Chuyên mục lưu trữ: Tin ngoài làng

Vị lương y cứu sống hàng trăm người bị chó dại cắn

Trung bình mỗi năm có từ 800-1.000 bệnh nhân đã sử dụng bài thuốc trị độc khi bị chó dại cắn của lương y Lê Văn Sơn, hầu hết họ đều được cứu sống. Trong số đó, nhiều người bị bệnh viện “chê” trả về, nhiều người nguy kịch, sùi bọt mép, phát điên, gầm rú… nhưng chỉ sau một vài ngày, thậm chí vài giờ đã được anh chữa khỏi.

Lương y tiêu biểu của Việt NamLương y Lê Văn Sơn nhận giải “Lương y tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng” (ảnh do nhân vật cung cấp).

Mục sở thị lương y trị độc dại

Chúng tôi tìm về nhà anh Sơn (thôn Thủy Tú 2, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), thầy lang có biệt tài chữa bệnh chó dại cắn. Vì không hẹn trước nên đến tận trưa chúng tôi mới có dịp ngồi trò chuyện cùng anh. Anh tâm sự: “Tôi là thế hệ thứ năm trong một gia đình có nghề thuốc gia truyền. Từ nhỏ đã được theo cha chữa bệnh và học nghề, lớn lên dù công việc bộn bề nhưng tôi vẫn dành thời gian chữa bệnh cứu người”.

Sinh năm 1966, là con thứ tám trong một gia đình có chín người con, năm 1987, sau khi xuất ngũ anh được cha truyền nghề. Sau bốn năm học lý thuyết, bước sang năm thứ năm anh mới được thực hành và đến năm 2001 anh chính thức trở thành một thầy thuốc chữa bệnh cho bà con trong chòm xóm. Những bệnh nhân ở địa phương khác nghe tiếng anh chữa bệnh giỏi cũng đã tìm đến.

Anh Sơn tâm sự: “Cha tôi trước đây cũng là một thầy thuốc Nam giỏi có tiếng, tôi được cha dạy cho rất nhiều bài thuốc và phương pháp trị bệnh hay. Tuy nhiên, tôi thấy thích thú và ham tìm hiểu về cách cứu chữa cho người bị chó dại cắn nhất, vì đây là bệnh thuộc nhóm nguy hiểm và cũng là bệnh mà tôi mất nhiều thời gian học tập, nghiên cứu nhất. Hơn nữa, do người bị chó dại cắn rất nguy hiểm tới tính mạng, nếu không được cứu kịp thời. Hiện tại, tôi vẫn tham gia công tác ở xã và làm nương rẫy nên khá bận, không thể đi lấy nhiều loại thuốc để chữa các bệnh khác được. Dự định sau khi nghỉ hưu, tôi sẽ có thêm thời gian tìm thuốc chữa tất cả những bệnh mà cha tôi từng dạy để chữa cho bà con”.

Không chỉ là một thầy thuốc, anh còn là một nông dân sản xuất giỏi, là Chủ tịch hội Nông dân của xã Vĩnh Tú. Công việc bận rộn, tất bật của một cán bộ, một nông dân với 6 sào tiêu, 2 ha cao su, 17 ha rừng tràm và một trang trại chăn nuôi lợn, gà, cá nhưng mỗi năm, vào mùa xuân anh đều dành thời gian cho việc đi hái lá thuốc phục vụ cho việc chữa bệnh của mình.

luong-y-2Lương y Lê Văn Sơn.

Bài thuốc kỳ diệu

Không có nhiều thời gian, không thể chữa hết tất cả những bệnh mà mình đã được học, anh chỉ chọn một vài bệnh như bệnh chó dại cắn và rắn cắn để nghiên cứu chữa chạy cho bệnh nhân.

