào mấy cái lộ (hố) bắt mấy con tiên tiến chơi cho bui (vui). Rứa là ông tôi mới kêu: Cu Khanh ơi cu Khanh. Tui mới dạ một cấy thiệt to. Ông tui mới cười khà khà nói: “Ui cha chà, té ra thằng cu miềng nấp sau quả dưa mà miềng (mình) nỏ (không) chộ”. Rồi đó ông tui với tui mới đi về nhà. Thẳng đàng, cát nóng quá e lốt cả cẳng (chân), rứa nên tui mới đem ông tui ra ngoài đàng nhựa để bỏ ông lên côi ván trượt cho ông trượt về nhà. Thôi chừ tui không biết ông tui trượt tới mô rồi, tui chào bà con tui đi tìm ông tui cái đã”.

“Tam Mao” của làng Huỳnh Công

Tam Mao, cậu bé có 3 chỏm tóc, là một nhân vật trong bộ truyện tranh rất nổi tiếng của Trung Quốc Chuyện đời lưu lạc của Tam Mao (sau này được chuyển thể thành phim, được chiếu trên truyền hình VN). Còn “Tam Mao” của làng Huỳnh Công Tây có tên là Trần Quốc Cường (học lớp 6 Trường THCS Vĩnh Tú). Cái biệt danh đó gắn với Cường cách đây 2 năm, khi chú bé bước lên sân khấu, thấy khuôn mặt của chú ngồ ngộ, nên có người hét: “A, cái thằng Tam Mao…”. Thế là từ đó ai cũng gọi Cường bằng cái tên đó.

Người viết đã mất cả một buổi chiều để tìm “ông trạng con” vì người nhà cũng chẳng biết cậu bé tinh nghịch đi đâu. Đến cuối giờ chiều mới tìm được “Tam Mao” ở sân bóng. Cậu tâm sự biết bập bẹ chuyện trạng từ năm học lớp 3 và nói như người lớn rằng niềm đam mê của em là làm cho người khác cười.

Điều làm cho “Tam Mao” trở nên nổi tiếng là bởi ngoài việc nhớ các câu chuyện cũ, cậu có thể từ đó bịa thêm tình tiết mới, có lúc còn cập nhật cả tình hình thời sự. Ví dụ, với chuyện Cá đô bốn món, cậu kể theo một phiên bản cực “độc”: “Trưa nớ, cha tui cầm cái lại (lưỡi) câu phất ngang cuống họng con nghé, vứt ra giữa bàu Thủy Ứ. Đến lúc chiều chập choạng, nghe nước động hung, cha tui mới nói “Cú ni là trúng lớn rồi đây”. Đang nỏ biết mần răng thì có đoàn dân quân đi qua, tui mới mừng rợ kêu mấy chú giúp một tay, tí nữa có chi chia chắc. Mấy chú dân quân đánh trần cùng cha con tui lấy hết sức kéo thì mới kéo được đực cá to lên bờ.

Rứa bơ đoạn nớ, cha con tui với đoàn dân quân cầm dao, cuốc, rạ để phát cho hết bộ vảy của con cá, còn đống thịt thì chia chắc, mỗi người mỗi đực bao tạ. Một chặp tự nhiên cha tui hỏi: “Ơ, cái thằng con miềng hôm ni lạ hè, thịt đó ăn không hết mi còn tiếc chi mà lấy đống vảy với xương?”.

Xem video Trần Quốc Cường nói trạng:

https://www.youtube.com/watch?v=nwMGhn4qY6w

Đoạn nớ tui mới nói: “Cha nờ, cha có biết đống vảy với xương ni mần chi không. Cô hiệu trưởng con dạy rồi lá lành phải đùm lá rách. Thôi, miềng ủng hộ chọ vảy ni ra ngoài đảo Trường Sa để cho ngư dân họ lợp lại cái mái của tàu để chống cái vòi rồng của tàu Trung Quốc cha nờ. Còn đống xương cha cũng gửi ra ngoài nớ luôn cho họ đóng tàu to, chống lại quân thù khi chúng gây gổ trên biển Đông”. Đoạn nớ, cha tui mới đánh 2 đực container về, một đực chở bộ vảy, một đực chở bộ xương. Ra đến ngoài đảo rồi. Từ đó, tháng mô ngư dân Trường Sa cũng gửi cá vô cha con tui tê, cha con tui phải chia cho cả làng vì ăn không hết…”.

