Tất cả bài viết của Mr Bom

Đang chăn trâu, chặt chuối , cắt cỏ tại làng

Thôn 15 năm không rượu bia, thuốc lá

Từ đám cưới cho đến kỵ giỗ, lễ Tết, người thôn Cu Pua (huyện Đăkrông, Quảng Trị) chỉ mời nhau ly nước trà.

thon-15-nam-khong-uong-ruou

 Nhờ bỏ rượu, tích cực lao động nên Hồ Ê Nót vừa mua thêm được 3 con bò và một con dê. Ảnh: Hoàng Táo.

Thôn Cu Pua uốn lượn bên dòng sông mang cùng tên với xã Đăkrông (thuộc huyện Đăkrông, Quảng Trị). Là bản của bà con dân tộc thiểu số Vân Kiều, từ 15 năm nay, Cu Pua nổi lên như điểm sáng giữa núi rừng miền Tây Quảng Trị bởi không dùng rượu bia, thuốc lá trong cuộc sống và tiệc tùng.

Rót ly trà mời khách, anh Hồ Ê Nót nhớ lại những câu chuyện buồn ở Cu Pua hơn 15 năm trước. Thời đó, đàn ông trong bản đều sử dụng rượu bia và thuốc lá. Thậm chí, nhiều người còn lâm vào cảnh nghiện rượu.

Lấy bản thân ra làm câu chuyện minh họa, Hồ Ê Nót kể không ít lần đánh vợ con, có lần phải nhập viện rồi chính Nót lại đi thăm nuôi. “Mình đi làm về mệt mà vợ nó không cho tiền mua rượu nên đánh”, anh Nót ngại ngùng kể lại.

Cả bản triền miên trong cơn say, kinh tế gia đình đi xuống, cuộc sống bất hòa. Nhiều người trong bản còn gặp bệnh đại tràng, dạ dày và phổi vì hút thuốc, uống rượu. Cho đến một ngày, thấy đứa con thơ khóc ngặt nghẽo vì thiếu ăn trên căn nhà sàn, anh Nót sực tỉnh và hạ quyết tâm cai rượu.

Từ đó, Nót bỏ rượu, bỏ thuốc lá, phát triển kinh tế. Vừa là trưởng thôn, vừa là cán bộ y tế thôn bản, thấy cái lợi của việc bỏ rượu và thuốc lá nên anh Nót đi vận động, tuyên truyền để cả bản học theo. “Lúc đầu, bà con phản đối dữ lắm vì là con nghiện rồi, nhất là người già”, Nót kể về những khó khăn ban đầu khi vận động người dân bỏ rượu vào những năm 2000.

Trong gia đình, đám cưới của mấy người em, Hồ Ê Nót không dọn rượu bia, chỉ mời tiệc cà phê, trà và nước ngọt. “Rất khó để thay đổi bà con nhưng cũng phải làm, từ từ rồi bà con thấy cái lợi là theo mình thôi”, Ê Nót nói.

Bỏ rượu, khoản tiền dư ra dùng để mua mì tôm, thức ăn cho con cái. Sức khỏe dành để lao động trên nương rẫy. Gia đình Ê Nót dần trở thành điển hình về kinh tế trong thôn.

Ngoài vận động, già làng thôn Cu Pua lập ra “quy ước”, phạt mỗi người trong thôn uống rượu, hút thuốc 10.000 đồng. “Ban đầu chỉ nhắc nhở, nhưng tái phạm thì thôn nhất quyết thu tiền. Số tiền này cuối năm dùng để mua quà biểu dương những gia đình làm tốt việc nói không với rượu bia, thuốc lá”, trưởng thôn Cu Pua hiện nay Hồ Văn Thoi thông tin.

bai-tho-tac-hai-ve-ruou

 Bài thơ về tác hại của rượu do Hồ Ê Nót sáng tác để có động lực bỏ rượu. Ảnh: Hoàng Táo

Dần dà, bà con thấy Nót nói được, làm được, cơm ăn ngày ba bữa, vợ chồng đầm ấm nên thuận theo lời của Nót. Ông Hồ Văn Chước ở cạnh nhà anh Nót cũng thấy được cái ích lợi của bỏ rượu mà làm theo. “Không uống rượu thì gia đình không cãi cọ, không cờ bạc. Thanh niên thay vì uống rượu thì lên nương rẫy giúp vợ con, từ đó mà kinh tế gia đình khá giả hơn”, ông Chước nói.

Đến năm 2008, cả thôn Cu Pua không còn ai uống rượu, hút thuốc nữa, ngay cả tiệc cưới, kỵ giỗ hay lễ Tết đều chỉ dùng trà, nước ngọt hay cà phê để mời khách. “Bây giờ ngay cả việc gửi rượu trong nhà dân thôn Cu Pua cũng không được đồng ý, dù thuê họ tiền triệu đi nữa”, chị Hoàng Vân Trinh, cán bộ văn hóa xã Đăkrông cho hay.

Chủ trương không rượu bia, thuốc lá không chỉ thực hiện trong ranh giới thôn Cu Pua mà người Cu Pua khi ra ngoài vẫn phải nghiêm chỉnh thực hiện. Chị Hồ Kê Nít vừa lập gia đình rất phấn khởi kể: “Chồng không uống rượu thì yêu thương vợ con hơn, có thời gian làm việc nhà, cải thiện cuộc sống rất nhiều. Những lúc cãi nhau thì dùng lời nói để làm hòa”.