Chó dại cắn là một trong những bệnh nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong cao cho con người nếu không được cứu chữa kịp thời. Vì vậy, việc chữa trị một cách nhanh chóng ngay sau khi bị chó dại cắn là việc cấp bách. Người bị chó dại cắn có biểu hiện qua từng ngày như sau: Ngày thứ nhất bệnh nhân bị đau đầu, sốt nhẹ; ngày thứ hai bệnh nhân có cảm giác tức ngực, nóng ở cổ, phát ho và biểu hiện hen. Đến ngày thứ ba, họ có cảm giác ngợp nước, sợ ánh sáng, sợ gió. Sang ngày thứ tư họ tru tréo, sùi bọt mép…

Người bị chó dại cắn, nếu kịp thời được đưa đến nhà anh Sơn trong ba ngày đầu thì tỉ lệ sống là 100%, qua đến ngày thứ tư thì tỉ lệ đó giảm xuống chỉ còn 50%, vì lúc này độc tố đã phát tán khắp cơ thể, các chất đề kháng trong người bị tổn hại nhiều, vi rút độc dại thắng thế. Tuy nhiên, diễn biến bệnh còn phụ thuộc nhiều vào sức đề kháng của nạn nhân. Anh Sơn chia sẻ: “Tùy sức đề kháng của từng người bị chó dại cắn mà sức sống và khả năng cứu chữa cao hay thấp. Những người sức khỏe tốt, sức đề kháng cao thì có thể chịu được bảy ngày, nhưng cũng có người chỉ sau một ngày bị chó dại cắn đã tử vong vì độc tố lan nhanh, tim mạch bị vỡ, tim gan nhũn…”. Đặc biệt, khi bị chó dại cắn nếu để bệnh nhân nằm yên không vận động nhiều và đến lấy thuốc kịp thời thì sớm được chữa lành.

Chẳng hạn như trường hợp của anh N.M.H. (ở cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị) bị chó dại cắn, bệnh viện Trung ương Huế trả về sau ba ngày nằm điều trị, người nhà anh H. tìm đến anh Sơn cầu cứu. Chỉ sau ba giờ chữa trị, anh Sơn khẳng định bệnh nhân đã được cứu sống trước sự vui mừng tột cùng của gia đình. Anh Sơn cho biết, dù độc tố đã phát tán nhưng do anh H. có sức đề kháng khá tốt nên mới được cứu chữa khỏi. Có nhiều trường hợp đến tìm anh khi bệnh nhân đã sùi bọt mép, người phát điên dại, co giật, rên rỉ, cào cấu nhưng đều được cứu sống bằng bài thuốc gia truyền mà cha ông để lại. Trường hợp nhẹ thì sau một vài giờ là hết, nặng thì vài ngày đến một tuần sẽ khỏi hẳn.

Bài thuốc mà anh dùng chữa trị cho mọi người là bài thuốc Nam, chủ yếu là từ các loại lá rừng. Các loại cây lá này đều dễ kiếm ở khu vực rừng núi trên địa bàn huyện Vĩnh Linh. Được biết, một liều thuốc đẩy độc toàn bộ trị chó dại cắn trọn gói là 500 nghìn đồng, một liều thuốc phòng bệnh dại có giá 200 nghìn đồng. So với điều trị bằng thuốc Tây, thì giá thuốc trị bệnh dại này hiệu quả và rẻ hơn rất nhiều.

Anh Sơn cho biết, hàng năm, mỗi khi Tết đến, xuân về, anh lại bắt đầu vào rừng lấy thuốc, sau đó về phơi khô dự trữ dùng cả năm cho khoảng 800 đến 1.000 ca bệnh. Người đến cầu cứu anh không chỉ từ các tỉnh vùng lân cận mà cả những người từ Kon Tum, Vũng Tàu, Bình Định, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ninh Bình… cũng nghe tiếng anh mà tìm về. “Đặc biệt, khó quên nhất là trong trận bão Hải Yến hồi tháng 10 năm ngoái, cả nhà tôi đang loay hoay lo chống bão thì có người tất tả đội mưa, đội gió từ Thanh Hóa vào xin thuốc cho người nhà. Tôi chỉ kịp hỏi tình hình người bị chó cắn qua lời kể của người đàn ông này rồi vội vã lấy thuốc, dặn dò cách uống. Người này cũng vội vã ra xe về nhà. Sau này người đàn ông đó có gọi điện thoại vào báo tin người nhà được cứu sống và cảm ơn nhưng tôi cũng quên hỏi tên”, anh Sơn kể lại.

