Một nhà nọ có hai anh em họ Trần Hữu. Một hôm, có đoàn người miền biển lên mua tre về làm nêu đánh cá. Tre nằm cả lòi (bụi), cành cây quết cả vào nhau. Họ chặt mãi cả buổi mới được một cây tre. Sang cây thứ hai, cả hội xúm lại hô hè, hô hụi, lôi mãi mà cây tre vẫn cứ ỳ ra, không tài nào kéo ra khỏi lòi được.
Người anh họ Trần Hữu đi ngang qua thấy vậy liền vào kéo giúp. Ông cầm vào gốc tre, giật mạnh một cái, cây tre đã bay ra khỏi lùm và đứt làm đôi. Ông để phần gốc cho họ, còn phần ngọn ông đem về róc hết cành hết gai làm sào vịn tay đạp lúa. Ông giúp họ hạ hết cả lòi tre chỉ trong một nhoáng.
Cái sào tre hôm đó ông mang về được truyền từ đời này sang đời khác đến nỗi không cần sơn véc ni mà đã bóng nhoáng. Ngày giặc Pháp về càn quét, chúng đốt phá hết làng, cái sào mới không còn nữa.
Sức khỏe của trai họ Trần Hữu được đồn đại đi xa. Một hôm cũng có một người miền biển, gánh trên vai hai lu đại nước mắm, đi hàng chục cây số băng qua đồi cát đến làng. Người đó tìm hỏi đến nhà hai anh em trai Trần Hữu để thử sức. Lúc đó ông anh ở nhà còn ông em đang đi cày kẹ dưa ngoài động. Người khách nóng lòng muốn thử sức ngay. Ông anh liền bảo:
– Ông muốn thử sức thì ra đấu vật với thằng em tôi trước rồi vô đây thi với tôi chứ vội lo chi.
Người khách nghe lời ông anh tìm ra đến động, thấy ông em đang cày giữa vạt dưa. Ông khách tiến đến đòi thách đấu vật. Ông em thấy người khách có vẻ hợm hĩnh, lại gánh thêm hai lu đại nước mắm để thị uy. Ông em cũng không vừa, liền nói:
– Để tui cho trâu đi tắm đã rồi lên thử sức với bác.
Nói rồi, ông em mở trâu ra khỏi cày, hai tay nhấc bỗng cả con trâu lên vác đi thẳng một mạch xuống đập Ông Trùm để tắm. Người khách thấy vậy chột dạ lẩm bẩm. “Người em đã khỏe thế này mà lại còn ông anh nữa, sức ta đem so với họ e chẳng thấm tháp chi. Chi bằng trong lúc anh ta đang còn bận tắm cho trâu, mình chạy thẳng về nhà là hơn”.
Ông em tắm cho trâu xong lên lại chỗ vạt dưa thì không thấy người khách đâu nữa.
Trần Hữu Chư