Lưu trữ cho từ khóa: vinh tu

Làng 400 năm nói trạng

Suốt hơn 400 năm qua, làng trạng Vĩnh Hoàng (xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) vẫn luôn lưu truyền những nét văn hóa độc đáo của tổ tiên để lại. Trời phú cho người dân nơi đây biệt tài nói khoác qua nhiều thế hệ mà hiếm nơi nào có được. Đặc biệt nhiều đôi nam nữ từ chỗ “kỳ phùng địch thủ” trong các cuộc thi trổ tài nói khoác đã bén duyên thành vợ chồng.

lang-noi-trang-vinhhoang-2015
Nét văn hóa độc đáo

Trong chuyến công tác tại Quảng Trị, chúng tôi có dịp đến thăm làng trạng Vĩnh Hoàng, xã Vĩnh Tú vào một ngày giáp Tết. Đến với mảnh đất nổi tiếng này để biết thêm về những giai thoại độc đáo, hài hước. Con người ở đây thật bình dị, quanh năm gắn bó với đồng ruộng. Đi vòng vèo vài con đường, dễ nhận ra ngôi làng vẫn nằm trong một vùng nguyên sơ, nghèo nàn và cả những ruộng lúa pha lẫn đất cát.

Qua giới thiệu, chúng tôi được đám trẻ dẫn đến nhà vợ chồng ông Trần Đức Trí (78 tuổi) và bà Trần Thị Liệu (75 tuổi). Hai người được coi là cặp “siêu cao thủ” có biệt tài nói khoác nổi tiếng ở làng Vĩnh Hoàng. Thấy khách lạ đến chơi, bà Liệu đon đả rót nước tiếp chuyện.

Quả đúng là như lời đồn đại, bà Liệu là người rất dí dỏm và mỗi câu chuyện của bà luôn mang đậm chất hài hước. Bà Liệu cho hay, cả hai vợ chồng vừa từ làng bên về. Bà Liệu dứt chuyện thì ông Trí lại làm mọi người cười nghiêng ngả với những câu chuyện tếu táo, những câu nói bốc phét độc đến lạ thường.

Theo như lời kể của vợ chồng nghệ nhân Trần Đức Trí thì làng trạng Vĩnh Hoàng thực chất là làng Huỳnh Công (gồm 3 thôn Huỳnh Công Tây, Huỳnh Công Đông và Huỳnh Công Nam) thuộc xã Vĩnh Tú ngày nay. Nói thêm một chút về lịch sử, Vĩnh Hoàng là danh từ cổ, chỉ tên gọi trước đây của cả 4 xã Vĩnh Tú, Vĩnh Nam, Vĩnh Thái, Vĩnh Trung ngày nay. Trong địa phương rộng lớn này thì chỉ có mỗi làng Huỳnh Công có “nghề” sáng tác và kể chuyện trạng. Cho nên người ta có thể nói “chuyện trạng Huỳnh Công” hay “chuyện trạng Vĩnh Hoàng” đều là một.

“Đã là người Vĩnh Hoàng thì ai cũng biết nói trạng, có nhiều người thường đùa vui rằng đây là vùng đất nói khoác. Nhưng nói khoác theo kiểu Vĩnh Hoàng chứ không phải là kiểu nói láo, nói sai sự thật với mục đích ba hoa, lừa gạt người khác. Mà trái lại, chuyện bắt đầu từ một sự việc có thực rồi chúng tôi hư cấu thành một chuyện hiển nhiên như thực, rất tự nhiên và đầy hài hước. Từ đó tạo nên những tiếng cười đầy sảng khoái làm cho dân làng có thêm nghị lực sống lạc quan và yêu đời”, ông Trí cho hay.

Được biết làng Vĩnh Hoàng xưa nghèo khổ, phải vật lộn với thiên tai, giặc dã để mưu sinh. Trên cuộc hành trình gian khổ đó, người dân có một vũ khí rất lợi hại để tự động viên mình, đó là chuyện trạng. Và trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, người ta đã sinh ra cả ngàn chuyện trạng, thành kho tàng đặc sắc.

Cứ thế họ kể cho nhau nghe quên ngày tháng lao động vất vả, từ thế hệ này qua thế hệ khác và cũng chỉ “nói khoác” toàn thứ vô hại, tếu táo làm quà vui hoặc gặp mặt dịp đầu xuân hay lễ lạt. Nhưng độc đáo, kỳ lạ ở chỗ không ít cặp vợ chồng như ông Trí, bà Liệu lại có được lương duyên từ những câu chuyện khoác lác ấy.