Anh Sơn cho biết thêm, một số bà con kiều bào và người nước ngoài cũng lặn lội về đây tìm anh mong được cứu chữa. Riêng năm 2013, có sáu người Mỹ, một người ở Cộng hòa Séc, năm người ở Lào về đây xin thuốc. Một số người sinh sống ở Mỹ còn gửi cả thư và địa chỉ về nhờ ông gửi thuốc qua Mỹ. Gần đây nhất, có trường hợp một ca bệnh ở thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) bị chó dại cắn mà để quá lâu, được bệnh viện Trung ương Huế xác định phải thay máu mới cứu sống. Người nhà tìm ra nhà anh Sơn với chút hy vọng cuối cùng, kể lại tất cả biểu hiện và kết luận của bệnh viện. Anh Sơn lấy thuốc và dặn dò cách uống, đến nay bệnh nhân đã hồi phục mà không cần thay máu khiến người nhà rất vui mừng.

Lương y tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng.

Tháng 6/2014, lương y Lê Văn Sơn được hội Y học Cổ truyền Việt Nam trao tặng danh hiệu Lương y tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng lần thứ nhất. Trung bình mỗi năm, anh cung cấp cho bà con từ 800 – 1.000 liều thuốc trị và phòng bệnh dại khi bị chó cắn, cứu sống hàng trăm người từ lưỡi hái tử thần.

[nguon]Theo Lê Giang – Hằng Mai (ĐSPL).[/nguon]

Gìn giữ chuyện Trạng Vĩnh Hoàng

Trạng Vĩnh Hoàng là một hiện tượng trào phúng độc đáo của văn học dân gian Quảng Trị, xuất hiện cách đây khoảng ba bốn trăm năm. Tuy nhiên, Trạng Vĩnh Hoàng đang có nguy cơ bị mai một vì hình thức kể chuyện truyền miệng. Trăn trở với sự mất dần của Trạng Vĩnh Hoàng, anh Nguyễn Văn Thanh, hiện công tác tại Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị đã cất công tìm tòi, nghiên cứu, ghi lại những chuyện Trạng để xuất bản một cuốn sách nhằm lưu giữ chuyện Trạng Vĩnh Hoàng.

huu-chuÔng Trần Hữu Chư giới thiệu bức tranh mình vẽ minh hoạ cho chuyện Trạng Vĩnh Hoàng.

Trạng Vĩnh Hoàng bắt nguồn từ những sự việc thật, được người kể biến hóa bằng cách cường điệu, hư cấu một cách có lý, mang tính hài hước làm cho người nghe tưởng tượng, ngạc nhiên mà cười để quên đi những khó khăn, gian khổ. Ông Trần Hữu Chư, một trong hai người sưu tầm và kể được nhiều chuyện Trạng Vĩnh Hoàng nhất ở Vĩnh Tú cho biết: Trong chiến tranh, Vĩnh Linh là vùng tuyến đầu ác liệt nhất, đã phải chịu sức hủy diệt tới 7 tấn bom và 70 quả đạn trên một cây số vuông. Nhưng người Vĩnh Hoàng vẫn lạc quan và họ vẫn nói Trạng và kể chuyện Trạng trong sinh hoạt hàng ngày, trong các hội nghị của huyện, trong chiến hào, trên mâm pháo, dưới địa đạo.

