Trung bình mỗi năm có từ 800-1.000 bệnh nhân đã sử dụng bài thuốc trị độc khi bị chó dại cắn của lương y Lê Văn Sơn, hầu hết họ đều được cứu sống. Trong số đó, nhiều người bị bệnh viện “chê” trả về, nhiều người nguy kịch, sùi bọt mép, phát điên, gầm rú… nhưng chỉ sau một vài ngày, thậm chí vài giờ đã được anh chữa khỏi.
Lương y Lê Văn Sơn nhận giải “Lương y tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng” (ảnh do nhân vật cung cấp).
Mục sở thị lương y trị độc dại
Chúng tôi tìm về nhà anh Sơn (thôn Thủy Tú 2, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), thầy lang có biệt tài chữa bệnh chó dại cắn. Vì không hẹn trước nên đến tận trưa chúng tôi mới có dịp ngồi trò chuyện cùng anh. Anh tâm sự: “Tôi là thế hệ thứ năm trong một gia đình có nghề thuốc gia truyền. Từ nhỏ đã được theo cha chữa bệnh và học nghề, lớn lên dù công việc bộn bề nhưng tôi vẫn dành thời gian chữa bệnh cứu người”.
Sinh năm 1966, là con thứ tám trong một gia đình có chín người con, năm 1987, sau khi xuất ngũ anh được cha truyền nghề. Sau bốn năm học lý thuyết, bước sang năm thứ năm anh mới được thực hành và đến năm 2001 anh chính thức trở thành một thầy thuốc chữa bệnh cho bà con trong chòm xóm. Những bệnh nhân ở địa phương khác nghe tiếng anh chữa bệnh giỏi cũng đã tìm đến.
Anh Sơn tâm sự: “Cha tôi trước đây cũng là một thầy thuốc Nam giỏi có tiếng, tôi được cha dạy cho rất nhiều bài thuốc và phương pháp trị bệnh hay. Tuy nhiên, tôi thấy thích thú và ham tìm hiểu về cách cứu chữa cho người bị chó dại cắn nhất, vì đây là bệnh thuộc nhóm nguy hiểm và cũng là bệnh mà tôi mất nhiều thời gian học tập, nghiên cứu nhất. Hơn nữa, do người bị chó dại cắn rất nguy hiểm tới tính mạng, nếu không được cứu kịp thời. Hiện tại, tôi vẫn tham gia công tác ở xã và làm nương rẫy nên khá bận, không thể đi lấy nhiều loại thuốc để chữa các bệnh khác được. Dự định sau khi nghỉ hưu, tôi sẽ có thêm thời gian tìm thuốc chữa tất cả những bệnh mà cha tôi từng dạy để chữa cho bà con”.
Không chỉ là một thầy thuốc, anh còn là một nông dân sản xuất giỏi, là Chủ tịch hội Nông dân của xã Vĩnh Tú. Công việc bận rộn, tất bật của một cán bộ, một nông dân với 6 sào tiêu, 2 ha cao su, 17 ha rừng tràm và một trang trại chăn nuôi lợn, gà, cá nhưng mỗi năm, vào mùa xuân anh đều dành thời gian cho việc đi hái lá thuốc phục vụ cho việc chữa bệnh của mình.
Bài thuốc kỳ diệu
Không có nhiều thời gian, không thể chữa hết tất cả những bệnh mà mình đã được học, anh chỉ chọn một vài bệnh như bệnh chó dại cắn và rắn cắn để nghiên cứu chữa chạy cho bệnh nhân.
Chó dại cắn là một trong những bệnh nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong cao cho con người nếu không được cứu chữa kịp thời. Vì vậy, việc chữa trị một cách nhanh chóng ngay sau khi bị chó dại cắn là việc cấp bách. Người bị chó dại cắn có biểu hiện qua từng ngày như sau: Ngày thứ nhất bệnh nhân bị đau đầu, sốt nhẹ; ngày thứ hai bệnh nhân có cảm giác tức ngực, nóng ở cổ, phát ho và biểu hiện hen. Đến ngày thứ ba, họ có cảm giác ngợp nước, sợ ánh sáng, sợ gió. Sang ngày thứ tư họ tru tréo, sùi bọt mép…
Người bị chó dại cắn, nếu kịp thời được đưa đến nhà anh Sơn trong ba ngày đầu thì tỉ lệ sống là 100%, qua đến ngày thứ tư thì tỉ lệ đó giảm xuống chỉ còn 50%, vì lúc này độc tố đã phát tán khắp cơ thể, các chất đề kháng trong người bị tổn hại nhiều, vi rút độc dại thắng thế. Tuy nhiên, diễn biến bệnh còn phụ thuộc nhiều vào sức đề kháng của nạn nhân. Anh Sơn chia sẻ: “Tùy sức đề kháng của từng người bị chó dại cắn mà sức sống và khả năng cứu chữa cao hay thấp. Những người sức khỏe tốt, sức đề kháng cao thì có thể chịu được bảy ngày, nhưng cũng có người chỉ sau một ngày bị chó dại cắn đã tử vong vì độc tố lan nhanh, tim mạch bị vỡ, tim gan nhũn…”. Đặc biệt, khi bị chó dại cắn nếu để bệnh nhân nằm yên không vận động nhiều và đến lấy thuốc kịp thời thì sớm được chữa lành.