Nên duyên nhờ… bốc phét

Theo truyền thống bao đời nay, cứ vào mỗi dịp đầu xuân, người dân xã Vĩnh Tú thường tổ chức các cuộc thi kể chuyện cười. Mỗi dịp như vậy luôn thu hút mọi tầng lớp từ già trẻ, gái trai hăng hái tham gia. Cũng từ đó, biết bao đôi trai tài gái sắc bén duyên nhau từ chỗ “kỳ phùng địch thủ” trong các cuộc thi. Được biết, ông Trí, bà Liệu là một trong số những cặp vợ chồng đến với nhau từ những cuộc thi như vậy.

lang-noi-trang-2015
“Tôi với chồng vốn cùng trang lứa, lại cùng chung một làng nên thời kỳ chiến tranh hay tham gia tăng gia sản xuất cùng nhau. Mỗi lúc nghỉ giải lao, cấp trên thấy tôi và chồng tôi có khiếu hài hước nên hay bảo chúng tôi kể chuyện pha trò giúp mọi người có những giây phút giải trí quên đi mỏi mệt. Ông ấy cứ thế say sưa kể chuyện, mọi người cứ cười lăn cười bò, riêng tôi thì im lặng, không nói câu gì. Chẳng chịu kém cạnh, đợi ông ấy kể xong tôi lại vẽ ra một câu chuyện khác thế là mọi người lại được dịp cười hả hê, chồng tôi cũng cười. Hồi ấy, chúng tôi chỉ gặp nhau ở trên đồng ruộng là chủ yếu. Mãi cho đến lần gặp gỡ, cuộc thi kể chuyện trạng đầu xuân được tổ chức ở làng thì ông ấy mới ngỏ lời yêu tôi. Ở làng này nhiều cặp đôi bén duyên nhau từ các cuộc thi kể chuyện trạng lắm, chẳng hạn như vợ chồng cụ Trần Hữu Chư và cụ Võ Thị Nương…”, cụ Liệu tâm sự.

Chúng tôi cũng được cụ Trí kể lại nhiều câu chuyện hài hước, nghe xong mà thấy thích thú làm sao, ai cũng phải bật cười. Một trong số đó là câu chuyện “lỡ một buổi cày”. “Bữa đó, nhà có mấy mảnh ruộng, tôi đi cày sớm nên dặn vợ chuẩn bị cơm nước. Khi gà vừa cất tiếng gáy, vợ tôi đã làm sẵn một bầu nước chè đặc với mo cơm nếp xáo khoai, bay mùi ra thơm lắm. Tôi nghe đã thích liền dắt bò một mạch tận rừng. Thấy trời chưa sáng, tôi cho đàn bò ăn một lúc. Sau đó tôi chọn lấy một con rồi buộc vào cày và bắt đầu cày ruộng. Cày một hồi đến khi mặt trời lên mới biết cái con đang kéo cày không phải là bò mà là… cọp. Sẵn cái rựa trong tay, tôi chặt một nhát thật mạnh, cái thân cày liền đứt đôi. Lão cọp khiếp, chạy một mạch vô rừng, không nhìn lại. Vậy là tôi lỡ mất một buổi đi cày…”.

Trong kho tàng hàng ngàn câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng không chỉ có những câu chuyện từ thời xưa để lại mà nó luôn được đổi mới sáng tạo. Cứ mỗi dịp cuối tuần, các cụ già thường tập trung đám trẻ con trong làng tại sân nhà văn hóa thôn và kể cho chúng nghe những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng.

Đặc biệt, dù tuổi đã cao, nhưng bất cứ khi nào có dịp các cụ lại hăng hái lên sân khấu thi tài nghệ “bốc phét” cho thế hệ trẻ học hỏi thêm. Những nghệ nhân làng trạng Vĩnh Hoàng đang nỗ lực cố gắng dành toàn bộ phần đời còn lại để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ, với tâm nguyện tầng lớp trẻ sẽ giữ được hồn phách, bản sắc văn hóa độc đáo của cha ông.

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng bao đời nay vẫn vậy, luôn gần gũi và thơ mộng. Nơi ấy, những câu chuyện hài hước tiếp tục được sáng tạo, tựa như mạch ngầm của quê hương tuôn chảy đã bao đời để những rặng trâm bầu mãi xanh ngát. Lúc chia tay, cụ Trí có đọc tặng chúng tôi bài thơ mà cụ vừa sáng tác cho dịp đầu xuân sắp tới: “Làng Trạng quê tôi đẹp tuyệt vời/Có rặng trâm bầu, có dòng suối mát/Chuyện làng trạng quê tôi thành vợ thành chồng/Ai mà ế vợ ế chồng/Đi về làng trạng tức thời có ngay”.

