Trạng Vĩnh Hoàng là một hiện tượng trào phúng độc đáo của văn học dân gian Quảng Trị, xuất hiện cách đây khoảng ba bốn trăm năm. Tuy nhiên, Trạng Vĩnh Hoàng đang có nguy cơ bị mai một vì hình thức kể chuyện truyền miệng. Trăn trở với sự mất dần của Trạng Vĩnh Hoàng, anh Nguyễn Văn Thanh, hiện công tác tại Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị đã cất công tìm tòi, nghiên cứu, ghi lại những chuyện Trạng để xuất bản một cuốn sách nhằm lưu giữ chuyện Trạng Vĩnh Hoàng.
Ông Trần Hữu Chư giới thiệu bức tranh mình vẽ minh hoạ cho chuyện Trạng Vĩnh Hoàng.
Trạng Vĩnh Hoàng bắt nguồn từ những sự việc thật, được người kể biến hóa bằng cách cường điệu, hư cấu một cách có lý, mang tính hài hước làm cho người nghe tưởng tượng, ngạc nhiên mà cười để quên đi những khó khăn, gian khổ. Ông Trần Hữu Chư, một trong hai người sưu tầm và kể được nhiều chuyện Trạng Vĩnh Hoàng nhất ở Vĩnh Tú cho biết: Trong chiến tranh, Vĩnh Linh là vùng tuyến đầu ác liệt nhất, đã phải chịu sức hủy diệt tới 7 tấn bom và 70 quả đạn trên một cây số vuông. Nhưng người Vĩnh Hoàng vẫn lạc quan và họ vẫn nói Trạng và kể chuyện Trạng trong sinh hoạt hàng ngày, trong các hội nghị của huyện, trong chiến hào, trên mâm pháo, dưới địa đạo.
Trăn trở trước sự mai một của chuyện Trạng, anh Nguyễn Văn Thanh đã cất công tìm về làng Trạng Vĩnh Hoàng để gặp các vị cao niên trong làng ghi lại những chuyện trạng. Anh Thanh vốn không phải là người quê Quảng Trị, nhưng sau nhiều lần được nghe kể chuyện Trạng Vĩnh Hoàng đã say mê chuyện Trạng. Năm 2007 anh đã quyết tâm tìm tòi, sưu tập để biên soạn một cuốn sách về chuyện Trạng.
Cả vùng Vĩnh Hoàng xưa giờ chỉ còn hai người biết nhiều và kể được chuyện Trạng Vĩnh Hoàng là ông Trần Hữu Chư và ông Trần Đức Trí. Do vậy, những ngày nghỉ, anh Thanh đi xe máy gần 40 km từ thành phố Đông Hà ra làng Huỳnh Công Tây, Vĩnh Tú để nghe kể và ghi chép lại những câu chuyện Trạng. Đặc biệt anh đã khai thác được khá nhiều chuyện Trạng từ ông Trần Hữu Chư, người trước đây đã từng có hàng chục năm ghi chép lại chuyện Trạng của những bậc cao niên trong làng và đã vẽ tranh minh hoạ cho những câu chuyện trạng ấy.
Đặc điểm của Trạng Vĩnh Hoàng là lớp từ cổ, từ địa phương pha từ đệm nghe rất hài như: hấy, há, đực bọ, lạo, ôốc doộc, ôông ngai. Như trong các truyện “Bắt bọp“, “Cây ớt“, “Ăn khoai lang nghẹn cổ“, “Cây khoai bò hai tỉnh”, “Đi câu cá đô”,… đã tạo nên đặc thù riêng cho Trạng Vĩnh Hoàng. Nhưng đến nay, do chịu ảnh hưởng chung của việc giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền nên những từ này ít được sử dụng. Do vậy anh Thanh đã phải rất vất vả để tìm hiểu ghi chép những từ này để làm sao giữ được nguyên bản chuyện Trạng Vĩnh Hoàng.
Sau 5 năm sưu tầm, anh Thanh đã và bỏ tiền túi ra xuất bản cuốn sách “Chuyện làng trạng Vĩnh Hoàng”. Cuốn sách do Nguyễn Văn Thanh sưu tầm và biên soạn bao gồm các câu chuyện Trạng được chia ra nhiều thời kỳ: Thời sơ khai, thời kháng chiến chống Pháp, thời kháng chiến chống Mỹ và Thời hòa bình. Cuốn chuyện Trạng Vĩnh Hoàng này đã được người dân làng Trạng Vĩnh Hoàng đánh giá cao.
Ông Trần Hữu Chư cho rằng việc anh Thanh về làng sưu tầm để cho ra một cuốn sách về Trạng Vĩnh Hoàng là một việc làm rất đáng trân trọng. Cuốn sách sẽ góp phần lưu truyền vốn văn hoá dân gian đặc sắc của người xưa để lại, giúp lớp trẻ hiểu hơn về Trạng Vĩnh Hoàng, góp phần bảo tồn vốn văn hoá dân gian của người Vĩnh Hoàng xưa.
Anh Thanh cho biết, trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục sưu tầm những chuyện Trạng Vĩnh Hoàng trong thời kỳ đổi mới và bổ sung thêm những chuyện Trạng cũ để tái bản. Trong cuốn sách tái bản, anh cũng sẽ đưa thêm những bức tranh của “lão nông” Trần Hữu Chư, người đã có hàng chục năm miệt mài vẽ những bức tranh minh họa cho chuyện Trạng Vĩnh Hoàng.
Dương Vương Lợi