Nói hai chú nhóc Cường và Khanh là “tương lai của làng trạng” quả… hơi tội, vì dù sao chúng chỉ mới 12 tuổi mà phải gánh trọng trách quá lớn. Nhưng nghe những lời khen “thiệt roọt” của người dân làng trạng dành cho hai đứa mới biết, làng trạng đặt kỳ vọng vào hai cậu rất nhiều.

[nguon]Nguồn: http://thanhnien.vn/van-hoa/truyen-ky-lang-trang-vinh-hoang-than-dong-lang-trang-549568.html[/nguon]

Đầu tét bom bi

Năm 1968 giặc Mỹ đánh phá ác liệt quá làm cho đồng bào ở giới tuyến lúa ngoài đồng đã chín rộ mà không sao đi gặt được.

bom-bi
Khu đội Vĩnh Linh triệu tập anh em dân quân chúng tôi  lên giao nhiệm vụ đi gặt lúa giúp dân.

Chúng tôi nhận lệnh và chuẩn bị đầy đủ trang bị vũ khí để chống trả máy bay Mỹ. Chúng tôi không có mũ sắt phải dùng mũ rơm.

Trong lúc đang gặt một chiếc V.O-10 thấy chúng tôi, nó liền tín hiệu cho máy bay phản lực ở hạm đội 7 ào đến bu lại từng đàn.

Chúng tôi liền tản ra bám vào công sự bắn trả quyết liệt vào máy bay. Bom đạn, Roóc két từ trên máy bay bắn xuống loạn xạ, chúng định ngăn cản quyết không cho chúng tôi gặt.

Hễ chúng bớt bắn phá là chúng tôi lại tiếp tục gặt, đợt thứ hai rồi thứ ba, thứ tư. Đợt thứ tư tôi vác lúa chạy vô hầm chưa kịp  thì bom bi trên máy bay rải xuống kêu rè rè trên đầu. Một trái rơi trúng người tôi, tôi chỉ kịp nghiêng đầu tét lấy. Kẹng lạo quấn vào tóc và mũ rơm tôi không sao nổ được. Tôi liền túm lấy lôi xuống, tay túm đuôi tháo hạt nổ và thuốc nổ ra. Tôi ngắm ngía một hồi rồi nảy ra ý định đem về làm cái đèn phòng không cũng tiện.

Đến lúc về nhà soạn sửa đi tắm tôi tháo mũ rơm ra, tay vuốt lên đầu thấy máu chảy cả tay. Tôi gọi vợ tôi vào xem  thử, vợ tôi liền phéc tóc tôi ra thì thấy có một mẻ bom sáng choé đang chốc đứng trên đầu tôi, rứa mà tôi chẳng nghe đau đớn chi cả. Vợ tôi lấy cái kìm rút mẻ bom ra, lau sạch máu, cho vào một ít bột pê-nê-xi-lin vào và băng lại. Tôi đi tắm để ngày mai tiếp tục đi gặt.

Hữu Chư.

Đi bán sắn bị kiểm lâm bắt

Trời thì chưa sáng nhưng chợ huyện lại xa nên ông bà nhà tôi phải đẩy một xe sắn đi chợ huyện sớm. Lên đến dốc 6 độ tôi thấy có ánh đèn le lói, liền giục bà nhà tôi đẩy nhanh lên cho kịp buổi chợ. Đột nhiên một chú kiểm lâm đứng ra giữa đường, ách chúng tôi lại rồi bắt tôi vào cơ quan. Tôi hỏi lí do, chú kiểm lâm bảo:

– Bác vào cơ quan rồi sẽ biết!

ban-san-bi-kiem-lam-bat

Tôi ngớ người ra, chẳng hiểu đầu đuôi sự việc ra sao, bị lập biên bản liền. Tôi tức quá mới hỏi: Tôi có tội chi mà mấy chú bắt tôi lập biên bản?

– Bác đã vi phạm Lâm luật của nhà nước, khai thác gỗ nhà nước lại đêm hôm lén lút đem đi tiêu thụ.

Tôi kêu lên: Trời ơi mấy chú vu oan cho tôi rồi, không tin thì mấy chú ra ngoài xe mà xem.

Họ ra đến xe, lật lên  thì toàn là sắn chẳng thấy gỗ đâu cả.

Tôi nói: Rứa thì có oan không?

Sự vệc đã rõ ràng họ mới xin lỗi tôi: Sắn của bác củ nào củ nấy cứ sườn sượt ra như rứa chẳng khác chi gỗ bạch đàn, thử hỏi ai mà không nhầm chứ. Việc lỡ ra rồi, chúng tôi xin lỗi bác, mời hai bác lên đường kẻo trưa. Chúng tôi đẩy xe sắn đi trong lòng vẫn chưa hết bực bội.

Hữu Chư.