Lễ hội nói chuyện trạng

Bà Hoàng Dạ Hương, Trưởng ban văn hóa xã Vĩnh Tú cho biết: “Lễ hội kể chuyện trạng ở Vĩnh Hoàng được tổ chức mỗi năm một lần vào dịp đầu xuân. Phần thưởng chỉ là những món quà nhỏ như cái phích nước, cái đài radio… nhưng tất cả người dân trong làng từ đứa trẻ chín, mười tuổi cho tới cụ ông, cụ bà tám, chín mươi tuổi đều hăng hái lên sân khấu tham gia thi thố tài nghệ kể chuyện trạng của mình. Đây chính là truyền thống văn hóa độc đáo của làng Huỳnh Công mà không nơi nào có được”.

Theo Đời Sống Pháp Luật

Hãy cứu lấy bàu Thuỷ Ứ Vĩnh Tú

Nói đến bàu Thủy Ứ – một địa danh chắc hẳn đã không còn xa lạ với những ai đã từng sống, từng đến và từng biết về làng quê Vĩnh Tú. Bàu Thủy Ứ là mạch nguồn, là trái tim, lá phổi, là nguồn sống của người dân nơi đây. Và cũng là một trong những nguồn cội để bắt đầu câu chuyện trạng của ngày xửa, ngày xưa: con cá Đô làm bảy món, vảy cá chép để lợp nhà

bau-thuy-u-vinh-tu

Phải nói rằng bàu Thủy Ứ là một trong những ưu đãi tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân Vĩnh Tú. Bao đời nay, Bàu thủy Ứ đã nuôi sống nhiều gia đình bởi nguồn thủy sản tôm, cá, dồi dào vô kể. Ngoài những nguồn lợi về thủy sản, bàu còn là một cảnh quan sinh thái tuyệt vời, khí hậu mát mẻ, trong lành. Hai bên bàu làng quê trù phú xanh tươi với phong cảnh sơn thủy hữu tình ít nơi nào có được. Nhiều thế hệ đã lớn lên trưởng thành từ con sông quê với cái tên mộc mạc, giản dị này. Nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều cơ quan, xí nghiệp như Bảo tàng, Xí nghiệp in, Đoàn nghệ thuật Bình Trị Thiên đã về đóng quân bên hai bờ bàu.

https://www.youtube.com/watch?v=xQJ1HJqrFRM

Đây là nơi tiếp nhận thương binh từ tiền tuyến ra, và là nơi tạm nghỉ chân của lớp lớp đoàn quân chuẩn bị vào tiếp sức cho Miền Nam. Địa danh bàu Thủy Ứ dường như đã trở nên quen thuộc trong tâm trí của bao người. Bàu được gắn với những ký ức đẹp đẽ về một thời hào hùng, oanh liệt của cả dân tộc, cùng với những câu chuyện trạng hài hước và đầy sảng khoái mang khí chất của con người Vĩnh Tú, chiếc nôi của quê hương nói trạng Vĩnh Hoàng.

Theo những người già trong làng kể lại: Bàu Thủy Ứ được nuôi dưỡng bởi hai nguồn nước chính. Nguồn nước thứ nhất là từ giếng mội. Long mạch này bắt nguồn từ đầu làng, nằm giữa một khu rừng nguyên sinh cây cối quanh năm tốt tươi, trù phú. Có lẽ thế nên người dân Vĩnh Tú gọi là rú Trù. Phía đông tiếp giáp với địa phận xã Vĩnh Trung, phía nam giáp với Vĩnh Nam. Miệng giếng rất to và mạch nước ngầm phun lên rất mạnh. Nước trong veo, ngọt lừ, dù sâu thăm thẳm nhưng vẫn nhìn thấy tận đáy. Để tận dụng nguồn nước quý này, các thế hệ đi trước đã đào một con mương dẫn nước ra bàu. Nguồn nước thứ hai là ngầm nước mạch tự nhiên trong lòng bàu, cùng với những mội nhỏ nằm san sát bên bờ, thường xuyên phun lên giống như những chiếc giếng nhỏ góp phần tăng thêm nguồn nước cho bàu Thủy Ứ và tưới tắm cho những sinh vật phù du sống gần bờ. Mang tên là bàu Thủy Ứ nhưng nước trong lòng bàu vẫn luôn vận động, lưu thông ra biển.