Chẳng hạn như trường hợp của anh N.M.H. (ở cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị) bị chó dại cắn, bệnh viện Trung ương Huế trả về sau ba ngày nằm điều trị, người nhà anh H. tìm đến anh Sơn cầu cứu. Chỉ sau ba giờ chữa trị, anh Sơn khẳng định bệnh nhân đã được cứu sống trước sự vui mừng tột cùng của gia đình. Anh Sơn cho biết, dù độc tố đã phát tán nhưng do anh H. có sức đề kháng khá tốt nên mới được cứu chữa khỏi. Có nhiều trường hợp đến tìm anh khi bệnh nhân đã sùi bọt mép, người phát điên dại, co giật, rên rỉ, cào cấu nhưng đều được cứu sống bằng bài thuốc gia truyền mà cha ông để lại. Trường hợp nhẹ thì sau một vài giờ là hết, nặng thì vài ngày đến một tuần sẽ khỏi hẳn.
Bài thuốc mà anh dùng chữa trị cho mọi người là bài thuốc Nam, chủ yếu là từ các loại lá rừng. Các loại cây lá này đều dễ kiếm ở khu vực rừng núi trên địa bàn huyện Vĩnh Linh. Được biết, một liều thuốc đẩy độc toàn bộ trị chó dại cắn trọn gói là 500 nghìn đồng, một liều thuốc phòng bệnh dại có giá 200 nghìn đồng. So với điều trị bằng thuốc Tây, thì giá thuốc trị bệnh dại này hiệu quả và rẻ hơn rất nhiều.
Anh Sơn cho biết, hàng năm, mỗi khi Tết đến, xuân về, anh lại bắt đầu vào rừng lấy thuốc, sau đó về phơi khô dự trữ dùng cả năm cho khoảng 800 đến 1.000 ca bệnh. Người đến cầu cứu anh không chỉ từ các tỉnh vùng lân cận mà cả những người từ Kon Tum, Vũng Tàu, Bình Định, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ninh Bình… cũng nghe tiếng anh mà tìm về. “Đặc biệt, khó quên nhất là trong trận bão Hải Yến hồi tháng 10 năm ngoái, cả nhà tôi đang loay hoay lo chống bão thì có người tất tả đội mưa, đội gió từ Thanh Hóa vào xin thuốc cho người nhà. Tôi chỉ kịp hỏi tình hình người bị chó cắn qua lời kể của người đàn ông này rồi vội vã lấy thuốc, dặn dò cách uống. Người này cũng vội vã ra xe về nhà. Sau này người đàn ông đó có gọi điện thoại vào báo tin người nhà được cứu sống và cảm ơn nhưng tôi cũng quên hỏi tên”, anh Sơn kể lại.
Anh Sơn cho biết thêm, một số bà con kiều bào và người nước ngoài cũng lặn lội về đây tìm anh mong được cứu chữa. Riêng năm 2013, có sáu người Mỹ, một người ở Cộng hòa Séc, năm người ở Lào về đây xin thuốc. Một số người sinh sống ở Mỹ còn gửi cả thư và địa chỉ về nhờ ông gửi thuốc qua Mỹ. Gần đây nhất, có trường hợp một ca bệnh ở thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) bị chó dại cắn mà để quá lâu, được bệnh viện Trung ương Huế xác định phải thay máu mới cứu sống. Người nhà tìm ra nhà anh Sơn với chút hy vọng cuối cùng, kể lại tất cả biểu hiện và kết luận của bệnh viện. Anh Sơn lấy thuốc và dặn dò cách uống, đến nay bệnh nhân đã hồi phục mà không cần thay máu khiến người nhà rất vui mừng.
Lương y tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng.
Tháng 6/2014, lương y Lê Văn Sơn được hội Y học Cổ truyền Việt Nam trao tặng danh hiệu Lương y tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng lần thứ nhất. Trung bình mỗi năm, anh cung cấp cho bà con từ 800 – 1.000 liều thuốc trị và phòng bệnh dại khi bị chó cắn, cứu sống hàng trăm người từ lưỡi hái tử thần.
[nguon]Theo Lê Giang – Hằng Mai (ĐSPL).[/nguon]