Trăn trở trước sự mai một của chuyện Trạng, anh Nguyễn Văn Thanh đã cất công tìm về làng Trạng Vĩnh Hoàng để gặp các vị cao niên trong làng ghi lại những chuyện trạng. Anh Thanh vốn không phải là người quê Quảng Trị, nhưng sau nhiều lần được nghe kể chuyện Trạng Vĩnh Hoàng đã say mê chuyện Trạng. Năm 2007 anh đã quyết tâm tìm tòi, sưu tập để biên soạn một cuốn sách về chuyện Trạng.

Cả vùng Vĩnh Hoàng xưa giờ chỉ còn hai người biết nhiều và kể được chuyện Trạng Vĩnh Hoàng là ông Trần Hữu Chư và ông Trần Đức Trí. Do vậy, những ngày nghỉ, anh Thanh đi xe máy gần 40 km từ thành phố Đông Hà ra làng Huỳnh Công Tây, Vĩnh Tú để nghe kể và ghi chép lại những câu chuyện Trạng. Đặc biệt anh đã khai thác được khá nhiều chuyện Trạng từ ông Trần Hữu Chư, người trước đây đã từng có hàng chục năm ghi chép lại chuyện Trạng của những bậc cao niên trong làng và đã vẽ tranh minh hoạ cho những câu chuyện trạng ấy.

Đặc điểm của Trạng Vĩnh Hoàng là lớp từ cổ, từ địa phương pha từ đệm nghe rất hài như: hấy, há, đực bọ, lạo, ôốc doộc, ôông ngai. Như trong các truyện “Bắt bọp“, “Cây ớt“, “Ăn khoai lang nghẹn cổ“, “Cây khoai bò hai tỉnh”, “Đi câu cá đô”,… đã tạo nên đặc thù riêng cho Trạng Vĩnh Hoàng. Nhưng đến nay, do chịu ảnh hưởng chung của việc giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền nên những từ này ít được sử dụng. Do vậy anh Thanh đã phải rất vất vả để tìm hiểu ghi chép những từ này để làm sao giữ được nguyên bản chuyện Trạng Vĩnh Hoàng.
nguon-goc-trang-vinh-hoang
Sau 5 năm sưu tầm, anh Thanh đã và bỏ tiền túi ra xuất bản cuốn sách “Chuyện làng trạng Vĩnh Hoàng”. Cuốn sách do Nguyễn Văn Thanh sưu tầm và biên soạn bao gồm các câu chuyện Trạng được chia ra nhiều thời kỳ: Thời sơ khai, thời kháng chiến chống Pháp, thời kháng chiến chống Mỹ và Thời hòa bình. Cuốn chuyện Trạng Vĩnh Hoàng này đã được người dân làng Trạng Vĩnh Hoàng đánh giá cao.

Ông Trần Hữu Chư cho rằng việc anh Thanh về làng sưu tầm để cho ra một cuốn sách về Trạng Vĩnh Hoàng là một việc làm rất đáng trân trọng. Cuốn sách sẽ góp phần lưu truyền vốn văn hoá dân gian đặc sắc của người xưa để lại, giúp lớp trẻ hiểu hơn về Trạng Vĩnh Hoàng, góp phần bảo tồn vốn văn hoá dân gian của người Vĩnh Hoàng xưa.

Anh Thanh cho biết, trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục sưu tầm những chuyện Trạng Vĩnh Hoàng trong thời kỳ đổi mới và bổ sung thêm những chuyện Trạng cũ để tái bản. Trong cuốn sách tái bản, anh cũng sẽ đưa thêm những bức tranh của “lão nông” Trần Hữu Chư, người đã có hàng chục năm miệt mài vẽ những bức tranh minh họa cho chuyện Trạng Vĩnh Hoàng.