bau-thuy-u-Panorama

Ngày xưa, dường như ý thức sâu sắc về giá trị của bàu Thủy Ứ, để bảo vệ, giữ gìn báu vật của làng không bị bồi lấp, xâm hại, các thế hệ cha ông đã quyết giữ cánh rừng nguyên sinh bên kia bàu, gọi là rú Hàn. Những cây trâm bầu, cây ve, cây dẻ đủ loại, làm thành tầng, thành lớp, thành một vành đai chắn cát rất hiệu quả. Xa hơn nữa là bạt ngàn rừng dương liễu, bạch đàn chống gió, chống cát từ động cát Voi, Vĩnh Thái thổi vào. Hồi đó, chúng tôi hay sang rú Hàn hái củi khô. Không ai dám chặt phá cây vì sợ ông Thương giữ rú bắt phạt. Bàu Thủy Ứ quê tôi dưới sự nâng niu, bảo vệ của bao người vẫn giữ được nguyên vẹn hình hài, với dòng nước xanh trong, mát lạnh và nuôi dưỡng trong lòng nó vô vàn thủy sản, tôm, cá và các loại động vật như ba ba, rùa, cứ ngày một sinh sôi nảy nở làm thành nguồn lợi lớn cho cả làng. Ngoài nguồn lợi tôm cá phong phú đủ các chủng loại từ trong lòng bàu Thủy Ứ, người dân quê tôi thường tận dụng hai bên bờ bàu để cấy nếp cái. Đất bùn hai bên bờ tốt đến nỗi chỉ cần cắm mạ xuống, chẳng cần chăm sóc, vun bón gì chỉ chờ đến khi thu hoạch. Cây nếp vẫn tốt tươi, trĩu cành, nặng hạt. Vui nhất là vào mùa tháng tám, khi những trận mưa lũ ào về, nước bàu dâng to, cả làng tôi rủ nhau đi gặt, lội nước oàm ạp, vừa gặt nếp vừa bắt được những con cá chép to, vàng ươm mỡ màng. Cả làng chuyện trò cười nói rôm rả, vui như ngày hội. Gặt xong, gia đình nào cũng chọn những bó nếp xanh làm món cốm rang. Bên ngoài trời mưa rả rích, nằm cuộn tròn trong chăn vừa đọc sách, vừa nhai tí tách những hạt cốm thơm dai, béo ngậy. Cảm giác thật hạnh phúc, thật ấm áp.

Không ai có thể tin được rằng, sau gần ba mươi năm, những câu chuyện có thật ấy chỉ còn là cổ tích đối với lớp trẻ, và kỷ niệm nằm lòng trong ký ức xa xưa của những người lớn tuổi. Bàu Thủy Ứ hiện nay đã không còn như trước nữa. Nguồn nước đang cạn kiệt. Lòng sông nhỏ hẹp dần bởi đất hai bên bờ bồi lấp một cách nhanh chóng. Các sinh vật phù du có ích lần lượt bị triệt tiêu. Thay vào đó là các loại rong rêu trơn trượt và các loại vật có hại như đỉa ngày một sinh sôi nảy nở. Không chỉ biến đổi về hình dạng, nguồn thủy sản tôm cá trong lòng bàu cũng đang cạn kiệt, bởi nguồn nước không còn trong lành như trước và cách khai thác tùy tiện, mang tính hủy diệt tận gốc của con người. Tận mắt chứng kiến sự biến đổi bất thường của con sông quê, tôi cảm thấy xót xa, đau đớn như bị mất mát một phần cơ thể. Qua tìm hiểu những người cao tuổi trong làng, tôi được biết một phần nguyên nhân làm bàu Thủy Ứ ngày càng “suy kiệt”.