Nhờ kiêng rượu bia, chí thú làm ăn mà nay anh Hồ Ê Nót cùng với một người em trai gầy dựng lên đàn dê 50 con và hơn 10 con bò. Cả thôn Cu Pua với 61 hộ, 278 nhân khẩu thì nay đều có đời sống ấm no, sung túc. “Thôn chúng tôi đang phấn đấu vào câu lạc bộ 100 triệu”, trưởng thôn Hồ Văn Thoi cười nói và lý giải đó là mục tiêu thu nhập của một gia đình trong một năm.

Cán bộ xã Hoàng Vân Trinh khẳng định nhờ không rượu bia, thuốc là mà đời sống kinh tế Cu Pua ngày một nâng lên, xóa bỏ được nhiều tập tục lạc hậu. “Chúng tôi mong muốn những thôn khác cũng học tập Cu Pua để xã hội cùng đi lên, và tương lai nhân rộng mô hình này”, chị Trinh nói.

[nguon]Nguồn:http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thon-15-nam-khong-ruou-bia-thuoc-la-3310064.html[/nguon]

Khám phá thánh địa Công giáo nổi tiếng nhất Việt Nam

Ngày nay, La Vang là thánh địa hành hương quan trọng nhất của người Công giáo ở Việt Nam, với trên dưới nửa triệu người về hành hương mỗi năm.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-001

Nằm ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo phận Huế , Thánh địa La Vang là nơi hành hương quan trọng bậc nhất của người Công giáo Việt Nam. Các tín đồ Công giáo tin rằng, Đức Mẹ Maria đã hiển linh ở khu vực này vào năm 1798.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-02

Trung tâm của khu Thánh địa ngày nay còn lại di tích tháp chuông của Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang. Công trình này được xây dựng từ năm 1924 – 1929, đại trùng tu năm 1959. Vào mùa hè năm 1972, Vương Cung Thánh Đường đã bị hủy hoại do chiến tranh.

Thanh-dia-La-Vang-Quang-tri-03

Sự hình thành Thánh địa La Vang gắn một câu chuyện nhuốm màu huyền thoại . Các tín đồ ở gần đồi Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) từng đến vùng núi rừng La Vang, một nơi rừng thiêng nước độc trong hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu ăn, bệnh tật, sợ thú dữ.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-04

Các tín đồ chỉ còn biết phó thác số mệnh cho Thiên Chúa và Đức Mẹ. Họ thường tụ tập nhau dưới gốc cây đa cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-05

Một hôm, khi đang cầu nguyện, họ bỗng nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng Giêsu, có hai thiên thần chầu hai bên. Họ nhận ra đây là Đức Mẹ Maria. Đức Mẹ đã vỗ về, an ủi các tín đồ và dạy họ hái một loại lá cây có sẵn chung quanh đó, đem nấu nước uống để lành các chứng bệnh.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-06

Sau đó, Đức Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy để nâng đỡ và an ủi các tín đồ trong cơn hoạn nạn. Từ đó đến nay, sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại núi rừng La Vang, qua các thế hệ được loan truyền khắp nơi, và nhiều người chân thành tin tưởng, đến cầu khấn Đức Mẹ.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-07

Tại vị trí được cho là nơi Đức Mẹ hiện ra gần gốc cây đa cổ thụ, một tượng đài hoành tráng đã được xây dựng với hình tượng ba cây đa và Đức Mẹ La Vang ở chính giữa.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-08

Tượng Đức Mẹ La Vang cũng được đặt ở nhiều nơi trong Thánh địa. Đức Mẹ thường được thể hiện bằng hình ảnh một phụ nữ mặc áo dài Việt Nam bế đứa bé cũng mặc trang phục truyền thống Việt Nam.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-09

Phía trước di tích tháp chuông Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang là một quảng trường rộng. Hai bên quảng trường là Đàng Thánh Giá – một loạt gồm 14 tác phẩm điêu khắc, mô tả diễn tiến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, từ khi ông bị kết án đến khi bị đóng đinh trên thập giá và cuối cùng là an táng trong hầm mộ.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-10

Trong khuôn viên Thánh địa còn có giếng nước Đức Mẹ La Vang, nơi mỗi tín đồ khi tới đây đều uống một ngụm nước để tỏ lòng thành kính với Đức Mẹ. Nhiều tín đồ tin rằng nước giếng có khả năng chữa được bệnh tật trong cơ thể.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-11

Ngày nay, La Vang là thánh địa hành hương quan trọng nhất của người Công giáo ở Việt Nam, với trên dưới nửa triệu người về hành hương mỗi năm.

Thanh-dia-La-Vang-quang-tri-12

Vào năm 2008, Thánh địa được chính quyền tỉnh Quảng Trị cấp thêm 21 ha đất để phục vụ hoạt động tín ngưỡng của giáo dân. Năm 2012, Vương cung Thánh đường mới đã được khởi công xây dựng. Đây là ngôi thánh đường được thiết kế theo phong cách kiến trúc Á Đông, có sức chứa tới 5.000 người.

[nguon]Nguồn: http://kienthuc.net.vn/di-san/kham-pha-thanh-dia-cong-giao-noi-tieng-nhat-viet-nam-383781.html[/nguon]