Dương Vương Lợi

Trạng Vĩnh Hoàng và những câu chuyện tiếu lâm đặc sắc ở Quảng Trị

Nghệ thuật kể chuyện Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng – Quảng Trị tuy cũng dùng biện pháp khoa trương, phóng đại, nhưng dựa trên cơ sở hiện thực như chuyện “Trâu đen trâu bạc” là để phóng đại dưa hấu ở Vĩnh Hoàng, chuyện “Mắc cọp mà cày” là để phóng đại việc người Vĩnh Hoàng ngày trước đi cày rất sớm và vùng này cũng nổi tiếng có nhiều cọp như ở Thủy Ba.
nguon-goc-trang-vinh-hoang-quang-tri
Về phương thức phóng đại, người Vĩnh Hoàng không dùng lối trực tiếp mà diễn tả bằng lối gián tiếp. Để chỉ quả dưa khổng lồ, họ không so sánh quả dưa đó với vật thể nào mà diễn đạt một cách thông minh hơn: dưa mà đạn bắn vào mắc kẹt không ra được, cả đàn quạ chui vào ruột khoét dưa ăn, rồi mang cả dưa lẫn quạ bay lên cao.

Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng đã nêu bật được bản sắc độc đáo của con người Việt Nam ở Vĩnh Hoàng. Tuy là truyện Trạng nhưng vẫn có giá trị hiện thực. Đây không phải là những truyện bông lơn, nói láo một cách hời hợt dễ dãi mà được xây dựng từ những thành quả lao động và chiến đấu. Giá trị ấy cần phải được khẳng định khi xét đến mối tương quan của nó với các loại truyện khác như Trạng Quỳnh, Trạng Lợn…

Một loại truyện khác mang tính chất vui tươi, hài hước, thú vị và nhẹ nhàng là các giai thoại dân gian. Phần lớn những giai thoại này xuất phát từ những cuộc hò đâm bắt, hò môi miếng. Có những giai thoại tập trung vào một nhân vật như thợ Thiềm. Thợ Thiềm được lưu truyền trong dân gian nhờ tài năng, sự thông minh nhanh nhẹn trong cuộc hò đối đáp, nhưng nhiều lúc, thợ Thiềm cũng phải chịu thua trước nữ nhi.

Vè là một thể loại kể chuyện bằng văn vần phổ biến ở Quảng Trị, phát triển mạnh vào thế kỷ XIX. Vè Quảng Trị cũng như các nơi khác, phần lớn là những bài có dung lượng vừa phải được sáng tác theo thể lục bát, hoặc tứ tự, song thất  lục bát. Một số bài nổi bật với nội dung mang tính xã hội sâu sắc. Đó là loại vè thế sự. Vè “Mẹ Hẹ” là một sáng tác độc đáo. Hình thức sáng tác gần như lối thoại kịch với lời đối đáp của hai nhân vật: cô Hẹ và quan huyện. Nội dung bài vè kể lại câu chuyện cô Hẹ vào tuổi xuân tình phơi phới đã bị quan huyện lừa phỉnh. Sau khi để lại một bầu thai cho cô Hẹ, quan huyện ấy đã tàn nhẫn đuổi cô Hẹ ra khỏi nhà. Cô Hẹ nuốt hận trở về nhà mẹ. Sau khi sinh nở, thấy cô vẫn còn xuân sắc, quan huyện lại giở trò tán tỉnh. Cô đã vạch trần thói bạc tình, bạc nghĩa của tên quan này bằng một ngôn ngữ cay chua, mang sắc thái địa phương đậm đà mà không phải bài vè nào cũng thể hiện được.

Cũng cần đề cập thêm một nội dung khác cũng khá phong phú của vè Quảng Trị, đó là vè kháng chiến. Cuộc kháng chiến chống ngoại xâm kéo dài bao nhiêu năm trên đất Quảng Trị khô cằn là đề tài cho hàng trăm bài vè phản ánh những nỗi khổ cực của người dân trong cuộc chiến tranh xâm lược, nêu bật tinh thần chiến đấu ngoan cường của nhân dân ở một vùng đất có truyền thống đấu tranh.

Nguồn: Website tỉnh Quảng Trị