hay-cu-lay-bau-thuy-u

Bắt đầu từ công cuộc sáp nhập hợp tác xã bậc cao là rừng dương bị triệt phá hoàn toàn, Rú Hàn cũng tan hoang không còn dấu tích kéo theo bao nhiêu hệ lụy khác về môi trường. Cát bắt đầu lấn dần xuống bờ bên kia của bàu Thủy Ứ. Dù bây giờ Rú Hàn đã được thay thế bằng rừng trồng, nhưng không thể giữ được cát lấp như trước đây. Vào những năm trước, để có đất trồng cây cao su, người ta đã chặt phá Rú Trù và san lấp giếng Mội không chút đắn đo, cân nhắc, suy xét hậu quả. Để rồi long mạch của làng, cũng như mạch nước ngầm lớn nhất cung cấp cho bàu Thủy Ứ đã không còn nữa. Một nguyên nhân khác là từ trước đến nay, nguồn nước trong lòng bàu Thủy Ứ luôn giữ một lưu lượng nhất định, vì dòng mương chảy ra biển hẹp, con mương này được các thế hệ cha ông tạo ra như một sự điều tiết cần thiết vào mùa lũ để nước không làm ngập hai bên bờ làng mạc. Mùa hè nước chỉ chảy một lượng rất nhỏ. Còn bây giờ, trong quá trình khai thác ti tan, những động cát ông Voi đã bị phá hủy, gần như san bằng, không còn dòng mương điều tiết nên mùa mưa, hay mùa hè  lượng nước hàng năm từ bàu chảy ra biển rất lớn. Tất cả lý do đó đã làm cho dòng sông cứ cạn dần đi. Hình hài của nó cũng biến dạng. Có chăng bàu chỉ còn giữ lại một phần dưới hạ nguồn Mỹ Tú.

Phải nhìn nhận một cách khách quan rằng: Trong công cuộc đổi mới, quê hương đã có những đổi thay thật sự đáng mừng. Ta nhìn thấy tận mắt, sờ tận tay những điều làm được, cảm nhận rõ ràng những thay đổi lớn lao đang hiển hiện trong đời sống hàng ngày. Bên cạnh niềm vui, niềm hãnh diện ấy, vẫn còn nhiều nỗi buồn, thất vọng bởi những giá trị đích thực của cuộc sống đang bị mất dần đi mà ít ai cảm nhận được. Vẫn biết trong cuộc đời luôn song hành những điều được mất, chúng ta chấp nhận sự đánh đổi để có những điều thay đổi lớn lao hơn. Nhưng sao vẫn thấy ngậm ngùi, đau xót. Thiên nhiên vốn rất ưu ái với con người nhưng cũng rất nghiệt ngã nếu con người không biết bảo vệ, trân trọng, giữ gìn, chỉ biết tận hưởng, khai thác nó một cách triệt để, không thương tiếc. Chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho hành động vô cảm trước thiên nhiên. Tất nhiên sự trả giá này không phải ngày một, ngày hai và ai cũng có thể cảm nhận được. Chính sự thờ ơ, vô cảm, cũng như tầm nhìn hạn hẹp của con người đã vô tình đánh mất những giá trị quý giá mà cha ông ngày trước quyết tâm giữ gìn, bảo vệ, nâng niu. Sẽ là bất hiếu với cha ông, và có tội với con cháu mai sau, khi chúng ta không giữ gìn và bảo vệ được “báu vật” của làng. Những giá trị làm nên sự giàu có trong tâm hồn người Việt. Đi xa ngàn dặm vẫn đau đáu nhớ thương, lòng vẫn hướng về nguồn cội với những hình ảnh thân thương, gần gũi như cây đa, bến nước, sân đình.

Mấy năm trước, trong một dịp về thăm nhà, nghe cha tôi hồ hởi khoe: nghe nói sắp tới sẽ có một dự án lớn khôi phục và xây dựng khu du lịch sinh thái hai bên bờ bàu Thủy Ứ. Một con đường rộng sẽ được mở chạy dọc theo bờ bàu từ Thôn Tây đến Mỹ Tú. Bàu Thủy Ứ sẽ trở thành khu du lịch lý tưởng với một môi trường sinh thái trong lành, cùng với việc bảo tồn văn hóa phi vật thể chuyện trạng Vĩnh Hoàng… Tôi đã rất vui mừng và hồ hởi chờ đợi dự án này, hy vọng nó sẽ làm cho bàu Thủy Ứ sống lại và làm thay đổi diện mạo hai bên bờ bàu, đồng thời mở ra một hướng đi mới cho người dân Vĩnh Tú trong công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn mới. Nhưng rồi nhiều năm qua đi, dự án mà người dân mong đợi vẫn chưa thấy triển khai gì. Trong khi đó bàu Thủy Ứ đang từng ngày, từng giờ chống chọi với sự bồi lấp, xâm lấn và sự khai thác bừa bãi của con người.  

Xin hãy cứu lấy dòng sông, cứu lấy bàu Thủy Ứ. Những người con của làng, những người đi xa, những người đang ở lại, kể cả những người có trách nhiệm hãy một lần lắng nghe lời kêu cứu từ bàu Thủy Ứ, làm điều gì đó để cứu lấy dòng sông trước khi chưa quá muộn…

Nguồn Tạp Chí Cửa Việt